VỀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM

Ngày 17/05/2021

I. MỞ ĐÀU

Hiện nay hệ thống ĐBCL và KĐCLGD của nước ta đã bước đầu được hình thành và phát triển. Các hoạt động đảm bảo, đánh giá và KĐCLGD đã được các đơn vị, tổ chức và các cá nhân chú ý, quan tâm. Tại các trường Đại học, những năm gần đây nhà trường và từng cán bộ công nhân viên, giảng viên đã rất quan tâm đến việc ĐBCL và KĐCLGD. Nhờ vậy trong hoạt động đào tạo, NCKH và các hoạt động khác của nhà trường đã có những sự chuyển biến tích cực, mỗi cán bộ, giảng viên đều đã có ý thức, có trách nhiệm hơn với những việc làm của mình trong quy trình chung đảm bảo chất lượng của NT và  từ đó chất lượng đào tạo cũng ngày càng được tăng lên.

Nói chung, để đảm bảo chất lượng đào tạo từng cơ sở giáo dục phải có lộ trình và bài bản. Công tác Tự đánh giá cần được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ bám sát vào các thông tư, công văn hướng dẫn đồng thời cũng phải linh hoạt phù hợp với đặc thù của từng trường. Quan trọng hơn nữa là xây dựng được một mô hình đảm bảo chất lượng bên trong (IQA) và vận hành suôn sẻ công tác này. SẼ không và cũng không nên áp đặt một mô hình IQA chung cho tất cả các trường vì như thế sẽ giảm tính sáng tạo của cả hệ thống.

II. CÁC THÀNH TỰU

Khi nhìn lại những hoạt động đã được triển khai trong những năm vừa qua, có thể nói hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục đại học còn rất non trẻ của Việt Nam đã đạt được khá nhiều thành tựu. Thời điểm bước vào thế kỷ 21, toàn ngành giáo dục Việt Nam còn hoàn toàn xa lạ với đảm bảo chất lượng và kiểm định. Chỉ vài năm sau, yêu cầu kiểm định chất lượng bắt buộc đối với tất cả các trường đại học và cao đẳng đã được thể chế hóa. Có thể nêu một số thành quả của hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam trong thời gian qua như sau:

  1. Thành lập cơ quan đảm bảo chất lượng cấp quốc gia (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đổi tên thành Cục Quản lý chất lượng);
  2. Xây dựng các quy định về kiểm định chất lượng trường đại học; Đưa được công tác KĐCL vào Luật GDĐH.
  3. Bước đầu thiết lập và tiếp tục hoàn thiện hệ thống dọc cho hoạt động đảm bảo chất lượng quốc gia (Cục Quản lý chất lượng, các trung tâm đảm bảo chất lượng của hai đại học quốc gia và các đại học vùng, cùng với bộ phận đảm bảo chất lượng của các trường);
  4. Xây dựng và bước đầu triển khai kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục đại học: cấp CTĐT và cấp CSGD cho toàn hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam;
  5. Phát triển năng lực (capacity development) cho đội ngũ chuyên gia và các nhân sự chủ chốt của hệ thống đảm bảo chất lượng quốc gia;
  6. Tham gia vào các mạng lưới đảm bảo chất lượng khu vực và quốc tế (chủ yếu là hai đại học quốc gia): AUN (Mạng đại học Đông Nam Á), APQN (Mạng đảm bảo chất lượng châu Á-Thái Bình Dương), và INQAAHE (Hiệp hội các cơ quan đảm bảo chất lượng quốc tế).
  7. Có thể xem đây là một giải pháp đột phá đối với GDĐH bên cạnh tự chủ đại học. Tác động dẫn đến những thay đổi tích cực của toàn hệ thống là không thể phủ nhận.

III. CÁC TỒN TẠI

Mặc dù các hoạt động ĐBCL trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, nhưng Việt Nam chưa có một hệ thống và cơ chế đảm bảo chất lượng đủ mạnh để làm tròn vai trò chất xúc tác quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam. Theo nhận định của các tổ chức quốc tế, hiện nay phong trào đảm bảo chất lượng của Việt Nam đang bị vướng ở một số vấn đề khiến sự phát triển có thể bị chững lại, như sau:

