Học sinh chọn trường học đại học, cao đẳng 2021 – cần lưu ý, nắm chắc cơ hội, chọn ngành phù hợp
Ngoài việc khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ năm học2020- 2021, ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh lớp 12 trong cả nước cũng đang quan tâm tìm hiểu thông tin liên quan đến tuyển sinh cao đẳng, đại học và cân nhắc để chọn ngành học, nộp hồ sơ xét tuyển vàotrường nào. Sau đây là ý kiến chuyên gia:
Đa dạng phương thức, thêm ngành đào tạo
Thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh, năm nay các trường đại học tiếp tục sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau. Điều này được ghi nhận là tạo nhiều cơ hội, “mở rộng cửa” cho thí sinh thuận lợi trong lựa chọn, đăng ký xét tuyển vào những ngành, trường phù hợp sau khi kết thúc bậc học phổ thông.
Tại khu vực phía Nam, các trường đại học đã công bố Đề án tuyển sinh năm 2021 với rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh công bố 6 phương thức xét tuyển đại học chính quy, gồm: Xét tuyển thẳng đối tượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế; xét tuyển học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt; xét tuyển dựa trên quá trình học tập theo tổ hợp môn; xét tuyển theo kết quả đợt 1 Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và xét tuyển theo kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2021.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thông báo sử dụng 5 phương thức tuyển sinh là: Xét tuyển thẳng, theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; theo quy định của Đại học Quốc gia gia Thành phố Hồ Chí Minh; dựa trên kết quả thi năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông nước ngoài.
Trường Đại học Đồng Tháp cũng thông tin đề án tuyển sinh đại học năm 2021 theo 4 phương thức cụ thể: Dựa trên kết quả kỳ thi năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; theo kết quả học bạ; xét tuyển thẳng học sinh trường chuyên đạt danh hiệu học sinh giỏi 3 năm trung học phổ thông hoặc đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Không chỉ đa dạng trong phương thức xét tuyển, các trường còn thông báo đào tạo mở nhiều ngành học mới đáp ứng yêu cầu thị trường lao động của vùng cũng như trong cả nước, đồng thời phù hợp với khả năng đào tạo từng trường. Đơn cử, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có thêm ngành học Kiến trúc và thiết kế đô thị và ngành Quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mở thêm ngành đào tạo mới là Chính trị học và chương trình chất lượng cao ngành Hàn quốc học. Tại Đồng bẳng sông Cửu Long, nắm bắt nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, Trường đại học Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ mở thêm các ngành: Công nghệ kỹ thuật năng lượng, công nghệ kỹ thuật hóa học, quản trị kinh doanh.
Hiểu rõ bản thân, chọn ngành phù hợp
Mặc dù có rất nhiều ngành học, nhiều phương thức tuyển sinh song các chuyên gia hướng nghiệp và đại diện bộ phận tuyển sinh của các trường đều lưu ý thí sinh tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến từng phương thức xét tuyển từ đặc điểm ngành học dự kiến xét tuyển, các điều kiện, tiêu chí cho tới mốc thời gian nộp hồ sơ để không bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển và chọn được đúng ngành học phù hợp năng lực, sự yêu thích của mỗi người.
Phó Giáo sư Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phân tích: Với mỗi thí sinh chọn ngành mình yêu thích thôi chưa đủ mà còn cần xét đến năng lực học tập, hoàn cảnh của bản thân cũng như điều kiện kinh tế gia đình. Các em không nên chỉ tập trung chọn những ngành được cho là “hot” vì trong xã hội ngày nay đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế số, các ngành nghề có xu hướng dịch chuyển, giao thoa rất nhanh. Một số ngành hiện tại có thể được cho là hấp dẫn nhưng trong tương lai có thể không còn như thế nữa. Ngược lại, có ngành bây giờ ít người quan tâm nhưng thời gian tới sẽ có nhu cầu nhân lực cao.
Bên cạnh đó, quá trình cân nhắc để đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh nên lắng nghe, tham khảo lời khuyên của cha mẹ và các chuyên gia tư vấn. Về phía phụ huynh đưa ra lời khuyên, tư vấn nhưng đừng áp đặt chủ quan, không tính đến năng lực học tập, sức khỏe phù hợp với dự định mà con lựa chọn.
