“RÀ SOÁT THỂ CHẾ”, TỪ NGHỊ QUYẾT ĐẾN PHÁP LUẬT, TỪ LỜI NÓI ĐẾN VIỆC LÀM

Ngày 17/05/2021

Từ khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nền giáo dục đã qua 5 lần cải cách trong  khi cải cách ruộng đất chỉ làm một lần, đổi mới thể chế kinh tế cũng mới thực hiện một lần (bắt đầu từ năm 1986). Sau “Đổi mới kinh tế” là cải cách thủ tục hành chính bắt đầu vào những năm 90 thế kỷ trước. Gần đây bắt đầu xuất hiện các chỉ đạo về “Đổi mới thể chế chính trị”.

Giáo dục và Đào tạo là lĩnh vực liên quan đến mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, an ninh, quốc phòng,… cũng liên quan đến đời sống, tâm tư, tình cảm của gần 100 triệu người Việt bởi sản phẩm cuối cùng mà Giáo dục cung cấp cho đất nước là nhân lực và nhân tài.

Cả nước hiện có khoảng 1,2 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và 24 triệu học sinh, sinh viên, không một ngành nghề nào ở Việt Nam quản lý trực tiếp một số lượng người chiếm tới 1/4 dân số như ngành Giáo dục.

Không một ngành nghề nào ngoài Giáo dục được xác nhận là “Quốc sách hàng đầu” cả trong Hiến pháp, Nghị quyết của Đảng lẫn các văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị quyết 29-NQ/TW coi Giáo dục là lĩnh vực ưu tiên đặc biệt:

“Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”.

Không mấy khó khăn nếu tìm tiếp những “lời có cánh” nói về giáo dục, đặc biệt là nghề dạy học và đội ngũ nhà giáo các cấp.

Nhưng cuối cùng thì vì sao giới nghiên cứu, dân chúng và bản thân các nhà giáo lại cứ cảm thấy có gì đó chưa ổn trong hoạt động giáo dục, đào tạo mấy chục năm qua.

Trong vòng hơn 70 năm có tới năm lần cải cách giáo dục, bình quân 15 năm một lần, điều này là tốt hay không tốt?

Cũng trong thời gian đó, với đội ngũ giáo sư, tiến sĩ vào loại hùng hậu nhất Đông Nam Á, Việt Nam chưa tìm được triết lý giáo dục cho riêng mình, thế là tốt hay không tốt?

Vì sao trong khoảng thời gian của bốn nhiệm kỳ, ba vị nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Vũ Luận, Phùng Xuân Nhạ và đương kim Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đều lặp lại một vấn đề là mong muốn cải thiện “lương nhà giáo”?

Không chỉ bốn vị Bộ trưởng mong muốn, mà hàng triệu nhà giáo cũng mong muốn nhưng sau hàng chục năm nghiên cứu, sau bao nhiêu bàn bạc, thảo luận, cuối cùng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải lên tiếng trấn an dư luận: “Lương mới của nhà giáo không thấp hơn mức lương hiện hưởng”. (Giaoducthoidai.vn – 29/10/2020)

Chuyện không cải thiện được lương nhà giáo cho thấy vấn đề không còn nằm trong phạm vi trách nhiệm của Bộ trưởng, của ngành Giáo dục mà thuộc về Nhà nước, Thể chế.

Một tháng sau khi được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ (05/04/2021), ngày 06/05/2021 Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Văn phòng Chính phủ và Thủ tướng đã đưa ra một số chỉ đạo rất cụ thể:

“Tập trung rà soát toàn bộ thể chế, cơ chế chính sách, đề xuất điều chỉnh, nhất là cơ chế, chính sách liên quan tới trường lớp, giáo viên”;

“Học thật, thi thật, nhân tài thật”;

“Đánh giá tổng thể, toàn diện, thẳng thắn về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, nhất là trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT”;

“Ngành (Giáo dục – NV) chưa làm tốt công tác thông tin – truyền thông”; … [1]

Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính là rất tâm huyết, rất cụ thể, không né tránh cả những lĩnh vực vốn được cho là “nhạy cảm” như “Tập trung rà soát toàn bộ thể chế…”, bởi thế hiểu cho đúng, làm bằng được chỉ đạo của Thủ tướng không phải chuyện đơn giản.

Trong các phát biểu của Thủ tướng, điểm mới nhất – mà người viết cho là quan trọng nhất – là đề xuất “Tập trung rà soát toàn bộ thể chế, cơ chế chính sách, đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách liên quan tới trường lớp và nhà giáo”…

Từ trước đến nay, hình như chưa có ai vì sự phát triển của giáo dục mà đề cập đến chuyện “ra soát” cùng lúc ba thành tố “thể chế, cơ chế, chính sách”.

“Rà soát” là bước khởi đầu và đó không phải là nhiệm vụ của riêng ngành Giáo dục mà cần sự phối hợp của các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội khác.

