Thách thức tài chính và bài toán tự chủ với đại học công lập
Thách thức lớn
Theo GS Lauren Robel – Hiệu trưởng danh dự ĐH Indiana (Mỹ), trong bối cảnh hội nhập, việc tự chủ đại học nhất là đại học công là việc tất yếu mà các trường phải thích ứng và thực hiện. Bởi chỉ có tự chủ thì bài toán tài chính của đại học công lập mới được giải quyết khi những đòi hỏi của người học và xu thế giáo dục ngày một tăng cao.
“Một trường đại học thành công khi đảm bảo đầy đủ các giá trị cụ thể. Những giá trị đó bao gồm sự ưu tú và chính trực trong nghiên cứu và giảng dạy, tiềm lực tài chính, tính toàn diện và đa dạng trong cơ hội học thuật, tin tưởng và trách nhiệm giải trình trong quản trị điều hành. Một hệ thống trường đại học vững mạnh phải được kết nối rộng khắp trên phạm vi quốc tế với nền tảng mạnh mẽ tới từ tài chính, không gian học thuật và thành tựu chuyển giao công nghệ, nghiên cứu” – GS Lauren Robel nói.
Đồng quan điểm tài chính phải là điểm tựa cho các trường đại học công lập, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan – ĐHQG TPHCM – cho rằng, thế kỷ 21 gắn với quá trình toàn cầu hóa, đối tượng ngày nay đòi hỏi nhiều hơn ở hệ thống GDĐH so với thế hệ trước kia.
“Đó là cơ sở vật chất học tập, không gian và môi trường học thuật, đội ngũ giảng viên chất lượng, phòng nghiên cứu hiện đại, chương trình đào tạo tiên tiến… Vì vậy, bài toán tài chính vẫn là thách thức lớn với các trường đại học công lập cần giải quyết để đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy song hành với chính sách, phúc lợi cho đội ngũ giảng viên và người học. Để thay đổi toàn diện, các trường phải hướng đến sự tự chủ toàn diện.
Thực tế, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo công lập vừa phải cạnh tranh với đại học ngoài công lập cũng như bảo đảm các xu hướng giáo dục hiện đại. Trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế tri thức hiện nay, vai trò của giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học càng mang tính chất quyết định đến tốc độ phát triển kinh tế – xã hội” – PGS.TS Phương Lan nhấn mạnh.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, Việt Nam hiện có 237 trường đại học (chưa bao gồm các trường khối an ninh, quốc phòng), trong đó 172 trường công lập và 65 trường ngoài công lập. Mặc dù, số lượng trường đại học đáp ứng tương đối nhu cầu của dân số nhưng tỷ lệ người học tiếp cận với giáo dục đại học ở mức dưới 30%, thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Mục tiêu của giáo dục đại học là phát triển, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, tỷ trọng sinh viên học trong hệ thống đại học công lập, với chi phí đầu tư còn quá thấp thì việc đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực qua đào tạo đại học với định hướng phát triển nền kinh tế tri thức của quốc gia theo nhiều chuyên gia vẫn nảy sinh khá nhiều bất cập.
Kinh nghiệm từ thực tế
Theo GS.TS Lê Quân – Giám đốc ĐHQG Hà Nội, tài chính đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của một trường đại học, nhất là trong công tác khuyến khích, hỗ trợ cho hoạt động NCKH của giảng viên, sinh viên – chìa khóa để tạo ra sự đột phá cho các thành tựu nghiên cứu và chuyển giao. Vì vậy, với các trường đại học công lập, tự chủ tài chính là hướng đi tất yếu, nhu cầu thiết thân của từng đơn vị nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng chủ động trong học thuật.
“Trên thế giới, tự chủ đại học gắn liền với các hình thức, mô hình hợp tác công tư PPP (Public Private Partnership) nhằm đa dạng hóa nguồn lực tài chính, đặc biệt là thu hút nguồn lực xã hội, tăng nguồn thu để phát triển; gắn kết doanh nghiệp với đại học, tạo ra các trụ cột vững chắc là điều không mới.
Để gia tăng nội lực tài chính cho đơn vị, thời gian qua ĐHQG Hà Nội đã xây dựng và hiện thực hóa chiến lược phát triển đến năm 2035 với một số giải pháp cụ thể trong việc thực hiện mô hình PPP. Kết quả đã có những chuyển biến tích cực nhất là về nguồn lực tài chính trong các trường thành viên” – GS.TS Lê Quân cho biết.
Chia sẻ kinh nghiệm về mô hình tài chính của Trường ĐH Indiana, GS M.A Venkat cho hay, giai đoạn đầu, 75% ngân sách hoạt động của trường từ nguồn tài trợ của chính quyền bang do đây là đại học trọng điểm của bang Indiana.
“Nguồn ngân sách này được phục vụ cho việc thúc đẩy các hoạt động giáo dục sinh viên, bồi dưỡng sự vượt trội trong công tác nghiên cứu và tạo điều kiện tiếp cận để hỗ trợ nhu cầu của bang và chính quyền liên bang. Các khoản trợ cấp khác cho trường chiếm 10% tổng ngân sách. Nguồn thu học phí là 10% và nguồn thu từ từ thiện, phụ trợ, phí dịch vụ là 5%. Tuy vậy, trong những năm gần đây, chính quyền bang Indiana chỉ tài trợ không hoàn lại khoảng 25% chi tiêu ngân sách cho trường và khuyến khích các trường tự tìm những nguồn thu khác” – GS Venkat chia sẻ.
Và để tự lực trên đôi chân của mình trong bài toán tài chính, Trường ĐH Indiana đã tìm kiếm nguồn thu chủ yếu từ học phí của sinh viên song hành với việc nâng cao chất lượng đào tạo, dịch vụ chăm sóc người học cùng chính sách học bổng. Cụ thể, trường đã tăng học phí đối với sinh viên ngoài bang theo học tại đây và thúc đẩy hoạt động chuyển giao, hợp tác với doanh nghiệp.
“Hiện nay, thu học phí từ các chương trình đào tạo cao học online của ĐH Indiana khá lớn. Ngoài ra, ĐH này còn có nhiều dự án nghiên cứu đột phá mang lại nguồn thu ổn định. Điều này giúp cho trường tăng nguồn thu từ 2 tỷ USD năm 2020 lên 4 tỷ USD trong năm nay.
Trong đó, nguồn thu học phí đóng góp gần 60% tổng ngân sách. Nguồn tài trợ của chính phủ và các tổ chức liên bang chiếm khoảng 15%, tài trợ thiện nguyện là 5% và phần còn lại đến từ các quỹ tài trợ. Ngoài ra, nguồn thu đến từ việc chính quyền liên bang tài trợ qua dự án nghiên cứu (khoảng 200 triệu USD). Rõ ràng, tự chủ tài chính là chìa khóa để giải bài toán thách thức ngân sách cho các trường đại học công” – GS Venkat nói.