KIẾN NGHỊ VỀ ĐIỀU HÀNH HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG TRƯỜNG TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Ngày 29/06/2023

Ngày 11/5/2023, Tọa đàm của Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (sau đây gọi tắt là Câu lạc bộ) trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hiệp hội ĐH, CĐ) được tổ chức tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ với chủ đề “Điều hành hoạt động của Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học – Thực tiễn và kinh nghiệm”.

Ban chủ nhiệm tổng hợp các nội dung và kiến nghị của Tọa đàm, cụ thể như sau:

  1. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ VÀ TỔ CHỨC

+ Trên cơ sở Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Câu lạc bộ, Tổ thư ký của Câu lạc bộ đã xây dựng các dự thảo kế hoạch, chương trình và kịch bản chi tiết báo cáo với Chủ tịch Câu lạc bộ. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đã họp đầu tháng 4/2023 để xem xét cho ý kiến hoàn thiện và chỉ đạo công tác chuẩn bị, khảo sát số liệu và gửi các văn bản cần thiết đến các cơ quan chủ trì, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, các cơ quan mời phối hợp để chuẩn bị cho Tọa đàm, đồng thời thống nhất các nhân sự để kiện toàn Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ gửi báo cáo về Hiệp hội ĐH, CĐ; đôn đốc xây dựng các báo cáo tham luận tại Tọa đàm.

+ Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã chủ động đề xuất đăng cai Tọa đàm, góp ý chi tiết trong công tác chuẩn bị nội dung, chương trình và triển khai thực hiện.

+ Tổ thư ký Câu lạc bộ đã lập biểu khảo sát thông tin các cơ sở giáo dục đại học, lập biểu Đăng ký tham dự Tọa đàm, dự thảo Thông báo mời dự Tọa đàm, xin ý kiến và tập hợp lập danh sách chi tiết đại biểu, khách mời tham dự Tọa đàm; đôn đốc tập hợp các báo cáo tham luận và tổ chức in ấn tài liệu; xây dựng kịch bản chi tiết và phối hợp thường xuyên với Trường ĐH Y Dược Cần Thơ chuẩn bị chu đáo cho Tọa đàm.

+ Tọa đàm đã tổ chức trong 1/2 ngày, từ 13h30 ngày Thứ Năm, 11/5/2023.

+ Số lượng đại biểu tham dự: khoảng 120 người (đăng ký là 109 người).

  1. TỔNG HỢP NỘI DUNG KẾT QUẢ CHÍNH CỦA TỌA ĐÀM

2.1. Tình hình chung về hoạt động của HĐT tại các cơ sở giáo dục đại học:

Kết quả khảo sát 87 cơ sở giáo dục đại học là thành viên Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường trước Tọa đàm cho thấy một số thông tin chung về hoạt động của Hội đồng trường:

  1. Hiện có khoảng 70% các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ GD&ĐT và các bộ chuyên ngành; 20% trực thuộc các địa phương Tỉnh, Thành; còn lại là các cơ sở thuộc các ĐHQG, ĐH Vùng và doanh nghiệp;
  2. Đại đa số các cơ sở giáo dục đại học (trừ khối trường thuộc Công an, Quân đội) đã thành lập Hội đồng trường theo quy định của Luật 34, NĐ99;
  3. Tỷ lệ số cơ sở giáo dục thực hiện đúng NQ19 về việc Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng trường mới chỉ đạt gần 50%;
  4. Vẫn còn khoảng trên 25% số cơ sở giáo dục đại học có Hội đồng trường song chưa ban hành đầy đủ bộ các quy chế, quy định thuộc thẩm quyền của Hội đồng trường theo Luật 34 (gồm QC tổ chức hoạt động; Quy chế tài chính, Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy chế làm việc của Hội đồng trường);
  5. Tỷ lệ cơ sở giáo dục đại học có mức độ tự chủ tài chính mức 2 trở lên (tự chủ chi thường xuyên trở lên) mới đạt khoảng 35%;
  6. Trên 80% cơ sở giáo dục đại học đánh giá mức độ phù hợp của các quy định tự chủ tài chính với đơn vị mình chỉ đạt mức trung bình hoặc dưới trung bình.

2.2. Đánh giá tổng quan về hoạt động của Hội đồng trường hiện nay:

  1. Một số thuận lợi, tích cực:

+ Tính đến tháng 5/2023, hầu hết các cơ sở giáo dục đã thành lập Hội đồng trường theo quy định của Luật 34 và Nghị định 99, tuy nhiên về cơ cấu thành phần của các Hội đồng trường có khác nhau đối với các nhóm cơ sở giáo dục: thuộc Bộ GD&ĐT, thuộc các Bộ chuyên ngành, thuộc các địa phương tỉnh, thành… do việc vận dụng Luật 34, Nghị định 99 có những điểm nhận thức và triển khai thực tế khác nhau.

