GÓP PHẦN ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG

Ngày 25/04/2021

Chăm lo phát triển chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới giáo dục đào tạo vì mục tiêu phát triển bền vững

Tương lai vì một Việt Nam vững bước tiến cùng thời đại,
Quan điểm giáo dục và đào tạo quốc sách hàng đầu là ý niệm xuyên suốt nhiều kỳ Đại hội Đảng cũng như nhiều Hội nghị Trung ương chỉ đạo hoạt động giáo dục và đào tạo. Đổi mới giáo dục- đào tạo để phát triển bền vững năm 2030 của Việt Nam là “Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.”.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề cập sâu sắc “Đổi mới giáo dục và đào tạo vì mục tiêu phát triển bền vững,” bức tranh tổng quát về đường lối, chiến lược, chính sách đổi mới và phát triển bền vững nền giáo dục Việt Nam, ghi nhận ý kiến đánh giá, nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý về những thời cơ cũng như thách thức đang phải đối mặt của ngành giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới.
Ngay từ năm 1070, vua Lý Thánh Tông đã cho xây dựng Văn Miếu-Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước ta. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nền giáo dục và sự hiếu học của dân tộc Việt Nam luôn được đề cao và vun đắp. Năm 1484, nơi đây được khắc ghi câu văn nổi tiếng của Thân Nhân Trung: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp.”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của giáo dục đối với sự phát triển và hưng thịnh của đất nước. Người đặt trọn niềm tin, hy vọng vào thế hệ kế tục xứng đáng truyền thống vẻ vang của cha ông bằng sự nỗ lực phấn đấu học tập của mình, mở ra tương lai tươi sáng giàu đẹp cho đất nước.
Trong thời kỳ đương đại ngày nay, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến vai trò, ý nghĩa của nền giáo dục đào tạo nước nhà, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định nhận thức được vai trò và ý nghĩa của giáo dục và đào tạo, xuyên suốt qua nhiều kỳ Đại hội Đảng cũng như nhiều Hội nghị Trung ương, quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu không hề thay đổi. Gửi gắm hy vọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đất nước đang đứng trước nhiều vận hội lớn để hiện thực hóa khát vọng dân tộc. Đặc biệt, thế giới nói nhiều về thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc trưng là sự phát triển một loạt các công nghệ mới, kết hợp giữa thế giới vật lý với thế giới kỹ thuật số đã tác động sâu rộng đến tất cả các nền kinh tế, ảnh hưởng đến từng ngành công nghiệp, thậm chí thách thức những ý tưởng lớn và những điều có ý nghĩa đối với con người. (Trích diễn văn phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Nguyên Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục & Phát triển nhân lực tại Lễ tuyên dương các học sinh trung học phổ thông đạt giải Olympic quốc tế 2020.)
Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VII) năm 1993, tiếp đến, từ thực tiễn đổi mới và những nút thắt phát triển nảy sinh, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra ba đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về nguồn nhân lực. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) (Nghị quyết số 29-NQ/TW) một lần nữa khẳng định, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân ta. Tiếp nối dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt yêu cầu, xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.Gắn với thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI, XII của Ðảng, trong đó, đột phá chiến lược là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân.

Như vậy những chỉ đạo trên sáng tỏ chân lý hiển nhiên. Quốc gia nào có khả năng nắm bắt được các thành tựu, các xu hướng mới mở ra thì sẽ thành công, nhờ đó sẽ rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Khả năng nắm bắt thành tựu của cách mạng công nghiệp xét cho cùng là tùy thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực hay chất lượng vốn con người. Việt Nam có thể cạnh tranh, tranh đua được các nước trên thế giới hay không chính là nhờ bản lĩnh, khí chất mang dấu ấn trí tuệ dân tộc và thời đại..

Vì vậy, trước thời cơ vận hội mới, ngành Giáo dục và Đào tạo phải có sự phát triển đột phá, chuyển biến mạnh hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để mỗi người dân Việt Nam phát triển toàn diện, có kiến thức và kỹ năng vững vàng, khả năng sáng tạo, làm chủ bản thân để lập nghiệp; phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Mô hình hợp tác gắn kết Nhà nước – Nhà trường – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp là tự lực nội sinh, kết hợp trí tuệ Việt Nam với hội nhập quốc tế, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào trong cuộc sống hôm nay

