TS.Lê Viết Khuyến: Thiếu cơ sở pháp lý để tư nhân đầu tư cho giáo dục đại học
GDVN- TS Lê Viết Khuyến: “Ở nước ta, học phí gần như chiếm tuyệt đối nguồn thu của trường đại học, trong khi các nguồn thu khác còn rất hạn chế”.
Nhiều năm nay, câu chuyện đầu tư cho giáo dục đại học là vấn đề được quan tâm bàn luận rất nhiều.
Theo tổng hợp số liệu của Bộ Tài chính, năm 2020, ngân sách dành cho giáo dục đại học chỉ chiếm 0,27% GDP. Đầu tư nhà nước cho giáo dục đại học được đánh giá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển giáo dục đại học, ngoài đầu tư của Nhà nước, cần phải phát huy nguồn đầu tư của tư nhân. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đầu tư tư nhân cho giáo dục đại học vẫn còn “nhỏ giọt”, chưa mấy hiệu quả và chủ yếu mới tập trung vào nguồn thu học phí từ người học.
Để tìm hiểu rõ về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Phóng viên: Thưa ông, ông có nhận xét gì về mức đầu tư của Nhà nước đối với giáo dục đại học hiện nay?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Như chúng ta đã biết, hiện ngân sách dành cho giáo dục đại học chỉ chiếm 0,27% GDP, trong khi ngân sách cho giáo dục – đào tạo chung vào khoảng 5 – 6% GDP. Đây là một con số rất khiêm tốn, không thể đảm bảo cho Việt Nam sớm trở thành một nước có thu nhập trung bình cao như mong đợi.
Trong khi đó, nguồn thu hiện nay của các trường chủ yếu đến từ học phí (chiếm từ 70-80%).
Ngân sách công cho giáo dục đại học được chia làm hai nguồn là chi thường xuyên (thuộc Bộ Tài chính quản lý phân bổ) và chi đầu tư phát triển (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý và phân bổ).
Ở Việt Nam nguồn hỗ trợ của Nhà nước cho chi thường xuyên là rất quan trọng nhưng hiện nay, khi các trường công lập bước vào cơ chế tự chủ, xu hướng bị cắt mất chi thường xuyên là hiển nhiên.
Trong khi đó, chi cho đầu tư phát triển là không thường xuyên và không phân bổ đồng đều cho các trường. Nhà nước chi đầu tư cho một số dự án nhất định của một số trường đại học đã được phê duyệt.
Như vậy có thể thấy, nguồn ngân sách đầu tư cho các trường đại học công đã bị cắt giảm rất nhiều, khi chi thường xuyên không còn, nếu trường đại học nào không nhận được chi đầu tư thì khó có kinh phí để đầu tư phát triển.
Muốn đánh giá được bức tranh tổng thể của đầu tư công cho giáo dục đại học, cần phải nhìn nhận ở cả hai phương diện là chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Dù chi đầu tư có tăng lên cũng không thể khẳng định ngân sách nhà nước dành cho giáo dục đại học tăng, bởi khi nguồn chi thường xuyên bị cắt giảm thì vẫn rất khó khăn cho các trường đại học.
Ngân sách dành cho giáo dục đại học hạn chế, bị cắt giảm chi thường xuyên, đó cũng chính là nguyên nhân các trường đẩy học phí tăng cao, và câu chuyện học phí trở thành vấn đề nóng, gây nhiều lo lắng cho người học trong những năm gần đây.
Phóng viên: Vậy có những nguồn đầu tư nào ngoài ngân sách và những phương thức đầu tư này ở nước ta hiện nay như thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Đầu tư ngoài ngân sách có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, cụ thể như đóng góp của người học (học phí), đóng góp của mạnh thường quân trên tinh thần tự nguyện, sự hỗ trợ đầu tư của các doanh nghiệp, ứng dụng nghiên cứu khoa học, sản xuất,chuyển giao công nghệ,…
Ở các nước phát triển, nguồn đóng góp từ mạnh thường quân, từ doanh nghiệp, từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ rất khả quan và đó cũng chính là những nguồn lực quan trọng thúc đẩy giáo dục đại học phát triển.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, như tôi đã nói, ngoài ngân sách nhà nước, học phí gần như chiếm tuyệt đối nguồn thu của trường đại học, trong khi các nguồn thu khác còn rất hạn chế, thậm chí hầu như không có.
Ví dụ như đóng góp tự nguyện của mạnh thường quân, cựu sinh viên, cựu học viên đang rất ít, và nếu có thì cũng chủ yếu là những sản phẩm bằng hiện vật chứ chưa có những khoản đầu tư lớn để phát triển đào tạo của trường đại học đó.
