“Hậu du học, nên về hay ở lại?”
TS. Phạm Anh Khôi – cựu du học sinh, CEO & Đồng sáng lập FINA, Giảng viên tại Parramatta Campus thuộc ĐH Western Sydney – Úc, chia sẻ về nỗi băn khoăn của đa số du học sinh: “Hậu du học, nên về hay ở lại?”
Từng là du học sinh với nhiều trải nghiệm cuộc sống tại châu Âu và Úc. Từng trải qua nhiều công việc, từ giảng dạy cho đến phân tích, tư vấn chứng khoán và bất động sản. TS. Khôi cũng từng đứng trước câu hỏi “Về hay ở lại?” đầy trăn trở.
Hãy tưởng tượng như chúng ta đi và không có ngày trở về”, TS. Khôi đưa ra quan điểm trước vấn đề
Với TS. Khôi, hoà nhập tận cùng vào cuộc sống bản địa khi du học là tối cần thiết để tích lũy tối đa kiến thức và trải nghiệm, từ trường học cho đến đời sống bên ngoài. Vì thế, hãy cứ giả định một khi bước chân ra là “không còn đường quay về”. “Nếu giả sử đại dịch Covid cách ly bạn với quê hương, bạn sẽ phải sống thế nào? Đương nhiên đây chỉ là giả định. Nhưng một phần giả định đó lại đã từng là thực tế. Và sống trong giả định đó, bạn sẽ có được rất nhiều thứ: Tinh thần tự lập, sự hòa nhập tận cùng. Những kỹ năng mới sẽ được trau dồi thuần thục, từ ứng xử đến làm việc, từ văn hóa đến lối sống”, TS. Khôi nhấn mạnh.
Ông Khôi cho biết, từ châu Âu, sang Úc học Tiến sĩ, được đại học Western Sydney giữ lại giảng dạy, mọi thứ dường như rất ổn. Rồi, sau một buổi dạy, trở về phòng, ông chợt tự vấn: Lẽ nào những chọn lựa từ buổi đầu đã “bị” cái bình an, ổn định của công việc bây giờ “đè” chết? Và rồi ông nhận ra, giảng dạy dường như không phải là nghề nghiệp mình đang cần để sống chết cùng nó.
Vậy là… thay đổi. Rời trường, rời công việc giảng dạy, thêm 5 năm ở Úc là chuyên gia phân tích và tư vấn về cả chứng khoán lẫn bất động sản, TS. Khôi quyết định hồi hương.
“Tôi đi du học châu Âu về chứng khoán, khi mà ở Việt Nam thị trường này bắt đầu đầy hứa hẹn. Và rồi tôi nhận ra, bất động sản cũng là một thị trường đầy tiềm năng, thậm chí chi phối rất nhiều trong kinh tế vi mô lẫn vĩ mô. Chính vì vậy, tôi đã sang Úc làm Tiến sĩ trên tinh thần kết hợp cả hai, qua chuyên ngành Chứng khoán hóa thị trường bất động sản. Những khao khát tri thức đó, đều trên căn bản sẽ ứng dụng nó tại quê nhà. Do đó, trở về là một sự hối thúc đương nhiên”, ông Khôi chia sẻ.
Thái độ chuẩn mực của du học sinh là thước đo để các quốc gia có một hình ảnh tích cực về đất nước và con người Việt Nam
Khi ở tuổi 30 hay 40, bạn hãy thử một lần thay đổi. Có thể thành công hay thất bại, nhưng những trải nghiệm đó làm vốn sống của bạn đầy hơn lên rất nhiều. Ông bà mình từng nói, không thành công thì sẽ thành nhân, và tôi luôn tin điều đó”, TS. Khôi nhấn mạnh.
Về hay ở: Câu trả lời là của chính bạn
Mỗi quyết định đưa ra đều cần đi cùng sự cân nhắc, tính toán thấu đáo. Ông Khôi đề nghị với những quyết định lớn như thế, mỗi người hãy tự phân tích được, mất khi về hay ở. “Hãy chia tờ giấy thành hai cột, hãy ghi ra nhược điểm và ưu điểm của việc về hay ở, rồi, tự bạn sẽ có một quyết định đúng đắn”, ông Khôi khuyên.
Dĩ nhiên, nhiều du học sinh “buộc” phải chọn ở lại vì ngành học hay công việc của họ chỉ phù hợp với môi trường khác, nếu trở về nước, họ hoàn toàn không có đất dụng võ, không thể phát triển sự nghiệp. Nhưng quê hương, xứ sở luôn là ký ức, là tình cảm đẹp, với nhiều người, khó có thể quên. Với những du học sinh thuộc “team về nước”, việc lên kế hoạch và xin việc trước đó là điều không thể bỏ qua nhằm hạn chế cao nhất những rủi ro trong ngày trở về.
Dù ở lại hay về nước, kiến thức và kỹ năng mềm luôn là hành trang cần có cho những bước đi đầu trong sự nghiệp
Nhưng, dù về hay ở, hãy luôn đưa ra quyết định làm chúng ta hạnh phúc nhất”, TS. Khôi nhấn mạnh. ( Theo vietnamnet)
Ban TT – SV