Dưới góc độ chuyên gia tư vấn nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn lưu ý các thí sinh, việc chọn ngành học, trường học không chỉ bó hẹp ở bậc đại học mà còn có thể ở bậc cao đẳng, trung cấp. Điều quan trọng khi dự kiến con đường học tập tiếp theo là thí sinh phải tìm hiểu để biết nghề đó có phù hợp năng lực, tính cách và sở thích của mình hay không; tránh trường hợp chọn ngành, chọn trường chỉ theo cảm tính, không quan tâm đến điều kiện của gia đình và nhu cầu của xã hội. Thị trường lao động hiện nay cũng như trong tương lai nhu cầu nhân lực các ngành nghề rất đa dạng. Có ngành được cho là “thời thượng” nhưng không phải ai học cũng thành công mà quan trọng là sự phù hợp đối với mỗi người.
Chọn ngành nghề, trường học sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh cũng cần hiểu giá trị sức lao động, giá trị của mỗi ngành nghề không chỉ nằm ở tên trường hay ngành học đang được ưa chuộng. Kiến thức mỗi người tích lũy được trong quá trình học cộng với các kỹ năng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, tính kỷ luật, thích nghi và ý chí vươn lên mới quyết định sự thành công sau này./
Những lưu ý đặc biệt về đăng ký xét tuyển đại học 2021
Ngày 19/4/2021: Bộ GD-ĐT vừa công bố hướng dẫn công tác tuyển sinh trình độ đại học năm 2021. Theo đó, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển chỉ được chọn một trong hai phương thức.
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển chỉ được chọn một trong hai phương thức sau:
Phương thức 1: Đăng kí trực tiếp tất cả các thông tin trên phiếu đăng ký dự thi (ĐKDT) kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học; cao đẳng năm 2021 phiếu ĐKDT và đăng ký xét tuyển (ĐKXT); thí sinh không được điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển khi điểm tiếp nhận đã cập nhật thông tin của thí sinh vào cơ sở dữ liệu trong thời gian quy định.
Phương thức 2: Đăng ký trực tuyến (tại các nơi có đủ điều kiện), thí sinh đăng ký trực tiếp trên Phiếu ĐKDT và ĐKXT phần thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT; phần đăng kí nguyện vọng xét tuyển trực tuyến phải hoàn thành trong thời gian quy định và thí sinh có thể điều chỉnh nhiều lần thông tin đăng kí nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định.
Điều chỉnh 3 lần nguyện vọng
Đối với thí sinh có nhu cầu điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT, chỉ được thực hiện theo phương thức trực tuyến: sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh được điều chỉnh ĐKXT tối đa 3 lần trong thời gian quy định; Các thí sinh phúc khảo các bài thi/môn thi sẽ điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT sau khi có kết quả phúc khảo thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu, sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh.
Thí sinh điều chỉnh lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu hoặc điều chỉnh sai sót các nội dung liên quan đến đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên phải khai chính xác thông tin này và nộp tại điểm thu nhận hồ sơ để bổ sung kinh phí tương đương với số lượng nguyện vọng tăng so với số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu.
Sau đó sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh sau khi cán bộ điểm tiếp nhận cập nhật thông tin bổ sung số nguyện vọng của thí sinh trên cổng thông tin tuyển sinh.
Bộ GD-ĐT lưu ý, thí sinh ghi đúng mã cơ sở đào tạo – nhà trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của nhà trường. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại.
Trong thời gian thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, các trường ĐH tuyệt đối không cập nhật, không công bố thông tin thí sinh xét tuyển vào trường mình.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải công bố công khai, minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các điều kiện sơ tuyển, điều kiện xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, ngưỡng đảm bảo chất lượng, chính sách ưu tiên của trường…
Các trường phải có biện pháp kiểm soát các điều kiện sơ tuyển khi yêu cầu thí sinh trong tuyển sinh, không để xảy ra tình trạng thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị loại khi nhập học do không đủ điều kiện sơ tuyển.
Đặc biệt, các trường không được thông báo thí sinh trúng tuyển dưới mọi hình thức khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT; sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu, mức điểm nhận xét tuyển cho từng phương thức tuyển sinh theo quy định của quy chế tuyển sinh.
Ban TT&SV (Tổng hợp)