Phát biểu tại Lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, ngày 13/09/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn:

“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”

Giáo dục là vì lợi ích trăm năm của đất nước, dân tộc, đó là quá trình lâu dài, liên tục không có điểm dừng nên dẫu quyết tâm chiến lược của Chính phủ cao đến mấy thì chuyện trong một hai năm “rà soát” xong toàn bộ thể chế, cơ chế, chính sách giáo dục đã vận hành hơn 70 năm là điều rất khó nếu không nói là không thể.

Phát biểu của Thủ tướng: “Tập trung rà soát toàn bộ thể chế, cơ chế, chính sách…” cho thấy phạm vi đầu tiên cần ra soát là “thể chế”.

Trước khi nói đến “Rà soát toàn bộ thể chế” cũng nên biết “Thể chế là gì”?

Có hàng chục định nghĩa, cách hiểu khác nhau về thể chế, chẳng hạn:

“Thể chế là khuôn khổ chính trị và pháp lý tạo ra những nguyên tắc và luật lệ cơ bản cho sự hoạt động của các cá nhân và tổ chức”;

“Thể chế là cái tạo thành khuôn khổ, trật tự cho các quan hệ của con người, định vị cơ chế thực thi và giới hạn của các quan hệ giữa các bên tham gia tương tác”;

Theo Douglass North (giải Nobel kinh tế 1993), thì Thể chế là những “Luật chơi trong xã hội”. Bên cạnh “thể chế chính thức” còn có “thể chế phi chính thức” tức là các tập tục, thói quen,…  (mà người Việt quen gọi là “lệ làng”).

Một số nước (thuộc nhóm các nước phát triển) coi thể chế được tạo nên bởi ba thành tố “Nền dân chủ; Tam quyền phân lập và Kinh tế thị trường”.

Với cách hiểu này, hai thành tố “Nền dân chủ và Tam quyền phân lập” được hiểu là Thể chế chính trị còn “Kinh tế thị trường” là Thể chế kinh tế.

Nhiều ý kiến diễn giải cụ thể hơn và dễ hiểu hơn: Thể chế được vận hành tại mỗi quốc hoặc vùng lãnh thổ bao gồm ba bộ phận hợp thành: “Phương thức điều hành đất nước; Hệ thống luật pháp; Bộ máy nhà nước”.

Người viết tán đồng cách diễn giải cuối cùng và sẽ dựa vào nó để đưa ra các phân tích.

Trong ba thành tố tạo nên thể chế, “Phương thức điều hành đất nước” (của lực lượng thống trị) giữ vai trò quyết định, chi phối cả Luật pháp và Bộ máy Nhà nước.

“Phương thức điều hành đất nước” còn được hiểu là “Tư tưởng chỉ đạo của giới cầm quyền”, là cách thức vận hành Nhà nước và các thiết chế quyền lực mà giới cầm quyền thu thập được thông qua các biện pháp dân sự hoặc quân sự.

Tại Việt Nam, giai đoạn đầu của công cuộc cải cách mở cửa bắt đầu từ năm 1986 liên quan mật thiết đến đổi mới (có ý kiến nói là “cải cách”) thể chế kinh tế.

Vài năm gần đây xuất hiện một số văn bản chỉ đạo, đề cập đến việc “Tiếp tục đổi mới đồng bộ thể chế chính trị và thể chế kinh tế”. [2]

Sự tách bạch “Thể chế” thành “Thể chế chính trị” và “Thể chế kinh tế” liệu có khiến cho hai loại “thể chế” này độc lập với nhau, vận hành không đồng bộ cùng nhau?

Và phải chăng vì thế cần phải “đổi mới đồng bộ thể chế chính trị và thể chế kinh tế”?

Tạp chí Tuyengiao.vn trong bài “Thành tựu đổi mới chính trị của Đảng và ý nghĩa đối với khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam” đăng ngày 29/09/2020 dẫn kết luận tại Đại hội lần thứ VI của Đảng:  “Đổi mới Đảng: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác của Đảng”.

Chỉ đạo “tư duy kinh tế” phải được đổi mới “trước hết” tạo nên những thành quả kinh tế đáng ngưỡng mộ thể hiện qua các con số về GDP, về kim ngạch xuất nhập khẩu,… trong khi văn hóa và giáo dục lại có chiều hướng ngược lại.

Tạp chí Tuyengiao.vn ngày 21/10/2019: “Có phải mọi sai lầm, sự xuống cấp đạo đức xã hội đều do “mặt trái của kinh tế thị trường”? Hay còn có những nguyên nhân khác bắt nguồn sâu xa từ nền tảng văn hóa đang bị lung lay, từ nhận thức chưa đúng, chưa tới tầm?”;

Báo Nhandan.com.vn ngày 30/10/2018: “Lo lắng về sự xuống cấp của đạo đức xã hội”;

Báo Kinhtedothi.vn ngày 16/07/2019: “Thất bại của ngành giáo dục”;

Chuyên trang của báo Công an nhân dân Congan.com.vn ngày 08/11/2018 viết:

“Đạo đức xuống cấp nghĩa là giáo dục thất bại”;…

Có thể thấy sau hơn 30 năm tập trung làm ăn kinh tế, đã đến thời điểm buộc phải đổi mới đồng bộ cả thể chế chính trị lẫn thể chế kinh tế.

