Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Tại Hội thảo “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế”
Thưa các đồng chí,
Trước hết thay mặt Chính phủ, tôi hoan nghênh Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và các cơ quan, tổ chức đã phối hợp tổ chức hội thảo này, Hội thảo về “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế”.
Đây đúng là hội thảo quốc gia đầu tiên, được tổ chức với tiêu đề về “hệ thống giáo dục mở”.
Tuy nhiên, đây không phải là hoạt động đầu tiên về xây dựng hệ thống giáo dục theo hướng mở, theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng.
Tôi xem các tham luận hôm nay đã in trong 2 tập sách kỷ yếu này, và nghe các nhà khoa học phát biểu tại hội trường, cả ý kiến khi thảo luận, nhiều nghiên cứu công phu, nghiêm túc, rồi có cả đề xuất, kiến nghị, tất cả sẽ rất quý giá đối với công tác hoạch định chiến lược. Chúng tôi rất cảm ơn và tiếp thu những ý kiến xác đáng trong quá trình xây dựng chính sách.
Hôm nay, tại hội thảo về hệ thống giáo dục mở này, tôi thấy các nhà khoa học tham luận nhiều vấn đề khác nhau, phân tích nhiều góc độ khác nhau. Từ khái niệm, triết lý, câu chữ, nhận xét tình hình trong nước và nước ngoài về giáo dục mở, để từ đó đưa ra các khuyến nghị.
Tôi không phải là nhà khoa học về giáo dục, cũng không phải là thầy giáo để có thể trao đổi với các đồng chí tại diễn đàn này, tôi đứng trên góc độ của cơ quan Chính phủ, tôi có mấy ý kiến sau:
Thứ nhất, chúng tôi rất mong các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tranh luận để làm rõ hơn các vấn đề về giáo dục mở cho chính xác hơn, cập nhật hơn. mang tính khoa học, thậm chí triết lý về giáo dục mở, định nghĩa, khái niệm có liên quan. Đây là câu chuyện cần bàn và vừa bàn vừa làm ngay. Ý tôi muốn nói, chúng ta không đợi đến khi đưa ra định nghĩa đúng đắn rồi mới làm, mà vừa làm vừa tranh luận. Không phải nếu chúng ta không thấm nhuần những góc độ này thì chúng ta không làm.
Bởi lẽ cuộc sống không đợi chúng ta. Ví dụ, mặc dù đến nay vẫn còn nhiều tranh luận liên quan đến triết lý giáo dục của nền giáo dục Việt Nam, nhưng không có nghĩa giáo dục Việt Nam không tiếp tục phát triển.
Do đó việc tranh luận khoa học, tìm tòi triết lý … vẫn cứ tiếp tục, nhưng không đồng nghĩa chúng ta không làm những việc mà đã thấy đúng rồi. Nhất là những gì đã trở thành xu thế của thế giới, của thời đại thì chúng ta phải theo. Chúng ta không thể cứ dựa vào tình hình Việt Nam đang thế này, rồi đưa ra những mô hình không theo đúng xu thế. Tinh thần chung chúng ta được quán triệt như vậy.
Tôi không tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học, nhưng khi tham gia vào hoạch định chính sách, trong quá trình xây dựng và thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành trung ương Khóa XI, Chính phủ đã bàn về giáo dục mở, trong đó có việc xây dựng xã hội học tập.
Trong quá trình bàn thảo, có một số thông tin sau, tôi xin cung cấp lại cho các vị đại biểu hôm nay:
Như chúng ta đã biết, phong trào “bình dân học vụ” xuất hiện ngay từ khi đất nước giành được độc lập năm 1945. Bình dân học vụ chính là cũng làm giáo dục theo hướng mở.
Hơn nữa, chúng ta đã hình thành rất sớm 2 Viện Đại học mở, từ năm 1993 (Viện Đại học mở Hà Nội, Viện Đại học mở bán công Thành phố Hồ Chí Minh).
Và không phải đến Nghị quyết 29 mới nói tới “giáo dục mở”, mà tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ năm 2006 đã xác định rất rõ “chuyển dần giáo dục hiện tại sang hệ thống giáo dục mở”. Từ khi ban hành Nghị quyết 29 Khóa XI đến nay, ngay sát lúc làm Nghị Quyết 29 thì Chính phủ đã phê duyệt đề án Chương trình xây dựng xã hội học tập, hoàn toàn theo tinh thần giáo dục mở.
