Thiết lập và kiến tạo nền tảng kinh tế mới linh hoạt cho một tương lai mới

Ngày 11/11/2021
Angel Gurría là cựu Ngoại trưởng (1994-1997), Bộ trưởng tài chính Mexico (1998-2000), và cựu Tổng thư ký OECD.

-2000), và cựu Tổng thư ký OECD.


COVID–19 đã làm sâu sắc thêm sự cần thiết phải tập trung cho những thách thức mà nhân loại từ lâu đã phải đối mặt, bao gồm tình trạng bất bình đẳng, sự thiếu hụt dịch vụ y tế, giáo dục và hiện tượng biến đổi khí hậu.

Ngay từ trước đại dịch, người ta đã đặt ra một vài dấu hỏi về toàn cầu hóa và tiến bộ công nghệ. Bất chấp sự thịnh vượng trong vài thập niên gần đây cùng tỷ lệ nghèo đói đã giảm đáng kể trên quy mô toàn cầu, cơ hội kinh tế vẫn thứ tương đối khó nắm bắt đối với rất nhiều người – cho dù họ có năng lực và hoàn toàn xứng đáng. Sự rạn nứt này sẽ đe dọa cả sức khỏe doanh nghiệp và nền kinh tế lẫn hạnh phúc của người dân một cách nghiêm trọng.
Tuy nhiên, không ít người lại xem đây là thời điểm quan trọng để thực hiện những điều chỉnh trong công tác hoạch định chính sách toàn cầu. Chúng ta bắt đầu cần biết suy nghĩ lớn (think big). Khủng hoảng cũng chính là cơ hội để thiết lập những nền tảng cho một nền kinh tế mới bền vững, linh hoạt và bao trùm hơn. Nhưng thế nào là một nền kinh tế và xã hội kiên cường? Nguyên tắc nào sẽ hướng dẫn các lựa chọn khó khăn mà chúng ta phải thực hiện? Làm thế nào để đảm bảo tất cả mọi người đều có chỗ trên chuyến tàu?
Đó là lý do mà Liên minh Business for Inclusive Growth (B4IG) – sáng kiến thành lập mối quan hệ đối tác chiến lược giữa OECD và 35 doanh nghiệp lớn trên thế giới nhằm điều chỉnh cách thức các hoạt động kinh doanh được thực hiện – ra đời. B4IG được thành lập vào năm 2019 tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, quy tụ rất đông đối tác công tư để hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện hơn của các mô hình kinh doanh và từ đó kiến tạo nền tảng cho một nền kinh tế bền vững.
Từ bao trùm (inclusion) ở đây chỉ sự bình đẳng hơn về mặt cơ hội đối với công ăn việc làm và giáo dục đào tạo, bao gồm cả cam kết đảm bảo tính đa dạng, bình đẳng giới và tôn trọng nhân quyền. Điều này đưa tới sự tin tưởng và gắn bó hơn từ phía người lao động, khách hàng và các bên liên quan (stakeholder) khác, cùng với giá trị trường tồn mà nó tạo ra.
Trong số những ưu tiên chính, B4IG rất muốn xem xét lại cách đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cùng với Trung tâm WISE (chuyên nghiên cứu về Hạnh phúc, sự Bao trùm, tính Bền vững và Cơ hội bình đẳng) của OECD, Liên minh đang tìm cách tích hợp các chỉ số hiệu suất phi tài chính (non–financial performance indicators), chẳng hạn sự hạnh phúc, lành mạnh của những stakeholders và dấu chân môi trường (environmental footprints) vào các mô hình kinh doanh. Phạm vi bao trùm của những chỉ số này rất rộng, từ nhà ở, sức khỏe,… cho đến kiến thức và kỹ năng. Ngoài ra, chúng cũng không chỉ được áp dụng với người lao động, nhà cung cấp và người tiêu dùng, mà còn cho cả xã hội.
Sự phát triển nhanh chóng của các xu hướng tài chính bền vững trong thời gian qua là một minh chứng cho nỗ lực nhằm thoát khỏi tầm ảnh hưởng bởi những chỉ số thuần túy như GDP. Hiện nay, một khối lượng tài sản trị giá khoảng 30 nghìn tỷ USD trên thế giới đã đáp ứng được một số tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị) – tăng hơn 30% so với năm 2016. Sự chín muồi của các hoạt động đầu tư theo định hướng ESG cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc kết hợp những thước đo phi tài chính trong việc phân bổ vốn cho nền kinh tế toàn cầu. Đây là cách mà, chẳng hạn chi phí vốn vay của doanh nghiệp có thể được liên kết với sự thành công của họ trong việc cắt giảm phát thải carbon hoặc đạt được các mục tiêu đa dạng khác.
Mối quan hệ đối tác công tư (PPP) là một cơ chế cần thiết cho sự phục hồi mạnh mẽ, toàn diện, và cũng để giải quyết những thách thức đan xen mà chúng ta đang phải đối mặt. Các vấn đề toàn cầu hôm nay đòi hỏi doanh nghiệp, chính quyền và xã hội dân sự phải có tư duy mới mẻ, bên cạnh nhu cầu phối hợp hiệu quả.
Sẽ là không đủ, thậm chí chệch hướng, nếu chính phủ chỉ đóng vai trò trọng tài trên thị trường. Còn hơn thế, chính phủ cần phải kiến tạo và định hướng thị trường thông qua những biện pháp khuyến khích và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động đầu tư, bên cạnh việc thiết lập các khuôn khổ và quy định cùng chính sách hỗ trợ có mục tiêu. Sự sáng tạo của khu vực tư nhân trong lĩnh vực công nghệ, chăm sóc sức khỏe và những lĩnh vực khác thường khó có thể đạt được nếu thiếu cộng đồng ủng hộ. Chúng ta nên cám ơn các chính phủ về những nghiên cứu cơ bản đã mang đến internet, năng lượng sạch hay vắc-xin.
Sự chuyển dịch xanh và kỹ thuật số, bao gồm cả xu hướng lên ngôi của tự động hóa (thay thế lao động giản đơn) sẽ cần nhiều nỗ lực để tái đào tạo và nâng cao trình độ cho người lao động. Khoảng 75% doanh nghiệp quy mô trên 10 nhân lực tại châu Âu đã cung cấp và tài trợ một phần cho hoạt động này. Tuy nhiên, các công ty và chính phủ cần làm nhiều hơn thế để mở rộng cơ hội cho những người đặc biệt cần nó, nhất là những người trưởng thành có kỹ năng cơ bản và thu nhập thấp.
Mặt khác, chủ thuê lao động cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả của hệ thống giáo dục và đào tạo. Chính phủ cần hợp tác với người sử dụng lao động để giúp sinh viên hưởng lợi từ chủ trương kết hợp học tập với thực hành, chẳng hạn thông qua những thỏa thuận linh hoạt và mối quan hệ đối tác giữa trường học với doanh nghiệp địa phương. Người sử dụng lao động cũng nên tham gia tích cực hơn vào hoạt động hướng nghiệp để giúp giới trẻ có sự chuẩn bị tốt khi bước chân vào thế giới của công ăn việc làm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cần đảm nhận trách nhiệm giải quyết những vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới, có thể bằng các khoản trợ cấp nuôi con hay vẫn cho nhân viên hưởng lương trong thời gian nghỉ phép, bên cạnh việc xây dựng những quy tắc minh bạch và không thiên vị trong hoạt động tuyển dụng.
Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng được nền tảng mới cho sự thịnh vượng kinh tế lâu dài hậu COVID-19. Trước những thách thức trên quy mô chưa từng có mà nhân loại đang phải đối mặt, chúng ta cần thiết phải đối thoại và tìm cách giải quyết thông qua các diễn đàn toàn cầu như Paris Peace Forum. Khẩu hiệu “xây dựng lại tốt hơn” hiện đang được áp dụng tại nhiều nơi, nhưng chúng ta rõ ràng sẽ không thể giải quyết những vấn đề mới bằng các giải pháp của quá khứ. Thay vào đó, chúng ta phải tiến về phía trước bằng những hướng tiếp cận mới, sáng tạo và tốt hơn.
Ban TT&SV