Phát biểu của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc

Ngày 29/05/2018

Kính thưa Giáo sư Trần Hồng Quân và các quý vi đại biểu dự hội thảo !

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT tôi cám ơn các thầy cô, các nhà khoa học đã tham gia hội thảo “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan tổ chức hôm nay.

Kỷ yếu hội thảo chuẩn bị công phu, rất đồ sộ, chứng tỏ các thầy cô hết sức quan tâm chủ đề này.

Xin thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo cảm ơn Hiệp hội Các trường Đại học Cao đẳng Việt Nam đã dày công chuẩn bị và quyết tâm tổ chức hội thảo có ý nghĩa này, với chủ đề rất quan trọng hữu ích đối với hệ thống giáo dục nước ta.

 

Tôi xin chia sẻ với các đại biểu, trước khi nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi đã có 5 năm làm Phó Hiệu trưởng và 4,5 năm làm Hiệu trưởng Trường Đại học mở Thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn 9 năm làm lãnh đạo trường đại học mở, tôi rất thấm thía và tâm đắc với những nội dung, những việc mà các thầy cô, nhà khoa học chia sẻ tại hội thảo ngày hôm nay.

Trước hết, tôi muốn chia sẻ một vài suy nghĩ về đại học mở.

Đây là chia sẻ của bản thân, từ kinh nghiệm của bản thân, từ những cái nhìn thực tế trong công tác quản lý điều hành nhà trường trong những năm qua.

Tôi muốn chia sẻ để gắn trách nhiệm của bản thân với trách nhiệm  Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, với các anh em cán bộ chuyên viên cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, và cán bộ giáo viên trong toàn ngành Giáo dục để cùng có trách nhiệm phát triển hệ thống giáo dục của chúng ta thật tốt đẹp, trong đó có giáo dục mở.

Về giáo dục mở, theo một nghĩa nào đó thì nó đã phát triển từ rất lâu. Từ khoảng ba đến bốn thập niên trước, UNESCO đã có định nghĩa khái quát về giáo dục mở.

Hiện có nhiều khái niệm khác nhau, chưa có khái niệm chung, theo tôi có lẽ khái niệm của UNESCO là được dùng nhiều nhất. Họ cho rằng, hệ thống giáo dục mở là hệ thống trong đó xóa bỏ mọi rào cản để phát triển giáo dục, để mọi người có thể tiếp cận giáo dục.

Với khái niệm rộng như vậy, nhìn chung đa phần hiện nay thừa nhận khái niệm này. Trên cái nền rộng như vậy, tôi muốn chia sẻ với các thầy cô về đặc điểm giáo dục mở, về phát triển giáo dục mở từ xa xưa đến nay.

Giáo dục mở mang những đặc điểm chính là ở bất cứ đâu, thời gian nào, không phân biệt đầu vào, đều được tạo điều kiện để tiếp cận giáo dục.

Giáo dục mở ở đây là mở cả về hình thức, nội dung, phương pháp, cả không gian, thời gian để mọi người muốn học tập đều có thể được học tập.

Ở đây có hai nhánh lớn.

Một là, học không lấy bằng. Thực ra, từ khi còn nhỏ tuổi chúng ta đã tự học, cho đến khi gần đất xa trời chúng ta đều tự học. Phần này mang ý nghĩa rộng và quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Hai là, học để lấy bằng. Trong bối cảnh hiện nay học để lấy bằng cấp, chứng chỉ là quan trọng và phổ biến. Đối với nhiều nước trên thế giới, họ nghiên cứu và cải tiến làm sao quá trình này diễn ra thuận lợi nhất, nhưng phải đảm bảo mặt bằng chất lượng.

Xem xét theo vấn đề đó, sáng nay Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã trao đổi với hội thảo của chúng ta rồi.

Trong lịch sử, cha ông ta học theo giáo dục mở từ lâu.

Thời phong kiến, cha ông chúng ta cũng học theo giáo dục mở, chủ yếu là tự học. Trò tìm học một thầy đồ nào đó có uy tín, rồi đến kỳ thì ra thi hương, thi hội, thi đình. Theo nghĩa nào đó là học mở không phải trường chính thức, không điểm danh, không ghi sổ đầu bài. Thực tế từ xưa thế giới đã dạy và học theo hướng giáo dục mở. Sau khi giành độc lập, Bác Hồ đề ra phong trào “bình dân học vụ” cũng là giáo dục mở. Như vậy, giáo dục mở đã có từ xa xưa, đến nay vẫn tồn tại và phát triển.

Mới đây, tôi dự một hội thảo tại Ấn Độ, họ nêu ra hệ thống giáo dục cá thể hóa. Có những phần mềm giúp nhận biết rõ từng người học, trên cơ sở đó thiết kế riêng cho từng cá nhân chương trình học sao cho hiệu quả nhất. Người học được phát hiện những phẩm chất năng lực tiềm ẩn trong mỗi người để tương ứng là tìm chương trình phương pháp học tập phù hợp.

