Hiệp hội phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức tọa đàm về chương trình EPA
Theo chương trình hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản trong khuôn khổ dự án EPA, sáng ngày 10/7/2024, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề cơ hội việc làm tại Nhật Bản dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành Điều dưỡng.
Tham dự tọa đàm, về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga – Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội; Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan – Trưởng ban Công tác hội viên; Tiến sĩ Văn Đình Ưng – Trưởng ban Truyền thông và công tác sinh viên.
Về phía Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam có ông Ishii Chikahisa – Bí thư thứ nhất Đại sứ quán; ông Nguyễn Thế Hùng – Thư ký Ban Kinh tế, Đại sứ quán. Cùng tham dự tọa đàm trực tuyến còn có ông Kaneda Yoshinori – Phó tổng phụ trách dự án EPA, đại diện công ty Meiko Network Japan; ông Yamamura Tomokazu – Giám đốc hành chính Khoa hợp tác quốc tế, Tập đoàn Y tế Xã hội Aijinkai.
Tọa đàm cũng nhận được sự tham gia từ hơn 100 đầu cầu, các thầy cô đến từ 23 trường đại học, cao đẳng và đông đảo các em sinh viên ngành Điều dưỡng.
Phát biểu chào mừng tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga cho biết: “Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã giới thiệu, tạo điều kiện cho sinh viên ngành Điều dưỡng ở Việt Nam có cơ hội sang Nhật Bản làm việc. Đồng thời, tham gia chương trình này cũng giúp các em nâng cao năng lực nghề nghiệp.
Trên tinh thần đó, Hiệp hội phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm ngày hôm nay. Chúng tôi hy vọng rằng thông qua tọa đàm sẽ mang đến những thông tin bổ ích nhất về chương trình EPA cho các trường đại học, cao đẳng cũng như những ai quan tâm. Đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản”.
Ông Ishii Chikahisa – Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ sự vui mừng và gửi lời cảm ơn chân thành đến Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng đại diện các trường đại học, cao đẳng cũng như các em sinh viên tham gia tọa đàm.
Tại tọa đàm, ông Ishii giới thiệu về chương trình EPA. Theo ông, dự án của hai Chính phủ đào tạo nguồn nhân lực hướng tới mục tiêu đạt được chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản ngành điều dưỡng, nhân viên chăm sóc dựa trên Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (gọi tắt là EPA).
Các ứng viên sẽ vừa làm việc tại Nhật Bản vừa học chăm sóc điều dưỡng kiểu Nhật Bản và hướng tới mục tiêu đạt được chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản. Theo ông Ishii, từ năm 2014 đến nay đã có 1.944 ứng viên Việt Nam sang Nhật Bản làm việc theo chương trình này.
Ông Ishii cũng có sự so sánh trực quan một số điểm của chương trình EPA so với chương trình thực tập kỹ năng. Theo đó, mục đích của chương trình EPA là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đảm đương vai trò chủ chốt trong phát triển kinh tế; còn chương trình thực tập kỹ năng hướng đến mục đích tiếp thu kỹ thuật.
Chương trình EPA đòi hỏi ứng viên phải đáp ứng một số điều kiện như tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng hệ 3 năm trở lên, tham dự khóa đào tạo tiếng Nhật 1 năm và thi đạt cấp độ N3 kỳ thi năng lực tiếng Nhật JLPT (Japanese Language Proficiency Test). Riêng ngành Điều dưỡng yêu cầu có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và 2 năm kinh nghiệm thực tế. Đối với chương trình thực tập kỹ năng, điều kiện tham gia là đỗ cấp độ N4 JPLT.
Đặc biệt, EPA là một chương trình chất lượng cao được Chính phủ hai nước trực tiếp phối hợp thực hiện trong tất cả các khâu, ứng viên EPA không mất chi phí xuất cảnh; trong khi đó, chương trình thực tập kỹ năng thường do các đơn vị tư nhân thực hiện nên ứng viên sẽ mất một khoản chi phí nhất định.
Về cơ cấu chương trình EPA, Công ty Meiko Network Japan nhận ủy thác của Chính phủ Nhật Bản thực hiện đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam; Tập đoàn Y tế Xã hội Aijinkai đảm nhận đào tạo kỹ năng chăm sóc điều dưỡng kiểu Nhật Bản; Cục quản lý lao động ngoài nước đảm nhiệm công tác tuyển chọn ứng viên và triển khai các thủ tục xuất cảnh của ứng viên.
Về trình tự triển khai chương trình EPA từ khi đăng ký tham gia đến khi làm việc ở Nhật Bản, ông Ishii cho hay, thời gian tuyển ứng viên từ tháng 5 đến tháng 10 và tháng 12 sẽ bắt đầu khóa đào tạo một năm. Những bạn thi đạt cấp độ N3 JLPT trở lên có thể xuất cảnh vào tháng 6 của năm kế tiếp, tháng 8 sẽ bắt đầu làm việc tại Nhật Bản. Đặc biệt, thời gian từ khi ứng viên tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng đến khi xuất cảnh ngắn nhất là 2 năm đối với khóa nhân viên chăm sóc.
Theo Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, các bạn đã thi đạt cấp độ N3 JLPT sau khi tham gia khóa học ngắn hạn (3 tháng: khoảng từ tháng 9 đến tháng 11, bắt đầu tuyển ứng viên khóa ngắn hạn từ 8/7/2024) được tổ chức lần này có thể xuất cảnh khoảng tháng 6/2025, nghĩa là xuất cảnh cùng các ứng viên kết thúc khóa đào tạo một năm. Đối với những bạn đang học tại các trường cao đẳng, đại học đã thi đạt cấp độ N3, sau khi tốt nghiệp khoảng 1 năm có thể xuất cảnh (đối với nhân viên chăm sóc).
Dự kiến từ năm 2025 trở đi cũng sẽ triển khai tuyển ứng viên khóa ngắn hạn vào thời điểm tương tự.
Ông Ishii cũng gửi đề nghị tới đại diện các trường đại học, cao đẳng tham dự tọa đàm với mong muốn các bên tiếp tục chia sẻ, lan tỏa thông tin về chương trình EPA.
Ông Ishii thông tin, hiện chương trình EPA đang tuyển ứng viên khóa 13, thời hạn nộp hồ sơ đến cuối tháng 10/2024, dự kiến xuất cảnh vào khoảng tháng 6/2026. Ngoài ra, từ nay đến ngày 23/8/2024, chương trình EPA tuyển ứng viên khóa 12, dự kiến xuất cảnh vào khoảng tháng 6/2025. Đối tượng tuyển là những người đã đậu N3 kỳ thi năng lực tiếng Nhật JLPT. Sau 3 tháng đào tạo, ứng viên có thể xuất cảnh.
Ngoài ra, với việc tổ chức khóa học ngắn hạn, tới đây những sinh viên đang học tại các trường đại học, cao đẳng mà đã đậu N3 JLPT thì sau khi tốt nghiệp chỉ cần chuẩn bị trong thời gian ngắn là có thể sang Nhật làm việc. “Vì lý do này, chúng tôi mong muốn các trường Đại học, Cao đẳng tư vấn cho sinh viên của mình tích cực học tiếng Nhật khi đang học tập tại trường”, ông Ishii nhắn gửi.
Tại tọa đàm, ông Kaneda Yoshinori – Phó tổng phụ trách dự án EPA, đại diện công ty Meiko Network Japan cũng chia sẻ một số thông tin về khóa đào tạo tiếng nhật cho ứng viên EPA trước khi sang Nhật Bản làm việc.
Theo đó, ngoài những giờ học trên lớp ứng viên sẽ được học tiếng Nhật một cách toàn diện thông qua trải nghiệm văn hóa Nhật Bản, giờ học điều dưỡng, kỹ năng chăm sóc điều dưỡng theo kiểu Nhật.
Phó tổng phụ trách dự án EPA nhấn mạnh thêm, điểm thu hút của dự án này là miễn phí hoàn toàn học phí, chi phí ăn ở khi tham gia khóa đào tạo một năm. Đặc biệt, trong thời gian tham gia khóa đào tạo sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí. Bên cạnh đó, ứng viên EPA được miễn phí vé máy bay 2 chiều, chi phí xin visa. Ứng viên EPA có thể vừa làm việc ở Nhật Bản vừa hướng đến mục tiêu thi đỗ chứng chỉ quốc gia Nhật Bản ngành điều dưỡng, nhân viên chăm sóc.
Tại tọa đàm một số câu hỏi đã được đưa ra thảo luận như liệu rằng có thể xây dựng một chương trình đào tạo tiếng Nhật phù hợp với đối tượng làm việc trong lĩnh vực chăm sóc, điều dưỡng hay không; phía Nhật Bản có nghiên cứu sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm hỗ trợ ứng viên EPA trong học tập, làm việc ở Nhật Bản hay không; giải pháp nhằm đáp ứng mong muốn làm việc tại các bệnh viện, không phải chỉ giới hạn trong các viện dưỡng lão của các bạn sinh viên…
Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ, các ứng viên EPA cần trang bị những kiến thức cơ bản về tiếng Nhật nói chung, chưa đề cập đến tiếng Nhật chuyên ngành, để có thể đáp ứng tốt yêu cầu công việc cũng như thích nghi, hòa nhập với cuộc sống sau khi sang Nhật Bản. Bên cạnh đó, đối với các bạn đã đạt cấp độ N3 LJPT có thể tham gia khóa đào tạo ngắn hạn khoảng 3 tháng. Nếu rút ngắn chương trình, thời gian đào tạo hơn nữa là một bài toán khó ở giai đoạn hiện tại.
Ông Ishii cho biết thêm, Chính phủ Nhật Bản, các cơ quan liên quan của Nhật Bản cũng như các bệnh viện, cơ sở chăm sóc, điều dưỡng đều đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các ứng viên EPA đến từ Việt Nam. Mặc dù hiện nay, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo nhưng với đặc thù của lĩnh vực chăm sóc điều dưỡng thì máy móc không thể thay thế con người. Tuy nhiên, ý kiến về việc ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ ứng viên trong học tập, làm việc là một gợi ý để các nhà sáng chế cân nhắc ý tưởng về sáng tạo trong tương lai.
Ông Ishii bày tỏ mong muốn các ứng viên EPA luôn nỗ lực, cố gắng hết mình để nâng cao năng lực tiếng Nhật cũng như kỹ năng chuyên môn.
Trả lời câu hỏi về nơi làm việc, ông Yamamura Tomokazu – Giám đốc hành chính Khoa hợp tác quốc tế, Tập đoàn Y tế Xã hội Aijinkai cho rằng, khi thi đỗ chứng chỉ quốc gia Nhật Bản, ứng viên có thể làm việc với tư cách là điều dưỡng viên tại các bệnh viện. Còn đối với nhân viên chăm sóc, có thể làm việc với tư cách hộ lý điều dưỡng. Hiện tại, 20-30% hộ lý điều dưỡng tại các bệnh viện đều là người Việt Nam.
Tại tọa đàm, Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan – Trưởng ban Công tác hội viên của Hiệp hội cho rằng, các đơn vị cần có sự quảng bá rộng rãi hơn nữa về chương trình EPA. Đồng thời, cần có những cuộc khảo sát kỹ lưỡng, tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các trường và sinh viên.