Quy chế mới tuyển sinh Đại học 2021, thí sinh cần lưu ý
Theo quy chế tuyển sinh đại học 2021 vừa được Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực từ 16/7/2021 có nhiều điểm mới thí sinh cần lưu ý, tránh sai sót.
Chính thức được phép điều chỉnh nguyện vọng 3 lần
Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/7/2021.
Một số mốc thời gian xét tuyển đại học theo lịch dự kiến của Bộ GD&ĐT thí sinh cần lưu ý:
Từ ngày 10/7: Tổ chức chấm thi, xong trước ngày 24/7.
Ngày 26/7/2021: Hội đồng thi công bố kết quả thi. Ngày 28/7: Xét công nhận tốt nghiệp. Trước 30/7: Công bố kết quả tốt nghiệp THPT.Chậm nhất ngày 2/8: Cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho học sinh; in và gửi giấy chứng nhận kết quả cho học sinh.
Từ 26/7 – 5/8: Thu nhận đơn phúc khảo và nhận danh sách phúc khảo. Chậm nhất 20/8: Xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.
Như vậy, theo quy định, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng trong 10 ngày, từ 7/8 đến 17h ngày 17/8.Theo quy chế này, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến, thay vì chỉ điều chỉnh một lần duy nhất của quy chế cũ.
Thí sinh điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu và sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện. Thí sinh điều chỉnh lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu hoặc sửa sai sót nội dung liên quan đến đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên phải khai chính xác thông tin này và nộp tại điểm thu nhận hồ sơ để bổ sung kinh phí tương đương với số lượng nguyện vọng tăng.
Cán bộ ở điểm tiếp nhận sẽ cập nhật thông tin bổ sung trên cổng thông tin tuyển sinh.
Thí sinh sẽ sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để điều chỉnh. Các em lưu ý ghi đúng mã cơ sở đào tạo – nhà trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại.
Các thí sinh phúc khảo bài thi, môn thi sẽ điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả phúc khảo thi tốt nghiệp THPT.
Thông tư cũng bổ sung phương thức thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng xét tuyển sinh ĐH, CĐ bằng hình thức trực tuyến. Quy định cụ thể việc các trường ngoài giấy chứng nhận kết quả thi THPT không được dùng bất cứ một hình thức nào khác để thay thế giấy chứng nhận xác định nhập học.
Cụ thể, thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học thông qua việc chỉ nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (đối với thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT của năm tuyển sinh) vào cơ sở đào tạo theo quy định của Quy chế này, trong thời hạn do cơ sở đào tạo quy định.
Thí sinh lưu ý, quá thời hạn nhập học theo quy định, nếu thí sinh không xác nhận nhập học được hiểu là từ chối nhập học và cơ sở đào tạo được xét tuyển thí sinh khác.
Thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các cơ sở đào tạo khác.
Quy định ngưỡng điểm “sàn” khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ
Thông tư cũng quy định chặt chẽ hơn về việc các UBND các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đặt hàng đào tạo nhân lực cho tỉnh, đối tượng là học sinh các vùng trên.
Đối với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thực hiện theo quy định của quy chế này là điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm trúng tuyển của ngành đào tạo, trừ khi đảm bảo đồng thời các điều kiện sau đây thì có thể thấp hơn không quá 1 điểm so với điểm trúng tuyển của ngành đào tạo tính theo thang điểm 30:
UBND cấp tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đặt hàng để đào tạo lao động cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp của tỉnh và cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp;
Thí sinh là người có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên và học 3 năm cấp THPT tại địa phương, cam kết làm việc tại tỉnh sau khi tốt nghiệp; Chủ tịch UBND cấp tỉnh đặt hàng chịu trách nhiệm giải trình với các cơ quan chức năng và xã hội về nhu cầu đặt hàng đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo.
Đối với các thí sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non lưu ý, thông tư mới sửa đổi, để xét tuyển đợt 1, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non chỉ được chọn một trong hai phương thức: Đăng ký trực tiếp trên Phiếu ĐKDT và ĐKXT hoặc đăng ký trực tuyến theo hướng dẫn của sở GD&ĐT và nộp lệ phí đăng ký xét tuyển.
Trong các đợt xét tuyển sau đợt 1, thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí theo quy định của cơ sở đào tạo.
Ban TT – SV