Hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số: Thực trạng và giải pháp

Ngày 17/07/2021

Ảnh minh hoạ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế số


Hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, dữ liệu, điện, năng lượng …có vai trò quan trọng, là nền tảng căn bản để đảm bảo sự phát triển bền vững của kinh tế số. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, dữ liệu…hiện đại, chất lượng, đồng bộ, liên thông rộng khắp và an toàn cùng với hạ tầng điện, năng lượng ổn định, chất lượng cao là cơ sở để triển khai các công nghệ và dịch vụ của kinh tế số, từ đó thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam.

1. Thực trạng hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số

1) Ưu điểm:

Hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong thời gian qua được tập trung đầu tư xây dựng, ngày càng đồng bộ, hiện đại, cụ thể:

(i) Hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông quốc gia được phát triển mạnh,  phủ sóng rộng khắp. Đến năm 2020 hạ tầng viễn thông quốc gia đã phủ rộng khắp toàn quốc, kể cả ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với hơn 800.000 km cáp quang và các trạm thu phát sóng. Chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông ngày càng được nâng cao. Hệ thống băng thông rộng được phát triển mạnh. Chỉ số Internet toàn diện Việt Nam năm 2018 đứng thứ 43 trong tổng số 86 quốc gia, thứ hạng cao hơn một số nước trong khu vực (Indonexia đứng thứ 49, Philippin đứng thứ 54); tốc độ tải trung bình năm 2018 đạt trên 6,9Mbps, đứng thứ 75 trên tổng số 200 quốc gia được xếp hạng[1] (cao hơn Indonxia ở mức 5,8 Mbps, Philipin ở mức 5,2 Mbps). Số thuê bao băng rộng cố định đạt hơn 13,58 triệu, trong đó hơn 12 triệu thuê bao sử dụng cáp quang FTTx, tốc độ truy nhập hơn 10Mbps. Tổng băng thông quốc tế đạt hơn 8,1Tbps với 06 tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế. Giá cước dịch vụ Internet Việt Nam ở mức vừa phải, cước dịch vụ internet băng thông rộng cố định tại Việt Nam ở mức thấp nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương (quy đổi theo sức mua tương đương)[2].

 Mạng di động ở Việt Nam phát triển mạnh, tỷ lệ phủ sóng đạt 99,7%. Hệ thống mạng di động 3G, 4G đã được phủ sóng rộng khắp. Mạng di động 5G cũng đã được cấp phép thử nghiệm và thành công bước đầu. Số lượng các thuê bao tăng với tốc độ rất cao 30-40% năm, đến nay đã có hơn 100 triệu thuê bao điện thoại cố định và di động, hàng chục triệu thuê bao Internet. Tỷ lệ người sử dụng Internet ở Việt Nam đã vượt mức trung bình của khu vực và thế giới (Năm 2016 có 46,55% dân số Việt Nam truy cập Internet; năm 2018 có 64 triệu người ở Việt Nam sử dụng Internet).

Việt Nam cũng từng bước phát triển công nghệ vệ tinh. Đến đầu năm 2019, Việt Nam đã phóng một số vệ tinh, trong đó có vệ tinh nhằm mục đích cung cấp Internet cho vùng sâu, vùng xa.

Các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban ngành Trung ương, các địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hầu hết đều có mạng thông tin nội bộ, sử dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành, nhiều tổ chức có Website riêng. Xuất hiện ngày càng nhiều các báo điện tử, trang thông tin điện tử. Thương mại điện tử đang phát triển với tốc độ nhanh.

    (ii) Hạ tầng dữ liệu quốc gia ngày càng phát triển trong cả khu vực công và khu vực tư. Trên quy mô quốc gia, một số cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia đã hình thành và phát huy hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ trực tuyến như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm, cơ sở dữ liệu ngành thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội,…. Trong khu vực doanh nghiệp, cùng với đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ số là sự phát triển, hình thành các cơ sở dữ liệu lớn phục vụ khách hàng, kinh doanh.

(iii) Hệ thống xác thực điện tử cũng được đầu tư phát triển. Hiện nay cả nước đã có 12 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho người dân, doanh nghiệp  giúp thực hiện các giao dịch trên mạng thuận tiện, an toàn, đặc biệt, là giúp các doanh nghiệp sử dụng được các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức 3, 4) trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm… Đối với các cơ quan trong hệ thống chính trị gồm các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các tổ chức chính trị cũng đã được cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp.

(iv) Hệ thống hạ tầng điện, năng lượng phát triển nhanh, đa dạng với các cấp điện áp 500kV,220kV, 110kV, các cấp điện trung áp từ 35kV  tới 6kV, đã đảm bảo việc cung cấp điện, cải thiện chất lượng điện áp, giảm tổn thất, chống quá tải, đảm bảo ổn định vận hành của hệ thống. Nguồn cung điện đã được đa dạng hóa, ngoài nguồn thủy điện, nhiệt điện, nguồn năng lượng tái tạo cũng phát triển mạnh. Hiện nay, 2 mạng 500kV đã được vận hành, liên kết hệ thống điện Bắc – Trung – Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hợp lý các nguồn điện trong cả hệ thống, giảm khả năng thiếu điện cục bộ, nâng cao ổn định toàn hệ thống. Tính đến hết năm 2019, tổng công suất của hệ thống điện quốc gia đạt khoảng gần 54.880 MW tăng trên 2,6 lần so với năm 2010 (năm 2010, tổng công suất nguồn toàn hệ thống là 20.411 MW). Hệ thống lưới điện đã được đầu tư phát triển rộng khắp và có kết nối khu vực, đảm bảo cung cấp điện cho cả những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. [3]. Lưới truyền tải điện 220kV và 110kV đã phủ kín toàn quốc với độ an toàn cung cấp điện ngày càng được nâng lên. Đến cuối năm 2019, dung lượng trạm biến áp 500 kV tăng 2,84 lần, dung lượng trạm biến áp 220-110 kV tăng 2,82 lần…[4]

Những kết quả đạt được nêu trên là do các nguyên nhân chủ yếu như sau: Sự quan  tâm, tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Nhà nước; Thu hút được vốn đầu tư xã hội hóa từ khu vực tư nhân, từ các thành phần kinh tế trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số; Tác động của các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Nhà nước, trong đó đặc biệt quan trọng là các chính sách về phát triển hạ tầng băng thông  rộng, hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông, chính sách hỗ trợ giá bán điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo…; Quá trình cải cảch, giảm các thủ tục hành chính trong cấp phép viễn thông, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng mạng viễn thông; Quản lý chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ, sử dụng công nghệ quản lý, công nghệ thi công hiện đại của một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng …

1.2. Những hạn chế:

Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số ở Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu yêu cầu phát triển, nhất là để đáp ứng các yêu cầu mới của kinh tế số, cụ thể:

Một là, hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn nhiều điểm hạn chế: Tốc độ, chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển Internet vạn vật, thành phố thông minh, phương tiện tự động, sản xuất thông minh…; việc tiếp cận dịch vụ di động băng thông rộng khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế;  sự kết nối trên thực tế không tương thích với tốc độ kết nối trong môi trường ảo; hạ tầng vật lý chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng các phương thức quản lý thông minh, điều khiển tự động, từ xa; hệ thống mạng 5G mới đang ở giai đoạn thử nghiệm, chưa được thương mại hóa và phổ cập ở diện rộng.

Hai là, hệ thống hạ tầng, cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia tạo nền tảng phát triển kinh tế số còn phân tán, thiếu, chưa được chuẩn hóa đồng bộ, khai thác hạn chếViệc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm được triển khai. Việc kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu của cả khu vực công và tư còn nhiều bất cập. Kết nối, liên thông số và năng lực kết nối giữa các hạ tầng vẫn còn ở mức thấp và chưa thống nhất. Trang bị kỹ thuật cho thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu còn ít, chưa đồng bộ. An toàn, an ninh mạng chưa được đảm bảo.

Ba là, lượng dữ liệu được xây dựng trong cơ quan nhà nước còn hạn chế, dữ liệu còn tản mát và rời rạc. hệ thống dữ liệu trong cơ quan nhà nước hiện nay mới dừng ở mức độ 2 là phân mảnh. Dữ liệu tồn tại ở nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau và chưa được thống nhất quản lý.

Bốn là, hạ tầng thanh toán số chưa đồng bộ, chưa tận dụng được hạ tầng chung, mức độ phủ rộng chủ yếu tại các khu vực thành thị; hạ tầng thanh toán số trên di động đã được triển khai nhưng phạm vi chưa tương xứng với tiềm năng thị trường; các hình thức thanh toán điện tử còn hạn chế.

Năm là, hạ tầng điện lực còn có những điểm chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; sự cố nguồn, sự cố lưới, quá tải cục bộ xảy ra ở một số khu vực. Một số công trình điện 500-220 kV, công trình lưới điện chậm tiến độ. Nguồn dự phòng điện không ổn định.