Theo tinh thần đó, việc “Rà soát toàn bộ thể chế” mà Thủ tướng đề cập, diễn giải một cách cụ thể sẽ bao gồm việc rà soát cả ba thành tố tạo nên thể chế là “Phương thức điều hành”, “Luật pháp” và “Bộ máy nhà nước”.

Mặc dù cả hai loại “Thể chế” đều chi phối hoạt động giáo dục, đào tạo, trong khuôn khổ bài viết này, xin tập trung lý giải chuyện “rà soát” ba thành tố “Phương thức điều hành đất nước; Hệ thống luật pháp; Bộ máy nhà nước” của Thể chế chính trị.

Thứ nhất, rà soát thể chế lính vực “Phương thức điều hành”

Phương thức điều hành nền giáo dục được thể hiện qua các chủ trương, đường lối, chính sách giáo dục của Nhà nước (tức là lực lượng lãnh đạo Hệ thống chính trị), là các đạo luật đã ban hành và cấu trúc bộ máy điều hành giáo dục. Đó là sợi dây xuyên suốt lịch sử giáo dục từ khi lập quốc, đặc biệt là từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cho đến nay.

Người viết cho rằng sợi dây này được bện bằng ba sợi chỉ với ba màu đỏ, xám, xanh:

“Sợi chỉ đỏ” là khẳng định trong Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật: rằng “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”; “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất”; “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”;…

“Sợi chỉ xám” là cung cách đào tạo và chế độ đãi ngộ đội ngũ nhà giáo, thái độ tiêu cực của thế hệ trẻ với nghề dạy học (mà đến nay vẫn chưa có chuyển biến tích cực). Cùng với đó là bệnh thành tích, thói dối trá trong một bộ phận không nhỏ cả thày lẫn trò, cả nhà trường lẫn cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương và cao hơn.

“Sợi chỉ xanh” là truyền thống hiếu học của dân tộc và trí tuệ, sự thông minh được di truyền từ các thế hệ người Việt trải qua hàng nghìn năm lịch sử.

Trong ba sợi chỉ nêu trên, sợi chỉ xám là hữu hình, có thể định lượng và là sợi chỉ có độ bền kém nhất, dễ đứt nhất.

Một trong những biểu hiện của sự “dễ đứt” là quyết định bãi bỏ chế độ thâm niên đối với nhà giáo, bãi bỏ định hướng sắp xếp lương nhà giáo “cao nhất” trong hệ thống thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp (theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW).

Chừng nào nghề dạy học vẫn còn là “nghề cao quý” trên giấy thì chừng đó khó có đột phá về chất lượng giáo dục, đào tạo bởi nhà giáo không phải thánh nhân, nhà giáo cũng là người làm công ăn lương và một khi không thể sống bằng lương thì phải kiếm thêm bằng lao động (đôi khi không chính đáng) ngoài khuôn viên nhà trường.

Mặt khác, nếu đa số nhà giáo được tuyển chọn trong những người học lực trung bình ở phổ thông, những người bất đắc dĩ phải chọn ngành sư phạm vì không đủ năng lực vào học các trường top đầu (Y, Dược, Ngoại Thương, Bách Khoa,…) thì dù cố gắng đến mấy cũng khó xây dựng nên đội ngũ nhà giáo giỏi nghề, tâm huyết với nghề.

Người xưa bảo “Trung ngôn, nghịch nhĩ” nghĩa là lời nói thật, nói thẳng thường khó nghe, thường làm mếch lòng người có trách nhiệm phải lắng nghe, dẫu có thế thì vẫn phải nói thật, rằng thày không giỏi không thể đào tạo ra trò giỏi, khi cả thày và trò đều không giỏi thì dân trí khó có thể cao.

Sẽ là sai lầm nếu nói đến nhà giáo mà không nói đến học sinh, Thủ tướng đã nhận thấy rất rõ điều này nên đưa ra ý kiến phải “Học thật, thi thật”…

Bốn mươi năm trước, tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập ngành sư phạm (năm 1981), Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ đạo ngành giáo dục: “Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”.

Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt thày trước trò, đặt dạy trước học.

Từ ý kiến của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể thấy “nhân tài thật” chỉ xuất hiện khi có sự kết hợp chặt chẽ các yếu tố trường, lớp, thày, trò,…

Nói cách khác “Nhân tài thật” là sản phẩm của quá trình “Dạy thật, học thật, thi thật”.

Và như vậy phải chăng nhiệm vụ của ngành Giáo dục trong giai đoạn đổi mới toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW phải là “Dạy thật, học thật, thi thật”?

