Xu hướng phát triển của các ngành nghề thời dịch COVID-19
Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI) cho rằng đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh các xu hướng số hoá dịch vụ, làm việc từ xa và tự động hoá. Những xu hướng này có thể tác động tới phương pháp hoạt động, tiềm năng phát triển hay sự suy giảm một số ngành nghề sau thời dịch.
Xu hướng số hoá dịch vụ
Theo nghiên cứu của MGI, dịch vụ kỹ thuật số đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Người lao động trên thế giới đã tận dụng những công nghệ tiên tiến để tiếp tục hoạt động giao dịch, cộng tác, trao đổi ý kiến trong công việc. Nền tảng hội thoại trực tuyến tạo điều kiện cho bác sĩ tư vấn cho người bệnh, thầy cô giáo hỗ trợ học sinh tiếp tục quá trình học tập. Những công cụ thực tế ảo (VR) đã giúp giới chuyên gia tổ chức tập huấn hay kiểm định kỹ thuật từ xa trong giai đoạn giãn cách xã hội. Đối với các ngành bưu chính, ngân hàng, bán lẻ…, việc giao tiếp, hỗ trợ khách hàng đã có thể được thực hiện qua nền tảng công nghệ thông tin.
Trong năm 2020, thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng mạnh tại các nước Anh, Mỹ, Trung Quốc, Tây Ban Nha… Trong thời dịch, các dịch vụ mua bán hàng hoá và thực phẩm qua Internet đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của khách hàng. Số liệu của MGI cho thấy, 56% người tiêu dùng được khảo sát cho biết vẫn sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ mua bán qua mạng kể cả khi tình hình dịch bệnh lắng xuống. Đa số khách hàng đánh giá cao sự tiện lợi của các hoạt động kinh doanh, giao dịch trực tuyến. Trong khi đó, các công ty vận tải hàng hoá vẫn nỗ lực đảm bảo nhu cầu giao hàng của những doanh nghiệp thương mại điện tử.
Sự phát triển của xu hướng dịch vụ số sẽ trực tiếp thúc đẩy nhiều ngành nghề, dịch vụ khác nhau trên thị trường lao động thế giới. Trong lĩnh vực tài chính, người tiêu dùng bắt đầu sử dụng rộng rãi các dịch vụ thanh toán trực tuyến và ngân hàng điện tử mua bán, giao dịch qua mạng. Các dịch vụ giao hàng nhanh, vận chuyển hàng hoá và các mô hình quảng cáo qua livestream (phát trực tiếp qua mạng xã hội) phát triển tại nhiều quốc gia. Tại Mỹ, công ty thương mại điện tử Amazon đã tích cực tăng cường nhân lực cho lĩnh vực quản lý hàng hoá, cơ sở hạ tầng thông tin và giải trí trực tuyến.
Những cửa hàng bán lẻ và các nhóm công việc như quản lý, chăm sóc khách hàng, bán hàng trực tiếp chịu nhiều ảnh hưởng từ xu hướng phát triển dịch vụ số. Trong tương lai, sau đại dịch COVID-19, nhiều cửa hàng sẽ bị đóng cửa và được thay thế bằng các gian hàng trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử. Các công ty bán lẻ lớn như Macy’s và Gap ở Mỹ đang lên kế hoạch đóng hàng trăm cửa hàng truyền thống. Các công việc như chăm sóc khách hàng sẽ dần được chuyển giao qua kênh giao tiếp trực tuyến.
Xu hướng làm việc từ xa
Chính sách giãn cách xã hội thời dịch đã góp phần thúc đẩy xu hướng làm việc từ xa cho người lao động toàn cầu. Nhiều người phải ngừng đến cơ quan và tiếp tục công việc từ nhà. Sự chuyển đổi bất ngờ trong phương pháp vận hành đã giúp nhiều cơ quan, tổ chức có thêm kinh nghiệm trong quản lý và duy trì công việc qua các nền tảng công nghệ. Hơn nữa, quá trình làm việc tại nhà đã giúp các doanh nghiệp nhận ra ưu và nhược điểm của mô hình làm việc này.
Mô hình làm việc từ xa có hiệu quả cao đối với lao động có chuyên môn cao và những người làm việc trên máy tính. Người lao động trong các ngành tài chính, quản trị và tư vấn chuyên nghiệp hoàn toàn có thể áp dụng tốt hình thức làm việc này do họ có thể sử dụng các nền tảng trực tuyến để hoàn thành phần lớn công việc được giao. Tại các nền kinh tế tiên tiến, phương pháp làm việc từ xa có nhiều tiềm năng hơn nhờ sự phát triển của ngành tài chính và thương mại, cơ sở hạ tầng thông tin tiến bộ cũng như nguồn nhân lực có trình độ cao. Theo MGI, 20-25% lực lượng lao động của các nước phát triển có thể làm việc từ xa 3-5 ngày/tuần mà vẫn đảm bảo năng suất làm việc.
