Họp các đơn vị đồng chủ trì Hội thảo quốc gia tổ chức vào tháng 6/2019
Tự chủ đại học, sắp xếp lại mạng lưới giáo dục đào tạo…sẽ là các vấn đề rất thời sự được quan tâm thảo luận tại hội thảo do Hiệp hội chủ trì vào tháng 6/2019.
Ngày 11/4, tại trụ sở Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã diễn ra cuộc họp các đơn vị đồng chủ trì Hội thảo Quốc gia “Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh Tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các thập niên đầu của thế kỷ 21”.
Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam sẽ là đơn vị chủ trì hội thảo
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội nhấn mạnh, việc sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở đào tạo là một việc vô cùng quan trọng. Và Hiệp hội thấy cần có sự phối hợp của tất cả các bên liên quan tham gia Hội thảo.
Vì vậy, Hiệp hội đã mời Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam; Hội Khuyến học Việt Nam; Hiệp hội Vì Giáo dục cho mọi người Việt Nam; Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tham gia với tư cách đồng trủ trì.
“Chúng ta sẽ thống nhất ý kiến, nội dung hội thảo làm sao hội nghị sẽ đóng góp được các ý kiến xác đáng để cơ quan hoạch định chính sách tham khảo giúp việc sắp xếp được hiệu quả”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ nói.
Tại cuộc họp này, Hiệp hội đã thông báo về kế hoạch tổ chức hội thảo, các nội dung tập trung nhận báo cáo tham luận, các việc đã làm…
Dự kiến, Hội thảo sẽ tổ chức vào ngày 12/6/2019 tại Hội trường của trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Số lượng đại biểu tham dự khoảng 200 người.
Cũng tại cuộc họp, Tiến sỹ Lê Viết Khuyến – Trưởng Ban Hỗ trợ chất lượng Đại học của Hiệp hội nêu, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đang được triển khai mạnh mẽ.
Theo đó, quan điểm chỉ đạo của các Nghị quyết này là: (1) Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hoá, hiện đại hoá giáo dục và đào tạo.
(2) Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp.
Cụ thể, đối với giáo dục đại học, sẽ sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học hoạt động không hiệu quả. Sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, sẽ sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng, (bảo đảm) trên địa bàn cấp tỉnh chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập.
Hưởng ứng triển khai tiếp tục các nghị quyết 29-NQ/TW và 19-NQ/TW, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam sẽ phối hợp với một số đơn vị tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia trên.
Đây là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước cùng nhau nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ nhận thức và kinh nghiệm về phát triển giáo dục và đào tạo theo tinh thần của các nghị quyết 29-NQ/TW và 19-NQ/TW để từ đó kiến nghị lên Lãnh đạo Đảng và Nhà nước về hướng quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo của đất nước trong thời gian tới.
Các bài tham luận cho Hội thảo tập trung vào những vấn đề sau: Vai trò, đặc trưng và các thuộc tính của hệ thống giáo dục mở; Cơ cấu hệ thống giáo dục mở cho giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 29; Hệ thống các cơ sở giáo dục của Việt Nam để bảo đảm định hướng mở; Định hướng quy hoạch mạng lưới các cơ sở Giáo dục đại họcvà giáo dục nghề nghiệp cho Việt Nam đến năm 2030 theo tinh thần của Nghị quyết 19; Tương lai của hệ thống trường sư phạm địa phương; Cấu trúc tổ chức của các đại học đa lĩnh vực, học viện và trường đại học; Mô hình trường cao đẳng cộng đồng/đại học cộng đồng ở Việt Nam; Các loại hình cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp đáp ứng nhu câu nhân lực cho Việt Nam; Phân loại các cơ sở giáo dục theo thuộc tính sở hữu…
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo ông Đặng Quang Việt – Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương ông Phạm Văn Long – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo dạy nghề; ông Trương Anh Dũng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trực tiếp đóng góp ý kiến vào các nội dung của hội thảo.
Đồng thời, giới thiệu các chuyên gia để Ban Tổ chức mời viết báo cáo tham luận.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết sẽ hỗ trợ kinh phí để cùng chung tay với Hiệp hội tổ chức thành công hội thảo quan trọng này.
Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh, hội thảo đã đi vào các vấn đề cơ bản và mang tính thời sự rất cao.
Đặc biệt, thời gian qua, nhiều địa phương đã tiến hành sắp xếp, sáp nhập các cơ sở giáo dục.
Theo Chủ tịch Hiệp hội, Nghị quyết 19 tập trung vào việc sắp xếp lại hệ thống giáo dục đào tạo làm sao cho hiệu quả, ít tốn kém, giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách.
“Chúng ta có thể làm được điều đó bằng các cách khác nhau chứ không phải cơ sở đào tạo nào cũng nhập lại hết khi việc sáp nhập lại chưa có căn cứ hiệu quả. Một số địa phương tiến hành và đã nay sinh vấn đề.
Chúng ta khó khăn lắm mới xây dựng được một hệ thống cơ sở vật chất cả về giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông.
Không khéo nếu chúng ta sắp xếp co lại, dư ra một số cơ sở vật chất dùng cho việc khác. Nếu sau này, chúng ta cảm thấy thiếu thốn muốn lấy lại làm không phải dễ. Thực tế đã cho thấy điều đó.
Vì thế, chúng tôi rất mừng là các cơ quan liên quan đã nhiệt tình tham gia chỉ đạo và tham gia trực tiếp về nội dung.
Sản phẩm chúng ta chờ đợi Hội thảo là công trình khoa học tập hợp các công trình của các cá nhân. Đó sẽ là vốn quý để tham khảo cho những người hoạch định chính sách”.