Hội nghị Ban Thường vụ Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam nhiệm kỳ II
Ngày 12/7, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Hiệp hội nhiệm kỳ II (2020-2025)
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội; cùng các Phó Chủ tịch: Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo; Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn; Tiến sĩ Lê Trường Tùng; Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Sơn; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hải; Nhà báo Nguyễn Tiến Bình và 40 Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, Hội nghị Ban Thường vụ được tổ chức để Hiệp hội cùng nhìn nhận lại tình hình và kết quả thực hiện công tác trong 6 tháng đầu năm, ghi nhận những việc làm đã làm được, xem xét những việc chưa làm được, đồng thời trao đổi, đề xuất các giải pháp để cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt chương trình công tác năm 2024.
Kết quả hoạt động nổi bật 6 tháng đầu năm 2024
Tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình triển khai và kết quả hoạt động của Hiệp hội trong 6 tháng đầu năm, dự kiến các công việc chính sẽ triển khai trong 6 tháng cuối năm 2024.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ cho biết, về công tác tổ chức, trong 6 tháng đầu năm, Hiệp hội luôn duy trì được sự ổn định và tiếp tục phát triển.
Nhân sự Văn phòng: Ông Nguyễn Đăng Khoa thôi giữ chức Chánh Văn phòng Hiệp hội và chuyển sang phụ trách công tác thi đua khen thưởng của Hiệp hội.
Bổ nhiệm bà Võ Thị Dung – Phó Chánh Văn phòng Hiệp hội giữ chức Chánh Văn phòng Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kể từ ngày 01/7/2024.
Hiệp hội đang xây dựng Dự thảo Đề án Tổ chức và phát triển Hiệp hội trong những năm tới với các mục tiêu: Kiện toàn cơ cấu tổ chức của Hiệp hội; sắp xếp, tăng cường nhân sự cơ quan Thường trực, góp phần đưa Hiệp hội trở thành một tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoạt động thực chất, khoa học, hiệu quả, để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ III của Hiệp hội vào cuối năm 2025.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hiệp hội không kết nạp thêm hội viên mới; có 01 hội viên tổ chức xin thôi tham gia Hiệp hội (Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh); 06 hội viên tổ chức đã sáp nhập với trường khác (Trường Cao đẳng Hải Dương, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế, Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái, Trường Trung cấp Y tế Bắc Giang); 05 hội viên cá nhân xin thôi tham gia.
Hiện tại, Hiệp hội có tổng số 340 hội viên, bao gồm: 210 hội viên là các đại học, học viện, trường đại học; 111 hội viên là các trường dự bị đại học, cao đẳng, trung cấp và 19 hội viên cá nhân.
Đối với Hội đồng cố vấn: Do Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hội đồng cố vấn đã từ trần, ngày 29/3/2024, Hội đồng cố vấn của Hiệp hội đã tiến hành họp nhằm kiện toàn bộ máy nhân sự và nhất trí bầu Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình giữ chức Chủ tịch Hội đồng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Toản và Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng cùng 9 ủy viên; đồng thời các thành viên trong hội đồng cố vấn đã trao đổi những công việc sẽ triển khai trong năm 2024.
Sáng ngày 11/7/2024, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và gia đình cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân đã tổ chức lễ ra mắt, giới thiệu sách “Đã là thuyền phải ra khơi” của Giáo sư.
Về nghiên cứu đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp, kiến nghị với các cấp quản lý, Hiệp hội đã có nhiều góp ý, đề xuất nhằm xem xét giải quyết các khó khăn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của hội viên.
Trong 6 tháng qua, lãnh đạo Hiệp hội đã chủ động tiếp cận lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước để phản ánh những vấn đề nóng cần được xem xét giải quyết và nguyện vọng của các trường hội viên. Hiệp hội đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ và các cấp quản lý nhà nước những văn bản sau:
Văn bản số 02/HH-VP ngày 04/01/2024 gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị về việc Bổ sung luồng trường trung học hướng nghiệp vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng lực lượng lao động chưa qua đào chuyên môn kỹ thuật quá đông (75%).
Văn bản số 03/HH-VP ngày 8/01/2024, gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị đưa Trường Đại học Tôn Đức Thắng về Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quản lý theo tinh thần của NQ17.
Văn bản số 09/HH-VP ngày 23/01/2024 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị chuyển đổi Trường Đại học Dầu khí Việt Nam sang mô hình trường đại học tự chủ không vì lợi nhuận.
Văn bản số 23/HH-NCPTCS ngày 8/4/2024 gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị về chính sách đối với các trường cao đẳng sư phạm.
Văn bản số 25/HH-VP ngày 12/4/2024 gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng kính gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị điều chỉnh Thông tư số 45/2006/TT-BGDĐT hướng dẫn chuyển đổi các trường đại học dân lập qua loại hình tư thục về xử lý hợp lý khối tài sản chung hợp nhất không phân chia.
Cùng với đó, theo đề nghị của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tại văn bản số 873/TCGDNN-KĐCL ngày 09/5/2024, Hiệp hội đã có văn bản số 30/HH-VP gửi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp góp ý về việc rà soát, xây dựng Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp.
Theo đề nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại văn bản số 8314/MTTW-BTT ngày 24/5/2024, Hiệp hội đã tham gia góp ý kiến cho Dự thảo Văn kiện trình đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X.
Về tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia và tọa đàm khoa học hàng tuần:
Hiệp hội phối hợp với Tập đoàn THACO tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề: “Cao đẳng – Thực trạng và giải pháp”.
Đây là hội thảo đầu tiên của Hiệp hội về hệ cao đẳng. Hội thảo thu hút 57 bài tham luận khoa học của giảng viên, cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục được tập hợp thành cuốn tài liệu gần 300 trang phục vụ hội thảo; Tại hội thảo 10 báo cáo khoa học được thuyết trình. Đây là cơ hội tốt để trên 70 đại biểu (từ một số cơ quan Trung ương, trường đại học, trường cao đẳng trên cả nước và Hiệp hội về dự hội thảo) chia sẻ về lý luận, thực tiễn, nhận dạng nguyên nhân và gợi mở những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hệ cao đẳng.
Nội dung tổng kết hội thảo của Chủ tịch Hiệp hội đăng tải trên báo chí và được xã hội rất quan tâm.
Bên cạnh đó, Thường trực Hiệp hội thường xuyên tổ chức các tọa đàm khoa học vào thứ Sáu hàng tuần.
Nhiều vấn đề thuộc khoa học giáo dục được trình bày và trao đổi rất nhiệt tình, trách nhiệm, trong đó, có những vấn đề lần đầu được trình bày như công nghệ cao (Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quốc Sỹ trình bày); không ít vấn đề được nhìn nhận lại với góc nhìn mới: Vấn đề liên thông của các trường cao đẳng lên đại học; Phân luồng sau trung học cơ sở; Cơ cấu và trình độ đào tạo lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các thập niên đầu của thế kỷ 21; Dấu hiệu nhận dạng đúng trình độ và tên gọi của các chương trình đào tạo; Một số ứng dụng của trí tuệ nhân tạo AI…
Ngay từ đầu năm 2024, lãnh đạo Hiệp hội đã phê duyệt và giao cho các Ban chuyên môn tổ chức triển khai nghiên cứu thực hiện một số đề án/dự án quan trọng:
– Nhìn lại 40 năm đổi mới giáo dục và phương hướng cho 20 năm tiếp đến;
– Hệ thống giáo dục mở;
– Chính sách nghiên cứu khoa học và phát triển nhân lực cho các ngành công nghệ cao;
– Phân luồng sau trung học cơ sở;
– Kiến nghị sửa đổi các luật về giáo dục;
– Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Hiệp hội;
– Kiến nghị chỉnh sửa Chương trình giáo dục phổ thông 2018;
– Nghiên cứu mô hình đại học quốc gia và đại học vùng;
– Xây dựng Tủ sách về khoa học giáo dục của Hiệp hội;
– Nghiên cứu chính sách học phí đại học;
– Chiến lược phát triển nguồn nhân lực;
– Nghiên cứu về mô hình trường hoạt động không vì lợi nhuận;
– Phát triển của hệ thống trường ngoài công lập hiện nay;
Đến nay, hầu hết các đề án này đã hoàn thiện đề cương, bắt đầu triển khai công việc để hoàn thành trong năm 2024.