Thực ra, ngay cả khi điều này được thực hiện triệt để thì sản phẩm cuối cùng có phải “nhân tài thật” hay không vẫn chưa thể khẳng định bởi dù có “dạy thật” thì vẫn phải kiểm chứng thày cô đang dạy cái gì, dạy 100% theo sách giáo khoa hay dạy cả kiến thức cuộc sống,…

Người viết cho rằng thực hiện ý kiến của Thủ tướng “rà soát thể chế” về phương thức điều hành không có gì quan trọng hơn, cấp thiết hơn là:

1/ Thay đổi quan điểm toàn Hệ thống về vai trò trung tâm của nhà giáo, về đào tạo đội ngũ nhà giáo và chế độ đãi ngộ với thày cô giáo theo hướng “Tôn sư thật, trọng đạo thật”;

2/ Phân tích một cách khoa học quan điểm cho rằng giáo dục phải lấy học sinh làm trung tâm bởi khi nhà giáo không phải là “trung tâm” thì phải chăng họ giống như những hành tinh quay quanh “trung tâm” là mặt trời?

3/ Bãi bỏ ngay quy định nhà giáo có các chuẩn mực đạo đức khác nhau tùy thuộc hạng chức danh nghề nghiệp trong bốn Thông tư số 01, 02, 03, 04 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành.

4/ Rà soát trình độ chuyên môn về quản lý nhà nước, hiểu biết pháp luật và chất lượng công việc toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cả ba cấp huyện, tỉnh và trung ương (điều này sẽ đề cập rõ hơn ở phần sau).

5/ Tập trung lực lượng trí thức, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sư phạm, đặc biệt là các  “Nguyên khí quốc gia” xây dựng bằng được “Triết lý giáo dục của Việt Nam”.

6/ Phát động phong trào “Bốn thật”: Dạy thật, học thật, thi thật, kiểm định thật.

“Bốn thật” nêu trên liên quan đến (theo thứ tự) nhà giáo, người học (học sinh, sinh viên), nhà trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thuật ngữ “Kiểm định” theo nghĩa hẹp là kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (đại học), tuy nhiên có thể mở rộng theo nghĩa bao hàm cả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán,…

Việc phải thêm “Kiểm định thật” xuất phát từ hai lý do:

Một là vụ gian lận thi cử năm 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La nếu không bị phát hiện thì khâu thanh tra, kiểm tra, quản lý thi cử của địa phương và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được xem là hoàn hảo.

Dù bị dư luận phanh phui, dù nhiều phiên tòa đã mở tại ba tỉnh nêu trên thì cho đến nay, những người liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thi tại Bộ Giáo dục và Đào tạo hình như vẫn đang “ngoài vùng trách nhiệm”, nói đúng hơn là sau vụ đề nghị kỷ luật một số cán bộ bị hủy bỏ, cho đến nay chưa thấy công bố hình thức xử lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo  trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hai là tính đến ngày 30/09/2020, theo công bố đã có 230 cơ sở giáo dục đại học, 38 trường cao đẳng sư phạm được 05 tổ chức Kiểm định chất lượng giáo dục công nhận đạt chuẩn.

Số liệu thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy cả nước có 237 cơ sở giáo dục đại học và 49 trường cao đẳng sư phạm hoặc cao đẳng có khoa sư phạm. Điều này có nghĩa là gần hết các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm đã “ngon lành” vượt qua các đợt gọi là “Kiểm định”.

Kết quả kiểm định có thể làm yên lòng cơ quan quản lý nhà nước về Giáo dục và Đào tạo (Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các Ủy ban tỉnh, các ban, ngành,…) nhưng không hề làm yên lòng dân chúng, giới chuyên môn và truyền thông.

Về điều này, chỉ cần lướt qua ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng là thấy rõ:

Báo Tuổi Trẻ: “Để được công nhận đạt chuẩn kiểm định đại học, có trường ‘chơi chiêu’: mua chuộc kiểm định viên để được tư vấn cách lách quy định (đối với kiểm định trong nước), ‘diễn tuồng’ để qua mắt, lừa dối đoàn kiểm định (đối với kiểm định quốc tế)”. [3]

Báo Nhân Dân: “Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định các hoạt động liên quan kiểm định chất lượng giáo dục trong các trường đại học đã được hơn ba năm, nhưng hoạt động này vẫn đang bị “thả lỏng” ”. [4]

Thứ hai, rà soát thể chế lĩnh vực “Luật pháp”

Rà soát thể chế về luật pháp không chỉ bó hẹp trong ba đạo luật liên quan đến giáo dục là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp mà còn phải rà soát nhiều đạo luật khác như Luật Lao động, Luật Viên chức, Luật Ngân sách, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công,,… cùng vô số văn bản quy phạm pháp luật được các bộ, ngành, địa phương ban hành.

Nhìn vào số lượng các đạo luật liên quan đến giáo dục không thể không nêu câu hỏi: “Có hay không tư tưởng chỉ đạo phân mảnh giáo dục”?

