Xung quanh kiến nghị giảng dạy văn hoá cơ sở giáo dục nghề nghiệp THPT
Tranh luận chưa tới hồi kết
Mới đây, việc Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế – kỹ thuật có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã làm giấy lên nhiều ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề này.
Bên cạnh luồng ý kiến đồng thuận, số chưa đồng tình lại cho rằng, muốn“trao” chức năng giảng dạy văn hóa THPT cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì phải sửa luật.
Học sinh có nhu cầu mà trường… không được dạy
Theo hai Hiệp hội, trước năm 2018, tại nhiều địa phương, Sở GD–ĐT đã cho phép các trường (TC nghề, CĐ nghề, TC chuyên nghiệp, CĐ) được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT (học 7 môn văn hóa bắt buộc).Người học, sau khi hoàn thành chương trình được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để nhận được Bằng tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, người học nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) theo quy định tại Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT thì cũng được tham dự kỳ thi đại học.
Tuy nhiên, kể từ năm 2019, Bộ GD–ĐT đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT không cho phép các cơ sở GDNN được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 (tức là chỉ được dạy chương trình 4 môn học) để chỉ liên thông từ TC lên CĐ trong hệ thống GDNN, chứ không liên thông lên đại học (ĐH). Bộ GD-ĐT đã quy định việc thực hiện chương trình GDTX cấp THPT để tham dự kỳ thi lấy bằng tốt nghiệp THPT phải do các trung tâm GDTX chủ trì thực hiện.
Tuy nhiên, theo hai Hiệp hội, trên thực tế ở nhiều địa phương, trong những năm gần đây, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN ngày càng đông, trong số đó có đến trên 80% có nhu cầu học văn hóa THPT để tham dự kỳ thi quốc gia và lấy bằng tốt nghiệp THPT. Nhiều cơ sở GDNN ở các địa phương đã không được tiếp tục thực hiện giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT. Các trường TC, CĐ phải liên kết với trung tâm GDTX, chứ không được quyền tự tổ chức giảng dạy.
Hai Hiệp hội đã kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép các trường trung cấp, cao đẳng đã được sở GD-ĐT các địa phương đồng ý cho giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT thì tiếp tục giảng dạy chương trình này cho người học đến khi có quy định mới. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và việc giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Từ góc độ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, TS.Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cũng đã nhiều lần bày tỏ quan điểm cần “trao quyền” tổ chức giảng dạy khối kiến thức văn hóa THPT cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. TS Ngọc phân tích: Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ điều kiện vật chất, lực lượng giảng viên, đặc biệt là rất thấu hiểu học sinh của mình cần học như thế nào lại không được phép dạy chương trình văn hóa THPT. Thay vào đó, cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn buộc phải thực hiện liên kết với 1 Trung tâm GDNN – TX.Còn học sinh phải phải tham gia học tại Trung tâm GDNN-TX mới được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này dẫn tới các em buộc phải học nghề và văn hóa ở 2 địa điểm khác nhau. Trong khi đó, tuổi đời của các em vẫn còn nhỏ, việc phải học ở hai nơi khiến việc quản lý các em khó khăn hơn.TS Ngọc cho rằng, đã đến lúc, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ–TB&XH cần giải quyết theo hướng thống nhất, giúp người học có điều kiện học tập tốt hơn. Đó là nên trao quyền cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ điều kiện dạy văn hóa THPT chương trình giáo dục thường xuyên, cho phép học sinh học được tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT như học văn hóa THPT tại các Trung tâm GDNN-TX. Có như thế các nhà trường sẽ có cơ hội quản trị chất lượng phần đào tạo văn hóa và nghề cho học sinh, có thể đảm bảo chất lượng và xây dựng thương hiệu đào tạo trong lĩnh vực này. Người học sẽ được hưởng lợi hơn, học sinh có cơ hội sớm tham gia thị trường lao động, đồng thời có cơ hội học tập lên trình độ cao hơn, học tập suốt đời.
Phải thay đổi mô hình quản lý nếu muốn thực hiện quyền giảng dạy văn hóa THPT
Theo TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, theo “Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế” do UNESCO ban hành (phiên bản mới nhất là ISCED -2011, có hiệu lực trên toàn thế giới từ 2014), giáo dục được chia thành 9 cấp độ bắt đầu từ mầm non đến tiến sĩ. Trong đó cấp độ 3 cho trung học bậc cao (với giáo dục phổ thông là trung học phổ thông, còn nhánh theo hướng nghề là trung học nghề).
Theo Luật Giáo dục hiện hành học sinh sau THCS có thể chọn học tiếp theo 2 luồng là THPT và học nghề, cụ thể là vào học tại các trường trung cấp (được gộp cả trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề nhưng thực chất là trung cấp nghề). Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, bậc học nghề (Trung cấp) có thời gian đào tạo là 1-2 năm đối với người học tốt nghiệp THCS trong khi thời gian này theo Điều 28 Luật Giáo dục là 3 năm. Với thời gian học rút gọn như vậy thì người học không thể đủ điều kiện để được dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, đối chiếu với ISCED 2011 thì Trung cấp chưa đạt được cấp độ 3 như THPT nên người học không được quyền dự tuyển vào cao đẳng, đại học (xem Điều 6 Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện hành). Vì vậy, cả về thời gian đào tạo và cấp độ đào tạo của trường nghề chưa thể tương đương với trường THPT nên việc để các trường nghề được tổ chức giảng dạy chương trình THPT rút ngắn, học sinh sau đó vẫn được cấp bằng tốt nghiệp THPT là không hợp lý.
Trong khi đó ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, ở giáo dục trung học bậc cao (Upper Secondary Education) có 2 luồng là Trung học phổ thông (General Secondary Education) và Trung học nghề (Vocational Secondary Education). Trung học nghề (THN) có thời gian đào tạo 3 năm cũng như THPT nhằm cung cấp hài hòa cho người học cả kiến thức văn hóa (khoảng 50-60%) cũng như kiến thức – kỹ năng nghề (khoảng 40-50%). Do đó ISCED 2011 xem Trung học nghề tương ứng với cấp độ 3 và bằng THN hoàn toàn bình đẳng với bằng tốt nghiệp THPT, người có bằng THN vừa gia nhập thị trường lao động vừa được quyền dự tuyển thẳng vào cao đẳng, đại học.
Thêm nữa, xét về mặt quản lý Nhà nước, TS Khuyến cho rằng,Bộ GD-ĐT được giao quyền quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo, chương trình giảng dạy, văn bằng …cuả THPT. Trong khi hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc quyền quản lý của Bộ LĐTB-XH, mà bộ này lại chỉ có trách nhiệm quản lý giáo dục nghề. Vì vậy, không thể “yêu cầu” Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm và cấp bằng tốt nghiệp cho việc đào tạo GDPT trong cơ sở GD nghề nghiệp trong khi những cơ sở này lại không chịu quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT. Nếu muốn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đào chương trình THPT thì hoặc là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng phải chịu sự quản lý nhà nước của cả Bộ GD-ĐT, cả của Bộ LĐ-TB&XH hoặc là thống nhất, chuyển việc quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp về cùng một cơ quan quản lý nhà nước , như tinh thần của Nghị quyết 19.
Ban Truyền thông- Sinh viên