ĐBQH: Cần lộ trình tăng tỉ lệ đầu tư cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp
Hay nguồn đầu tư hỗ trợ từ doanh nghiệp, về nguyên tắc là phải có luật để thực hiện việc này. Việt Nam đang thiếu cơ sở pháp lý để tư nhân, doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục đại học. Trong khi nhiều nước đã ban hành luật để tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư cho cơ sở giáo dục đại học. Thí dụ như, ở Indonesia điều này đã được đưa vào Luật Giáo dục Đại học, các doanh nghiệp sử dụng lao động do trường đại học đào tạo thì phải có nghĩa vụ đóng góp kinh phí cho cơ sở đào tạo. Và mức độ đóng góp như thế nào đã quy định cụ thể, rõ ràng trong văn bản pháp lý. Còn Việt Nam chưa có quy định này trong luật mà chỉ dưới dạng khuyến cáo, đây chính là khoảng trống trong chính sách để thu hút những khoản đầu tư ngoài ngân sách.
Nếu hoạt động nghiên cứu khoa học và dịch vụ phát triển, cần ưu tiên thực hiện đầu tư theo cơ chế kinh doanh không lợi nhuận. Tức là phần lớn lợi nhuận thu được từ nghiên cứu khoa học và hoạt động dịch vụ phải được đầu tư trở lại cho hoạt động giáo dục đào tạo của nhà trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại không có được nguồn đầu tư này, chúng ta chưa có được những cơ sở nghiên cứu khoa học tầm cỡ, quy mô và tạo ra được lợi nhuận. Thậm chí nhiều đơn vị còn phải trông chờ vào ngân sách để hoạt động nghiên cứu khoa học.
Phóng viên: Ở Việt Nam, đầu tư của tư nhân cho giáo dục đại học còn có những hạn chế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Ở khía cạnh tư nhân đầu tư cho giáo dục của các trường đại học công lập, chủ yếu hiện nay đầu tư vào các dịch vụ nhỏ lẻ như trông xe, ăn uống,… Còn việc đầu tư của tư nhân vào trường đại học công với những dự án lớn hay mua sắm thiết bị, xây dựng phòng thí nghiệm,… thì hiện cũng rất ít và khó thực hiện. Tuy nhiên, để triển khai được hoạt động này trước hết cần làm minh bạch cơ chế chủ sở hữu của nhà trường để tạo thuận lợi cho Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đi vào khu vực giáo dục thuận lợi.
Làm gì để giáo dục đại học Việt Nam cất cánh nhanh và hội nhập quốc tế?
Việc xây dựng trường đại học tư hiện nay cũng còn hạn chế, hành lang pháp lý chưa thực sự thông thoáng để khuyến khích các tư nhân mở các cơ sở giáo dục đại học.
Hơn nữa, chúng ta cũng cần làm rõ hơn việc các trường đại học tư nên hoạt động theo cơ chế vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận.
Nhà nước ta khuyến khích mở các cơ sở giáo dục đại học không vì lợi nhuận, nhưng nếu đã khuyến khích thì cần phải có chính sách kèm theo như chính sách cấp đất, cho thuê đất với giá ưu tiên, chính sách miễn giảm thuế đất,… chứ không thể cào bằng như nhau.
Hiện nay luật pháp Việt Nam còn chưa làm rõ được loại hình trường đại học không vì lợi nhuận nên cũng chưa thể có được các chính sách ưu đãi phù hợp với loại hình này.
Phóng viên: Ông có kiến nghị giải pháp nào để tháo gỡ những nút thắt cho đầu tư giáo dục đại học, đặc biệt là đầu tư của tư nhân vào giáo dục đại học?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Trước mắt, xin có 3 kiến nghị với Nhà nước:
Thứ nhất, điều chỉnh lại phân bổ ngân sách giáo dục theo hướng tăng hợp lý tỷ lệ ngân sách chi cho giáo dục đại học.
Thứ hai, bổ sung các căn cứ pháp lý tạo thuận lợi phát triển giáo dục ngoài công lập, đặc biệt đối với giáo dục hoạt động không vì lợi nhuận. Tạo thuận lợi để Luật đầu tư PPP đi vào cuộc sống.
Thứ ba, đổi mới thể chế cho phép tăng cường tính chất “mở” của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm tạo điều kiện tận dụng tối đa sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị phục vụ cho sự nghiệp phát triển giáo dục của đất nước.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Lê Viết Khuyến!
Nguyên Phương