Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục Đại học trong bối cảnh mới

Ngày 10/10/2022

Ngày 7/10/2022 tại thành phố Huế, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam phối hợp với Đại học Huế tổ chức hội thảo khoa học quốc gia, chủ đề:

“Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới”.  

Lý do tổ chức hội thảo:

Quan điểm chỉ đạo rất quan trọng của Đảng ta, tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI là “phải đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục đào tạo để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế nhằm phát triển đất nước”.

Tuy nhiên, từ đó đến nay đã gần 10 năm, nhưng giáo dục đại học của Việt Nam vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, có mặt còn trì trệ, nguyên nhân có nhiểu, trong đó có ý kiến cho rằng còn nhiểu rào cản, tư duy lạc hậu… Do vậy việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học đang là mối quan tâm thường xuyên của từng trường và của cả hệ thống giáo dục đại học.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tường Vi – TTXVN

Xuất phát từ tình hình trên, đồng thời hưởng ứng Hội nghị thế giới lần thứ 3 về giáo dục đại học do UNESCO tổ chức tại Barcelona (5/2022), Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã đưa vào chương trình công tác năm 2022 nhiệm vụ tổ chức cuộc hội thảo khoa học mang tầm quốc gia về vấn đề này. Tham gia hội thảo có gần 300 đại biểu, đến từ các trường đại học, cao đẳng, các Viện nghiên cứu và đơn vị trực thuộc Hiệp hội. PGS.TS Hoàng Minh Sơn -Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cùng cán bộ Vụ Giáo dục Đại học Bộ GD&ĐT, Lãnh đạo Vụ Đào tạo và Dạy nghề Ban Truyên Giáo Trung ương đã tham dự hội thảo.

Để Hội thảo có kết quả, tại Thông báo về hội thảo, Thường trực Hiệp hội đã nêu một số gợi ý viết bài tham luận và trao đổi tại hội thảo:

– Thứ nhất, nhận dạng các rào cản trong phát huy quyền tự chủ đại học để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Những rào cản trong việc phát huy quyền tự chủ đại học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học hiện nay là gì?. Tự chủ là yêu cầu cần thiết đối với các cơ sở giáo dục đại học, song để thực hiện được tự chủ, các trường đại học cần có các điều kiện khác trước cho phù hợp với bối cảnh mới sau đại dịch Covid 19. Mô hình về quyền tự chủ hay một cái nhìn mang tính hệ thống và quy chuẩn về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta chưa có. Điều này dẫn đến việc hiểu về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta có thể chưa toàn diện thậm chí nhỏ lẻ. Tự chủ cũng chính là chìa khóa giúp đổi mới quản trị đại học, đổi mới phương thức quản lý của Nhà nước đối với giáo dục đại học. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, phải chăng quyền tự chủ đại học hạn chế, sự tiếp tục can thiệp của các cơ quan quản lý, cơ chế kiểm định chất lượng cứng nhắc khiến các cơ sở giáo dục đại học thiên về tuân thủ hơn là đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng. Tự chủ đại học dù đã trở thành chủ trương lớn nhưng việc phân định giữa quản lý nhà nước với hoạt động quản trị trong các trường đại học còn chưa rõ ràng. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ, đổi mới quản trị giáo dục đại học cần gắn với cơ chế quản lý và giám sát hiệu quả. Có ý kiến cho rằng vấn đề không phải là ở chỗ đề xuất các giải pháp để khắc phục các rào cản trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Mà là đề xuất các giải pháp để tháo gỡ các nút thắt trong việc triển khai thực hiện các giải pháp về nâng cao chất lượng. Tự chủ đại học và học phí: Nghị quyết 77/NQ-CP (ngày 24.10.2013) đã mở ra một trang mới cho giáo dục đại học khi bắt đầu cho phép một số trường được thực hiện thí điểm tự chủ. Hiện nay (Báo Thanh niên –Số 256 (9743) ngày 13.9.2022) có ý kiến cho rằng điều kiện đặt ra trong nghị quyết đã khiến cho “con tàu tự chủ” đi lạc hướng: Tự chủ đồng nghĩa với học phí tăng, học phí cao là động lực để các trường tiến đến tự chủ. Cần nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Thứ hai, Định hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Tại sao giáo dục đại học Việt Nam chưa đạt chuẩn khu vực và quốc tế? Phải chăng chúng ta chưa liên thông được giữa đại học trong nước và quốc tế, còn có sự khác biệt về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học. Điều này dẫn đến các bên ít thừa nhận và tiếp nhận các kết quả đào tạo của nhau. Việc quốc tế hoá các chương trình đào tạo, đa dạng hóa các chương trình hợp tác quốc tế và các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển, khai thác hiệu quả các tiềm năng chất xám của đội ngũ các nhà khoa học, từng bước hội nhập với giáo dục đại học khu vực và thế giới cần có những bước đi thích hợp. Việc xây dựng môi trường, cơ chế, chính sách hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo cần phù hợp với với xu thế giáo dục hiện nay và điều kiện thực tiễn của nhà trường. Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục trên toàn thế giới sẽ rất gay go, đặc biệt về mặt chất lượng giáo dục, nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ và khả năng kết nối với công nghiệp và dịch vụ xã hội. Trong một xã hội công nghệ và phát triển, cần một nền giáo dục đại học có chất lượng thực sự, mang tinh thần khai phóng và mang bản sắc dân tộc.

