Những lời khuyên dành cho tân sinh viên
Bước chân vào ngưỡng cửa đại học, các bạn tân sinh viên (SV) bắt đầu làm quen với cuộc sống xa gia đình và từng bước “tự chủ” về cuộc sống của bản thân. Vì vậy, để các bạn dễ dàng hình dung và sống tốt trong thời gian là SV, tôi có những lời khuyên sau đây.
Đầu tiên là chọn thuê nhà trọ an toàn, gần trường học, vệ sinh sạch sẽ và đặc biệt là môi trường lành mạnh. Tốt nhất, hãy nhờ các thế hệ đi trước hoặc câu lạc bộ, tổ chức đoàn, hội hỗ trợ (nếu cần thiết). SV hãy tránh xa các hoạt động không rõ ràng, không có tổ chức của nhà trường bảo lãnh và giới thiệu. Tuyệt đối tránh xa các hoạt động bán hàng đa cấp, tham gia các tôn giáo, tổ chức không rõ ràng và chưa được cấp phép. Đồng thời tận dụng tối đa sự hỗ trợ của nhà trường, của Đoàn Thanh niên, Hội SV cũng như các anh, chị SV đi trước. Ngay khi gặp khó khăn hoặc có vấn đề cần giải quyết, các bạn hãy liên hệ các đơn vị chức năng, thầy cô giáo để được hướng dẫn, giúp đỡ, cả trong cuộc sống và học tập.
Đối với tân SV, cuộc sống bắt đầu từng bước tự lập. Các bạn phải tự xây dựng kế hoạch học tập và sinh hoạt một cách phù hợp. Mặt khác, cần tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm và các buổi ngoại khóa của nhà trường để nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ khi làm việc nhóm – một kỹ năng quan trọng sau khi ra trường và đi làm. Để thành công, ngoài kiến thức nhà trường trang bị, SV cần tăng cường các kỹ năng mềm khác và đây là thời gian quan trọng nhất để các bạn trau dồi ngoại ngữ, tin học, giao tiếp… Môi trường đại học hoàn toàn khác xa so với môi trường ở bậc THPT, do đó, các bạn phải rèn luyện cho mình tính tự học, tự nghiên cứu liên tục và có hiệu quả.
Việc chính của các bạn là học tập, nghiên cứu khoa học. Nếu sắp xếp được thời gian, các bạn nên tìm việc làm thêm phù hợp hoặc tự đầu tư vào lĩnh vực phù hợp để vừa có thu nhập, vừa tích lũy kinh nghiệm và đặc biệt là làm quen với khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Cuối cùng, “chọn bạn mà chơi”. Đây là giai đoạn quan trọng, SV tiếp xúc với bạn bè đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nhiều ngành nghề lĩnh vực khác nhau và các bạn cần có một tình bạn trong sáng, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng thành công. Những người bạn tốt sẽ không chỉ giúp bạn thành công trong thời gian học tập, mà còn có thể hỗ trợ nhau cả sau khi ra trường.
TS TRẦN ĐÌNH LÝ – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM