Thành viên Hội đồng trường phải là cơ hữu và thật sự am hiểu về giáo dục đại học

Ngày 07/08/2021

Tiến sĩ Trương Tấn Đạt – Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Đồng Tháp

Có thể khẳng định, Nghị quyết số 19 và Luật số 34 là hành lang pháp lý quan trọng, đủ mạnh và khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, đã thể hiện quan điểm là rất quyết tâm và có định hướng bài bản, khoa học của Đảng và Chính phủ.

Nhất là đối với 9 nhóm thể hiện trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường trường đại học công lập được nêu trong Luật số 34 đã làm thay đổi bản chất của “mô hình hoạt động” của Hội đồng trường trong thời gian qua, thể hiện quan điểm tự chủ đại học và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn để thực hiện được tự chủ đại học thực chất.

Vai trò của Hội đồng trường theo tinh thần Luật số 34 được “xác lập” là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan, có thể nói, vai trò này rất lớn và rất nặng nề trong việc thực hiện tự chủ đại học.

Với vai trò này, chủ trương của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay đổi “cách tiếp cận” trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, đã chuyển phương thức quản lý “từ cơ chế quản lý tập quyền” sang “phân cấp, phân quyền, tự chủ và trách nhiệm giải trình” đối với các cơ sở giáo dục đại học; vai trò của Bộ chủ quản lúc này chỉ còn ban hành các khung pháp lý (các chuẩn và bộ chuẩn) cho từng lĩnh vực hoạt động chính bên trong cơ sở giáo dục đại học: nhân sự, tài chính, đào tạo, khoa học công nghệ…, cuối cùng là “hậu kiểm” qua công tác thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm giải trình của Hội đồng trường và của Hiệu trưởng theo pháp luật chuyên ngành.

Đồng thời, theo thầy Đạt, để thực hiện được vai trò của Hội đồng trường trong cơ sở giáo dục đại học một cách hiệu quả, thực chất, đòi hỏi từng thành viên bên trong Hội đồng trường phải là những cán bộ, viên chức cơ hữu và nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nhân… thật sự am hiểu về giáo dục đại học, có một quá trình công tác, gắn bó, đồng hành với cơ sở giáo dục đại học ở một thời gian nhất định.

Có như thế, việc tham gia trao đổi, bàn luận, hiến kế và cùng quyết định các vấn đề thuộc trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường mới thật sự hiệu quả và thực chất.

Chính phủ và Bộ chủ quản đã chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước một cách căn bản, toàn diện cho Hội đồng trường trong việc thực hiện vai trò quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan, đồng thời Chính phủ và Bộ chủ quản cũng giao nặng trách nhiệm giải trình của Hội đồng trường đối với vai trò và quyền hạn được phân cấp, quyết định. Qua đây có thể hiểu, Hội đồng trường cũng phải chịu trách nhiệm rất cao với từng nội dung, vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thực hiện hiện và quyết nghị.

Từ những phân tích đó, Tiến sĩ Trương Tấn Đạt cho rằng: “Nếu xem xét vị trí của Chủ tịch Hội đồng trường các trường đại học công lập không “cần thiết” là cán bộ, viên chức của trường đại học thì vai trò quản trị của Hội đồng trường sẽ khó mà thực chất, thực quyền và hoạt động hiệu quả theo tinh thần thực hiện tự chủ đại học mà được Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện”.

Theo đó, 3 lý do:

Một là, trên tinh thần Nghị quyết số 19 đã yêu cầu Bí thư Đảng ủy khiêm chủ tịch Hội đồng trường để thực hiện hiệu quả việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Hai là, đối với 9 nhóm thể hiện trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường trường đại học công lập được nêu trong Luật số 34 cho từng lĩnh vực hoạt động chính bên trong cơ sở giáo dục đại học: Chiến lược, kế hoạch pháp triển trường đại học; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính – tài sản, đào tạo và liên kết đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, chính sách tiền lương…, đây là những quyết định mang tính vĩ mô, định hướng lớn trong quản trị và điều hành mọi hoạt động của nhà trường gắn với yêu cầu của tự chủ đại học.

Ba là, Chủ tịch Hội đồng trường đòi hỏi phải có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học, nắm tổng thể về trường đại học qua thực tiễn công tác tại Trường mới đủ năng lực và đủ sức điều hành hoạt động của Hội đồng trường, điều hành thực hiện toàn diện được trách nhiệm và quyền hạn thuộc thẩm quyền của Hội đồng trường được quy định trong luật.

Và Chủ tịch Hội đồng trường phải là cán bộ, viên chức cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học mới thực hiện được quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan gắn với trách nhiệm giải trình theo pháp luật, đặc biệt là trách nhiệm trong định hướng, phát triển nhà trường gắn với các yêu cầu mong đợi của cán bộ, viên chức và người học của cơ sở giáo dục đại học đó.

Đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư Lê Thị Thu Thủy – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Ngoại thương cũng cho rằng, Chủ tịch Hội đồng trường là cán bộ cơ hữu như vậy mới hợp lý. Bởi theo vị này phân tích, trong cơ chế tự chủ hiện nay, Hội đồng trường định hướng và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của nhà trường, khi chủ tịch Hội đồng trường là cơ hữu thì sẽ sâu sát và hiểu rõ hơn các mặt hoạt động của nhà trường, việc đưa ra các quyết định của Hội đồng trường về phương hướng, chiến lược, kế hoạch sẽ thuận lợi, kịp thời và phù hợp hơn.

Ban TT&SV