Mặc dù số người làm việc từ xa sau đại dịch chỉ chiếm phần nhỏ trong lực lượng lao động nhưng xu hướng làm việc tại nhà có thể tác động tới nhiều ngành nghề và lĩnh vực kinh tế khác nhau. Việc áp dụng các giải pháp làm việc từ xa đã làm giảm nhu cầu thuê nhà ở và văn phòng tại những thành phố lớn trên thế giới. Trong khi đó, nhu cầu thuê nhà tại các thành phố nhỏ của Mỹ và Tây Ban Nha lại có dấu hiệu tăng trưởng. Những dịch vụ như giao thông công cộng, ăn uống hay mua sắm tại các trung tâm kinh tế lớn có thể sẽ mất đi một nguồn khách hàng lớn.
Nhờ nền tảng hội thoại trực tuyến, nhiều cơ quan, tổ chức có thể cắt giảm chi phí công tác mà vẫn đảm bảo quá trình làm việc, trao đổi ý kiến từ xa với khách hàng. MGI dự đoán rằng các hoạt động kết hợp du lịch và công việc sẽ suy giảm sau đại dịch. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới các ngành nghề liên quan như khách sạn, nhà hàng và vận tải hành khách.
Xu hướng tự động hoá
Trước những tác động của đại dịch COVID-19, nhiều ngành nghề đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các nền tảng công nghệ tiên tiến để đảm bảo hoạt động và tiếp tục phục vụ người tiêu dùng. Công nghệ tự động hoá và trí tuệ nhân tạo (AI) được phát triển để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong thời dịch. Hệ thống dây chuyền, máy móc tự động được áp dụng để giảm số lượng nhân công và tăng cường năng suất cho các cơ sở sản xuất hàng hoá tiêu dùng và thực phẩm. Những nhà bán lẻ lớn như Amazon, Walmart, Target (Mỹ) đã sử dụng máy móc và robot để sắp xếp và quản lý lượng hàng hoá trong kho một cách linh hoạt và chính xác.
Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh trong môi trường làm việc, hệ thống dây chuyền tự dộng còn giúp nhiều doanh nghiệp giãn cách và cắt giảm nhân sự. Không ít nhà máy đã tự động hoá một số công đoạn sản xuất sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Một số bệnh viện trên thế giới đã sử dụng robot để thay nhân viên xịt hoá chất khử khuẩn. Thiết bị quét mã vạch và thanh toán tự động còn giúp khách hàng hạn chế tiếp xúc khi mua sắm.
Mặc dù xu hướng tự động hoá và trí tuệ nhân tạo có thể mang lại nhiều tiềm năng phát triển cho các ngành sản xuất nhưng các công nghệ này cũng đồng thời có thể dẫn tới sự suy giảm của ngành dịch vụ, du lịch và các công việc lao động chân tay. Trong những cơ sở sản xuất hay bán hàng, máy móc công nghiệp đã có thể đảm nhận các công việc thủ công một cách dễ dàng, hiệu quả. Tại nhiều sân bay và nhà ga, các thiết bị điện tử đã có thể hỗ trợ cơ quan an ninh trong việc kiểm tra giấy tờ và thu thập thông tin của hành khách. Nhiều khách sạn trên thế giới bắt đầu sử dụng robot để phục vụ đồ ăn và đồ dùng sinh hoạt cho khách hàng.
Đáp ứng xu hướng phát triển mới
Các chuyên gia nhận định, những xu hướng phát triển sau đại dịch đã gây ra nhiều biến động cho thị trường việc làm trên toàn cầu. Tuy rằng các ngành y tế, khoa học, công nghệ sẽ tăng trưởng mạnh nhưng những công việc lao động chân tay và các ngành dịch vụ sẽ suy giảm đáng kể.
Trong tương lai, chính phủ các nước cũng như các doanh nghiệp nên áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo để cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các chương trình huấn luyện và đào tạo có thể trang bị cho người lao động những kỹ năng thực tiễn và phù hợp. Trong quá trình tuyển dụng, doanh nghiệp cũng nên dành nhiều sự quan tâm tới kỹ năng thay vì bằng cấp của ứng viên. Các nhà hoạch định chính sách có thể hỗ trợ quá trình hoạt động của doanh nghiệp và lực lượng lao động qua việc mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. MGI cũng kêu gọi các chính phủ hỗ trợ cho những người có nguyện vọng học tại chức và đảm bảo phúc lợi cho người lao động tự do./.
Ban TT – SV