Thực tế cho thấy sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành (năm 2014), ngày 10/11/2016 toàn bộ hoạt động giáo dục nghề nghiệp được chuyển giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.

Đến năm 2019, khi Luật Giáo dục sửa đổi được công bố (có hiệu lực vào tháng 7/2020) thì luật pháp đã chính thức quy định Việt Nam có nhiều cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.

Theo quy định tại điều 105 Luật Giáo dục thì việc quản lý nhà nước về giáo dục được phân chia cho các cơ quan sau:

1/ Bộ Giáo dục và Đào tạo;

2/ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

3/ Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và

4/ Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục.

Một ngành Giáo dục bị cắt khúc, mỗi phần giao cho một đơn vị quản lý thì liệu có thể cùng chạy về một đích với tốc độ như nhau? Liệu có thể không tạo nên sự khập khiễng khi bên chậm, bên nhanh?

Luật Giáo dục 2019 có 115 điều; Luật Giáo dục đại học 2012 có 75 điều, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 có 79 điều, tổng cộng cả ba đạo luật này có 269 điều.

Được biết Luật Đất đai 2012 có 212 điều, Luật Lao động có 242 điều, Luật Hình sự có 426 điều, Luật Tố tụng hình sự có 506 điều, Luật Dân sự có 689 điều,…

Vậy vì sao phải “cắt khúc pháp luật”, phải cần đến ba đạo luật chỉ với 269 điều để quản lý hoạt động Giáo dục và Đào tạo?

Muốn thực hiện ý tưởng “Một công việc chỉ do một cơ quan quản lý” việc đầu tiên là quyết tâm hợp nhất ba đạo luật chi phối giáo dục làm một. Ghép cả ba đạo luật này thành một có rất nhiều lợi ích ngoại trừ sự e ngại giáo dục sẽ … “thu về một mối”.

“Ra soát thể chế về luật pháp”, liên quan đến việc luật hóa các quy định trong Nghị quyết 27-NQ/TW.

Nghị quyết 27-NQ/TW ra đời cho thấy đã xuất hiện quan điểm mới về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và  người lao động, theo đó nhà giáo là một bộ phận viên chức làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở dịch vụ công (trường học) như mọi ngành nghề trong xã hội nên không phải ưu tiên so với các nhóm viên chức khác (Y tế, Văn hóa, Thể thao,…). Từ quan điểm này, định hướng “nhà giáo được xếp lương cao nhất trong thang bảng lương hành chính”  trước đó đã bị bãi bỏ.

Chỉ trong một ngày (02/02/2021) Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bốn thông tư 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông.

Trong bảy loại phụ cấp dành cho cán bộ, công chức, viên chức được Chính phủ công bố, phần lớn nhà giáo được hưởng “Phụ cấp theo nghề”, một số được hưởng Phụ cấp khu vực và/hoặc Phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

Sau khi các loại chức danh nghề nghiệp, thang bảng lương, các loại phụ cấp, quy trình nâng ngạch và thăng hạng chức danh nghề nghiệp,… được chính thức công bố, dễ dàng nhận thấy lực lượng lao động trong ngành Giáo dục đã được đối xử “bình đẳng” với viên chức và người lao động các ngành nghề khác.

Định hướng chiến lược trong hai Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết 27-NQ/TW đã được luật hóa bởi các đạo luật, Nghị định, Quyết định, Thông tư,… đã có hiệu lực thi hành nên nhà giáo nói riêng và dư luận xã hội nói chung buộc phải tuân thủ, phải xem đó là “trạng thái bình thường mới” trong chính sách cán bộ nói riêng và chính sách con người nói chung!

Có điều, khi Hệ thống, bao gồm những người hoạch định chính sách và những người bị chính sách chi phối (công chức, viên chức – nhà giáo, cán bộ quản lý, truyền thông, dân chúng,…) phải chấp nhận “trạng thái bình thường mới” nêu trên – tức là sự “bình đẳng” giữa người lao động thuộc các ngành nghề khác nhau – thì cũng phải chấp nhận một thực tế ngoài mong muốn, rằng những gì hiện hữu ngoài xã hội (cả tích cực và tiêu cực) thì cũng không xa lạ với nhà trường và nhà giáo?

Đến đây xuất hiện một nghịch lý.

Nhà giáo được đối xử bình thường như nhân viên các cơ quan dân sự, như những người làm công ăn lương khác, vậy thì những đòi hỏi khắt khe của phụ huynh, những xăm soi của báo chí, những phát ngôn quá đà được tung lên mạng xã hội trước sai phạm của một số giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở giáo dục có phải là không bình thường?

Thêm nữa, khi Nhà nước vận hành theo “trạng thái bình thường mới” đối với giáo dục thì vì sao không thực hiện một chính sách chung cho toàn bộ hệ thống chính trị, theo đó chỉ có một hệ thống thang bảng lương cho toàn bộ viên chức, công chức trong các cơ quan công quyền, dân sự, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang.

