HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH VÀ TIỀN KỸ THUẬT SỐ TẠI VIỆT NAM”

Ngày 24/08/2023

Công nghệ tài chính (Fintech) một xu hướng mới nổi trong ngành tài chính ngân hàng. Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech. Các tổ chức tài chính truyền thống cũng đang phát triển các sản phẩm công nghệ tài chính thông qua việc hợp tác với các công ty Công nghệ tài chính Fintech. Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội phát triển, Fintech tại Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Tiền kỹ thuật số cũng xuất hiện, có nước công nhận cho phép lưu hành, có nước cấm, còn ở Việt Nam đang có những quan điểm cách nhìn rất khác nhau.

Nắm bắt tình hình trên, ngày 22/8/2023, Trường Đại học Hòa Bình đã chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia, chủ đề : “Công nghệ tài chính (Fintech) và Tiền kỹ thuật số (Digital currency) tại Việt Nam”.

Hội thảo thu hút nhiều đại biểu là nhà khoa học, nhà quản lý tài chính cùng các giảng viên, cán bộ khoa học và đại diện học viên, sinh viên trên địa bàn cả nước. Tới dự còn có Đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý : Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường – Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước; Hội nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam; đại diện lãnh đạo các trường đại học, học viện: Học viện Ngân hàng; Trường Đại học Ngoại thương; Trường Đại học Thương mại; Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM; Trường Đại học Chu Văn An; Trường Đại học Đại Nam; đại diện lãnh đạo các ngân hàng BIDV các chi nhánh Hà Đông, BIDV chi nhánh Tây Hồ, HDbank chi nhánh Hà Nội; Quỹ Môi trường Việt Nam; đại diện lãnh đạo và học viên cao học Học viện Ngân hàng Lào và hơn 50 nhà khoa học đến từ các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu và các cơ quan truyền thông báo chí đến đưa tin về Hội thảo.

Chủ trì hội thảo : NGND.PGS.TS. Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Nhà trường, cùng GS.TS. Đào Văn Đông, TS. Đào Hải – Phó Hiệu trưởng ĐH Hòa Bình.

Hội thảo đã thu hút nhiều báo cáo tham luận từ các nhà khoa học, nhà quản lý và giảng viên của một số trường đại học tài chính ngân hàng; lãnh đạo và cán bộ quản lý của một số hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp. Ban Biên tập đã chọn  30 bài tham luận để in Tập Kỷ yếu Hội thảo.

Các bài tham luận tập trung vào các nội dung sau:(1) Tổng quan về Fintech: Khái niệm, lợi ích, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của hệ thống tài chính; xu hướng cạnh tranh và hợp tác giữa ngân hàng và Fintech; những xu hướng phát triển của Fintech trên thế giới.(2) Thực trạng phát triển Fintech tại Việt Nam: Những kết quả, hạn chế và nguyên nhân; những khuyến nghị chính sách.(3) Tổng quan về tiền kĩ thuật số (digital currency): Khái niệm, bản chất, loại hình, tiền kĩ thuật số của ngân hàng trung ương (Central Bank Digital Currency) .(4) Xu hướng phát triển tiền kĩ thuật số và hàm ý chính sách quản lý.

Thông qua các bài tham luận, trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn về Fintech và tiền kĩ thuật số; thực trạng, xu hướng áp dụng và phát triển Fintech, tiền kĩ thuật số trên thế giới và Việt Nam; qua đó, đề xuất các giải pháp phát triển Fintech, ứng xử hợp lí với tiền kĩ thuật số, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Hội thảo và tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau đây:

Thứ nhất, đa số các nhà khoa học tại Hội thảo đều thống nhất cho rằng Fintech là việc áp dụng công nghệ đổi mới sáng tạo và hiện đại vào lĩnh vực tài chính, nhằm mang tới cho khách hàng các giải pháp/dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện với chi phí thấp hơn so với các dịch vụ tài chính truyền thống. Fintech đã thay đổi cách thức vận hành của ngành Tài chính, Ngân hàng truyền thống từ chuyển tiền, cho vay, đầu tư, thanh toán, quản trị rủi ro đến bảo hiểm và trở thành một lĩnh vực tiềm năng với sự đóng góp to lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Fintech cũng đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm bảo mật dữ liệu và thông tin khách hàng, sự cạnh tranh và các quy định pháp lý khắt khe. Dù sao đây là xu thế tất yếu, Fintech vẫn đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sự tiện lợi, tiện ích và hiệu quả của các dịch vụ tài chính trên toàn thế giới.

Thứ hai, trong thời đại CMCN 4.0, chuyển đổi số đã và đang trở thành một xu hướng chủ yếu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành Ngân hàng. Trong năm 2021- 2022, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại Việt Nam được đánh giá là bước vào giai đoạn bùng nổ. Theo số liệu khảo sát của NHNN, có đến 95% tổ chức tín dụng đã hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số; có 39% tổ chức tín dụng phê duyệt chiến lược chuyển đổi số riêng biệt hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển CNTT; 42% các tổ chức tín dụng đang hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số; và 80% các ngân hàng đang triển khai số hóa các nghiệp vụ lõi của ngân hàng.