Sau đó khi thực hiện Nghị quyết 29, chúng ta đã ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ giáo dục quốc gia Việt Nam. Đây là hai văn bản về giáo dục căn bản và hoàn toàn theo đúng hướng mở.
Rồi chúng ta ban hành hàng loạt đề án như: Đề án đào tạo từ xa; Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; Đề án tăng cường dạy ngoại ngữ …và gần đây nhất Chính phủ đã có quyết định thành lập Đề án “Xây dựng hệ tri thức Việt số hóa” trong đó xây dựng toàn bộ tri thức của mình không những là học liệu cho các trường đại học, mà còn xây dựng cho mọi người tự học để nâng cao trình độ. Đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, khi đó là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nắm rất rõ điều này.
Khi mới giành độc lập, Bác Hồ nói: “Phải diệt giặc dốt bằng bình dân học vụ” . Bây giờ bước vào thời đại cách mạng 4.0 thì chúng ta phải “xóa mù” về tri thức công nghệ.
Những đề án cụ thể nêu trên đã hoàn toàn tiếp cận theo hướng giáo dục mở như UNESCO khuyến nghị. Do đó, thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh thực hiện các đề án này, triển khai cho thật tốt.
Thứ hai, chúng ta nói nhiều về vai trò của giáo dục từ trước đến nay, đặc biệt là giáo dục trong cuộc cách mạng 4.0.
Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, vai trò giáo dục Việt Nam rất quan trọng, phải đi trước một bước. Tuy nhiên làm giáo dục thì rất khó, giáo dục phải nhìn xa và lâu dài, “vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Tôi hiểu trong câu nói đó có một ý tứ sâu xa nữa, là trồng cây thì chúng ta có thể sớm được thu hoạch, được hái quả, có thể chỉ trong mấy tháng, mấy năm; còn trồng người thì lâu hơn, giáo dục hôm nay không thể nay mai có được kết quả ngay và nhìn thấy được, mà nó có “độ trễ” tùy thuộc vào tình hình chung của đất nước. Cho nên chúng ta phải đi trước một bước.
Thưa hội nghị,
Tất cả chúng ta, kể cả tôi cũng chưa hài lòng với kết quả, với chất lượng giáo dục của đất nước mình. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận trong bối cảnh chung, và nhìn vào thực tế trong mối tương quan với trình độ phát triển các mặt của đất nước mình. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đứng 125 trên thế giới, chỉ số phát triển nguồn nhân lực đứng thứ 120, các chỉ số so sánh chung đứng hàng trung bình trên thế giới. Nhưng về chính phủ điện tử ta đứng thứ 80. Theo một trong những bảng xếp hạng giáo dục mà chúng ta nhắc tới là PISA, thì những năm gần đây, khiêm tốn mà nói, giáo dục Việt Nam cũng đứng thứ gần 50. Đó là điều đáng tự hào. Không phải ngành nào cũng đạt được như vậy. Và chỉ số sáng tạo lần đầu tiên Việt Nam đứng thứ 47.
Tuy nhiên, giáo dục đại học còn yếu, nhìn chỉ số xếp hạng các trường đại học hàng đầu trên thế giới, top 300- 500 trường châu Á, thì chúng ta chí có vài trường. Số công trình khoa học, bài báo khoa học đăng các tạp chí thế giớ thì kém rất xa. Việt Nam có 3 tạp chí xếp hạng Scopus, nhưng không có tạp chí nào của trường đại học, mà đều là tạp chí của viện.
Do đó, các tổ chức quốc tế kiến nghị giáo dục phổ thông Việt Nam cần tiếp tục đổi mới. Với phổ thông, phải đổi mới cơ chế quản lý, quản trị nhà trường, cần tập trung cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những nơi này giáo dục phổ thông của chúng ta đang còn yếu.
Các số liệu chỉ ra cho thấy, học sinh tốt nghiệp cấp Tiểu học, hầu hết tiếp tục chuyển lên học Trung học cơ sở, nhưng tỉ lệ học lên Trung học cơ sở có xu hướng giảm ở một số vùng. Đặc biệt chúng ta phải thừa nhận là giáo dục đại học còn yếu. Trong khi lẽ ra giáo dục đại học cần phải đi trước. Vì thế chúng ta cần kiên trì, kiên quyết đưa tự chủ đại học vào hành lang pháp lý, tạo sức ép buộc các trường phải tiến tới tự chủ. Khi tự chủ rồi thì các trường buộc phải tìm cách tháo gỡ các rào cản, đổi mới quản lý để hoạt động, trong đó các giải pháp như các tham luận có nêu.