Nói cách khác, sao không ban hành một đạo luật mang tên “Luật về lương” mà chỉ là một chương trong Luật Lao động và được cụ thể hóa bằng các Nghị định của Chính phủ?

Thực tế cho thấy Hệ thống đang vận hành không theo “trạng thái bình thường mới”.

Thực tế là Hệ thống đang vận hành kiểu “bên trọng, bên khinh”, đang chấp nhận tình trạng lương bậc 1 của quân nhân chuyên nghiệp trình độ sơ cấp gần bằng lương bậc 4 của nhà giáo trình độ đại học.

Nhà giáo là đối tượng duy nhất bị cắt thâm niên trong 4 đối tượng: nhà giáo, công an, quân đội, cơ yếu!

Nếu có “Luật về lương”, trong luật này nên có những điều khoản quy định chính sách đãi ngộ đặc biệt với bộ đội, công an và lực lượng cơ yếu, chẳng hạn:

– Quy định những loại phụ cấp đặc biệt đối với lực lượng vũ trang, phụ cấp này có thể lên đến 100% tùy thuộc điều kiện làm việc thời bình hoặc thời chiến.

– Bãi bỏ chế độ thâm niên, tất cả tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ đều hưởng thang bảng lương chung của toàn hệ thống.

– Lương hưu cho các tất cả các đối tượng trong hệ thống tính theo lương như viên chức, công chức. Điều này giúp tránh tình trạng không bình thường mà người viết biết chắc chắn, chẳng hạn một quân nhân chuyên nghiệp làm thủ kho, hưởng lương hưu (hàm thiếu tá) ngang bằng lương hưu của tiến sĩ – giảng viên chính dạy trong trường đại học gần 40 năm.

Nếu chỉ tồn tại một đạo luật quản lý hoạt động giáo dục thì sự phân mảnh giáo dục theo kiểu “Hoa thơm mỗi bộ, ngành, địa phương hưởng một tí” hiện nay buộc phải chấm dứt.

Việc cần làm sau đó là:

1/ Gộp cả ba đạo luật (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp) thành một bộ luật lấy tên là “Luật Giáo dục và Đào tạo”.

2/ Trả  khối giáo dục nghề nghiệp (hiện do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý) về cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý;

3/ Điều chỉnh các Luật Giáo dục, Luật Viên chức, Luật Công chức, Luật Lao động, Luật Ngân sách,… theo hướng nhân sự giáo dục sẽ do ngành Giáo dục và Đào tạo quản lý từ trung ương xuống địa phương giống như công an, quân đội.

4/ Ban hành một số văn bản dười luật quy định cụ thể về “Tự chủ đại học”, bãi bỏ hình thức “chủ quản” của các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp với các cơ sở giáo dục đại học (cả đại học và cao đẳng).

5/ Sửa Luật Giáo dục theo hướng phân cấp quản lý hoạt động thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý đề thi. Kết quả kỳ thi này chỉ là yếu tố tham khảo chứ không phải chuẩn đầu vào cho các cơ sở giáo dục đại học. Các cơ sở giáo dục đại học tự chọn hình thức thi, phỏng vấn, xét tuyển,… để tuyển sinh viên theo các quy định về chỉ tiêu do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Thứ ba, rà soát thể chế lĩnh vực “bộ máy nhà nước”

Các bộ luật về giáo dục đều có điều quy định về tổ chức Đảng trong cơ sở giáo dục (Luật Giáo dục: Điều 58; Luật Giáo dục đại học: Điều 13; Luật giáo dục nghề nghiệp: Điều 17).

Cúng với sự lãnh đạo của Đảng, thực tế cho thấy có hàng chục cơ quan trực tiếp hoặc gián tiếp  điều phối hoạt động Giáo dục và Đào tạo, cụ thể:

1/ Bộ Giáo dục và Đào tạo;  Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;  Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư;…

2/ Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo;

3/ Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.

4/ Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;

Ngoài ra còn một số đơn vị khác có sự liên hệ mật thiết đến giáo dục như  Ban Tuyên giáo Trung ương; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Công đoàn giáo dục Việt Nam;…

Bộ máy Nhà nước quản lý giáo dục quả thật quá cồng kềnh, quá nhiều cơ quan có quyền tác động đến hoạt động giáo dục đào tạo từ chủ trương, chính sách đến ngân sách, nhân sự,….

Bộ máy như thế chắc chắn có sự hợp đồng ăn ý hay sớm muộn cũng sẽ xuất hiện tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược?

Có hay không tình trạng mỗi bộ, ngành, địa phương sẽ lồng ghép lợi ích của đơn vị mình vào các chủ trương, chính sách, thậm chí tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của đối tượng “thụ hưởng” là nhà giáo, cán bộ quản lý và học sinh, sinh viên?

Ví dụ dễ nhận thấy khi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phát động phong trào “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích” (hai không) vào năm 2006.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông cả nước khi đó là 93,78%; (Nam Định:  99,87%; Bắc Ninh: 99,41%; Hà Tây: 99,32%; Hà Nội: 98,54%; Thành phố Hồ Chí Minh: 96,04%; Bình Định: 95,4%; Sóc Trăng: 73,87%;… ).