Thứ ba, theo Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB), một trong những phân khúc của Fintech, hoạt động tư vấn tự động (robo-advisor) là một sự đổi mới đột phá liên quan đến hệ thống quản lý danh mục đầu tư, là một hệ thống dựa trên trí tuệ nhân tạo và công nghệ, giúp nhà đầu tư cá nhân quản lí tài sản và đưa ra các quyết định đầu tư thông minh mà không cần sự can thiệp của con người. Tư vấn tự động có nhiều lợi thế như: Tiết kiệm thời gian và tiền bạc; Đa dạng hóa và quản lý rủi ro; Đảm bảo sự tin cậy và minh bạch.

Thứ tư, hoạt động ứng dụng công nghệ tài chính vào thanh toán tại Việt Nam đã có những thành tựu nhất định. Số lượng tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ứng dụng công nghệ tài chính tăng nhanh chóng với các sản phẩm thanh toán hiện đại, tiện ích như ví điện tử, tiền di động, thanh toán không tiếp xúc,… Nhờ những ưu việt của các sản phẩm thanh toán này đã thu hút được sự quan tâm được khách hàng, thể hiện qua số lượng và giá trị giao dịch tăng trưởng ngoạn mục. Đến hết năm 2021, có gần 95% ngân hàng đã và đang xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số; số hóa hoạt động thanh toán đi đầu trong chuyển đổi số ngân hàng với nhiều nghiệp vụ, dịch vụ thanh toán đã được số hóa triệt để 100%.

Thứ năm, một trong những sản phẩm công nghệ số gây nhiều tranh cãi và hình thành thị trường sôi động nhưng cũng biến động mạnh nhất, đó là tiền kỹ thuật số, trong đó, có tiền ảo, tiền điện tử. Các tham luận về cơ bản, có sự thống nhất về các thuật ngữ tiền ảo và tiền điện tử. Tiền ảo là là loại tiền không hữu hình, tồn tại dưới hình thức kỹ thuật số, được phát hành bởi một cá nhân hoặc tổ chức, không phải là đồng tiền pháp định do Nhà nước của một quốc gia phát hành, có giá trị sử dụng trong cộng đồng mạng hoặc có thể được sử dụng để thực hiện việc trao đổi, thanh toán với các loại hàng hoá, dịch vụ khác. Trong khi đó, tiền điện tử là giá trị tiền tệ được lưu trữ dưới dạng điện tử, được các bên chấp nhận làm phương tiện thanh toán. Hiện nay, một số quốc gia đã có những quy định riêng để điều chỉnh tiền kỹ thuât số, trong khi Việt Nam chưa có quy định pháp luật để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến loại tiền này.

Thứ sáu, để tận dụng những cơ hội và phát huy lợi ích mà Fintech có thể đem lại cho lĩnh vực tài chính nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. Các giải pháp sau được đề xuất:

-Trên phương diện quản lí vĩ mô, Chính phủ có thể xem xét ban hành cơ chế quản lý thử nghiệm trong khi chưa thể xây dựng ngay một khung pháp lí hoàn chỉnh;

– Con người là yếu tố quan trọng hàng đầu, đóng vai trò quyết định đến việc xây dựng hệ sinh thái Fintech;

– Đa dạng hóa các sản phẩm Fintech và tăng cường hợp tác giữa các bên trong cung ứng sản phẩm Fintech (doanh nghiệp Fintech, các tổ chức tài chính – ngân hàng truyền thống, các nahf cung cấp dịch vụ Internet);

– Các ngân hàng cần ưu tiên đầu tư cho công nghệ số thông qua việc sớm tìm các cổ đông chiến lược nước ngoài, mạnh về vốn, tiềm lực công nghệ cao, năng lực quản trị hiện đại để tận dụng kinh nghiệm, lợi thế của đối tác này vượt lên trong cuộc đua chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số;

– Phổ cập, truyền thông, hướng dẫn, tập huấn cách sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng số cho người dùng trên nền tảng xã hội nhằm nâng cao nhận thức của khách hàng đặc biệt là công tác bảo mật, an toàn trong quá trình sử dụng dịch vụ ngân hàng số;

– Tăng cường công tác quản trị rủi ro an ninh mạng, bảo mật thông tin khách hàng.

Thứ bảy, để thiết lập khuôn khổ pháp lý về tiền ảo, các tham luận đề xuất:

– Định nghĩa và xác định địa vị pháp lý, bản chất pháp lý của tài sản ảo theo chức năng cụ thể, phân biệt tiền ảo và tiền điện tử;

– Cần ghi nhận chính thức trong pháp luật dân sự về sự hiện diện của tiền ảo (tài sản ảo) để làm tiền đề cho việc xử lý những vấn đề liên quan đến hoạt động tiền ảo. Đây cũng là tiền đề để sửa (hoặc áp dụng) một loạt các văn bản pháp luật có đối tượng/khách thể là tiền ảo như: Luật thuế, Luật Chứng khoán, Luật chống rửa tiền, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, pháp luật về thừa kế, pháp luật hình sự…

 

Kết luận Hội thảo, NGND.PGS.TS. Tô Ngọc Hưng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận, đánh giá, thảo luận sôi nổi của các đại biểu. Đây là những ý kiến tâm huyết, có giá trị lý luận và thực tiễn cao, được đúc rút ra từ nhiều nghiên cứu khoa học và thực tiễn phong phú từ các đại biểu, chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học; qua đó, đã làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn về Fintech và tiền kĩ thuật số; thực trạng, xu hướng áp dụng và phát triển Fintech, tiền kĩ thuật số trên thế giới và Việt Nam; qua đó, đề xuất các giải pháp phát triển Fintech, ứng xử hợp lí với tiền kĩ thuật số, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

                                                                                                     Ban Truyền Thông