‘Tuyệt chiêu’ tránh thất nghiệp

Ngày 01/08/2022

GD&TĐ – Trường đại học, ngoài cung cấp kỹ năng cứng là kiến thức chuyên ngành, còn đưa thêm kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo. Thay vì chỉ chú trọng bằng cấp, công thức tuyển dụng nhân sự của các tập đoàn hiện nay đã thay bằng kiến thức + kỹ năng và thái độ.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tham gia tập huấn kỹ năng hoạt động Đoàn và Đội, nhóm.

Kỹ năng quan trọng như kiến thức

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng trước khi tốt nghiệp đều trải qua 45 tiết học về kỹ năng giao tiếp. Họ được trang bị kỹ năng phân tích, đánh giá các mối quan hệ giao tiếp một cách hợp lý để có thể hoàn thiện hoạt động giao tiếp của mình. Biết cách đặt câu hỏi để thu thập được nhiều thông tin, gây thiện cảm với đối tượng giao tiếp. Hay như cách nghe, các bạn sinh viên cũng phải biết phân biệt được nghe và nghe có mục đích bởi “nghe cũng là một kỹ năng cần được rèn luyện và cần được lưu tâm tại nơi làm việc và trong khi phỏng vấn”.

Trịnh Anh Sang – cựu sinh viên Khoa Kỹ thuật điện – Điện tử (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng) – nhận xét: “Trong quá trình học, chúng em thường có tâm lý không chú trọng nhiều đến việc rèn luyện và tích lũy kỹ năng mềm, nhưng khi bắt đầu tham gia tuyển dụng, đặc biệt là trong quá trình làm việc, mới thấy kỹ năng là rất quan trọng, đôi khi là yếu tố quyết định sự thành công trong công việc”.

3 tháng sau khi được tuyển dụng, Sang được bổ nhiệm làm đội trưởng phụ trách thi công điện – nước. Vừa mới ra trường, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều, trong khi có những thành viên trong tổ lớn hơn Sang cả chục tuổi. Sang kể, mình phải khéo léo khi chỉ ra những sai sót của họ trong vận hành, thi công. “Khả năng giao tiếp quyết định phần nào hiệu quả công việc, như cách trình bày với cấp trên như thế nào, điều hành công việc với cấp dưới ra sao… đều phụ thuộc nhiều vào cách diễn đạt và thuyết phục của mình. Lúc đầu thì chưa quen lắm, nhưng nhờ những tình huống thực hành trong khóa học kỹ năng mềm nên em cũng đỡ lúng túng”, Sang cho biết.

Hồ Ngọc Nhi – ngành Kinh tế xây dựng, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng – kể: “Từ một đứa không mở nổi miệng để nói chuyện trong buổi phỏng vấn cộng tác viên của Liên chi Đoàn, một đứa ngay cả điền cái link đăng ký tham gia câu lạc bộ cũng bị trượt ngay từ vòng đánh giá đơn mà gần đây lại có người nói “mình có khả năng nói tốt”. Qua những lần bị “đánh trượt”, Nhi cũng tìm được nơi phù hợp với mình, đó là Câu lạc bộ Nữ sinh Bách khoa và Câu lạc bộ Kỹ năng mềm Đà Nẵng.

Với 2 câu lạc bộ này, Nhi được trải nghiệm rất nhiều vị trí khác nhau, từ thành viên, đến cộng tác viên, rồi trở thành Chủ nhiệm. “Câu lạc bộ sẽ không dạy cho mình bất kỳ thứ gì, mà ở đây chỉ tạo điều kiện để mình học hỏi và thay đổi, quan trọng là mình có chịu nhìn thấy và thay đổi hay không mà thôi. Thật cảm ơn khi mình đã nhìn thấy được điều đó”, Nhi chia sẻ.

Thực tế tuyển dụng cho thấy, mỗi một hồ sơ của ứng viên, bộ phân nhân sự chỉ xem trong chưa đầy một phút, nên bằng cấp của sinh viên chưa phải là điều quan trọng, mà phải là những chi tiết liên quan đến thế mạnh của mỗi cá nhân.

Như câu chuyện một sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã trúng tuyển trong đợt tuyển dụng nhân sự của một tập đoàn viễn thông. Khi nhà tuyển dụng đặt ra tình huống: Nếu bạn là cửa hàng trưởng, trong tình huống có một khách hàng đến khiếu mại vào lúc 8 giờ tối trong tình trạng say xỉn, bạn giải quyết thế nào?

Bạn sinh viên này đã lọt qua cửa tuyển dụng một cách thuyết phục với câu trả lời rất “sáng tạo”, không hề có trong sách vở: Sẽ mời vị khách thêm vài lon bia cho xỉn luôn. Chứ lúc đó có cố giải thích thì khách sẽ không lưu tâm mà chỉ làm cho cửa hàng thêm ầm ĩ, ảnh hưởng đến những khách hàng khác. Chỉ một thời gian ngắn sau khi trúng tuyển, người có câu trả lời táo bạo đã được bổ nhiệm làm cửa hàng trưởng của một chi nhánh.

Làm việc nhóm là một trong những kỹ năng quan trọng của sinh viên. Ảnh: Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng cung cấp

Xây dựng thương hiệu bản thân

Trong một buổi nói chuyện chuyên đề với sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, bà Lâm Thị Thúy Hà – đồng sáng lập và là CEO của Triip.me, công ty kết nối các hướng dẫn viên địa phương với du khách thì cho rằng không phải đợi đến năm thứ 4 rồi mới nghĩ đến tìm việc làm.

Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, CEO của Triip.me cũng nhắn nhủ với các bạn sinh viên rằng, trong trường hợp bạn không đủ tự tin, không đủ kiến thức… thì hãy thành thật; hãy cho đối tác biết những điểm yếu của mình, không dấu dốt để cùng tương tác và phát triển. Lần đầu dẫn tour khi là một sinh viên năm 2 với 2 người khách đến từ Úc, còn chưa biết nhiều về Thành phố Hồ Chí Minh, khả năng tiếng Anh cũng hạn chế…

“Khi gặp gỡ, tôi đã nói với họ là lần đầu tiên tôi dẫn tour, tôi có thể không am hiểu nhiều, khả năng tiếng Anh còn hạn chế. Nhưng tôi mong muốn các bạn chia sẻ vì tôi sẵn sàng học hỏi. Và hai người khách đã rất cởi mở, họ còn dạy tôi cả những từ tiếng Anh chưa rõ nghĩa”, bà Hà kể.

Ngô Thị Thu Mai – cựu sinh viên Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (ĐH Đà Nẵng) – chia sẻ kinh nghiệm: “Trước đây, em cứ nghĩ học thật giỏi thì đi đến đâu cũng sẽ được trọng dụng, nhưng kể từ khi đi làm, sự thật là học thật giỏi chỉ giúp bạn sẵn sàng hơn khi cơ hội đến.Bạn cần có một thái độ tích cực và chủ động. Ví dụ như bạn chỉ cần quan sát công việc thường nhật của đồng nghiệp trước khi hỏi những câu hỏi “không nên hỏi”. Đây được gọi là chủ động “hiểu” công việc trước khi thực sự bắt tay vào làm. Sau khi được giao công việc thì luôn cố gắng hoàn thành sớm nhất có thể, điều này sẽ giúp xây dựng niềm tin đối với cấp trên rằng “bạn có thể” và sẽ mở ra cho bạn nhiều cơ hội”.

Bà Trần Thị Hồ – Chuyên viên nhân sự Công ty Rikkeisoft – nhấn mạnh: “Bên cạnh yêu cầu có kiến thức chuyên môn và chuyên sâu vững vàng thì các kỹ năng mềm gần như bắt buộc là giao tiếp – ứng xử; truyền đạt ý kiến/quan điểm của mình trước đám đông và làm việc nhóm. Ngoài ra, muốn thành công khi làm việc trong ngành IT thì dứt khoát lao động trẻ phải thạo một ngoại ngữ”.

Các trường đại học đang có sự dịch chuyển trong đào tạo theo hướng tích hợp đào tạo kỹ năng, rèn luyện thái độ cho sinh viên.

Câu chuyện học bơi và cách bơi

Các giảng viên dạy kỹ năng mềm cho sinh viên đều có chung nhận xét rằng, gần như sinh viên nào cũng biết câu chuyện học kỹ năng cũng giống như học bơi, thế nhưng “bơi như thế nào thì không phải em nào cũng biết”. Từ những kiến thức trong khóa học trở thành kỹ năng ứng xử, thành thói quen thì với chỉ vài buổi thực hành là không đủ. Vì vậy, sinh viên phải chủ động tham gia các hoạt động xã hội ở trường, lớp, các câu lạc bộ, đội nhóm, đi làm thêm hay chỉ đơn giản là học tập theo nhóm.

Trong buổi hội thảo Kết nối doanh nghiệp với nhà trường của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng tổ chức mới đây, đại diện một doanh nghiệp cho biết: “Ngay từ việc thực tập hay đi làm thêm thì sinh viên cũng cần có sự lựa chọn khôn ngoan và nghiêm túc. Trong lựa chọn công việc để làm thêm, ngoài lợi ích kinh tế thì phải chọn những công việc mang đến cho mình cơ hội tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho bản thân”.

Qua tham khảo tiêu chí tuyển dụng của các doanh nghiệp, tập đoàn, anh Bùi Trung Hiệp – Phó phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng – nhận xét rằng: “Khác với thời học phổ thông, thường thì những bạn có điểm số cao là giỏi, nhưng tiêu chí đánh giá ở ĐH, CĐ có khác hơn. Các nhà tuyển dụng thường đánh giá ứng viên dựa trên 3 yếu tố: kiến thức – kỹ năng – thái độ (KSA: knowledge – skill – attitude).

Trong đó, yếu tố thái độ trong công việc bao giờ cũng được đánh giá cao vì kỹ năng thì có thể huấn luyện được nhưng sự tự giác, chủ động thì không. Thái độ thể hiện từ cái bắt tay, nụ cười, vẻ bề ngoài cho đến những kỹ năng mềm khác và nó chỉ có được do bạn tự học, tự rèn luyện mỗi ngày mà có được”.

Các trường đại học đang có sự dịch chuyển trong đào tạo theo hướng tích hợp đào tạo kỹ năng, rèn luyện thái độ cho sinh viên. Chuẩn đầu ra của sinh viên, vì vậy, ngoài chuẩn kiến thức còn có cả chuẩn kỹ năng và thái độ. TS Nguyễn Linh Nam – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng – đặt vấn đề: “Việc giảng dạy các kỹ năng cá nhân và giao tiếp, các kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống không nên được xem là một phần bổ sung vào một chương trình đào tạo vốn đã đầy kín, mà là một phần không thể thiếu trong chương trình đào tạo”.

Theo TS Nguyễn Linh Nam, các phương pháp dạy học tích cực như phương pháp “học qua hành”, nhóm phương pháp PBL như dạy học nêu vấn đề (Problem – Based Learning), dạy học dự án (Project – Based Learning), học ngoài hiện trường (Place – Based Learning) đang được nhiều giảng viên tích cực triển khai để sinh viên có thể đạt được mục tiêu kép trong việc học chuyên ngành và học kỹ năng một cách tốt nhất.

Nguồn: Tuyệt chiêu tránh thất nghiệp