Phải đến năm 2007, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc văn hóa trung học phổ thông mới chính thức thực hiện cuộc vận động “Hai không” và kết quả là tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc chỉ còn 66,72% nghĩa là giảm gần 30%, có 11 tỉnh tỷ lệ tốt nghiệp dưới 50%.

Có thể đây là cú sốc với không ít người/cơ quan song dư luận xã hội đón nhận với sự bình tĩnh, tin tưởng.

Tuy nhiên, một năm sau, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông toàn quốc (năm 2008) là 75,96%,  năm 2009 đạt 83,8%, đến năm 2010, khi ông Nguyễn Thiện Nhân thôi chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tỷ lệ này là  92,57%,…

Những năm gần đây tỷ lệ này được không có biến động đáng kể so với thời kỳ 2006-2008, cụ thể: năm 2015 là 91,58%; năm 2016 là 92,93%; năm 2017 là 97,42%; năm 2018 là 97,57%, năm 2019: 94,06%; năm 2020 là 98,34%.

Nhìn vào diễn biến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2007 đến nay, có ý kiến cho rằng chủ trương “Nói không với tiêu cực trong thi cử” và “Nói không với việc chạy theo thành tích” giống câu chuyện Đông Ki Sốt chống lại cối xay gió của văn hào Xecvanted (Miguel de Cervantes Saavedra).

Sự tăng giảm bất thường của các con số cho thấy tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông không phản ánh chính xác chất lượng dạy và học. Bản thân ngành Giáo dục không thể duy trì liên tục chủ trương “hai không” dưới áp lực (vô hình hoặc hữu hình) của các đối tác khác.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Minh Hạc từng cho biết chỉ một đợt kiểm tra trong một năm đã phát hiện khoàng 10.000 trường hợp dùng bằng giả.

Có khá nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ ban hành một văn bản quy phạm pháp luật riêng nhằm xử lý tình trạng sản xuất, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả mạo, xử lý hình sự cán bộ, công chức, viên chức dùng văn bằng chứng chỉ giả phục vụ mục đích cá nhân, tuy nhiên cho đến nay đây vẫn chỉ là kiến nghị.

Những quy định tại điều 341 Bộ Luật Hình sự:  “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” liệu đã đủ sức răn đe bọn tội phạm?

Có thể kiểm chứng nhận định này qua các vụ “Lò ấp tiến sĩ, thạc sĩ” tại Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Vụ gian lận điểm thi năm 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La; Vụ mua bán văn bằng, chứng chỉ tại Đại học Đông Đô;…

Rất nhiều cơ quan nhà nước tham gia quản lý Giáo dục và Đào tạo nhưng vì sao vẫn còn rất không ít khoảng trống để bọ tội phạm hoạt động?

Khi nói “rà soát bộ máy nhà nước” liên quan đến giáo dục ngoài việc xem xét sơ đồ tổ chức còn cần tìm hiểu hoạt động của từng bộ phận.

Một trong những hoạt động khiến đại biểu Quốc hội phải lên tiếng chất vấn là phân bổ ngân sách nhà nước mà Chính phủ dành cho giáo dục và đào tạo. Xin nêu mấy vấn đề:

Một là vì sao ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đào tạo không đạt 20% như quy định trong Nghị quyết 29-NQ/TW của  Đảng và Luật Giáo dục 2019?

Chính xác thì từ khi đổi mới (1986) đến nay , ngân sách chi thường xuyên của Nhà nước dành cho giáo dục đào tạo mỗi năm là bao nhiêu phần trăm? Đặc biệt là từ khi Nghị quyết 29-NQ/TW được ban hành, tỷ lệ này là thế nào?

Về điều này, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ đã chỉ rõ trong phát biểu tại Hội trường Quốc hội  ngày 13/06/2020:

“Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ trọng chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề trên tổng chi ngân sách năm 2018 là 14,2%, năm 2019 giảm xuống còn 14,03%”. [5]

Đất nước có khó khăn, nợ công đến hạn phải trả còn rất nhiều nên Chính phủ phải tiết kiệm, điều này dân chúng rất thông cảm. Tuy nhiên để xây dựng một Chính phủ kiến tạo, minh bạch thì không gì hơn là ghi nhớ lời dạy của Hồ Chủ tịch, rằng người cán bộ và cơ quan công quyền không được làm việc theo kiểu: “Nói mà không làm, làm không đến nơi đến chốn, nói một đằng làm một nẻo, đánh trống bỏ dùi,…”.

Quốc hội là nơi phê duyệt ngân sách, là cơ quan quyền lực cao nhất có quyền giám sát hoạt động của Chính phủ, vậy trước ý kiến của người đại diện cho cử tri, Quốc hội có nên yêu cầu Chính phủ giải trình?