Thứ ba, tập trung đổi mới giáo dục đại học, một trong chìa khóa là tăng cường tự chủ. Đổi mới cơ chế quản lý trong trường đại học.
Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Nghị định trong đó phát huy tự chủ, huy động tập thể giáo viên, phụ huynh, học sinh sinh viên cùng tham gia quản trị nhà trường phổ thông.
Thứ tư, bàn về giáo dục mở thì chắc có nhiều việc phải làm. Nhưng theo tôi, trước hết cần nhận diện tất cả những rào cản vô hình và hữu hình. Theo tinh thần hệ thống giáo dục mở là các rào cản đó phải được gỡ bỏ một cách kiên quyết. Có rất nhiều dẫn chứng về rào cản mà chúng ta cần tháo gỡ. Ví dụ về địa điểm đào tạo, về chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành, mở nghề, đầu vào, đầu ra,… nếu kể hết thì nhiều lắm. Có những vướng mắc nhìn thấy rõ, có cái khó nhìn ra, thậm chí có cái tưởng không vướng mà lại vướng. Chẳng hạn, tại sao Cục Khảo thí phải chứng nhận bằng cấp cho từng trường, kể cả các trường nổi tiếng trên thế giới ? Chúng ta cần kiên quyết dỡ bỏ, đó là cách tiếp cận căn bản của giáo dục mở.
Việc cần làm ngay,
Đó là việc làm thiết thực, phải tập trung kêu gọi các trường xây dựng hệ thống học liệu mở. Hiện có nhiều chương trình rồi, trước hết giao cho các trường đại học làm, kêu gọi trên tinh thần trách nhiệm cộng đồng, chia sẻ nguồn tài nguyên học liệu của mỗi trường cho cộng đồng. Kêu gọi cộng đồng việt hóa các tài liệu học tập, không phải chỉ dịch đơn thuần, mà còn cải biến nó từ quốc tế để đưa vào Việt Nam.
Chính phủ, Bộ Khoa học – Công nghệ cùng các nhà mạng lớn tham gia cung cấp hạ tầng cho nguồn học liệu mở, từ đại học xuống tới tận phổ thông. Việc này chúng ta làm được sẽ có tác dụng rất thiết thực.
Và khi cuộc cách mạng 4.0 về quốc gia khởi nghiệp nhưng hãy bằng những thứ thiết thực là kiên quyết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tất cả đời sống xã hội trước hết giáo dục, chính sách phát triển viễn thông sao cho các nhà khoa học ứng dụng công nghệ thông tin giáo dục hướng tới giáo dục cá nhân học trên điện thoại di động, mọi người đều học được.
Cuối cùng, ở đây chúng ta đang nói nhiều tới giáo dục mở mà người học được cấp bằng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhưng chúng ta chưa nói đến giáo dục mở mà không nhất thiết phải cấp bằng, đó là giáo dục mở trong toàn xã hội, từng người dân phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ, bổ sung kiến thức, hoàn thiện tay nghề.
Cuối cùng, đây không phải chỉ là công việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Hiệp hội, của các cơ sở giáo dục, mà là công việc của toàn xã hội. Bởi vì, không chỉ chính sách xóa bỏ rào cản, mà tới đây không phải chỉ tháo gỡ trong sưa đổi 2 bộ luật (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học), mà còn là xã hội học tập, mọi người cũng cần nhận thức đầy đủ về học tập suốt đời, bây giờ không phải học chỉ để lấy bằng, mà học để biết, để làm việc, để sáng tạo ra tri thức mới, để sống tốt hơn và đóng góp cho xã hội phát triển.
Tôi mong các nhà khoa học hãy cùng nhau nhân lên khát vọng là Việt Nam không phải là dân tộc dốt. Chừng nào khát vọng được nung nấu thì chúng ta mới phát triển được.
Chúng tôi tiếp thu nghiêm túc các khuyến nghị của hội thảo này. Nếu có gì cần trao đổi lại chúng tôi sẽ trao đổi thêm với các nhà khoa học.
Xin chúc hội thảo thành công !