+ Việc hình thành các Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện chủ sở hữu đã đặt ra yêu cầu và sự thay đổi trong phương thức quản lý, điều hành hoạt động của các cơ sở giáo dục, từng bước làm thay đổi tư duy quản trị, hình thành việc thay đổi tư duy tích cực, chủ động để thúc đẩy chuyển đổi sang tự chủ đại học trong giai đoạn mới.

+ Một số nghị định của Chính phủ ban hành sau khi Luật 34 đã từng bước tháo gỡ một phần đối với một số điểm khó khăn liên quan đến Hội đồng trường như Nghị định 106, Nghị định 120, Nghị định 115, Nghị định 81 và đặc biệt là Nghị định 60/2021 về hướng dẫn tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.

+ Một số bộ ngành có quan tâm chỉ đạo việc triển khai Luật 34, NĐ 99 đồng bộ trong các cơ sở GDĐH thuộc bộ/ngành như Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT thì việc triển khai có thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho HĐT hoạt động sớm ổn định và thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của Luật.

+ Từ cuối năm 2022 đến nay, Bộ GD&ĐT đã và đang tổ chức hoạt động thanh tra việc thực hiện Luật 34 và công tác quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo tại nhiều Bộ, ngành, địa phương. Hoạt động này đã và đang góp phần tích cực thúc đẩy việc triển khai và thực thi Luật 34 và NĐ 99 tại các cơ sở giáo dục đại học.

  1. Một số tồn tại, khó khăn:

* Tồn tại, khó khăn do khách quan:

+ Việc thực hiện NQ19 về nhất thể chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐT chưa được triển khai quyết liệt (chưa đạt 50%). Tại một số cơ sở giáo dục đại học, Chủ tịch HĐT chỉ là Phó Bí thư, Ủy viên thường vụ, hoặc cá biệt là Ủy viên BCH Đảng ủy, do đó vai trò rất hạn chế, mờ nhạt.

+ Còn nhiều điểm chưa thống nhất đồng bộ giữa Luật 34 về thẩm quyền của Hội đồng trường với các Luật, quy định khác như về quản lý sử dụng tài sản công; Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật thỏa thuận quốc tế, Luật viên chức… làm cho việc triển khai Luật 34 gặp nhiều khó khăn, lúng túng tại cả cấp quản lý bộ/ngành/địa phương và tại hầu hết các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, nhiều nội dung về phân cấp, phân định thẩm quyền giữa Hội đồng trường với Ban giám hiệu không được quy định chi tiết trong Luật 34, mà yêu cầu các cơ sở giáo dục phải tự xây dựng trong Quy chế tổ chức và hoạt động nên dễ phát sinh sự chậm chễ, không thống nhất, thậm chí phát sinh mâu thuẫn nội bộ các cơ sở giáo dục đại học, làm chậm quá trình triển khai Luật 34 trong thực tế.

+ Đại đa số các cơ sở giáo dục đại học đang gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, đặc biệt là khó khăn về tự chủ tài chính. Mức thu nhập của CB, GV cơ sở giáo dục đại học còn thấp do các chính sách, phương thức đầu tư phân bổ tài chính đối với GDĐH khi tự chủ mức 1, mức 2 còn nhiều bất cập. Từ đó, việc giữ chân, thu hút tuyển dụng các CB, GV có trình độ cao, tâm huyết gắn bó với GDĐH đang đứng trước nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo chung.

+ Thời gian 03 năm qua (2020-2023), hệ thống GDĐH chịu tác động lớn của đại dịch Covid19, đặc biệt việc Chính phủ yêu cầu mức thu học phí GDĐH cơ bản ổn định ở mức thấp để chia sẻ với khó khăn của người dân, từ đó tạo một áp lực rất lớn cho các cơ sở giáo dục đại học đảm bảo cân đối tài chính thu – chi và cải thiện thu nhập cho CB, GV (đại đa số các cơ sở GDĐH thì học phí vẫn chiếm tới trên 90% tổng nguồn thu, đồng thời mức lạm phát 03 năm qua ở mức 3-5%).

+ Một số bộ/ngành/địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện NQ19, Luật 34, NĐ 99 đối với các cơ sở GDĐH, nhất là việc điều chỉnh các quy chế, quy định của ngành/địa phương cho phù hợp; hướng dẫn phân cấp thẩm quyền giữa cơ quan quản lý cấp trên và các cơ sở giáo dục đại học theo Luật 34.  Chưa chú trọng vai trò của HĐT trong các hoạt động giao ban, hội họp chung của bộ/ngành/ địa phương.