Ngày nay nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, trong đó mô hình 4 nhà là các doanh nghiệp muốn phát triển phải có sự tham gia xây dựng của các cơ sở giáo dục đào tạo và hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức chính phủ. Sự gắn kết Cơ sở giáo dục – Doanh nghiệp – Chính phủ đang ngày càng đòi hỏi phải có những mô hình nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách bền vững. Mô hình 4 nhà – Nhà trường, Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp với vai trò là đơn vị thụ hưởng có quỹ đạo phát triển hỗ tương xoắn ốc, trong nội giới hệ sinh thái của thực tại đa cấu trúc; mô hình cùng là lời giải của bài toán hợp nhất đa cấu trúc.
Các doanh nghiệp vừa là khởi nguồn của nhu cầu, vừa là chủ thể thúc đẩy việc giải quyết nhu cầu. Các trường Đại học, Cao đẳng phát huy thế mạnh của mình trong nắm bắt, tạo giải pháp để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cả về nguồn nhân lực gồm sản phẩm trí tuệ – các chuyên gia Nhà khoa học. Chính phủ đóng vai trò là mối quan hệ tổng hòa, vừa định hướng, vừa xúc tác để quá trình hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường trở nên hiệu quả hơn. Trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức chính phủ thì việc sử dụng sự hỗ trợ của các cơ quan quốc tế trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường là một trong những khía cạnh mang đến nhiều thành công.
Và, một điều giản dị đây là mô hình hợp tác giữa các bên. Mô hình này không xa lạ gì, ý tưởng bắt nguồn bởi nhà triết học người Đức Willhelm Humboldt.
Bởi theo nhà triết học,giáo dục ngoài chức năng đào tạo phải có chức năng nghiên cứu và hợp tác với các ngành nghề. Nghiên cứu khoa học trong các trường hiện đại thể hiện chức năng của mình thúc đẩy đổi mới tri thức xã hội. Hợp tác Nhà trường – doanh nghiệp được hiểu như sự tương tác, giao dịch giữa cơ sở giáo dục với các doanh nghiệp để mang lại lợi ích cho các bên, bao gồm: hợp tác trong nghiên cứu và phát triển (R&D), trao đổi nhân sự (học giả, sinh viên và chuyên gia), thương mại hóa kết quả R&D, xây dựng và phổ biến chương trình đào tạo, học tập suốt đời, phát triển doanh nghiệp và quản trị.
Ngày nay,, hầu hết những cải tiến công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế đều liên quan tới các trường thông qua các hoạt động chia sẻ tri thức, R&D và chuyển giao công nghệ, vai trò của các trường đối với doanh nghiệp tiếp tục được đề cao. Chính phủ luôn đóng vai trò quan trọng trong tạo dựng môi trường pháp luật và các chính sách, hình thành liên kết ba bề, bốn bên: chính phủ – nhà trường – doanh nghiệp.
Các trường đại học, cao đẳng với vai trò là trung tâm nghiên cứu thường sở hữu các kết quả nghiên cứu, tri thức và công nghệ mới chính là nơi mà các doanh nghiệp cần. Để giảm chi phí nghiên cứu, mở rộng phạm vi hoạt động, mở ra nhiều hướng phát triển công nghệ, các công ty hợp tác với các trường để tiếp nhận đổi mới công nghệ, đi đầu trong R&D hoặc giải quyết các bài toán về công nghệ, môi trường mà thực tiễn đặt ra với khoảng thời gian ngắn, chi phí hợp lý, đội ngũ chuyên gia giỏi.
Thông qua hợp tác với Nhà trường, ngoài việc giúp doanh nghiệp quảng bá tên tuổi, thương hiệu (thông qua tài trợ học bổng và cơ sở vật chất), cơ hội tuyển chọn được nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất – kinh doanh, thì lợi ích còn là doanh thu từ thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Hợp tác với doanh nghiệp còn là phương thức để các trường huy động các nguồn lực phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, Giảng viên và nghiên cứu viên thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Thông qua hợp tác với doanh nghiệp, các trường có điều kiện để đổi mới cơ cấu tổ chức và quản lý theo hướng hiệu quả; điều chỉnh, cập nhật chương trình, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp – nhà tuyển dụng.
Cần nói thêm Ở Việt Nam, hợp tác giữa cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu và doanh nghiệp được Đảng và Nhà nước quan tâm từ hai thập niên trở lại đây. Tuy nhiên, so với thế giới, đặc biệt là các quốc gia châu Âu và Mỹ thì đổi mới về vấn đề này ở Việt Nam rất chậm, đặc biệt các chính sách, cơ chế và giải pháp thực thi trong thực tiễn từ Chính phủ và các Bộ, ngành còn thiếu đồng bộ. Các nội dung hợp tác ở các cấp độ sâu hơn theo xu hướng hội nhập và chia sẻ nguồn lực cùng phát triển trong hợp tác với doanh nghiệp còn hạn chế. Chính vì vậy mà mô hình hợp tác để đưa các chính sách của nhà nước, nhu cầu và nguồn lực của trường, cơ sở nghiên cứu, nhu cầu và nguồn lực của doanh nghiệp gần lại với nhau là một vấn đề cần nghiên cứu và triển khai ngay và không chờ đợi..
Phần lớn các doanh nghiệp đều mong muốn tham gia hợp tác và hỗ trợ các Trường, Viện tuy nhiên cần phải đưa ra được các lợi ích mang lại cho doanh nghiệp và quan trọng là hiệu quả trong hợp tác chứ không phải hình thức.
Từ phân tích trên, có thể thấy, để thúc đẩy mô hình thì cần tạo liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhà khoa học mà trong đó các cơ quan, tổ chức chính phủ đóng vai trò định hướng và xúc tác. Đổi mới giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và ý thức trách nhiệm để đưa đất nước đến bến bờ thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu, là quốc sách hàng đầu như chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt niềm tin hy vọng vào thế hệ kế tục xứng đáng với sự nghiệp vẻ vang mà cha ông bằng sự nỗ lực phấn đấu học tập của mình, mở ra tương lai tươi sáng giàu đẹp cho đất nước.

(Văn Đình Ưng –  Xuân Thuỷ – Ban TT SV)