Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045

Ngày 31/12/2021

Phiên họp do Bộ GD&ĐT – cơ quan thường trực của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức. Tham dự phiên họp có các Thứ trưởng: Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Văn Phúc và uỷ viên các tiểu ban chuyên môn Hội đồng, uỷ viên Uỷ ban về giáo dục và phát triển nhân lực; cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2045

Giới thiệu khái quát về dự thảo “Chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc trao đổi: Dự thảo được xây dựng trên quan điểm: Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, nhân bản, khoa học, hiện đại. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nền tảng phát triển bền vững. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Huy động mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục.

Phát triển giáo dục gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước trong kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp.

Giáo dục được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Thực hiện giáo dục theo phương châm lấy người học và việc học làm trung tâm. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Phát triển giáo dục phải cân đối cả phát triển số lượng, chất lượng và hiệu quả.

Về tầm nhìn của Chiến lược, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: Dự thảo đề xuất: Xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc giới thiệu khái quát về dự thảo “Chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045″

Cũng theo Thứ trưởng, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: Phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.

Ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết

Thảo luận tại phiên họp, TS Nguyễn Đắc Hưng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục và đào tạo nghề nghiệp (Ban Tuyên giáo dục Trung ương) – ghi nhận, dự thảo Chiến lược được xây dựng công phu, các số liệu được nghiên cứu khoa học.

Việc xây dựng Chiến lược dưới ánh sáng của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do đó, ngoài yếu tố kế thừa những thành tựu đã đạt được, cần đặt ra nhiều vấn đề mới, có tầm nhìn xa.

Chẳng hạn như cần tính toán lại các chỉ số về giáo dục, xoá mù chữ theo tiêu chí mới. Hiện nay, kinh tế, xã hội đang chuyển dịch theo hướng hội nhập quốc tế. Kéo theo đó là cần phát triển nguồn nhân lực. Điều này, đặt ra cho chúng ta bài toán về đào tạo nguồn nhân lực như thế nào; công tác phân luồng học sinh ra sao…

Ông Dương Trung Quốc góp ý tại phiên làm việc

Chia sẻ với những khó khăn của giáo dục, ông Dương Trung Quốc – Đại biểu Quốc hội khoá XIV – ghi nhận, dự thảo Chiến lược được xây dựng công phu, khoa học.

Nhấn mạnh, giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, nhưng ông Dương Trung Quốc cho rằng, hiện vẫn chưa đủ điều kiện để thực hiện mục tiêu ấy. Đó là chưa kể đến sự chuyển đổi của đất nước và chúng ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng. Mặt khác, giáo dục đang đứng trước những khó khăn, thách thức phi truyền thống.

Theo ông Dương Trung Quốc, trước mắt, dự thảo cần tương thích, nói cách khác là triển khai Nghị quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mà ở đó tầm nhìn đã trở mục tiêu phấn đấu của cả nước, với các mốc thời gian là năm 2030 và 2045.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên làm việc

Ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học; Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời gửi lời cảm ơn chân thành và đề nghị bộ phận soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến; qua đó hoàn thiện dự thảo.

Với gần 20 ý kiến được nêu ra tại phiên họp, Bộ trưởng cho rằng, có ý kiến ở tầm vĩ mô, có ý kiến mang tính chất đặt vấn đề, gợi ý; có ý kiến góp ý trực tiếp vào từng nội dung, chỉ số của Chiến lược… tất cả đều có giá trị và không chỉ có ý nghĩa về hoàn thiện Chiến lược, mà còn giúp ích rất nhiều cho công tác quản lý của Bộ GD&ĐT.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau phiên họp chuyên đề hôm nay sẽ có thêm nhiều cuộc trao đổi, góp ý nữa được tổ chức. Ban soạn thảo cũng sẽ làm việc sâu hơn với một số chuyên gia, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện dự thảo.

Minh Phong. Ảnh: Thế Đại

Ban TT&SV