* Tồn tại, khó khăn do chủ quan:

+ Quy trình bầu chọn, phẩm chất và năng lực quản trị, quản lý của đội ngũ lãnh đạo và thành viên HĐT còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao của HĐT, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai hoạt động của HĐT đúng theo Luật 34. Còn một số lãnh đạo HĐT chưa nghiên cứu tìm hiểu để xác định rõ thẩm quyền, quyền hạn của HĐT, lúng túng trong điều hành công việc.

+ Phương thức điều hành và hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường ở các cơ sở giáo dục hiện nay là khá đa dạng và khác nhau và thiếu tính thống nhất nhìn từ góc độ hệ thống GDĐH. Chưa có những mô hình HĐT hoạt động nổi bật, hiệu quả, thành công làm hình mẫu cho các cơ sơ giáo dục đại học trong cả nước học tập.

+ Tại nhiều cơ sở giáo dục, việc phân cấp thẩm quyền giữa HĐT, Chủ tịch HĐT và Hiệu trưởng còn đang vướng mắc hoặc đang còn chung chung, chưa cụ thể hóa trong Quy chế tổ chức và hoạt động, chưa cụ thể hóa trong Quy chế làm việc của HĐT. Từ đó, khi triển khai thực thi rất hạn chế, chưa phát huy được vai trò nhiệm vụ, quyền hạn của HĐT, nhất là về chiến lược phát triển Nhà trường; xem xét kế hoạch hàng năm; công tác quản lý tài chính, tài sản; chính sách thu hút đầu tư; vai trò kiểm tra giám sát của HĐT…

+ Nhìn chung, năng lực giám sát, mô hình triển khai hoạt động giám sát của các Hội đồng trường trong thực tế còn hạn chế, nhất là việc giám sát về tài chính, tài sản; năng lực thành viên của các ban Hội đồng trường cũng giới hạn các lĩnh vực, chưa có nhân lực như hoạt động hiệu quả của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh; dù đã có cơ chế mời chuyên gia chuyên môn, nhưng chưa thực hiện được, còn hạn chế trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, kiểm toán độc lập. Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn về công tác thẩm định. Cùng với đó, cần quy định cụ thể hơn, độc lập hơn đối với công tác kiểm tra, giám sát của Hội đồng trường.

            2.3. Một số kết quả chính đạt được của Tọa đàm

+ Tọa đàm đã tạo cơ hội rất tốt cho các lãnh đạo HĐT trong cả nước giao lưu, trao đổi học hỏi mô hình, học hỏi kinh nghiệm quản lý, điều hành HĐT của nhau trong quá trình điều hành hoạt động của HĐT, nhất là hiểu kỹ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐT; học tập một số mô hình triển khai hoạt động, phương thức phân cấp thẩm quyền HĐT với Hiệu trưởng tại một số cơ sở giáo dục đã tự chủ toàn diện; kinh nghiệm xử lý hoạt động điều hành của HĐT trong công tác chuẩn bị các kỳ họp; công tác kiểm tra, giám sát của HĐT…

+ Tọa đàm được nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo, chia sẻ của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn về vai trò và hoạt động của HĐT, chủ tịch HĐT trong cơ sở GDĐH theo tinh thần của Luật 34, cụ thể trong một số nội dung cụ thể như:

– Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội đồng trường trong cơ sở giáo dục và ghi nhận những ý kiến đề xuất để từ đó Bộ GD&ĐT sẽ có định hướng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho Hội đồng trường trong cơ sở giáo dục hoạt động hiệu quả. Thứ trưởng đề nghị các trường nêu cao tinh thần trách nhiệm và nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn mà Luật 34 đã quy định để phát huy tốt vai trò của Hội đồng trường, xây dựng khối đoàn kết nội bộ, đưa nhà trường phát triển. Thực hiện tự chủ phải có Hội đồng trường, bản chất vấn đề hình thành cơ chế HĐT cần được nhìn nhận rõ. Các trường đại học có thể có quyền tự chủ ở những cấp độ khác nhau, nhưng về phân cấp quản lý nhà nước, nơi nào làm tốt, cần cấp quyền cho nơi đó. Có những việc trước do Bộ chủ quản quyết định, nhưng nhiều việc phải ở dưới cơ sở mới hiểu rõ, nắm bắt sát sao, quyết định kịp thời. Đặc biệt, một Hội đồng trường với nhiều thành phần tham gia để những góc nhìn sâu hơn, nhiều chiều từ nhà trường, cơ quan quản lý, từ xã hội, từ người học,… Quyền đi cùng trách nhiệm. Cơ chế quản trị mới trong cơ sở giáo dục đại học là có Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu. Đảng lãnh đạo toàn diện, Hội đồng trường quản trị, Ban giám hiệu quản lý điều hành, điều này đã được quy định rõ.

– Về vấn đề nhân sự, để hoạt động của Hội đồng trường hiệu quả, cần phải làm tốt công tác nhân sự. Nhân sự của Hội đồng trường là quan trọng nhất. Trong việc xây dựng nhân sự cho Hội đồng trường, vai trò của Đảng ủy là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, đội ngũ nhân sự cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi thường xuyên để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm. Và từng trường phải tổ chức nâng cao năng lực quản trị của trường mình.

– Về vấn đề tài chính, giáo dục đại học đang khó khăn về tài chính, về nguồn lực, cơ chế với các trường đại học công lập. Hai năm qua, các trường không được tăng học phí, việc chi ngân sách cho giáo dục đại học tính theo GDP hay theo tổng chi cho giáo dục đều rất thấp, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhưng rõ ràng, hệ thống giáo dục đại học những năm qua cũng đã làm được rất nhiều việc, số lượng và quy mô tăng, chất lượng đi vào thực chất, phải khẳng định tự chủ đại học đã mang lại chuyển biến lớn, dù nguồn lực đầu tư còn thấp. Thời gian tới, Bộ sẽ có đề xuất cụ thể về việc xây dựng học phí theo Nghị định 81, bởi vì hai năm không tăng học phí, bây giờ nếu áp dụng ngay mức học phí theo lộ trình năm học 2023 – 2024 thì sẽ có sự biến động lớn, xã hội không dễ chấp nhận. Bộ sẽ có đề xuất với các Bộ, ngành, thực hiện quy trình rút gọn để sớm công bố quy định học phí cho các trường.

III. NHẬN ĐỊNH VÀ KIẾN NGHỊ

3.1. Nhận định chung:

Tọa đàm với chủ đề điều hành hoạt động của HĐT, thực tiễn và kinh nghiệm đã thành công tốt đẹp, là bài học để tổ chức tốt hơn các hoạt động của CLB trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Tọa đàm đã mang lại những kiến thức, kinh nghiệm quý báu cho các đại biểu tham dự, các thành viên của Câu lạc bộ.

Định hướng kỹ càng của Ban chủ nhiệm, lựa chọ chủ đề tọa đàm hợp lý, thời gian tổ chức phù hợp và công tác khảo sát ý kiến trước tọa đàm, công tác mời khách, phối hợp chặt chẽ với đơn vị đăng cai (Trường ĐH Y Dược TP Cần Thơ) là các yếu tố quan trọng đảm bảo thành công của Tọa đàm.

3.2. Một số kiến nghị của Câu lạc bộ sau Tọa đàm:

Trên cơ sở kết quả của Tọa đàm, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ thống nhất đề xuất một số kiến nghị sau Tọa đàm lần này, cụ thể như sau:

  1. Kiến nghị với Bộ GD&ĐT:

+ Đề nghị Ban Cán sự đảng Bộ tiếp tục có ý kiến mạnh mẽ hơn với các Bộ ngành, Tỉnh ủy, Đảng ủy khối chỉ đạo thực hiện nghiêm túc NQ19 về chủ trương Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐT, đặc biệt là chuẩn bị cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; làm rõ hơn cơ chế phối hợp giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu trong các cơ sở giáo dục đại học.

+ Cần tiếp tục tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đào tạo của các Bộ/Ngành/địa phương có quản lý cơ sở giáo dục đại học, trong đó chú trọng kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện Luật 34, NĐ99 và các quy định có liên quan về tự chủ đại học.

+ Cần có nghiên cứu, tổng kết đánh giá một cách khoa học việc tổ chức triển khai thực hiện Luật 34, NĐ 99 đến thời điểm hiện tại trong hệ thống GDĐH để có định hướng chỉnh sửa Nghị định 99 và lâu dài là đề xuất sửa đổi Luật 34, trong đó chú trọng làm rõ hơn tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐT, chủ tịch HĐT; cơ chế để thực thi vai trò quản trị, vai trò giám sát của HĐT trong thực tiễn, đảm bảo thực quyền của Hội đồng trường là tổ chức quản trị có thẩm quyền cao nhất trong Nhà trường theo tinh thần của  NQ19 của Đảng.

+ Có kế hoạch, chương trình đào tạo, tập huấn bồi dưỡng năng lực quản trị đại học cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo HĐT, BGH các cơ sở giáo dục đại học để áp ứng yêu cầu đổi mới quản trị đại học trong giai đoạn tự chủ và yêu cầu đẩy nhanh tiến trình tự chủ đại học.

  1. Kiến nghị với Hiệp hội ĐH, CĐ Việt Nam

+ Tiếp tục có các nghiên cứu, hội thảo khoa học, tổng hợp ý kiến để từ đó đề xuất với Đảng, Chính phủ, Bộ/ngành liên quan để triển khai thực hiện Luật 34, NĐ 99 và các chính sách về tự chủ đại học cho phù hợp với Nghị quyết 19 của Đảng.

+ Tiếp tục hỗ trợ Câu lạc bộ mạnh mẽ hơn trong việc mời các đại diện lãnh đạo, các cơ quan chuyên môn của Bộ GD &ĐT, các Bộ/Ngành có liên quan tham gia các hoạt động của Câu lạc bộ tổ chức định kỳ hàng năm, nhằm trao đổi, giải đáp các ý kiến, các khó khăn của các thành viên Câu lạc bộ về vấn đề quản trị đại học tự chủ và vai trò của HĐT, góp phần đẩy nhanh việc thực hiện Luật 34 và tiến trình tự chủ đại học.

+ Có kế hoạch hỗ trợ tổ chức các hoạt động tập huấn nghiệp vụ cho các Chủ tịch HĐT, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học hàng năm một cách hiệu quả.

+ Đề nghị Ban hỗ trợ các câu lạc bộ thuộc Hiệp hội ĐH, CĐ tiếp tục tư vấn thường xuyên, giữ mối quan hệ chặt chẽ, hiệu quả hơn với Ban chủ nhiệm CLB để đảm bảo duy trì tốt hoạt động của CLB như đã làm tốt trong thời gian vừa qua.

  1. Kiến nghị với Chủ tịch HĐT các cơ sở giáo dục đại học

+ Cần sớm nghiên cứu vận dụng sáng tạo Luật 34, tham khảo học hỏi các trường thành công để chỉ đạo hoàn thiện các quy chế, quy định thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng trường theo quy định của Luật 34 và Quy chế làm việc của Hội đồng trường làm căn cứ điều hành hoạt động của Hội đồng trường.

+ Cần xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐT và Chủ tịch HĐT theo quy định của Luật 34, từ đó cụ thể hóa vào quy chế, quy định và thực thi trong hoạt động của HĐT ở 05 nhóm nhiệm vụ chính sau: 1. Xây dựng và phê duyệt chiến lược và kế hoạch tổng thể các mảng công tác hàng năm; 2. Quyết định tổ chức bộ máy và cơ cấu, số lượng lao động; 3. Xây dựng, hình thành cơ chế quản lý nội bộ (quy chế, quy định); 4. Quyết định chủ trương về tài chính, tài sản, đầu tư; 5. Giám sát thực hiện nghị quyết HĐT và các quy định của pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của HĐT.

+ Tích cực trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong và ngoài Câu lạc bộ để sớm hoàn thiện cơ chế chính sách quản trị, nhất là các quy định nội bộ cho  phù hợp, đảm bảo thực thi vai trò của HĐT, thúc đẩy tự chủ đại học.

+ Tiếp tục rà soát hoàn thiện quy trình tổ chức tốt, hiệu quả các kỳ họp Hội đồng trường và ban hành các Nghị quyết kỳ họp.

+ Tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, rà soát về cơ chế, chính sách tài chính nội bộ để hỗ trợ phục vụ cho hoạt động của các thành viên Hội đồng trường.

+ Chủ động rà soát, đề xuất ý kiến đối với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhân sự cho các vị trí chủ chốt, thành viên HĐT cho nhiệm kỳ hiện tại và nhiệm kỳ tới 2025-2030.

  1. KẾT LUẬN:

Tự chủ đại học với mô hình quản trị mới về vai trò tổ chức quản trị của Hội đồng trường là một chủ trương đúng đắn và tiến bộ của Đảng và Nhà nước. Hiện nay là thời kỳ quá độ chuyển tiếp về nhận thức và hành động nên còn nhiều khó khăn và vướng mắc. Rất mong các cấp có thẩm quyền quan tâm, thúc đẩy chủ trương đúng đắn này nhằm nâng tầm giáo dục đại học Việt Nam, hội nhập với xu thế chung của thế giới hiện nay.

Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường trực thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam trân trọng báo cáo./.

NỘI DUNG KIẾN NGHỊ