Khi Chính phủ đã chính thức công bố tỷ lệ chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề trong hai năm 2018-2019 chỉ khoảng 14% thì vì sao không ít người, không ít tài liệu vẫn cứ khư khư rằng con số là là 20% tương đương 5% GDP?

Hai là vì sao hầu hết nhân sự giáo dục (nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục) lại do Bộ Nội vụ và chính quyền địa phương quản lý?

Cùng là cơ quan nhà nước, cùng là bộ thuộc Chính phủ vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo bị tước bỏ gần hết quyền quản lý con người và ngân sách giáo dục?

Ba là nguyên tắc phân chia ngân sách nhà nước cho con em người lao động.

Học sinh, sinh viên theo học trường tư (ngoài công lập) phải đóng góp rất nhiều khoản và các khoản đóng góp này cao hơn nhiều so với người học trường công lập.

Kinh phí dành cho giáo dục lấy từ ngân sách nhà nước và đó là tiền thuế do người dân, doanh nghiệp đóng góp.

Vậy thì vì sao nhà nước chỉ đầu tư cho những người học trường công, đặc biệt là trường chuyên, lớp chọn còn người học trường tư không được hưởng chút nào?

Bốn  là có hay không sự yếu kém trong khoa học dự báo nguồn nhân lực giáo dục của các cơ quan nhà nước liên quan, chẳng hạn Bộ Giáo dục Đào tạo và Tổng cục Thống kê?

Năm 2021 toàn ngành giáo dục thiếu 95.000 giáo viên.

Sử dụng kết quả Tổng điều tra dân số, tỷ lệ tăng dân số từng vùng, miền có thể dự báo khá chính xác biến động đầu vào các bậc học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông;

Với một cơ sở dữ liệu nhân sự nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, (thậm chí chỉ cần một tệp trang tinh (book) trong bảng tính điện tử Excel cũng thừa sức lưu trữ 1,2 triệu hồ sơ nhân sự) hoàn toàn có thể thống kê số lượng giáo viên đến tuổi nghỉ hưu, số giáo sinh ra trường hàng năm từ đó quyết định việc tuyển sinh đào tạo nhà giáo.

Năm là chất lượng nhân sự trong cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Tạp chí Giaoduc.net.vn mới đây đăng bài: “Thủ tướng: Tăng cường siết chặt kỷ cương trong quản trị cơ quan Bộ Giáo dục”. [6]

Tít bài cho thấy ngay tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang tồn tại những vấn đề về kỷ cương và quản trị.

Kỷ cương không tốt là tiền đề cho tham nhũng, quản trị không tốt là nguyên nhân dẫn đến lãng phí, tham ô và Thủ tướng đã nhận thấy, đã nhắc nhở, vấn đề còn lại là lãnh đạo và toàn thể nhân sự cơ quan bộ sẽ làm gì?

Kết luận:

Phần tiếp theo “Rà soát thể chế kinh tế liên quan đến Giáo dục và Đào tạo” vì phạm vi rất rộng nên sẽ được gửi tới bạn đọc sau.

Những vấn đề được quan tâm sẽ bao gồm: Những nguyên tắc của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa áp dụng vào giáo dục như thế nào; Có hay không quá trình thương mại hóa giáo dục, nếu có thì mang lại ưu điểm và hệ lụy gì; Giáo dục thời kỳ qua thực sự  mang lại lợi ích gì cho sự phát triển đất nước,….

Chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính “Tập trung rà soát toàn bộ thể chế, cơ chế chính sách, đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách liên quan tới trường lớp và nhà giáo” dù chỉ giới hạn “liên quan tới trường lớp và nhà giáo” nhưng thực ra cũng liên quan đến hai lĩnh vực quan trọng mà bất kỳ Thể chế chính trị nào cũng phải quan tâm, đó là chính sách và con người.

Nếu chính sách ở trên trời và con người ở dưới đất thì việc con người phải bay lên trời để hưởng chính sách là phản khoa học.

Vậy nên chính sách, cũng tức là ý chí của lực lượng lãnh đạo hoặc là phải hạ xuống đồng hành cũng với con người, hoặc sẽ không bao giờ thành hiện thực./.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7324

[2] http://tapchiqptd.vn/vi/nghien-cuu-thuc-hien-nghi-quyet/tiep-tuc-doi-moi-dong-bo-the-che-chinh-tri-va-the-che-kinh-te/8904.html

[3] https://tuoitre.vn/kiem-dinh-dai-hoc-con-dien-tuong-dat-chuan-den-bao-gio-20191001201132676.htm

[4] https://nhandan.com.vn/doi-song-xa-hoi/siet-kiem-dinh-chat-luong-dai-hoc-645206/

5] http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?ItemID=47293

[6] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/thu-tuong-tang-cuong-siet-chat-ky-cuong-trong-quan-tri-co-quan-bo-giao-duc-post217781.gd

Ts. Dương Xuân Thành

Ban Nghiên cứu và Phân tích chính sách

Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam