Chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà trường

Ngày 07/03/2017

Bài chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà trường của bà Nguyễn Thị Hằng – Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Công nghệ TpHCM.

Chủ đề:

“QUẢN LÝ NHÀ TRƯỜNG TRƯỚC BỐI CẢNH CỦA CUỘC CÁCH CÔNG NGHIỆP 4.0 VÀ GIÁO DỤC TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ TP. HCM”

Nguyễn Thị Hằng

Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ TpHCM

1.  Đặt vấn đề

Trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên của nền công nghiệp thông minh và công nghệ IoT (Internet of Things, ứng dụng internet trong mọi lĩnh vực), thì giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng cần thiết phải điều chỉnh mục tiêu đào tạo phù hợp trước. Qua đó, công tác quản lý nhà trường đứng trước một cơ hội và thách lớn đối với việc đổi mới hoạt động đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020 đã xác định, đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề là giải pháp đột phá. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là chủ thể độc lập, tự chủ; người đứng đầu nhà trường phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải được đào tạo về quản lý giáo dục nghề nghiệp.

Vì vậy, việc “đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng, trình độ và chất lượng cao cho các ngành nghề, các thành phần kinh tế, nâng cao tiềm năng trí tuệ của đất nước” là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách của trường CĐN Kỹ thuật Công nghệ Tp. HCM trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

2.  Nội dung

2.1. Tổng quan về cuộc cách mạng công nghiệp

Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trải dài từ năm 1760 đến khoảng năm 1840, được bắt đầu bằng việc xây dựng các tuyến đường sắt và phát minh ra động cơ hơi nước, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại – kỷ nguyên sản xuất cơ khí.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai được bắt đầu vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, với sản xuất hàng loạt, được thúc đẩy bởi sự ra đời của điện và dây chuyền lắp ráp.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu vào những năm thập niên 1960 và thường được gọi là cuộc cách mạng máy tính hay cách mạng số bởi vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính (thập niên 1960), máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và Internet (thập niên 1990).

Ngày nay chúng ta đang ở giai đoạn đầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. FIR đã bắt đầu vào thời điểm chuyển giao sang thế kỷ này và xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số, đặc trưng bởi Internet ngày càng phổ biến và di động, bởi các cảm biến nhỏ và mạnh mẽ hơn với giá thành rẻ hơn, bởi trí tuệ nhân tạo và “học máy”.

quan ly nha truong 1

Hình 1. Các giai đoạn phát triển của công nghiệp

2.2. Công nghệ IoTs (Internet of Things) trong giáo dục

Cùng với sự phát triển mạnh của điện thoại thông minh, máy tính bảng, cảm biến không dây, … IoTs đang được xem là một giải pháp tối ưu trong việc tổ chức đào tạo qua internet. Qua đó, hình thức đào tạo linh hoạt thời gian, không gian học tập; nội dung, phương pháp đào tạo phù hợp với điều kiện và nhu cầu cá nhân. Các yếu tố của công nghệ IoTs được minh họa như hình 2.

quan ly nha truong 2

 

Hình 2. Các yếu tố cơ bản của công nghệ IoTs trong giáo dục [2].

Trong đó: với tính năng vượt trội, IoTs có khả năng linh hoạt quá trình học tập và cải thiện kết quả học tập cho người học thông qua các biện pháp sau [3]:

– Cho phép thời gian thật và những thông tin thiết thực vào trong quá trình học tập của người học, cũng như người học có thể thực hiện quá trình học tập trên lớp hoặc ngay tại nhà, thông qua các thiết bị không dây. Với các tài liệu học tập có khả năng sử dụng trực tiếp trên các thiết bị di động như giáo trình điện từ, phần mềm học tập, … giúp gia tăng tính hấp dẫn và mức độ tương tác trong học tập.

– Ứng dụng các video dạy học và E-Learning vào trong quá trình dạy học, cho phép người học chủ động lựa chọn không gian, thời gian, nội dung và phương pháp học tập phù hợp với nhu cầu cá nhân để có thể hoàn thành một khóa học. Đồng thời, người dạy cũng có thể hướng dẫn và đánh giá kết quả học tập trực tiếp cho từng cá nhân người học một cách trực quan và liên tục.

– Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cho phép người dạy có thể cung cấp tài liệu học tập cho người học và thu thập lại các kết quả của quá trình dạy học từ phía người học một cách liên tục và linh hoạt.

– Cho phép các thiết bị thông minh tham gia vào lớp học, người dạy – người học và người học – người học có thể chia sẻ, cộng tác với nhau trong suốt quá trình học tập.

2.3. Quản lý nhà trường trước bối cảnh phát triển của công nghệ IoTs tại trường CĐN Kỹ thuật công nghệ Tp. HCM

2.3.1. Quản lý theo hướng số hóa

– Chuyển các dạng dữ liệu truyền thống sang chuẩn dữ liệu trên máy tính và được máy tính nhận biết;

– Triển khai bài giảng điện tử, thư viện số;

– Mô phỏng chương trình, giáo trình của các nghề đào tạo: Tạo một mô hình của một hệ thống có sẵn trong thực tế để xác định và hiểu rõ những cấu tạo, nguyên lý hoạt động hệ thống.

quan ly nha truong 3

Hình 3. Một số hình ảnh của mô phỏng

2.3.2. Phát triển sàn giao dịch việc làm – dạy nghề

Việc ứng dụng internet để phát triển sàn giao dịch việc làm – dạy nghề nhằm kết nối Nhà trường – Doanh nghiệp – Học sinh, sinh viên được triển khai tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ TpHCM cơ bản đã giải quyết được CUNG – CẦU LAO ĐỘNG.

 quan ly nha truong 4

Hình 4. Sàn giao dịch việc làm và dạy nghề, trường CĐN KTCN Tp. HCM

2.3.3. Phát triển mô hình cung cấp thông tin thông qua SMS

Để học sinh, phụ huynh, giáo viên nắm bắt các thông tin kịp thời như: Điểm, lịch học, các thông báo, giảm chi phí cho nhà trường, đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục HS, SV.

 

quan ly nha truong 5

Hình 5.Mô hình cung cấp thông tin thông qua SMS

2.3.4. Quản lý hoạt động của nhà trường thông qua hệ thống camera

            Việc hình thành hệ thống camera để giám sát các hoạt động của trường là rất cần thiết, hiệu quả trong quản lý nhà trường. Công tác vận hành, giám sát qua hệ thống được phân cấp từ lãnh đạo đến cán bộ quản lý trực tiếp các bộ phận. Hệ thống camera được kết nối trực tiếp đến các thiết bị như: Laptop, điện thoại di động, giám sát được mọi lúc, mọi nơi.

quan ly nha truong 6

Hình 6. Giám sát các xưởng thực hành, cơ sở vật chất của trường

3.  Kết luận

Trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng công nghệ IoTs trong giáo dụcphát triển mạnh mẽ như hiện hay đã đặt ra cho các trường nói chung và Trường CĐN Kỹ thuật Công nghệ Tp. HCM những cơ hội và thách thức rất lớn trong đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hình ảnh, thương hiệu của trường. Do vậy, để phát triển, ổn định trong bối cảnh này, công tác quản lý nhà trường cần thay đổi tư duy theo xu hướng công nghệ,nhằm nắm bắt nhanh và thực sự làm chủ các công nghệ hiện đại ứng dụng trong quản lý hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. https://www.abiresearch.com.

[2]. https://atabhagwat.files.wordpress.com/2014/07/iot-in-education.

[3]. Joe Peters (2016), The use of the Internet of Things in education is expected to increase dramatically, www.geektime.com/.

[4]. Hannah Augur (2015), IoT in Education: The internet of school things, http://dataconomy.com/.

[5]. Michelle Selinger, Ana Sepulveda, Jim Buchan (2013), Education and the Internet of Everything, Cisco Consulting Services and Cisco EMEAR Education Team