Ngày 02/4/2024, đại diện lãnh đạo Hiệp hội tham dự tọa đàm do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức với nội dung “Bối cảnh và những vấn đề mới đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; định hướng và những giải pháp đột phá”.
Ngày 03/4/2024, tham dự hội thảo do Đại học Thái Nguyên tổ chức với chủ đề “30 năm Đại học vùng – thực tiễn và triển vọng”.
Ngày 04/4/2024, tham dự cuộc họp của Văn phòng Chính phủ tổ chức với chủ đề “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2023-2030”.
Đại diện lãnh đạo Hiệp hội tham gia góp ý cho Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngày 03/5/2024, lãnh đạo Hiệp hội tham dự cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì về việc “Chuyển Trường Đại học Tôn Đức Thắng trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động sang trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”.
Ngày 16/5/2024, lãnh đạo Hiệp hội tham dự cuộc họp do Văn phòng Chính phủ chủ trì với nội dung: Bàn về kiến nghị của Hiệp hội liên quan đến Trường Đại học Dầu khí Việt Nam.
Ngày 31/5/2024, đại diện Hiệp hội tham dự Diễn đàn do Đại sứ quán Mỹ tổ chức tại Lào với chủ đề “Giảng dạy tiếng Anh để sẵn sàng cho ngày sau lập nghiệp”.
Ngày 30-31/5/2024, tham dự hội thảo với chủ đề “Đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam”.
Ngày 11/6/2024, lãnh đạo Hiệp hội tham dự cuộc họp góp ý kiến cho Dự thảo báo cáo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc tổ chức.
Về hoạt động của các câu lạc bộ và tổ chức trực thuộc, hiện tại, Hiệp hội có 26 câu lạc bộ tổ chức hoạt động khá đều đặn, nề nếp. Hầu hết các câu lạc bộ đã thực sự chủ động trong mọi hoạt động của mình, đây là xu hướng phát triển tốt mà Hiệp hội mong muốn là yêu cầu đặt ra đối với tất cả các câu lạc bộ trong những năm tới.
Sau hội thảo, tọa đàm, một số câu lạc bộ đã có báo cáo và kiến nghị gửi tới Hiệp hội và các cấp có thẩm quyền.
Trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có 11 Câu lạc bộ tiến hành tổ chức 12 cuộc hội thảo, tọa đàm theo kế hoạch đề ra
Hiệp hội có 27 pháp nhân trực thuộc gồm 01 tạp chí, 26 viện và trung tâm (trong đó, 01 Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục và 16 Viện, 09 trung tâm hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ).
Nhìn chung, các tổ chức trực thuộc đã khắc phục khó khăn để triển khai hoạt động và đã có được một số chuyển biến tích cực.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã truyền thông kịp thời những vấn đề về giáo dục đại học, những ý kiến đóng góp của Hiệp hội đối với hành lang pháp lý của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; đồng thời phản ánh, đưa tin trung thực, khách quan các diễn biến tích cực, những hạn chế, tiêu cực trong toàn ngành.
Tạp chí đã và đang tập trung thực hiện các bài viết tuyên truyền, góp ý, phản biện chính sách, đặc biệt là việc thúc đẩy chủ trương tự chủ đại học theo Nghị quyết 29-NQ/TW; Luật Giáo dục đại học sửa đổi; Nghị định 99/2019/NĐ-CP; góp ý về hoạt động của Hội đồng trường; nguồn lực đầu tư cho đại học; góp ý dự thảo Luật Nhà giáo… Các tuyến bài về giới thiệu ngành nghề, thực hiện báo cáo 3 công khai tại các cơ sở giáo dục đại học; ghi nhận ý kiến của các cơ sở giáo dục đại học nêu thực trạng tuyển sinh một số ngành đang gặp khó khăn…
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội đã chủ động xây dựng kế hoạch và đã kiểm định chất lượng được 06 cơ sở giáo dục đại học; 29 chương trình đào tạo trình độ đại học và thạc sỹ.
Các viện, trung tâm trực thuộc đã có nhiều hoạt động khởi sắc, tích cực tham gia các hoạt động của Hiệp hội.
Dự kiến các công việc chính trong 6 tháng cuối năm 2024
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ cho biết, Hiệp hội sẽ tiếp tục triển khai những phần còn lại của Chương trình công tác năm 2024, đồng thời sẽ điều chỉnh và bổ sung thêm một số nội dung theo yêu cầu của thực tế.