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân chủ yếu như sau: (i) Chưa nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số, đặc biệt là hạ tầng dữ liệu, hạ tầng thanh toán số; dữ liệu chưa thực sự được coi trọng đúng mức trong quá trình xây dựng và khai thác; (ii) Một số cơ chế, chính sách về tài chính, đầu tư, giải phóng mặt bằng, đối tác công tư (PPP) chưa đồng bộ, thống nhất, phức tạp nên khiến nhiều nhà đầu tư còn e ngại; quy chế, quy định về chia sẻ dữ liệu chưa rõ ràng, thống nhất…; (iii) Công nghiệp phụ trợ, năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ và chế tạo thiết bị trong nước còn hạn chế, dựa nhiều vào nguồn nhập khẩu, giá và chi phí đầu tư cao; (iv) Cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực ngoài nhà nước tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng chưa thực sự phát huy tác dụng, hiệu quả, thủ tục vay vốn trong và ngoài nước ngày càng phức tạp…(v) Việc triển khai thực hiện một số dự án chậm tiến độ, kéo dài do thiếu vốn đầu tư, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng, do năng lực của chủ đầu tư, đơn vị xây dựng, thi công còn hạn chế…

2. Một số giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội là một trong 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới. Trong đó, Văn kiện xác định rõ hướng ưu tiên trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số: “Chú trọng phát triển  hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”[5]; “Phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng  bộ hạ tầng dữ liệu  quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số”[6]. Trên cơ sở quan điểm, định hướng nêu trên, nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:

Thứ nhất,  rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số, bảo đảm hiệu quả tổng hợp và tính hệ thống, nhất là mạng lưới điện, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu… Xây dựng danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, các cơ chế, chính sách chung và chính sách riêng đối với các dự án cụ thể (như các công trình hạ tầng điện, viễn thông, công nghệ thông tin, dữ liệu…). Trước mắt, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cần được ưu tiên bố trí cho việc phát triển, củng cố, nâng cấp, hiện đại hóa có trọng điểm kết cấu hạ tầng bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin. Thực hiện chuyển đổi hạ tầng viễn thông sang hạ tầng công nghệ thông tin. Xây dựng, hoàn thiện quy hoạch phát triển hạ tầng băng thông rộng quốc gia, hạ tầng điện toán đám mây, quản trị dữ liệu quốc gia, hạ tầng dịch vụ định danh và xác thực điện tử tin cậy.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản trong các thể chế,  pháp luật, chính sách để đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số.  Tăng tính công khai, minh bạch, ổn định, bình đẳng trong hệ thống pháp luật về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Hoàn thiện cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư đối với từng dự án phát triển kết cấu hạ tầng. Xây dựng thể chế cho việc hình thành, kết nối, chia sẻ và thương mại hóa các cơ sở dữ liệu quốc gia. Xây dựng cơ chế thu phí khai thác dữ liệu để củng cố và mở rộng dữ liệu của cơ quan nhà nước; hoàn thiện cơ chế phối hợp, hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp để xây dựng dữ liệu. Xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan về bảo mật dữ liệu người dùng, an ninh, an toàn thông tin nhằm tạo dựng môi trường giao dịch số an toàn, tin cậy. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và tháo gỡ các điểm nghẽn trong đối tác công tư (PPP) xây dựng kết cấu hạ tầng  như hoàn thiện tiêu chí lựa chọn dự án PPP, nhà đầu tư PPP, về tỷ lệ góp vốn công – tư phù hợp với điều kiện thực tế…Hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số.

Thứ ba, tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước để nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại cho phát triển kinh tế số. Trong huy động các nguồn lực cần có cơ chế, chính sách đặc thù để huy động và bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, sử dụng các nguồn khác như nguồn vốn ODA, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu quốc tế, trái phiếu công trình, nguồn lực từ xã hội hóa…. Trong đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số, đặc biệt chú trọng  việc huy đồng nguồn vốn đầu tư tư nhân bởi vì ưu điểm của hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông và năng lượng là có thể thu hồi vốn, tạo ra nguồn thu tức thì  từ việc bán điện và bán buôn băng thông. Điều này sẽ giúp thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vào lĩnh vực này. Ngoài ra, có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông…; có chính sách ưu đãi các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào hạ tầng năng lượng, đặc biệt là hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, vận hành hạ tầng năng lượng như phát triển mạng lưới điện thông minh với khả năng phát điện phân tán từ nhiều điểm phát điện. Tích cực đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học và công nghệ trong ngành công nghệ thông tin – truyền thông và năng lượng để tăng nội địa hóa, làm chủ công nghệ, thiết bị, giúp cắt giảm chi phí nhập khẩu, mua thiết bị từ bên ngoài. Ưu tiên nguồn vốn khoa học và công nghệ, nguồn vốn từ các chương trình quốc gia để phát triển công nghệ cao, phát triển sản phẩm, dịch vụ, giải pháp nội địa…phục vụ xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số./.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng

Hội đồng Lý luận Trung ương