Những yêu cầu bức thiết phải đổi mới tư duy về giáo dục đương đại
Con người tự do
Sự nghiệp giáo dục là nhằm hình thành những con người hoàn thiện hơn, trước tiên là vì mục tiêu chính họ và tiếp nữa là để phù hợp với thời đại mà họ đang sống.Vậy chúng ta mong muốn sản phẩm của nền giáo dục là những con người như thế nào?
Đó phải là những con người có tính trung thực, lòng nhân ái và tính khoan dung, cao thượng; xa lạ với sự giả dối, thủ đoạn, nhỏ nhen và đố kỵ; Giàu tri thức khoa học và thực tiễn, có năng lực tư duy và hành động, phát triển toàn diện và tối đa theo thế mạnh riêng có của mỗi người.
Đó là những con người thật sự tự do, tự chủ, có tư duy độc lập và sáng tạo; Không phải là những con người nô lệ, mất tự do và không có khả năng tự chủ.
Những con người ấy không lệ thuộc, không thụ động, không ỷ lại, không dựa dẫm và không giáo điều.
Họ có đủ bản lĩnh để bảo vệ lẽ phải và các chân lý khoa học. Họ tự do với chính mình và tự do trước mọi sự ràng buộc và lễ giáo hay tư tưởng.
Họ ý thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm tham gia làm chủ đất nước, về tinh thần tự do và dân chủ.
Một nền giáo dục thực học
Để tạo môi trường và điều kiện hình thành những con người ấy thì cần có một nền giáo dục như thế nào?
Đó là một nền giáo dục thực học (chứ không phải hư học), nhân bản và khai sáng, tập trung hướng đến phát triển năng lực người (hàm chứa cả phẩm chất và năng lực, đó chính là nhân cách).
Và đương nhiên đó phải là một nền giáo dục có tinh thần dân tộc.
Không phải dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, ích kỷ mà là một dân tộc trưởng thành, biết tự trọng và có văn hóa sống cùng trong cộng đồng quốc tế văn minh.
Một nền giáo dục đi vào mục tiêu thực chất về phát triển năng lực người, đó là năng lực của từng người và của cả một cộng đồng, không bị bệnh hình thức, ứng thí, mua danh, nặng về bằng cấp.
Một nền giáo dục nhân bản mà trước tiên là hướng đến hình thành tính trung thực, lòng nhân ái và sự khoan dung.
Một nền giáo dục khai sáng (khai phóng và sáng tạo), tích cực giải phóng con người khỏi mọi sự kìm hãm về tư duy để tạo cơ sở cho phát triển năng lực.
Từ đó, mà hướng đến mọi sự sáng tạo thể hiện sức mạnh nội sinh của từng người và của cộng đồng dân tộc.
Nền giáo dục ấy phải ứng với một hệ thống giáo dục mở, mở về chương trình và phương pháp tiếp cận đa dạng, nhiều chiều, chủ động và tích cực khai hóa văn minh cho dân tộc, liên thông, tổ chức có hiệu quả hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học.
Thực hiện tự chủ đại học, tự do tư tưởng và tự do học thuật, tạo điều kiện, môi trường cho người học và người dạy được tự do phát triển tự duy để không ngừng tự trưởng thành.
Trong đó, người học một mặt tự trở thành chính mình và đồng thời mặt khác là luôn tự vượt qua chính mình để trở thành một người khác hoàn thiện hơn.
Người thầy là bạn đồng hành cùng học sinh trong quá trình đi tìm chân lý, khám phá thế giới chứ không phải là người độc quyền nắm giữ chân lý để “cung cấp”, “ban phát”, trang bị cho học sinh cứ thế mà học thuộc lòng.
Chuyển quá trình dạy học theo kiểu thuyết giảng và ghi chép thành sự hướng dẫn và giúp đỡ của người thầy gắn với quá trình tự học của học sinh;
Chuyển quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, với sự trợ giúp của chương trình, của thầy giáo và công nghệ.
Nhà trường không phải là nơi trang bị kiến thức để cho học sinh hiểu và nhận thức giống thầy, theo thầy, như thầy, giống sách, theo sách mà phải là nơi tạo điều kiện để cho học sinh có thể vượt thầy, vượt sách.
Công việc quản lý của nhà trường thực chất phải là công việc trợ giúp người học, tạo điều kiện và môi trường cho sự học được tốt nhất…
Ban TT- SV