Tự chủ không phải tự do mà là các cơ sở giáo dục theo triết lý phi lợi nhuận – Tiến sĩ Trương Tiến Tùng

Ngày 13/08/2021

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội. (Ảnh NVCC)
áp dụng thu học phí như thế nào là phù hợp?

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng: Theo tôi, giáo dục phải là phi lợi nhuận. Dù là công lập hay tư thục thì đều phải có quan niệm như vậy mới mang tính nhân văn của một xã hội phát triển.

Phi lợi nhuận tức là phải xây dựng một khung kinh tế để đảm bảo thu đủ chi. Đảm bảo và cam kết rằng không thu học phí cao và không chi tiêu bừa bãi, bất hợp lý. Khung kinh tế này được xây dựng phù hợp với mức sống tối thiểu của người dân và mức thu tối đa có thể thu học phí của sinh viên theo từng khu vực, vị trí địa lý.

Phi lợi nhuận còn thể hiện ở chỗ giáo dục phải có đạo đức và tầm nhìn. Tức là nếu nhà trường tăng học phí thì phải song song với chất lượng tăng lên và người được hưởng lợi từ các đầu tư này là người học, là sinh viên.

Học phí phải được thu đủ để đảm bảo chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục. Phải nhìn nhận thực tế rằng, nếu chúng ta không đầu tư thì không bao giờ có lao động giỏi. Thị trường lao động luôn đòi hỏi nhân lực có chất lượng cao, nếu giáo dục không được đầu tư, không được cập nhật thì không đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Học đại học khác học phổ thông, bản chất của đại học là đào tạo và sản sinh ra lao động chất lượng cao. Đối với trường công lập, đầu tư chất lượng và cơ sở vật chất là tài sản toàn dân, chính vì vậy, phải đặt lợi ích đầu tiên cho nhân dân hưởng lợi và nhà nước nhận được một lực lượng lao động bài bản, phát triển được xã hội.

Chúng ta luôn thấy một vòng tròn luẩn quẩn, bên sử dụng lao động luôn yêu cầu bên đào tạo là phải có nguồn lực tốt. Bên đào tạo luôn đưa ra lý do không có nguồn lực kinh tế để sinh viên tiếp cân được thị trường lao động chất lượng cao. Bài toán này rất rõ ràng và chúng ta phải suy nghĩ rằng tự chủ không phải tự do mà là các cơ sở giáo dục theo triết lý phi lợi nhuận và chi phí đó phải công khai, công bố để người dân, nhà nước giám sát.

Học phí hợp lý để nhà nước bớt đi ngân sách đầu tư. Nhà nước đầu tư cho giáo dục thông qua học phí của người học. Nhà trường sẽ thay mặt nhà nước thu ngân sách thông qua học phí để đầu tư cho giáo dục.

Nếu một trường học có uy tín, số lượng người học đông, thì có nghĩa là nhà nước đang đầu tư cho nhà trường chứ không phải tự nhà trường làm ra được điều đó. Người đứng đầu của nhà trường, của một cơ sở giáo dục thì phải hiểu được vấn đề đó để đẩy mạnh chất lượng giáo dục và đào tạo được nguồn nhân lực tốt thông qua nguồn học phí, thông qua nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Trên thực tế, nhà trường phải có giảng viên giỏi thì mới nghiên cứu khoa học được, mới chuyển giao công nghệ được và phải có người giỏi mới dạy được ra thế hệ sinh viên giỏi, nhân sự chất lượng cao cho quốc gia.

Như vậy, quay trở lại vẫn là bài toán về học phí. Tôi cho rằng, tăng học phí là điều cần thiết để đầu tư cho chất lượng về giáo dục. Mức tăng này phải có khung kinh tế phù hợp với kinh tế chung của xã hội tại khu vực có cơ sở giáo dục.

tăng học phí tại các trường đại học nên được xây dựng như thế nào?

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng: Tôi nghĩ các trường đại học phải luôn xác định và làm đúng rằng tự chủ không có nghĩa là tự do điều chỉnh và học phí là một trong những vấn đề đó.

Nhà trường muốn tăng học phí bắt buộc phải xây dựng khung kinh tế, có lộ trình rõ ràng và lộ trình này phải được công khai để người dân, nhà nước có thể nắm bắt được.

Mỗi một đơn vị phải có một lộ trình học phí riêng biệt. Không phải tự chủ là nhà trường có quyền năm nay không làm gì, sang năm thấy người vào học đông thì tăng bừa bãi, thu chi, đầu tư không rõ ràng. Lộ trình tăng học phí phải được xây dựng trung hạn, tối thiểu 5 năm và phải gắn vào tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế của đất nước.

Tăng học phí phải đảm bảo rằng chất lượng sẽ tăng lên và sinh viên là người được hưởng lợi chính từ việc đầu tư sau khi tăng học phí như vậy nhà trường mới được xem là đi đúng lộ trình. Chất lượng dạy và học được nâng cao phải đồng nghĩa với thực tế chất lượng của đầu ra sinh viên tốt nghiệp tại trường bằng những thống kê, con số như tỉ lệ sinh viên có việc làm lương cao, tỉ lệ sinh viên thất nghiệp… Như vậy mới được tiếp tục được xét duyệt việc tiếp tục được tăng học phí.

Để đảm bảo việc người đứng đầu cơ sở giáo dục lạm dụng chức quyền thu bừa bãi học phí nên phải quy định ra khung định mức trần. Luật cũng đã quy định rất rõ về việc thu chi học phí và phải rõ ràng các khoản thu chi.

Không phải học phí thấp là hay, học phí cao là tốt. Học phí phải hài hòa với mức thu nhập của người dân.

Cái tài của một người đứng đầu tại một cơ sở giáo dục công lập hay nói cách khác là một cơ sở giáo dục phi lợi nhuận là điều tiết cái nguồn tài chính đó sao cho hợp lý nhất và người được hưởng thụ cuối cùng là sinh viên.

Tăng học phí có làm mất cơ hội học tập của sinh viên nghèo ?

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng: Có người nói rằng nếu tăng học phí sẽ mất đi cơ hội học tập của nhiều sinh viên, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, nhưng tôi không nghĩ vậy.

Công bằng là gì? Công bằng tức là mọi người đều được tạo một môi trường học tập bình đẳng như nhau, không phân biệt, không đối xử đặc biệt là về đầu tư giáo dục. Điều này có nghĩa rằng, sinh viên có quyền học tập nếu đủ điều kiện và phải thực hiện nghĩa vụ về học phí như nhau khi học đại học.

Tuy nhiên, đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nghèo vượt khó thì xã hội tạo điều kiện bằng cách hỗ trợ cho vay chi phí học tập và sinh viên phải có trách nhiệm trả nợ sau khi ra trường. Đó là tài trợ của chính phủ đầu tư cho giáo dục thông qua các chính sách cho vay không lãi suất đối với sinh viên.

Tôi rất hi vọng đất nước ngày càng phát triển, việc cho sinh viên vay học phí càng được mở rộng. Khi quản lý công dân đất nước thông qua công nghệ ID thì việc cho sinh viên vay để thanh toán học phí thì ngày càng được tạo điều kiện hơn. Có thể chính trách nhiệm phải trả các khoản vay về học phí sau khi tốt nghiệp chính là động lực để các sinh viên nghèo phấn đấu học tốt, là nhân lực tốt trong tương lai, phát triển đất nước.

Tôi vẫn luôn nói với thầy cô giáo trong trường, là người thầy thì phải thắt lưng buộc bụng vì lợi ích của sinh viên bởi phần lớn sinh viên Việt Nam là sinh viên nghèo.

Tuy nhiên, học phí để đảm bảo chung cho quyền lợi tất cả các học sinh thì phải tăng để nâng chất lượng và tất nhiên là tăng đến mức đảm bảo chất lượng thì nhà trường mới có nguồn lực cho sinh viên nghèo vượt khó. Ngoài sinh viên giỏi được đầu tư, được học bổng thì sinh viên nghèo cũng cần được hỗ trợ.

Nếu coi học phí là ngân sách thì không được giảm, cần phải công bằng giữa người học với nhau. Nhưng việc hỗ trợ sinh viên nghèo và quy định các chính sách hỗ trợ thì tùy vào các trường quy định.

Nếu như ngày trước, khi điều kiện xã hội chung chưa phát triển, nhà nước bao nuôi một số học sinh ưu tú đi học. Nhưng đến thời kỳ phát triển, thì mỗi cá nhân nên có trách nhiệm với sự phát triển của mình và xã hội có sự hỗ trợ cho sự phát triển đó bằng cách tạo điều kiện cho vay chi phí học tập không lãi suất. Có như vậy mới thật sự tạo ra một môi trường học tập bình đẳng giữa các sinh viên mà vẫn đảm bảo được chất lượng giáo dục đại học trong thời điểm hiện nay. (Theo giaoduc.net)

Ban TT&SV