  1. Hệ thống đảm bảo chất lượng ở cấp quốc gia chưa hoàn chỉnh. Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục vẫn chưa được thành lập;
  2. Việc thực hiện đảm bảo chất lượng bên trong còn mang tính đối phó với yêu cầu của bên ngoài chứ chưa phải là một nhu cầu tự thân với mục đích tự cải thiện chất lượng các sản phẩm đào tạo mà NT cung cấp cho XH.
  3. Cơ chế đảm bảo chất lượng hiện nay chưa tạo được sự độc lập giữa 3 hoạt động: tự đánh giá (do các trường thực hiện), đánh giá ngoài (do một cơ quan độc lập bên ngoài nhà trường thực hiện), và công nhận kết quả (do cơ quan quản lý nhà nước trong giáo dục đại học hoặc một cơ quan được ủy quyền thực hiện);
  4. Nhân sự hoạt động trong toàn hệ thống đảm bảo chất lượng quốc gia tuy đã được tăng cường nhưng còn hạn chế về năng lực;
  5. Hệ thống thông tin phục vụ quá trình đánh giá còn thiếu, tính minh bạch của thông tin còn thấp.
  6. Phải thẳng thắn mà nhận định rằng trong khâu lập pháp có những sơ hở nên đặt hệ thống vào tình huống bị động lúng túng trong triển khai. Rõ nhất là việc đưa vào Luật khái niệm “các tổ chức KĐCL phải độc lập về tổ chức đối với các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục” trong khi đó khái niệm độc lập (independence) cần được hiểu là “khả năng của Cơ quan để thực hiện các chức năng của mình một cách đầy đủ và chất lượng mà không bị ảnh hưởng từ bên ngoài” (the Agency’s ability to perform its functions fully and qualitatively without outside influence). Nếu các tổ chức KĐCL phải độc lập về tổ chức đối với các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục thì ai sẽ am hiểu về giáo dục đại học để đứng ra thành lập và quản lý các tổ chức này hoặc định “buông luôn cả quản lý nhà nước” ? (điều này ngay cả nước Mỹ cũng không làm)Thứ nhất: chương trình đào tạo          

IV. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA KHI TRIỂN KHAI CÔNG TÁC KĐCL

Thứ nhất: chương trình đào tạo

Việc thường xuyên rà soát, cập nhật CTĐT sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là lấy ý kiến đánh giá từ người sử dụng lao động. Bởi vì không phải hôm nay điều chỉnh CTĐT thì ngày mai đã có kết quả. Giáo dục (ngay cả giáo dục đại học) cũng có tính trễ của nó. Vậy 2 năm có đủ để một lứa SV ra trường và CM được rằng những điều chỉnh CTĐT của NT là hợp lý (!!!). “Ngay cả khi chúng tôi có mạng lưới các doanh nghiệp, các tổ chức, các cơ quan quản lý nhà nước mà sinh viên đang làm việc ở đó thì cũng không có được sự cộng tác trong đánh giá nhân viên của họ (cựu sinh viên của trường). Thậm chí, còn có sự khác biệt về quan điểm trong đào tạo dưới góc độ người sử dụng lao động và cơ sở giáo dục đào tạo. Thông qua các diễn đàn, các tọa đàm, …chúng tôi tranh luận về điều này; và để có được tiếng nói chung thì còn quá nhiều việc phải làm.” (Ý kiến của một học viên Khóa 27 lớp KĐCLGD, TT KĐCLGD-ĐHQGHN)

Vì vậy, trong đảm bảo chất lượng giáo dục, việc có được một chương trình đào tạo phù hợp, phản ánh đúng và đáp ứng đúng yêu cầu từ thị trường lao động là một thách thức. Việc thay đổi “xoành xoạch” để đáp ứng Bộ TC chất lượng nữa lại còn thách thức lớn hơn. Nếu không sẽ chỉ mang tính hình thức.

Thứ hai: đảm bảo điều kiện cho người dạy và người học

Trong quá trình thực hiện kiểm định chương trình đào tạo, chúng tôi nhận thấy để đảm bảo chất lượng giáo dục thì cơ sở giáo dục phải có một khung chương trình phù hợp, có quá trình tổ chức đào tạo phù hợp. Khung chương trình phải được thể hiện chi tiết trong từng học phần, và quá trình tổ chức đào tạo phải chi tiết hóa đến từng đề cương của các học phần ấy.

Để đảm bảo được yêu cầu như vậy thì khối lượng công việc của giảng viên tăng lên nhiều, trong khi tổng thù lao tính trên một đơn vị tín chỉ thì không thay đổi. Vì vậy, rất khó để có sự hài hòa về lợi ích cho các thầy cô. Bên cạnh đó việc học của sinh viên cũng tăng lên; vì vậy điều kiện về thư viện, cơ sở dữ liệu điện tử, … cũng phải được đáp ứng đầy đủ. Với sự phát triển về công nghệ hiện nay thì không khó để đáp ứng các nhu cầu dạy và học, nhưng bài toán chi phí sẽ gây khó khăn cho các trường đại học.

Vì vậy, thu nhập của giảng viên, điều kiện giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên, điều kiện học tập và nghiên cứu của sinh viên và vấn đề luôn đi cùng là mức học phí sẽ luôn là một khó khăn cho các trường đại học trong các hoạt động đảm bảo chất lượng theo quan điểm của Bộ TC 111 tiêu chí..

Thứ ba: sự ủng hộ trên thực tế của lãnh đạo các trường đại học

Trên các diễn đàn, trong chiến lược phát triển … lãnh đạo các trường đại học đều thể hiện nhận thức sâu sắc và sự quyết tâm trong công tác đảm bảo, kiểm  chất lượng giáo dục và xếp hạng đại học; đặc biệt là công tác đảm bảo chất lượng bên trong. Nhưng khi đi vào thực tế thì không hẳn các lãnh đạo đều thực hiện như tuyên bố.

Điều này cũng cần được thông cảm vì khi đi vào thực tiễn, công tác đảm bảo chất lượng sẽ đụng chạm nhiều vấn đề, trong đó phải thừa nhận rằng cân đối tài chính trong giai đoạn hiện nay là rất khó khăn. Những đòi hỏi của các TC ĐBCL buộc các CBGV trong trường phải làm việc gấp rưỡi, nếu không nói là gấp đôi không chỉ trong giai đoạn đánh giá mà trong suốt quá trình dạy học, trong suốt quá trình thực hiện PDCA. Cái gì cũng có giá của nó. Cụ Hồ đã sẵn sàng đốt cháy dãy Trường Sơn để thống nhất đất nước. Nhưng không phải HT và HĐT nào cũng sẵn sàng chi thêm kinh phí cho các hoạt động đảm bảo CL này. Có chăng là chi phí đánh giá ngoài và kiểm định chất lượng là những thứ chi phí bắt buộc.

Với các trường công (chưa tự chủ tài chính) thì còn khó hơn vì NN chưa định chế các khoản chi cho việc xây dựng và vận hành hệ thống IQA trong NT.

Các trường đại học trong giai đoạn trước mắt khó có thể tăng thu từ việc tăng học phí đột biến để có nguồn lực phát triển chiều sâu. Các trường chủ yếu vẫn là tăng trưởng nóng thông qua mở rộng các loại hình đào tạo, các bậc đào tạo, nhấn mạnh quy mô. Điều này mang lại tổng doanh thu cao, và ở tổng thể thì dường như đây là tiêu chí thành công trong quản trị một trường đại học. Với một hoặc hai nhiệm kỳ mà tăng được quy mô và doanh thu của NT thì lãnh đạo nhà trường coi như thành công.  Chúng ta và một số Tiêu chí của Bộ TC 111 tiêu chí (thuộc Tiêu chuẩn 25) cũng quan niệm vậy.

Thứ tư: Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục

Làm thước đo để đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo là mục tiêu để các Trường đại học phấn đấu nhưng Bộ TC KĐCLGD chưa được ổn định, chưa phù hợp với tất cả các đối tượng, một phần do chúng ta mới vận hành hệ thống cũng như triển khai các mặt công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng, một phần do cơ chế quản lý.

Bộ TC KĐCL cơ sở giáo dục với 10 TC và 50 tiêu chí sử dụng một thời gian chưa kịp tổng kết, rút kinh nghiệm thì đã phải thay bằng bộ Tiêu chuẩn mới với 25 Tiêu chuẩn và 111 tiêu chí (khá cồng kềnh và trùng lặp). Trong bối cảnh khi chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của ANU-QN sang bản tiếng Việt và được Cục QLCL bổ sung các mốc chuẩn tối thiểu thì cả những người đi kiểm định, những người chịu kiểm định và những người trong các Hội đồng KĐCL của các Trung tâm đều không hiểu một cách nhất quán các nội dung của Bộ TC này. Những khái niệm phi truyền thống như : hiệu quả và chỉ báo hiệu quả tài chính, hiệu quả và chỉ báo hiệu quả thị trường của các hoạt động ĐT, NCKH và PVCĐ là hoàn toàn mới đối với CBGV các trường đại học.

Bộ tiêu chuẩn mới đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục theo công văn số 767/QLCL-KĐCLGD ban hành ngày 20/4/2017 có số lượng tiêu chuẩn, tiêu chí  nhiều hơn so với bộ tiêu chuẩn cũ (25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí ) vì vậy Nhà trường cần có thời gian để thiết kế và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong (tương tự như người tập bắn bia. Chuyển từ bia cố định sang bia di động làm sao có thành tích cao ngay được) và làm quen với ngôn ngữ kiểm định mới. Đối chiếu bản báo cáo tự đánh giá với công việc cụ thể của các trường đại học dễ thấy rõ bàn tay của các chuyên gia KĐCL. Điều này chứng tỏ một điều là tính đối phó còn rất cao. Công tác ĐBCL theo bộ chuẩn mới chưa thấm vào công việc hằng ngày của các trường đại học mà đã phải tổ chức đánh giá ngoài rồi.

Thực tiễn ĐGN các cơ sở GD và CTĐT cho thấy rất cần sử dụng một Bộ TC khác cho cả CSGD và CTĐT. Cần kết hợp cả đánh giá quá trình (formative) theo triết lý PDCA và đánh giá kết quả (summative) trong 2 Bộ TC này. Thêm nữa, triết lý giáo dục của từng ngành học cụ thể có khác biệt so với triết lý giáo dục chung (ở tầm vĩ mô) của một dân tộc, một quốc gia. Điều đó ảnh hưởng đến việc thiết kế và vận hành CTĐT và kế đó đòi hỏi có một Bộ TC đánh giá chất lượng phù hợp cho dù những nguyên tắc cơ bản là không thay đổi theo những ngành nghề cụ thể.

Thứ năm. Việc triển khai công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng ở các cơ sở giáo dục

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục và các đơn vị có liên quan trong thời gian qua đã tích cực triển khai tuyên truyền và phổ biến nhưng do đây là lĩnh vực mới mà xã hội chưa thực sự quan tâm, do chưa thấu hiểu nên trên các phương tiện tuyền thông có những ý kiến không thuận. Điển hình là phát ngôn “trường nào đánh giá cũng đạt vậy cần gì phải đánh giá”.

IV. GIẢI PHÁP

1 Về nhận thức

  • KĐCLGD chỉ là khâu cuối cùng trong quy trình ĐBCL bao gồm xây dựng và phát triển mô hình ĐBCL bên trong, tự đánh giá, đánh giá ngoài và kiểm định chất lượng. Tiêu chuẩn là công khai, không phải là những câu hỏi đánh đố, vậy nên các CSGD chỉ có thể đăng ký kiểm định khi đã tự đánh giá đạt tiêu chuẩn. Vấn đề đối với Đoàn ĐGN chỉ là mức độ đạt được của mỗi tiêu chí, tiêu chuẩn mà thôi. Vậy nên rất cá biệt mới có CSGD hoặc CTĐT không đạt chuẩn khi ĐGN do NT đã tiến hành khâu Tự đánh giá không tốt.
  • Tương tự như xu thế đổi mới giáo dục đáp ứng CM 4.0 cần chuyển từ đánh giá kết quả sang đánh giá quá trình và tôn trọng cá thể hóa việc học tập. Đánh giá một cơ sở giáo dục cũng vậy. Mặc dù đã có đầy đủ Bộ TC kiểm định và mốc chuẩn tối thiểu thì mục tiêu đánh giá vẫn là quá trình ĐBCL (và từ đó là xu thế phát triển) của một trường ĐH nhưng cũng không tránh khỏi phải xem xét kết quả đầu ra. Ngay trong 4 tiêu chuẩn cuối cùng của Bộ TC KĐCL 111 tiêu chí thì cũng là xem xét việc quản trị kết quả của NT (cũng vẫn là dựa trên PDCA). Nếu đã là đánh giá quá trình thì về nguyên tắc một trường đại học có thể có cách tiếp cận mục tiêu khác với đòi hỏi của Bộ TC (xu thế cá thể hóa). Việc này đòi hỏi trình độ người đánh giá. Họ phải là những người rất am hiểu về GD ĐH mới có đủ bản lĩnh để chấp nhận những cách tiếp cận khác so với Bộ TC

2 Về tổ chức hệ thống

  • Cần sớm thành lập một Hội đồng KĐCL quốc gia (độc lập và trực thuộc QH hoặc Thủ tướng nếu được) cho Bộ TC 111 tiêu chí. Tách việc ĐGN (do các TT phụ trách) khỏi cơ quan kiểm định cuối cùng (độc lập) có 2 lợi thế: đảm bảo tính minh bạch và tính nhất quán khi các trường dùng chung một thang đo chất lượng (Bộ TC KĐ) và đảm bảo tính độc lập của người phán xử, người ra quyết định, đáp ứng yêu cầu của Luật GD-ĐH.
  • QH cần sớm có văn bản giải thích Luật về tính độc lập của các TT KĐCL theo hướng thực hiện các chức năng của mình một cách đầy đủ và chất lượng mà không bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Độc lập là ý thức và trách nhiệm của các đơn vị KĐCL. Bộ GD-ĐT thay vì giải thể cần hướng dẫn việc thực hiện trách nhiệm độc lập của các đơn vị này. Ví dụ không chỉ quy định đơn vị KĐCL không được tổ chức KĐCL cho chính CSGD thành lập nó mà còn quy định tỷ lệ thành viên các Đoàn ĐGN thuộc đơn vị thành lập không vượt quá, ví dụ, 1/3.
  • Khuyến khích những dề xuất khác về Bộ TC KĐCL có thể sử dụng cho các loại hình trường khác nhau: trường nghiên cứu và trường ứng dụng, trường công và trường tư, CTĐT thuộc lĩnh vực khác nhau như: VH-NT, KHXH-NV, KHTN, CN, KH sự sống … hoặc cho phép các trường đại học lựa chọn các Bộ TC kiểm định khác nhau như hiện nay đã cho phép các trường lựa chọn cơ quan kiểm định nước ngoài khác nhau.

3 Về quản lý NN

  • Cục QLCL và Thanh tra Bộ cần thay đổi phương thức quản lý đối với công tác KĐCL. Những việc nên làm là chuẩn hóa lại Bộ TC ĐGCL (vì Bộ trưởng đã ban hành) với sự trợ giúp của các chuyên gia và các TT KĐCL (đang triển khai nhưng mới dừng ở mức sửa đổi các thủ tục quy trình mà chưa đi sâu vào những nội dung căn bản của Bộ Tiêu chuẩn mặc dù có nhiều thắc mắc không giải thích được hoặc rõ ràng cần điều chỉnh do tính rườm rà và trùng lặp của 2 Bộ TC này). Rất nên lập một Hội đồng Kiểm định CLGD quốc gia. Các TT chỉ nên tiến hành đánh giá ngoài. Việc thẩm định kết quả ĐGN và công nhận đạt chuẩn nên giao cho Hội đồng này.
  • Đề nghị tiến hành rà soát, đánh giá các Bộ TC ĐGCL để có những cải tiến theo đúng nguyên tắc PDCA (plan-do-check-act) mà các Bộ TC này đang theo đuổi.
  • Thực tiễn BĐCL ở các cơ sở giáo dục (giờ đã được tự chủ) phong phú và muôn dạng với những mô hình ĐBCL bên trong (IQA) đa dạng (no one size fits all) đòi hỏi công việc KĐCL cũng phải có sự thích ứng nếu không sẽ hạn chế sức sáng tạo của các CSGD. Cần chấp nhận những phương án thay thế theo nguyên tắc hiệu quả và thích hợp.

4 Về Chính sách đối với các TTKĐ.

  • Cần khẳng định các TT Kiểm định phải là các tổ chức phi lợi nhuận. Việc để cho các TT này hoạt động như một tổ chức vì lợi nhuận sẽ dẫn đến những hậu quả không lường trước được.
  • Giải pháp thiết kế các TTKĐCL đáp ứng yêu cầu độc lập về tổ chức của Luật GĐĐH là: lập Hội đồng KĐCL quốc gia cho toàn hệ thống do QH, CP hoặc TTg CP thành lập. Giữ nguyên trạng tổ chức của các TT KĐCL với chức năng hạn chế ở việc tiến hành ĐGN các trường ĐH và CTĐT và trình Hội đồng KĐCL quốc gia thẩm định, phê duyệt. Bổ sung, nhấn mạnh tính độc lập về ý thức và trách nhiệm trong việc tổ chức và giám sát hoạt động ĐGN của các Đoàn ĐGN./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trung tâm KĐCLGD – Đại học Quốc gia Hà Nội. Tài liệu học tập cho các khóa đào tạo Kiểm định viên (2019)

Diễn đàn học tập on-line của Khóa 27 Kiểm định viên .Trung tâm KĐCLGD – Đại học Quốc gia Hà Nội. 2019.

Đặng Ứng Vận, Tạ Thị THu Hiền Kiểm định chất lượng giáo dục và tự chủ đại học. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội Nghiên cứu giáo dục V35 N1 (2019) 84-95

Đặng Ứng Vận GS.TSKH. Trường Đại học Hòa Bình