Nghiên cứu mới về trải nghiệm học trực tuyến của sinh viên
Ngày 08/08/2021
Nghiên cứu mới về trải nghiệm của người học trực tuyến do các chuyên gia Đại học RMIT và Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh thực hiện đã gợi ý các cách tăng hiệu quả dạy học online.
Nghiên cứu được công bố trong cuốn sách “COVID-19 và Giáo dục: Học và dạy trong môi trường bị hạn chế bởi đại dịch” của nhà xuất bản Informing Science Press vào cuối tháng 5/2021.
Bằng phương pháp phỏng vấn nhóm tập trung với tổng cộng 20 sinh viên bậc đại học tại một trường đại học công lập ở Việt Nam từng chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn trong nửa đầu năm 2020 do COVID-19, nghiên cứu đã tìm hiểu trải nghiệm và quan điểm của sinh viên về học tập trực tuyến, cũng như những hạn chế cần khắc phục trong tương lai.
Nhóm nghiên cứu đã áp dụng khung nghiên cứu phổ biến mang tên Community of Inquiry, tập trung vào 3 yếu tố hiện diện quan trọng khi dạy học trực tuyến: hiện diện người dạy, hiện diện nhận thức và hiện diện yếu tố xã hội.
Kết quả cho thấy, trong 3 yếu tố, sinh viên đánh giá cao tính đầy đủ của hiện diện người dạy, bao gồm cơ sở hạ tầng trực tuyến, hệ thống quản lý học tập và các phương thức giảng dạy trực tuyến khác nhau. Sinh viên cảm thấy hài lòng khi có thể tương tác liên tục và hai chiều với người dạy.
Họ cũng cho biết việc sử dụng hiệu quả và thường xuyên các công cụ truyền thông xã hội giữa giảng viên và sinh viên, và giữa sinh viên với nhau, là rất cần thiết cho quá trình học tập trực tuyến.
Liên quan tới hiện diện nhận thức, học trực tuyến thuận lợi vì sinh viên có thể xem lại nội dung sau giờ học. Sinh viên ở các trình độ học tập khác nhau có thể nắm bắt kiến thức môn học tốt hơn. Tuy nhiên, sinh viên nhận thấy bản thân cũng cần tự giác hơn (nâng cao ý thức tự thân tìm ra câu trả lời, làm bài tập về nhà và tự tổng hợp kiến thức).
Một quan sát đáng chú ý khác là mặc dù việc giảng dạy đã chuyển sang hình thức trực tuyến nhưng hầu hết các phương thức đánh giá vẫn giữ nguyên như khi học trực tiếp. Theo nhóm nghiên cứu, cần xem xét lại toàn diện xem cách thức đánh giá sinh viên ra sao cho phù hợp với nền tảng dạy và học đã thay đổi.
Nghiên cứu cũng ghi nhận phản ứng trái chiều về hiện diện xã hội trong học tập trực tuyến. Quy mô lớp học lớn và việc thiếu các mối quan hệ cá nhân được xác lập từ trước được coi là lý do chính của việc thiếu giao lưu trong lớp.
“Trong nghiên cứu của chúng tôi, những sinh viên không quen biết nhau sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi làm việc nhóm. Chúng tôi cũng nhận thấy một số cách kiểm tra/đánh giá không yêu cầu sinh viên hợp tác chặt chẽ với nhau, khiến nhu cầu xây dựng sự hiện diện xã hội khi học tập trực tuyến cũng giảm theo. Đây là lỗ hổng mà các giảng viên cần xem xét nghiêm túc”, TS Nguyễn Hoàng Thuận (Bộ môn kinh doanh kỹ thuật số, Đại học RMIT), một thành viên của nhóm nghiên cứu, nhận xét.
Các tác giả cho rằng nghiên cứu này sẽ cung cấp “những hiểu biết sơ bộ về cách các tổ chức giáo dục có thể tạo ra môi trường học tập trực tuyến giàu tính hợp tác và thu hút người học”.
Họ cũng kêu gọi những nghiên cứu sâu hơn trong tương lai về các công cụ, kỹ thuật và thông lệ tốt nhất để tăng cường hiện diện trực tuyến trong học tập kỹ thuật số mà không gây quá tải cho giảng viên, đồng thời phù hợp với thực tế còn hạn chế về nguồn lực hiện nay ở Việt Nam.
Ban TT&SV