Đăng ký xét tuyển 2021, chọn ngành học trước khi chọn trường
Từ ngày 27/4 đến 11/5, học sinh lớp 12 cả nước bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021. Các chuyên gia tuyển sinh đưa ra lời khuyên chọn trường, chọn ngành phù hợp với bản thân và nhu cầu lao động của thị trường trong tương lai.
Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, việc đầu tiên thí sinh cần chọn trường mà mình mong muốn. Sau đó lựa chọn những ngành học theo thứ tự ưu tiên. Ví dụ như, khi xác định đỗ vào Đại học Kinh tế Quốc dân là mục tiêu thì các em nên đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển, thậm chí hàng chục nguyện vọng xét tuyển ở các ngành đào tạo khác nhau của trường.
Với chiến thuật này, các bạn có thêm cơ hội trúng tuyển vào trường. Nếu trượt các nguyện vọng 1, 2, 3…, thí sinh có thể trúng tuyển ở các nguyện vọng 9, 10, 11. Đó là chiến lược chọn trường, chọn ngành bền vững.
Theo giáo sư Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), mùa tuyển sinh năm nay có nhiều ngành “hot”, trong đó có khối ngành Kinh tế, với xu hướng giao thoa với công nghệ. Ví dụ như một số ngành kinh doanh số, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, logistic… Đây những ngành mới, đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động trong tương lai. Vì thế, dự báo những ngành này sẽ ngày càng “hot”, được thí sinh lựa chọn nhiều.
Giáo sư Hoa cũng khuyến cáo, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, các em nên sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Nguyện vọng 1 nên là ngành mà mình yêu thích nhất.
Thí sinh không nên đăng ký xét tuyển theo phong trào, hoặc theo cảm tính. Quan trọng nhất là phải phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Nếu các em tố chất hướng ngoại có thể lựa chọn những ngành như marketing. Những bạn hướng nội nên học ngành liên quan đến những con số.
Nhiều thí sinh chọn ngành không đúng với sở trường, chọn ngành theo cảm tính, theo “trend”, đến khi vào học, các em bị sốc, phải bỏ giữa chừng. Điều đó gây lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức cho chính các em và gia đình mình.
Do đó, trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, các em cần xác định: “Mình muốn trở thành ai trong tương lai, muốn làm nghề gì và nghề đó có phù hợp với mình không?”. Bởi nhiều khi có những ngành mình thích nhưng lại không phù hợp với năng lực của bản thân (bao gồm cả tố chất, đặc tính cá nhân, năng lực học tập…).
Giáo sư Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá, “bức tranh” tuyển sinh năm nay không có gì đột biến. Tuy nhiên, xu hướng tuyển sinh sẽ mang hơi thở của thời đại 4.0… Trong đó, nhiều ngành nghề mới xuất hiện ở Việt Nam. Điều đó làm phong phú thêm sự lựa chọn và cơ hội nghề nghiệp cho thí sinh. Đây là xu hướng tốt, vừa bắt nhịp với thời đại, vừa đón đầu tương lai.
Thí sinh cần bình tĩnh, không nên “chạy theo” những ngành được cho là “hot”. Bởi không có gì là bất biến. Những ngành này có thể sẽ biến động theo thời gian và thị trường lao động. Năm nay, những ngày đó được cho là “hot”, nhưng 4 – 5 năm sau có thể sẽ bị bão hòa vì xu thế ngành nghề luôn có sự dịch chuyển.
Các thí sinh nên chọn ngành xuất phát từ vị trí công việc và khu vực làm việc. Ví dụ những bạn có ý định làm việc ở khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, hay doanh nghiệp trong nước, liên doanh với nước ngoài. Sau đó, sẽ xác định vị trí làm việc trong khu vực đó. Đây cũng là bước chuẩn bị ngành nghề, công việc cho tương lai. Từ những vấn đề nêu trên dễ dàng đưa ra quyết định cuối cùng để đăng ký xét tuyển.
Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, các em nên chọn theo nhóm ngành. Bộ GD&ĐT đã đưa ra các nhóm ngành nghề theo lĩnh vực như: Lĩnh vực kinh tế, ngôn ngữ… Đây là ý tưởng rất hay, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, giúp thí sinh có thể dịch chuyển ngành học trong cùng lĩnh vực, thậm chí có thể chuyển sang lĩnh vực kế cận./
(Ban TT & SV tổng hợp)