NGHĨ VỀ LỐI ĐI CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI vào cuối năm 1986 cùng với quyết định chuyển đổi đường lối phát triển đất nước, từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, là dấu mốc bắt đầu thời kỳ đổi mới quan trọng ở nước ta. Từ thời điểm đó, hệ thống giáo dục đại học nước ta đã có được một số thành tựu đổi mới khá ấn tượng, nhất là từ sau khi có Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, những đổi mới trong hơn 30 năm vừa qua của giáo dục đại học (GDĐH) đã diễn ra trong bối cảnh của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, do đó, giáo dục đại học Việt Nam cũng bộc lộ khá nhiều bất cập và điều đó đôi lúc đã làm cho cộng đồng giáo dục nói riêng và xã hội nói chung băn khoăn, lo lắng, thậm chí còn phê phán gay gắt. Một số ý kiến cực đoan cho rằng, giáo dục đại học chưa có triết lý, rằng chưa nhìn thấy được lối đi của giáo dục đại học Việt Nam.
Trước thực trạng chung như vậy, hàng loạt các hội nghị, hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức, hàng vạn các sách chuyên khảo, các tạp chí, kỷ yếu, các bài báo… đã được công bố cũng chủ yếu xoay quanh câu chuyện về lối đi của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Để góp phần vào sự kiện giáo dục rất sôi động này, trên cơ sở thu thập một số bài viết, bài giảng, các bài trả lời phỏng vấn trong những thập niên qua, tác giả đã biên soạn cuốn sách “Nghĩ về lối đi của Giáo dục đại học Việt Nam”. Nội dung cuốn sách không chỉ đề cập đến các vấn đề học thuật, mà còn cả các vấn đề về chính sách cũng như về quản lý trong giáo dục đại học. Hầu hết các bài trong tập sách đều thể hiện tư duy chủ đạo của tác giả một là, tìm kiếm thêm các nguồn lực và hai là, dựa trên kinh nghiệm của cả thế giới lẫn Việt Nam, trước đây cũng như hiện nay, cần sáng tạo ra những cách làm mới, phù hợp, ưu tiên phát huy sức mạnh tổng 4 Nghĩ về lối đi của giáo dục đại học Việt Nam hợp của toàn hệ thống, để GDĐH Việt Nam sớm đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư (của cả Nhà nước và người dân) rất hạn hẹp và còn tiếp tục hạn hẹp. Hy vọng, cuốn sách có thể không chỉ mang đến đôi điều có ích cho những người trực tiếp đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học mà còn cho những ai quan tâm đến giáo dục đại học Việt Nam.
Để cuốn sách được ra mắt bạn đọc, tác giả xin chân thành cảm ơn sự chỉ đạo và cổ vũ nhiệt tình của các thế hệ lãnh đạo Hiệp hội: Nguyên Chủ tịch – GS.TS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch – TS. Vũ Ngọc Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực – PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ; Cảm ơn những góp ý quý giá của GS.TSKH Lâm Quang Thiệp; Cảm ơn các cơ quan báo chí như: Báo Tuổi trẻ, Báo Tiền phong, Báo Quân đội Nhân dân, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Báo Khoa học và Đời sống,… cùng nhiều nhà báo đã dành công sức thực hiện sinh động các cuộc phỏng vấn; Cảm ơn đồng nghiệp Võ Thị Việt Dung,… đã nhiệt tình tham gia cùng biên soạn cuốn sách; Cảm ơn Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã tích cực hỗ trợ tài chính cho việc in sách.
Các bài trong tập sách được viết theo nhận thức và cách nhìn riêng của tác giả. Do vậy, nếu có một số sai sót vì những hạn chế của mình, tác giả kính mong được quý độc giả chỉ bảo và góp ý cho.
Mọi ý kiến nhận xét và phản ánh liên quan xin gửi về địa chỉ: Văn phòng Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam Tầng 10, Cung Trí thức thành phố, số 1 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội.
NỘI DUNG TOÀN CUỐN SÁCH XEM TẠI ĐÂY
Hà Nội, ngày 06/02/2023
Tác giả
Lê Viết Khuyến