Theo đó, thành lập đơn vị tham mưu tư vấn nghiên cứu chính sách phát triển các ngành công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn cho lãnh đạo.
Hoàn thành các đề án/dự án được giao từ đầu năm 2024.
Phát triển từ 2-3 hội viên mới là các trường đại học, cao đẳng.
Thành lập mới từ 1-2 câu lạc bộ.
Tiếp tục nghiên cứu, tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động, sự phát triển của Hiệp hội. Trọng tâm là Hệ thống giáo dục quốc dân, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở đào tạo giáo viên; tự chủ đại học, trường đại học đẳng cấp quốc tế; phát triển các trường đại học ngoài công lập không vì mục đích lợi nhuận; bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; đóng góp ý kiến xây dựng luật nhà giáo; chính sách phát triển nhân lực nói chung và nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao nói riêng; chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các cơ quan, tổ chức nước ngoài để trao đổi kinh nghiệm phát triển các mô hình trường đại học tiên tiến, các chương trình đào tạo xuất sắc, các thành tựu khoa học công nghệ mới và việc trao đổi, bồi dưỡng chuyên gia cho các đơn vị và các thành viên của Hiệp hội.
Hoàn thiện Đề án củng cố và phát triển Hiệp hội trong giai đoạn tiếp theo và chuẩn bị bộ máy tổ chức, nhân sự lãnh đạo cho nhiệm kỳ III.
Sẽ bầu bổ sung 01 Phó Chủ tịch phụ trách khoa học – công nghệ.
Tiếp tục phát triển và đa dạng các phương thức truyền thông về các hoạt động của Hiệp hội và các đơn vị thành viên của Hiệp hội để khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của Hiệp hội trong sự nghiệp phát triển giáo dục thông qua website của Hiệp hội, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Hiệp hội cùng gia đình cố Bộ trưởng Trần Hồng Quân – nguyên Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Hiệp hội biên soạn và phát hành cuốn sách, dự kiến tên cuốn sách là “Bộ trưởng Trần Hồng Quân với sự nghiệp đổi mới giáo dục đại học Việt Nam”.
Chuẩn bị chu đáo các cuộc họp cuối năm: Theo quy định, cuối năm, Hiệp hội tổ chức các cuộc họp định kỳ quan trọng (Họp Ban Thường vụ, Họp Ban Chấp hành). Văn phòng cùng các ban liên quan sẽ phối hợp chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, trong đó có dự thảo Báo cáo tổng kết năm 2024, dự thảo Chương trình công tác năm 2025 của Hiệp hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ: “Đồng bằng sông Cửu Long gần đây đã được Chính phủ quan tâm nhiều hơn, có nhiều nghị quyết về xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, về các sản phẩm chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long…
Trong thời gian tới, Câu lạc bộ Khối trường đại học, cao đẳng khu vực Tây Nam Bộ sẽ tiếp tục củng cố lại hệ thống theo quy hoạch mới mạng lưới các trường đại học và cao đẳng sư phạm, cũng như quy hoạch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sau khi gỡ bỏ “rào cản” lớn nhất của vùng là cơ sở hạ tầng giao thông và logistics.
Đặc biệt, thời gian tới, Trường Đại học Cần Thơ mong muốn sẽ tiếp tục giữ vị trí trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rất mong có sự phối hợp, hợp tác với các trường trên cả nước để tiếp tục hoàn thiện những công việc, một trong những vấn đề quan trọng nhất là chuyển đổi số, trong đó, chúng ta đã làm một bước rất quan trọng là xây dựng hệ thống thư viện số cho các trường đại học, cao đẳng, phải làm sao để phát huy và khai thác thật hiệu quả”.
