Tiến sỹ Mỹ: Tôi đã vô cùng xúc động khi biết về Ngày Nhà giáo Việt Nam

Ngày 27/04/2021

Tôi đã có hơn một thập kỷ tiếp xúc với hàng trăm sinh viên đại học Việt Nam qua các hoạt động: tuyển dụng, giảng dạy, tư vấn, làm bạn và làm việc với họ. Trải nghiệm chủ yếu là khi tôi làm việc tại Đại học Carnegie Mellon ở Adelaide, Australia; Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright và Đại học Fulbright Việt Nam; cùng với nhiều trường đại học Việt Nam khác. Đó là một trong những niềm hạnh phúc của cuộc đời tôi.

Ấn tượng chung về các sinh viên Việt Nam là các bạn đều vô cùng đặc biệt. Và trong tôi vẫn đọng lại nhiều ký ức thú vị.

Lòng biết ơn vĩnh viễn

Rất nhiều sinh viên cũ thường duy trì mối quan hệ lâu dài với giáo viên và giáo sư của họ. Không có gì lạ khi các học trò cũ của tôi thỉnh thoảng đến thăm tôi ở nhà, đi uống cà phê, hoặc dự đám cưới. Vợ tôi và các bạn cùng lớp của cô ấy vẫn đến thăm những giáo viên đã nghỉ hưu mà họ đã học cách đây hàng chục năm. Và tôi biết điều này một phần bắt nguồn từ truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt Nam. Tôi đã vô cùng xúc động khi biết về Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tại sao lại có sự gắn bó lâu dài như vậy? Người Việt Nam, không phân biệt thành phần trong xã hội, đều vô cùng coi trọng giáo dục. Một nền giáo dục tốt cho con cái là mục tiêu cao nhất của mọi gia đình Việt Nam và là điều mà các bậc cha mẹ sẽ phải hy sinh rất nhiều miễn sao đạt được mục tiêu đó. Khi học sinh chuyển dần từ trường tiểu học lên trung học rồi đại học, một điều đã trở thành lẽ tự nhiên trong văn hoá Việt Nam là các thầy cô đã tận tâm và tạo ảnh hưởng tốt sẽ nhận được lòng biết ơn vĩnh viễn của học trò.

Tôi rất yêu thích phép so sánh của người Việt ví người thầy như “người đưa đò” nhưng họ là những người đưa đò đặc biệt bởi các khách đi đò không bao giờ quên họ và luôn quay trở lại với lòng yêu kính và biết ơn.

Một kỷ niệm xúc động và sẽ mãi mãi đọng lại trong ký ức của tôi là về một lần nằm viện tại Việt Nam. Những học viên tôi đã dạy trong một Khoá học ngắn hạn đã xuất hiện tại căn phòng bệnh viện chật chội trong giờ nghỉ trưa. Chật đến mức không có ghế ngồi và mọi người phải đứng nói chuyện – tôi nhận đoá hoa và những món quà từ họ, những cán bộ quản lý cấp cao tại cơ quan nhưng trong căn phòng bệnh của tôi, họ đều là những học trò vô cùng khiêm tốn và không thiếu sự hài hước. Cuộc đời tôi không có món quà nào quý giá hơn thế!

Sinh viên Viêt Nam siêu thông minh

Học sinh Việt Nam, dù ở bậc học đại học hay cao học, đều phải trải qua một chế độ học tập “mệt mỏi, không ngừng nghỉ” khi ở trường trung học. Nào là các buổi đến trường trong chương trình chính quy với nội dung học được nâng cao hơn so với cấp độ tương đương ở các nước phương Tây. Tiếp đến là “các lớp học thêm” ngoài giờ học trên lớp với mục tiêu không chỉ để mở rộng kiến thức ngoài phạm vi đã học ở trường, mà còn để bù đắp những điểm còn yếu của bản thân.

Chính chương trình học đầy cạnh tranh này ở cấp trung học đã giúp sinh viên Việt Nam phát huy rất tốt thế mạnh ở môn Toán và Khoa học tự nhiên khi vào học đại học, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng Công nghệ Thông tin, Thống kê, và các môn học tương tự.

Nhiều học sinh dành hàng tháng trời, thậm chí đến vài năm để ôn luyện vào các trường đại học ở Mỹ và cả cho kỳ thi Đại học ở Việt Nam. Con gái tôi đã dành hai năm để đi học thêm, tham gia các kỳ thi thực hành và đọc thêm tài liệu chuẩn bị cho kỳ thi SAT của Mỹ, tương đương với kỳ thi Đại học của Việt Nam. Trước đó, cô bé đã dành 7 năm học chuyên tiếng Anh cả cấp 2 và cấp 3 để hướng tới mục tiêu là đi học đại học tại Mỹ.

Không chỉ được chuẩn bị vô cùng kỹ càng trước khi bước vào bậc đại học, sinh viên Việt Nam còn siêu thông minh. Một trong số đó là một sinh viên yêu quý của tôi tại Carnegie Mellon. Trong một triển lãm các Trường đại học tại Australia được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, tôi đã gặp Khang và khi phỏng vấn em ấy đã nói sẽ khiến tôi tự hào nếu trở thành sinh viên của trường. Khang ấy đã làm được điều đó. Khi còn là sinh viên, Khang đã xuất bản một cuốn sách về CNTT được đánh giá cao. Sau khi tốt nghiệp, Khang ở lại Australia và hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Tiếp nối các thành công, cậu sinh viên ngày nào của tôi đã thực hiện được giấc mơ khởi nghiệp được manh mún từ những ngày còn ở Việt Nam trên đất Úc.

Gắn bó với nhà trường mãi mãi

Sự gắn bó của sinh viên Việt Nam với ngôi trường của mình không bao giờ kết thúc tại Lễ tốt nghiệp. Họ có xu hướng tiếp tục ủng hộ và gắn bó với ngôi trường của mình mãi mãi.

Một ví dụ là Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, sau hơn hai thập kỷ, nguồn tài nguyên vô cùng giá trị của trường chính là mạng lưới cựu học viên với hơn 1.500 gương mặt ưu tú. Cứ hình dung thế này, nếu trường tổ chức một lễ kỷ niệm đặc biệt, một chương trình nói chuyện của một diễn giả nổi tiếng, một hội thảo tuyển dụng sinh viên mới… thì hàng trăm cựu học viên sẽ có mặt. Tôi chưa từng thấy một sự cam kết nào cao đến mức như vậy.

Sinh viên Việt Nam trân trọng nền giáo dục mà họ được nhận và đáp lại bằng mọi cách có thể.

Mạng lưới cựu sinh viên

Việt Nam là một đất nước mà mọi hoạt động đều được thực hiện trên nền tảng các quan hệ: gia đình, họ hàng, đồng nghiệp, và tất nhiên không thể thiếu mạng lưới bạn bè đại học. Tôi chưa bao giờ hết ngạc nhiên về cách thức các mạng lưới này được tận dụng để không chỉ giữ liên lạc bạn bè mà còn để giúp nhau giải quyết vấn đề, chia sẻ thông tin, giới thiệu tín nhiệm… Phạm vi của các mạng lưới cựu sinh viên Việt Nam không chỉ ở trong nước mà mở rộng toàn cầu.

Trong trường hợp của tôi, tôi vẫn duy trì liên lạc với sinh viên Việt Nam trên khắp nước Mỹ, Canada, Thụy Điển, Đức, Úc, Nhật Bản, v.v. Các sinh viên của tôi thường đi du lịch khắp thế giới để thăm các bạn học cũ đang sống ở khắp mọi miền trên thế giới.

Tuyển dụng sinh viên … gặp toàn phụ huynh

Sinh viên Việt Nam không quyết định chương trình đại học hoặc sau đại học của mình. Người quyết định là các bậc phụ huynh!

Tôi nhớ lại cuộc Hội thảo chia sẻ thông tin để tuyển dụng sinh viên ở Hà Nội. Điều tôi hình dung trong đầu trước khi đến cuộc hội thảo là tôi sẽ được gặp các sinh viên tương lai của mình. Nhưng thật ngạc nhiên! Trong căn phòng đã kín người khi tôi bước vào không phải là các gương mặt thanh xuân non nớt mà là các bậc phụ huynh khả kính. Nhưng ngạc nhiên hơn nữa là sự hào hứng, tham gia sôi nổi trong phiên thảo luận – có lẽ các con chưa chắc đã chạy kịp các phụ huynh của mình!

Căn phòng trở nên rất náo nhiệt, sôi động khi các phụ huynh bày tỏ băn khoăn về học phí, chi phí sinh hoạt, uy tín của chương trình, nội dung chương trình học và khối lượng bài vở, và đặc biệt là triển vọng việc làm sau khi tốt nghiệp. Mối quan tâm chính xoay quanh câu hỏi: “Nhà trường sẽ chăm lo cho con cái của chúng tôi hay không”. Chính là, đảm bảo để các em sang học được an toàn, không dính vào rắc rối, tập trung học tập.

Các bậc cha mẹ thường có xu hướng trông đợi có một người đứng ra đảm bảo về tương lai cho con cái họ. Tôi chính là người đã từng ở vị trí đưa ra cam kết: Tôi là người chịu trách nhiệm của nhà trường và các bác cứ yên tâm rằng tôi sẽ đảm bảo mọi điều kiện cho con cái các bác học tập thật tốt. Tôi đã giữ được lời hứa đó – trường của tôi đã thu hút một lượng lớn sinh viên Việt Nam và tất cả đều hoàn thành xuất sắc chương trình học của mình!

Tôi cho rằng bất kỳ trường đại học nào cũng cảm thấy rất may mắn khi tiếp nhận các sinh viên Việt Nam bởi đến cùng với các em là sự ủng hộ và cam kết cao nhất của gia đình.

Những bữa tiệc chia tay mang phong cách Việt

Ngoài niềm tự hào về đất nước, thành phố và cộng đồng, sinh viên Việt Nam còn rất tự hào về ẩm thực của đất nước mình. Tôi đã giảng dạy khá nhiều khoá ngắn hạn và một điểm nổi bật trong trải nghiệm của tôi về các học viên này là các bữa tối chia tay khi kết thúc khóa học.

Mọi phụ nữ Việt Nam (trong trường hợp này là các nữ học viên) là những đầu bếp tuyệt vời. Chắc chắn một điều là các bà mẹ Việt Nam phải vô cùng tự hào về các bản sao của mình. Bữa tiệc chia tay thường do các học viên nữ chuẩn bị trong khi các học viên nam lăng xăng phụ việc, trêu đùa và kể chuyện vui.

Khi được làm thầy của sinh viên Việt Nam thì chắc chắc sẽ được nhận phần thưởng đặc biệt là món Nem rán và Phở gà nức tiếng toàn cầu. Còn gì mãn nguyện hơn thế! Wow!

(  Tiến sỹ Terry F. Buss – Chuyển ngữ: Đào Thuý – Theo Soha – Doanh nghiệp và Tiếp thị)

Ban Truyền thông – SV