Tôi cũng có dịp trao đổi với cô Hiệu trưởng đại học mở ở Anh, cô cho rằng ở nước Anh, giáo dục mở là cái gì đó diễn ra hàng trăm năm trước.

Nước Anh từ thời họ còn đi xâm chiếm mở rộng địa bàn, tức thời chủ nghĩa thực dân, người Anh đi hàng năm trời sang nước khác. Khi đi, người ta đăng ký học một trường nào đó rồi mang theo tài liệu tự học, khi về cần  lấy bằng cấp thì chỉ cần tới trường đó để xác nhận trình độ, rồi lấy bằng cấp. Như vậy, học mở đã có từ lâu.

Nhưng lý do mấy chục năm gần đây, giáo dục mở được nhấn mạnh là vì giáo dục gắn liền với sự xuất hiện của tiến bộ khoa học kỹ thuật, của công nghệ hiện đại, làm cho việc dạy và học tập nhờ sự tiến bộ khoa học kỹ thuật mà nó trở nên hiệu quả, nhanh chóng hơn. Nhất là từ vài năm gần đây được nhấn mạnh hơn và giáo dục mở đang được hình thành có hệ thống.

Tại sao nước Anh hình thành đại học mở và phát triển mạnh được? Ngay từ năm 1969 giáo dục mở của họ triển khai chủ yếu qua đài phát thanh và đài truyền hình. Họ phát triển hệ thống học liệu rất lớn để phục vụ cho giáo dục mở. Việc dùng đài phát thanh và truyền hình để mang giáo dục đến với số lượng đông đảo người dân thì chắc chắn chi phí thấp, có hiệu quả và chất lượng.

Ngay cả trong giáo dục truyền thống chi phi cao, nhưng nếu có sự áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ vào giáo dục thì việc cung cấp kiến thức đến mọi người cũng sẽ hiệu quả, giảm chi phí.

Đó là ưu điểm rất tốt khi áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc cung cấp kiến thức, thúc đẩy phát triển giáo dục mở, mà giáo dục từ xa là một phương thức được nhấn mạnh trong giáo dục mở.

Trong 20 năm gần đây, với sự phát triển của internet và công nghệ thông tin, giáo dục mở phát triển rất nhanh, phương thức giáo dục đào tạo qua mạng được chú trọng, cùng với đó là hệ thống học liệu đủ lớn.

Tôi có tham gia hai hội thảo ở Pháp và Ấn Độ bàn về vấn đề công nghệ và giáo dục từ xa. Thế giới đang có bước chuyển nhanh chóng như vậy.

Trước đây, giai đoạn trước phát thanh truyền hình, rồi đến internet online, nhưng đến giờ này người ta thiết lập được một hệ thống phức tạp hơn nhiều, hệ thống đó được đánh giá là cá thể hóa đến từng người học.

Quá trình từ người thầy làm trung tâm, chuyển sang người học làm trung tâm và đang chuyển sang quá trình cá thể hóa đến từng người học. Với một hệ thống phần mềm, hệ thống học qua online, rồi trí tuệ nhân tạo, nhờ đó mà có thể biết rất rõ đặc điểm từng người, từ đó tự động hệ thống sẽ thiết lập gói học tập cho từng cá nhân một.

Các nước đang phát triển mạnh giáo dục mở, làm thay đổi căn bản việc học tập trong tương lai.

Tức là, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, của phần mềm thông minh thì bất kỳ cá nhân nào trong tương lai, với năng lực như thế nào với phần mềm máy tính thông minh, trí tuệ nhân tạo cũng giúp nhận ra phẩm chất tiềm ẩn của cá nhân đó để thiết lập chương trình học tập giúp phát huy năng lực của từng cá nhân đó.

Hiện nay các trường ở các nước phát triển mạnh về cái này.

Về tình hình phát triển giáo dục mở ở Việt Nam.

Việc thành lập hai trường đại học mở ở hai đầu đất nước cho thấy nhận thức được tầm quan quan của giáo dục mở đối với sự phát triển nền giáo dục của nước ta. Chúng ta đã có chủ trương về giáo dục mở, nhưng từ đó đến nay, do khó khăn, nên đầu tư cho giáo dục mở còn ít. Hai đại học mở đến nay vẫn đang bám vào các kế hoạch được đề ra từ những năm trước đây, nên chưa có gì bứt phá.

Từ đó đến nay, do điều kiện khó khăn nên việc đầu tư cho giáo dục mở chưa được nhiều nên không theo kịp các nước.

Hiện nay, đối với hai trường đại học mở hệ thống đào tạo online hai trường cũng đi đầu việc này và hai trường cũng có xây dựng kế hoạch phát triển trong tương lai.

Về chủ trương và chính sách chung cho giáo dục mở, hiện nay đã có chủ trương, sắp tới sẽ ban hành. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì việc sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học, nên chúng tôi rất chú ý đưa vấn đề giáo dục mở.

Luật Giáo dục có liên quan đến giáo dục mở thì cũng đã có những điều chỉnh lại, theo hướng tiếp cận với thông lệ thế giới. Để làm sao sau này luật chỉ quy định nguyên tắc chung, đến khi triển khai Nghị định, Thông tư về những vấn đề thực tế, thì theo hướng bắt kịp với thế giới.

