TỌA ĐÀM VỀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Ngày 5/5/2021 tại Trụ sở Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã diễn ra Tọa đàm lần thứ I về hoạt động kiểm định giáo dục đại học.
Chủ trì Tọa đàm có: TS Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội. Tham gia Tọa đàm có GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn, các Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban, Trung tâm trực thuộc Hiệp hội và các nhà khoa học am hiểu về công tác kiểm định giáo dục đại học.
Chủ tịch Hiệp hội nêu rõ: Mục đích của cuộc tọa đàm là làm rõ lịch sử hoạt động kiểm định GD ĐH trên thế giới và ở Việt Nam, xu hướng, cách tiếp cận và thực trạng hoạt động Kiểm định CLGD tại nước ta. Từ đó đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu, cần đề xuất để đưa hoạt động KDCLGD Việt Nam phát triển đúng hướng, đem lại lợi ích thiết thực cho giáo dục VN nói chung, cho GD ĐH VN nói riêng. Giáo dục đại học trước đây là theo hướng đào tạo tinh hoa, ngày nay nói theo hướng đại chúng. Nhưng theo TS Vũ Ngọc Hoàng thì giáo dục đại học không thể theo hướng tất cả đều đại chúng, mà vẫn duy trì một bộ phận tinh hoa, và dần dần phải kéo bộ phận đại chúng trở thành tinh hoa. Vì vậy hoạt động kiểm định cũng phải có hướng tiếp cận theo tinh thần đó, phải góp phần đưa các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực theo yêu cầu cuộc sống đặt ra.
TS Phạm Xuân Thanh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và KDCLGD Bộ GD&ĐT giới thiệu tổng quan hoạt động KDCLGD trên thế giới và ở Việt Nam, cách tiếp cận và phương pháp đánh giá. Các đại biểu dự tọa đàm nêu một số câu hỏi đối với TS Phạm Xuân Thanh liên quan đến tình hình hoạt động kiểm định CLGD tại Việt Nam. Hiện nay cả nước có 7 Trung tâm KDCLGD trong đó chỉ có Trung tâm KDCLGD của Hiệp hội là tổ chức độc lập, 4 trung tâm trực thuộc trường đại học, 2 trung tâm tư thục mới thành lập (chưa biết trực thuộc ai?). Như vậy, có thể còn có thêm nhiều trung tâm KDCLGD tư thục sẽ thành lập thì hoạt động kiểm định sẽ khó mà kiểm soát được chất lượng, phương pháp đánh giá, và cũng khó tránh khỏi xuất hiện tiêu cực.
PGS.TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm KDCLGD trực thuộc Hiệp hội báo cáo bổ sung về thực tiễn hoạt động kiểm định tại Mỹ và Úc. Tại Mỹ cũng có khá nhiều trung tâm kiểm định CLGD chủ yếu là tư thục. Các trường đại học cao đẳng có quyền chọn trung tâm để kiểm định. Tuy nhiên các trung tâm có uy tín thì mới được trường đại học uy tín lựa chọn mời kiểm định. Các trung tâm có uy tín là những trung tâm phải được Bộ Giáo dục và Tổ chức chuyên môn về kiểm định SEE công nhận.
GS Trần Đức Cảnh, chuyên gia về giáo dục đề xuất, với tình hình này, sẽ có nhiều trung tâm kiểm định ra đời thì ai quản ? Được biết, ngày 16/03, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định 979/QĐ-BGDĐT cho phép thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn trực thuộc Công ty Cổ phần đầu tư Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh và quyết định 969/QĐ-BGDĐT cho phép thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long trực thuộc công ty Cổ phần đầu tư Giáo dục Hà Nội.
Cả hai Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long đều là trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư thục, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, hiện nay cả nước có 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, ngoài 2 trung tâm mới thành lập kể trên còn có 5 trung tâm đã hoạt động trong những năm qua, đó là: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của Trường Đại học Vinh.
Nên chăng Việt Nam cũng cần có một tổ chức để công nhận chất lượng các trung tâm kiểm định, như Hội đồng đánh giá các tổ chức kiểm định ? Khi các trung tâm kiểm định ra đời nhiều lên thì chắc cũng sẽ cần một Hội đồng như vậy. Nếu không thì sẽ dẫn tới tình trạng không kiểm soát được.
GS Trần Hồng Quân cho rằng, một trong các nguyên tắc đảm bảo khách quan trong công tác kiểm định là Trung tâm KDCLGD phải là đơn vị độc lập, không chị sự chi phối của cơ quan chủ quản (như 4 trung tâm trực thuộc các trường đại học hiện nay). Bộ GD&ĐT phải xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý tạo hành lang pháp luật cho các trung tâm kiểm định hoạt động, và kiểm tra giám sát các trung tâm hoạt động có đúng không. Và một trong khâu đảm bảo tài chính cho các trung tâm kiểm định độc lập là phải có tài chính. Lâu nay các trường tham gia kiểm định đều phải chi tiền cho hoạt động này. Nên chắng cần có Quỹ đảm bảo cho hoạt động kiểm định. Quỹ này do các trường đóng góp là chính, ngoài ra kêu gọi nguồn xã hội hỗ trợ. Trung tâm nào được giao kiểm định thì được Quỹ hỗ trợ tài chính. Vấn đề là cơ quan nào quản lý Quỹ Kiểm định? GS Trần Hồng Quân đề xuất giao cho Ủy Ban Văn hóa GD của Quốc Hội phụ trách quỹ này.
PGS. TS Lê Đức Ngọc, chuyên gia giáo dục cũng ủng hộ việc thành lập Quỹ Kiểm định CLGD, nhưng đề xuất giao cho Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đứng ra tổ chức thực hiện và đảm nhiệm tạo lập và điều hành quỹ này. Bởi không tổ chức nào có thể đại diện cho các trường đại học và cao đẳng ngoài Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để thực hiện xây dựng, quản lý và điều hành quỹ này.
Nhìn lại quá trình kiểm định chất lượng tại Việt Nam, PGS Lê Đức Ngọc cho rằng, lâu nay kiểm định chất lượng GD ở ta là hoạt động đo lường đánh giá chất lượng mang tính tổng kết (Summative Assessment), chứ không phải là hoạt động đo lường đánh giá chất lượng mang tính đánh giá quá trình (Formative Assessment).
Một khi kiểm định chất lượng mang tính tổng kết, sẽ mang bản chất là đánh giá thành tích, vậy thì vô tình đã biến các báo cáo tự đánh giá thành báo cáo thành tích…kết quả là không đánh giá được thực chất các hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong đã triển khai của cơ sở giáo dục. Chỉ khi nào làm tốt các hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong thì mới tạo nên chất lượng thật và bền vững.
Để có mặt bằng kinh phí kiểm định chất lượng cho một trường hay một ngành đào tạo, rõ ràng nên xây dựng “quỹ đảm bảo chất lượng” cho hệ thống giáo dục đại học trong thời gian tới, đó không chỉ là mong muốn của các trường mà ngay cả của các trung tâm kiểm định hiện nay.
Kết thúc Tọa đàm, Chủ tịch Hiệp hội TS Vũ Ngọc Hoàng đánh giá cao các nhà khoa học, các nhà quản lý đã đóng góp những ý kiến sâu sắc, đặt ra một số vấn đề cho cuộc tọa đàm lần sau./.
TS Văn Đình Ưng