Thứ ba Nâng cao năng lực của các hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục đại học và bên trong các tổ chức kiểm định chất lượng. Chính sách, hệ thống văn bản quản lý liên quan đến công tác đảm bảo chất lượng, hệ thống thông tin đảm bảo chất lượng bên trong, tự đánh giá và đánh giá ngoài cần có sự đối sánh với các Bộ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế và phù hợp với thực trạng hệ thống đảm bảo chất lượng trong trường đại học. Việc thiết lập các nguyên tắc bảo đảm chất lượng bên trong đối với cơ sở giáo dục đại học   cần phù hợp với đặc thù và bối cảnh của giáo dục đại học Việt Nam để hỗ trợ cho sự phát triển hoạt động bảo đảm chất lượng ở mỗi nhà trường, đồng thời làm nền tảng cho việc xây dựng một bộ tiêu chuẩn giúp tự đánh giá hoặc đánh giá ngoài hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của mỗi cơ sở giáo dục. Các giải pháp nâng cao năng lực cần đáp ứng yêu cầu và điều kiện đảm bảo chất lượng để thực thi tự chủ đại học. Phải chăng cần có cơ chế gắn kết bảo đảm và kiểm định chất lượng với tự chủ đại học để công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng không dẫn đến việc hạn chế tự chủ đại học. Việc nâng cao năng lực của các hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục đại học bằng việc đánh giá nghiên cứu và các nhà nghiên cứu theo Khoa học Mở cần được hiểu như thế nào? Vấn đề thời sự hiện nay đang được đặt ra trong hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở nước ta là làm thế nào bảo đảm rằng các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục có chất lượng trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, có ý kiến cho rằng hiện tồn tại một vấn đề là thiếu sự thống nhất giữa các trung tâm kiểm định chất lượng về các vấn đề lớn như cơ chế tài chính, cơ cấu tổ chức, hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của trung tâm v.v… Điều đó dẫn đến mối lo là cùng một cơ sở giáo dục đại học khi kiểm định chất lượng, có thể không được công nhận ở trung tâm này, nhưng lại được công nhận ở trung tâm khác.

Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Tường Vi – TTXVN

Thứ tư Triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học. Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho giáo dục đại học là những chuẩn mực tối thiểu, là bộ tiêu chí với khối lượng, chuẩn đầu ra, yêu cầu kiến thức, kĩ năng, thái độ,… tiệm cận theo chuẩn của các nước trong khu vực và thế giới; phù hợp yêu cầu từng lĩnh vực ngành nghề đó, nhằm quản lý chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm như thế nào để xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp, đồng thời không ngừng tự đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục. Mối quan hệ giữa bảo đảm và kiểm định chất lượng với Khung trình độ quốc gia cần được thiết lập để tạo cơ sở công nhận giá trị của các văn bằng, chứng chỉ khi chuyển từ giáo dục đại học truyền thống sang giáo dục đại học suốt đời. Khi chúng ta thiết lập “Thành quả học tập” cho người tốt nghiệp đại học có Tri thức (theo Khung trình độ quốc gia gồm kiến thức, kỹ năng, tự chủ và trách nhiệm) với nội hàm này được gọi là “Chuẩn đầu ra” thì việc xây dựng “Chiến lược dựa trên Chuẩn đầu ra của Giáo dục đại học thời 4.0” nên triển khai như thế nào để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đại học. Phải chăng tính thống nhất và liên thông của hệ thống giáo dục đại học bị phá vỡ khi trình độ cao đẳng bị tách khỏi giáo dục đại học?

– Thứ năm, sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp là điều cần thiết trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, những thực trạng hiện tại đang trở thành rào cản cho sự hợp tác này là gì?. Cần phân tích thực trạng phát triển đào tạo tại doanh nghiệp và gắn kết với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nhằm đưa ra một số giải pháp cho các nhà hoạch định chính sách, các trường đại học, doanh nghiệp trong hợp tác, kết nối giữa các trường đại học và doanh nghiệp để thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là xu hướng phổ biến trong giáo dục ngày nay, là sự tương tác giữa cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp để mang lại lợi ích cho hai bên ở nhiều lĩnh vực như: rà soát và phát triển chương trình đào tạo; gắn kết trong quá trình đào tạo; hợp tác trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; phát triển năng lực quản trị. Cần chú ý thực trạng liên kết đào tạo giữa trường đại học với doanh nghiệp trên các phương diện: Hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo; Nâng cao năng lực của giảng viên; Nâng cao kiến thức thực tế cho sinh viên; Tiếp cận thị trường lao động. Các giải pháp đặt ra trong sự hợp tác này phải xuất phát từ yêu cầu của xã hội, nhu cầu của sinh viên, thực tiễn yêu cầu của doanh nghiệp. Hợp tác chặt chẽ giữa đại học và doanh nghiệp lại càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, một nền kinh tế dựa vào lao động trẻ và giá rẻ không còn là thế mạnh của chúng ta. Phải chăng hiện nay chúng ta chưa có nền tảng thông tin thị trường lao động dựa trên trí tuệ nhân tạo để cung cấp kịp thời thông tin về các nhóm kỹ năng và năng lực mà thị trường lao động cần làm cơ sở cho cơ sở giáo dục đại học xây dựng hoặc điều chỉnh chương trình đào tạo. Việc thúc đẩy hợp tác, tăng hiệu quả hoạt động hợp tác doanh nghiệp của các đại học ở Việt Nam theo mô hình Mạng lưới (ví dụ: các trường đại học công nghệ kỹ thuật, ….) cần được thúc đẩy như thế nào để đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội.

– Thứ sáu, Xây dựng hệ sinh thái giáo dục đại học mở, số, linh hoạt và liên thông cần chú ý việc xây dựng hệ sinh thái giáo dục mở, số đang còn hạn chế ở đâu? Để hoàn thành mục tiêu kép của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, việc giáo dục để tổ chức, doanh nghiệp và người dân có đầy đủ năng lực số cần phải là nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn ngành giáo dục. Việc tùy chỉnh các khung cùng các công cụ đánh giá năng lực số của các quốc gia đã có kinh nghiệm, như của EU, có thể giúp ngành giáo dục hoàn thành được nhiệm vụ này. Việc triển khai Quy trình đào tạo mới vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước có thể thấy việc thiết lập một hệ thống giáo duc đại học mở thông qua triển khai quy trình đào tạo mới chính là giải pháp tổng thể để duy trì sự ổn định và tạo cơ hội phát triển bền vững cho các hệ thống trường đại học-cao đẳng địa phương. Vấn đề thời cơ và thách thức trong quá trình xây dựng mô hình đại học số ở Việt Nam cần có những giải pháp hoàn thiện trong thời gian tới để mô hình đại học số trở nên phổ biến và đạt hiệu quả. Việc tổ chức học tập và ứng dụng lý thuyết về tổ chức học tập của Peter Senge để xây dựng mô hình cải cách giáo dục đại học theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc xây dựng hệ sinh thái giáo dục số cần được triển khai như thế nào để có những bước đột phá thích ứng, tồn tại trong đại dịch và phát triển hậu “thời kỳ covid”?

Thứ bảy, Xây dựng đội ngũ giảng viên và trọng dụng nhân tài trong giáo dục đại học cần chú ý những nội dung nào? Đội ngũ giảng viên là chủ thể, nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, dịch vụ và sự phát triển của nhà trường. Đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đại học là “lực lượng sản xuất đặc biệt tạo ra sản phẩm là nguồn nhân lực”, đồng thời là chủ thể định hướng kiến tạo sự phát triển bền vững của xã hội. Một trong những căn nguyên cơ bản nhằm thu hút giảng viên gắn bó đối với cơ sở giáo dục đại học hiện nay đó là công tác tuyển sinh của các trường, và phải chăng chỉ có giải quyết bài toán thu nhập mới là động lực chủ yếu để giảng viên yên tâm công tác. Xu thế coi trọng đánh giá giảng viên qua các công trình nghiên cứu cũng khiến giảng viên coi nhẹ công tác giảng dạy là những hạn chế hiện nay trong các trường đại học. Việc xây dựng thương hiệu cá nhân giảng viên trên nền tảng khoa học công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số là việc làm thiết thực, ý nghĩa. Các vấn đề cần làm rõ là: khái niệm thương hiệu cá nhân giảng viên, đặc điểm thương hiệu cá nhân giảng viên so với thương hiệu cá nhân trong thương mại; cần phân tích những lợi thế và thách thức đối với việc xây dựng thương hiệu cá nhân, gợi ý một số nền tảng công nghệ phục vụ nhu cầu xây dựng thương hiệu cá nhân giảng viên trong bối cảnh chuyển đổi số.

Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới là vấn đề thời sự có ý nghĩa khoa học. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học, nhận nhiệm vụ này đồng nghĩa với nhận trách nhiệm lớn với đất nước trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia trong khu vực và trên thế giới đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hội thảo này cũng là cơ hội để các trường đại học và cao đẳng trong cả nước cùng nhau nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ nhận thức và kinh nghiệm về việc nâng cao chất lượng đào tạo, một trong những vấn đề quan trọng của giáo dục đại học nước nhà.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các trường hội viên, nhất là các nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ giảng viên. Cụ thể có hơn 120 bài tham luận gửi về Ban Tổ chức, các tham luận đã phủ hầu khắp các gợi ý của Ban tổ chức. Hiệp hội đã làm việc khá chu đáo, tuyển chọn 90 bài có chất lượng tốt để in kỷ yếu khoa học.

Hội thảo chia làm 4 phần, mỗi phần có 3 báo cáo chính và phần trao đổi xung quanh các báo cáo vừa trình bày. Đây là hình thức tạo nên sự tương tác tích cực trong mỗi chuyên đề của hội thảo, tạo không khí sôi nổi, góp phần làm sâu sắc các vấn đề đặt ra.

Các báo cáo tại hội thảo tập trung vào một số vấn đề cấp bách như:

– Định hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học;

– Nhận dạng các rào cản trong phát huy quyền tự chủ đại học để nâng cao chất lượng giáo dục đại học;

– Nâng cao năng lực của các hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục đại học và bên trong các tổ chức kiểm định chất lượng;

– Triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học;

– Hợp tác đại học – doanh nghiệp: Thực trạng, vấn đề và giải pháp;

– Xây dựng hệ sinh thái giáo dục đại học mở, số, linh hoạt và liên thông;

– Xây dựng đội ngũ giảng viên và trọng dụng nhân tài trong giáo dục đại học.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương (Ảnh: Doãn Nhàn)

Phó giáo sư – Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương (Ảnh: Doãn Nhàn)

Phát biểu với hội thảo, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Huế, PGS.TS Huỳnh Văn Chương nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu từ Bộ GD & ĐT, Ban Tuyên Giáo Trung ương, các trường hội viên, các thầy cô đã tới dự hội thảo và thăm Đại học Huế, cảm ơn những tình cảm mà quý đại biểu dành cho Huế. Đồng thời mong muốn sau hội thảo này, các quý thầy cô sẽ tham quan cảnh đẹp lung linh của thành phố Huế trong những ngày cuối mùa Thu năm 2022.

Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tường Vi – TTXVN

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cảm ơn Hiệp hội đã luôn tổ chức những hội thảo quan trọng, thiết thực và chất lương. 

Ảnh chụp lưu niệm sau hội nghị

Hội thảo khoa học lần này được mọi người đánh giá là thành công rất tốt đẹp./                                       

             BAN TRUYỀN THÔNG HIỆP HỘI