Cách mạng công nghệ Ba năng lực cốt lõi người Việt trẻ cần có

Ngày 28/07/2021

Ngày nay, công nghệ và chuyển đổi số đang tác động sâu sắc đến việc đào tạo và phát triển kỹ năng của con người. Mỹ và một số nước phương tây như Anh đã bắt đầu ứng dụng thực tế ảo một cách phổ biến trong đào tạo. Năm 2017, Viện nghiên cứu Toàn cầu (Global Institute) thuộc tập đoàn McKinsey – một trong ba tập đoàn tư vấn đa lĩnh vực lớn nhất thế giới, công bố báo cáo về tác động của công nghệ lên các kỹ năng hằng ngày của người trẻ.

Theo đó, đến năm 2030, thời gian hằng ngày một lao động trẻ phải dùng đến các kỹ năng công nghệ (technological skills) sẽ tăng 55% so với năm 2016; trong khi những kỹ năng liên quan đến lao động chân tay (physical and manual skills) và những kỹ năng chỉ đòi hỏi mức tư duy cơ bản (basic cognitive skills) đều giảm – lần lượt là 14% và 15%. Đáng chú ý, với tác động của công nghệ, những kỹ năng liên quan đến cảm xúc và quan hệ xã hội (social and emotional skills) lại tăng đến 24%.

Cũng theo báo cáo này của McKinsey, đến năm 2030, máy tính sẽ thay thế 60% nghề nghiệp hiện tại của con người, nghĩa là khoảng 800 triệu việc làm sẽ được giao cho robot, tự động hóa và những công cụ tương tự.

Những xu hướng nêu trên rõ ràng là thách thức lớn cho người lao động nói chung và người trẻ Việt Nam nói riêng trong việc hình thành cho mình những năng lực cốt lõi mới.

Nghiên cứu và thực hiện một số trao đổi với đồng nghiệp nước ngoài, tôi nhận thấy người trẻ Việt Nam cần chuẩn bị 3 hành trang sau đây:

Năng lực tự học

Ngay cả những nhà giáo dục giỏi nhất cũng không thể dự đoán được sẽ có những ngành nghề nào, những loại hình công việc nào trong 30-40 năm tới đây để mà chuẩn bị kiến thức, năng lực cho học trò; bởi vậy, thay vì dạy cho các em những kỹ năng hoặc kiến thức cụ thể nào đó để các em làm được việc sau này thì câu chuyện mới bây giờ là chúng ta phải tập trung giúp cho các em có được năng lực tự học.

Tự học bao gồm nhiều yếu tố, mà một trong những yếu tố tôi muốn nhấn mạnh ở đây là phải giúp cho các em khả năng xác định được những gì bản thân cần biết. Nếu trước đây chúng ta bắt các em học thuộc nhiều kiến thức ở nhiều môn học thì bây giờ tôi tin rằng – và đó không phải là niềm tin của riêng tôi mà của nhiều nhà giáo dục tôi có dịp trao đổi – chỉ cần giúp các em có năng lực tự nhận thức về bản thân và môi trường xung quanh để các em xác định được mình cần biết cái gì. Thay vì học 13-14 môn, bây giờ có lẽ các em chỉ cần học vài ba môn thật giỏi.

Nếu nhìn vào các chương trình tú tài quốc tế, tú tài Anh, tú tài Mỹ, ta sẽ thấy hầu như không có chương trình nào đòi hỏi các em 13-14 môn cả. Tú tài Anh thậm chí chỉ yêu cầu học 4 môn và thi 3 môn; tú tài quốc tế yêu cầu học 6 môn trong đó 3 môn ở trình độ cao và 3 môn ở trình độ phổ thông.

Ngoài ra, trong hành trang năng lực tự học, phải xem ngoại ngữ là bắt buộc, chỉ khi nào có ngoại ngữ và làm chủ ngoại ngữ thì mới có khả năng học những thứ thế giới đã có. Ngày hôm nay nếu các em không biết thêm ngoại ngữ nào khác ngoài tiếng Việt thì giới hạn tri thức của các em sẽ bị hạn hẹp và điều đáng lo là các em sẽ không học kịp những gì thế giới đã phát triển.

Trên thế giới, nhiều nước châu Âu như Na Uy, Luxemburg đảm bảo 100% học sinh trung học của họ được học từ 2 ngoại ngữ trở lên; tỷ lệ này ở Pháp, Romania, Czech đều đạt trên 90%. Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ về cách chúng ta trang bị ngoại ngữ cho các em vì đến hôm nay, coi lại phổ điểm thi tốt nghiệp THPT Anh văn thì đó vẫn là môn có điểm thấp nhất với điểm trung bình dưới 5.

Điểm thứ 3 trong năng lực tự học là tinh thần cầu tiến, chịu thay đổi bản thân. Một điều thích thú khi tôi quan sát Đại học Fulbright, một đại học mới ở Việt Nam, là họ không còn giới hạn độ tuổi tuyển sinh nữa. Tôi đã thấy có những người đăng ký học cử nhân ở Đại học Fulbright ở độ tuổi ba mấy, bốn chục hoặc thậm chí hơn thế nữa và tôi nghĩ đó chính là tinh thần cầu tiến, chịu thay đổi chính mình để liên tục cập nhật xu hướng của cuộc sống.

Tri thức số và dữ liệu

Hành trang tiếp theo để chuẩn bị cho các em sẵn sàng thích nghi với công cuộc chuyển đổi số là tri thức số (digital literacy) và dữ liệu. Ở Việt Nam, theo tôi được biết, chưa có giáo trình chính thức nào do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra về môn học gọi là tri thức số. Nhưng ở nước ngoài, như bang Massachusette, Mỹ, chẳng hạn, họ đã chính thức đưa tri thức số thành một môn học ở cấp 2. Tôi không thể liệt kê hết những kiến thức họ dạy ở môn này nhưng có một vài điều tôi muốn nhấn mạnh, đó là trước hết môn học này cung cấp cho các em khả năng tìm kiếm thông tin. Nếu có gì học sinh không biết thì các em phải có khả năng đi tìm thông tin đó và có khả năng hiểu thông tin theo nghĩa không chỉ biết download về máy của mình mà phải xác minh được thông tin đó có chính xác hay có bị lỗi thời không.

Thứ 2, đó là khả năng các em sử dụng dữ liệu một cách an toàn và bảo mật (e-safety), nghĩa là phải hiểu có quyền sử dụng thông tin khai thác được trong những trường hợp nào. Đồng thời, đối với thông tin của bản thân, phải biết cách quản lý ra sao, nên đăng hoặc chia sẻ những thông tin gì trên mạng xã hội…

Thứ 3 là khả năng phân tích và tổng hợp. Các em sẽ đứng trước một biển thông tin vì vậy giá trị thông tin giờ đây nằm ở khả năng các em phân tích được những thông tin nào, phân tích được đến tầng sâu nào của thông tin, tổng hợp được những nguồn thông tin nào cho bản thân.

Năng lực cảm xúc

Cuối cùng, như báo cáo của McKinsey đã chỉ ra, trong thời đại công nghệ chi phối và tự động hóa nhiều mặt cuộc sống, thì các kỹ năng và tư duy liên quan đến trí thông minh cảm xúc và quan hệ xã hội lại càng quan trọng.

Trên thế giới đã có một số đại học tổ chức những khóa học về hạnh phúc và cung cấp miễn phí trên Coursera. Thế nhưng, để nói chúng ta đã có một giáo trình nhằm nâng cao năng lực cảm xúc, năng lực chia sẻ cho học sinh chưa thì hầu như chưa, và nếu có thì nó chỉ đến từ nỗ lực của cá nhân một số thầy cô hoặc tổ chức riêng lẻ. Ở Việt Nam, nếu đặt câu hỏi có bao nhiêu bạn trẻ được học về hạnh phúc cá nhân, về việc làm chủ hạnh phúc của mình thì tôi nghĩ câu trả lời sẽ là rất ít, trong khi đây là một hành trang quan trọng. Bởi vậy, chúng ta cần bắt đầu cần suy nghĩ nghiêm túc về việc xây dựng đời sống tinh thần, tâm hồn cho các bạn trẻ. Trong hành trình chuyển đổi số sắp tới, tôi tin rằng một bạn trẻ có năng lực cảm xúc cao, biết chia sẻ, biết cách làm chủ hạnh phúc sẽ là người rất thành công.

Chú thích:

* ThS Lê Đình Hiếu tốt nghiệp Đại học UCLA, Đại học Stanford, Đại học Pennsylvania. Hiện anh là CEO Học viện G.A.P với chủ trương thu hẹp khoảng cách giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế – xóa bỏ rào cản giữa giảng đường đại học và môi trường làm việc thực tế. Anh còn là giảng viên thỉnh giảng Đại học VinUni và Đại học Fulbright.

Tham khảo:

https://www.theverge.com/2017/11/30/16719092/automation-robots-jobs-global-800-million-forecast

Ban TT&SV ( Tổng hợp)