Tại Hội nghị, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nêu ý kiến: “Đại diện Hội đồng cố vấn của Hiệp hội đề nghị, trong tháng 7/2024, Hiệp hội sẽ có một đề xuất mang tính chất kiến nghị để Ban soạn thảo có thể đưa vào Văn kiện Đại hội XIV các vấn đề về giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các vấn đề về giáo dục đại học. Các vấn đề này chỉ giới hạn trong khoảng 2 trang. Đề nghị Hiệp hội phát huy trí tuệ tập thể, trí tuệ của các lãnh đạo, Ban Chấp hành để thu thập ý kiến, kiến nghị kịp thời”
Cho ý kiến về nội dung này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ đánh giá, đây là một cơ hội: “Nếu chúng ta đưa được vấn đề về giáo dục vào Văn kiện Đại hội XIV thì rất quan trọng. Tôi đề nghị, Ban Thường vụ sẽ gạch đầu dòng những vấn đề còn đang tồn tại của giáo dục và đào tạo hiện nay, mà cần phải được giải quyết trong nhiệm kỳ tới… tổng hợp ý kiến và gửi lại, nếu cần, có thể tổ chức 1-2 tọa đàm trong tháng 7/2024”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cũng nêu ý kiến: “Chúng ta nên và rất cần đưa được vào Văn kiện Đại hội XIV vấn đề về quy hoạch giáo dục đại học Việt Nam. Đầu tiên là đưa hệ thống trường cao đẳng về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thành hệ thống, đúng với cơ cấu trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thứ hai là xem xét lại vấn đề sát nhập, nâng cấp các trường cao đẳng thành các trường đại học, kể cả trường cao đẳng sư phạm. Bởi, thực tế hiện nay, rất nhiều địa phương cần nhân lực tốt nghiệp từ các trường cao đẳng, chúng ta đang rất nhiều “thầy”, nhưng “thợ” trình độ cao thì đang thiếu, nhiều vùng sâu, vùng xa đang chỉ cần đến giáo viên trình độ cao đẳng, nhưng sát nhập hết trường cao đẳng thì dẫn đến thiếu giáo viên (vì các giáo viên trình độ đại học không muốn đến vùng sâu, vùng xa)”.
Hiệp hội phải đóng góp vì lợi ích quốc gia
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng cho biết “Trong 6 tháng cuối năm, phải tập trung, cố gắng hoàn thành 13 đề án/dự án trong năm nay, chỉ trừ một số đề án/dự án chịu ảnh hưởng của yếu tố khách quan.
Qua theo dõi, tôi thấy 2 đề án về Chiến lược phát triển nguồn nhân lực; Nghiên cứu về mô hình trường hoạt động không vì lợi nhuận: tiến độ còn chậm…
Bên cạnh đó, về công tác tổ chức, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, nhất trí thành lập các tiểu ban, chủ yếu là các đồng chí trong bộ phận Thường trực tham gia.
Ngoài ra, xem xét lại quy chế, cân nhắc lại thời gian họp Thường vụ Hiệp hội, họp bao nhiêu lần, thời gian bao lâu, liên quan đến giải quyết những công việc gì?…”.
Đồng thời, liên quan đến cơ cấu lãnh đạo phụ trách nội dung gì, theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, cần một Phó Chủ tịch phụ trách về công tác nghiên cứu khoa học, khoa học công nghệ, bởi: “Lâu nay, chúng ta chăm lo giáo dục đại học nhưng chưa gắn giáo dục đại học với nghiên cứu khoa học, mặc dù chúng ta luôn luôn nói là giáo dục đại học có hai nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo và nghiên cứu gắn với nhau, nhưng lại chưa thực hiện được. Xu hướng lâu dài, giữa đại học và nghiên cứu khoa học về cơ bản phải nhập lại. Trên thế giới đã làm như vậy, còn tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa làm được. Cũng đến lúc chúng ta phải nhập lại dần, thế giới nghiên cứu để giảng dạy, lực lượng nghiên cứu làm ở các đại học là chính, không phải tách rời giữa nghiên cứu khoa học và giáo dục đại học…”.
Một mảng quan trọng nữa là mà Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng đề cập chính là về giáo dục lĩnh vực văn hóa, lịch sử, văn học, nghệ thuật.
Về những nội dung liên quan đến kiến nghị về giáo dục và đào tạo để đưa vào Văn kiện Đại hội XIV, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng đánh giá, đây là một cơ hội rất tốt, cần tranh thủ thực hiện… Trong đó, có thể tập trung vào các nội dung kiến nghị về giáo dục đại học và chính sách nghiên cứu khoa học, phát triển nhân lực cho các ngành công nghệ cao. Hiệp hội phải đóng góp vì lợi ích quốc gia.