Trong Luật Giáo dục đại học cũng vậy, liên quan đến đào tạo chính quy cũng có điều chỉnh theo hướng mở. Ví dụ, nếu quy định 100% sinh viên hệ chính quy phải học ở trường có nên không? Chắc là không nên mà cần khuyến khích học online, tự học.

Hiện nay, qua qua khảo sát gần như các nước phát triển, trong đó có ở Mỹ có 80-90% nội dung chương trình được dạy chính quy truyền thống, còn lại học online. Về mặt bằng kiến thức chất lượng như nhau.

Những vân đề này chúng ta cần chú ý khi sửa Luật, Nghị định, Thông tư. Xu thế thế giới như thế nào nước ta cố gắng theo kịp, và triển khai càng nhanh càng tốt.

Có điều may, khi tôi sang thăm các đại học mở ở Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, giai đoạn đầu họ đầu tư hệ thống học liệu rất tốt cho hệ thống học qua phát thanh, truyền hình. Đầu tư này khá tốn kém.

Sau họ khuyên nước mình đi sau nên đầu tư thẳng vào đào tạo giáo dục online. Đầu tư này không tốn kém như đầu tư vào phát thanh, truyền hình trước đây.

Chính điều này mở ra triển vọng. Trong đề án xã hội học tập, đề án công nghệ thông tin đã mở ra cánh cửa rất lớn đối với giáo dục mở của nước ta.

Tại các nước phát triển, ở phổ thông họ cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ học online, coi đây là phương thức bổ sung mạnh mẽ cho dạy học truyền thống.

Đây là vấn đề trong quá trình thay đổi luật, nghị định, thông tư, dự án về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện.

Thưa các vị đại biểu, thầy cô, nhà khoa học !

Hiện nay thế giới đang thay đổi rất nhanh, chúng ta cần nỗ lực, cần học hỏi thế giới, tiếp thu những tiến bộ của giáo dục thế giớ để chúng ta xây dựng hệ thống giáo dục của mình thật tốt.

Chúng tôi rất mong muốn các thầy cô trong Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam, các nhà khoa học, các đơn vị giáo dục, cơ sở nghiên cứu tiếp tục cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực nghiên cứu, tìm tòi và áp dụng kết quả đó vào giáo dục nước mình  sao cho tốt nhất, hiệu quả nhất.

Gần đây có ý kiến cho rằng, trường đại học càng ngày càng có vai trò quan trọng trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, gần 1.000 năm qua, khi trường đại học đầu tiên của Việt Nam ra đời, thì giáo dục đại học vẫn là thầy giáo – bảng đen – phấn trắng – học trò. Thì nay, với cách mạng 4.0 và công nghệ thông tin, tôi tin rằng, lịch sử  sẽ chứng kiến sự thay đổi rất lớn về phương thức giáo dục, thay đổi rất mạnh mẽ, đặc biệt là sự thay đổi ở các trường đại học, có những cái đột phá mà ta chưa từng thấy.

Vừa rồi, khi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc, ông chia sẻ rằng, nước họ đang phát triển mạnh mẽ cách học online. Hiện nay tại Hàn Quốc có 21 trường đại học ảo, với quy mô sinh viên lên tới 110.000 em và đang có chiều hướng tăng lên đều đặn.

Tại nước Úc thì họ cũng cho biết, người Úc học qua mạng  khá nhiều. Các chứng chỉ của khóa học ngắn hạn được nhiều người ta ưa thích, họ học qua mạng là chủ yếu. Tranh thủ lúc nào có thời gian là học lúc ấy. Khi cần chứng chỉ như lái xe, hay kế toán …, thì họ đến trung tâm và thi để lấy chứng chỉ.

Cuộc sống luôn thay đổi và đòi hỏi phải đổi mới.

Sự tiến bộ của Internet và trí tuệ nhân tạo đã mở ra một xã hôi học tập thực sự, học suốt đời. Khi người ta cần cái gì thì học cái đó, và mỗi người thường xuyên rất cần bổ sung kiến thức mới, do đó cần học suốt đời. Chúng ta cần phải tạo ra hệ thống giáo dục mở thì mới đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người. Hệ thống đó làm sao để người dân có nhu cầu học thì đáp ứng được, thuận tiện,, linh hoạt, hiệu quả, góp phần mở ra một xã hội học tập, học suốt đời, mang lại lợi ích cho mỗi người, cho xã hội.

Để được như vậy, chúng ta cần nỗ lực, các nhà khoa học cần phải say mê nghiên cứu và đóng góp cho sự nghiệp chung. Còn phía Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lắng nghe và tiếp tục đổi mới căn bản để phát triển giáo dục Việt Nam lên tầm cao mới.

Tôi xin chia sẻ, đến lúc này, hội thảo của chúng ta đã thành công tốt đẹp.

Xin cảm ơn các vị đại biểu, các thầy cô và các nhà khoa học !