Judith Butler và các yêu sách giới cho cuộc đời đáng sống

Ngày 01/11/2021

Cuốn sách do Nguyễn Thị Minh dịch và chú giải, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành trong Phụ nữ tùng thư – Tủ sách Giới và Phát triển trong tháng 10/2021.

Judith Butler là một triết gia, nhà nghiên cứu giới rất có ảnh hưởng, đồng thời là người luôn ủng hộ một cuộc đời đáng sống dành cho con người – đặc biệt là phụ nữ, người không theo quy chuẩn giới thông thường, và người thuộc nhóm thiểu số về tính dục.

Năm 2015, trong khuôn khổ hội thảo “Why Bodies Matter” tại Lisbon, nhân kỷ niệm 25 năm xuất bản cuốn sách quan trọng của bà: Gender Trouble: Feminism and the Subversion of Identity(Routledge, 1990), Butler một lần nữa khẳng định: “Cuộc đời đáng sống hơn khi ta không bị giam cầm trong những phạm trù không phù hợp với mình, những phạm trù áp đặt và lấy đi tự do của mình”. Tuyên ngôn này của bà được giới phê bình nữ quyền và triết học chính trị nhiệt liệt ủng hộ. Tuy bà có vị trí đặc biệt trong tư tưởng nữ quyền thế giới đương đại nhưng quan điểm cũng như các công trình quan trọng của bà ít được giới thiệu ở Việt Nam. Cho đến nay, Yêu sách của Antigone mới là công trình đầu tiên của Judith Butler được dịch ra tiếng Việt.
Cuốn sách trong bản tiếng Việt gồm hai phần. Phần chính văn dịch tác phẩm Yêu sách của Antigone, gồm 3 chương: “Chương 1 – Yêu sách của Antigone”, “Chương 2 – Những luật bất thành văn, những trao truyền lệch chuẩn”, “Chương 3 – Vâng lời lệch chuẩn”. Phần phụ lục trích dịch hai tiểu luận quan trọng khác, nhằm giúp bạn đọc có thêm thông tin và hiểu biết về tư tưởng học thuật của Butler và lịch sử vấn đề Antigone mà bà tập trung thảo luận trong cuốn sách của mình. Phụ lục thứ nhất là bài viết nổi tiếng của Judith Butler: “Hành vi biểu hành và sự cấu tạo giới: Một tiểu luận về hiện tượng học và lý thuyết nữ quyền” (1), một văn bản quan trọng mà ở đó Butler khẳng định, sự kiến tạo giới luôn gắn với hành động biểu hành – ý niệm nền tảng để từ đó bà xây dựng và phát triển ở các nghiên cứu mở rộng về sau. Phụ lục thứ hai là trích đoạn trong nội dung mà triết gia Jacques Lacan bàn về Antigone, một trong những văn bản có ảnh hưởng nhất trong lịch sử tiếp cận vở kịch này (2), được Butler đề cập, tranh luận trong cuốn sách Yêu sách của Antigone của mình.
Yêu sách của Antigone là bản cô đúc các bài giảng của Butler tại các trường đại học lớn như California, Cornell và Princeton năm 1998, bàn về tác phẩm kinh điển Antigone của Sophocles, một vở kịch quan trọng, luôn được dùng làm chất liệu trong các thảo luận về triết học và đặc biệt là triết học chính trị ở phương Tây theo suốt chiều dài lịch sử.
Judith Butler sinh năm 1956, hiện giảng dạy tại Khoa Văn học so sánh và chương trình Lý thuyết phê phán tại Đại học California, Berkeley.
Vở kịch, nằm trong bộ ba câu chuyện thành Thebes kể về gia đình bi thương của ông vua Oedipus giết cha lấy mẹ, nói về số phận cô con gái Antigone – kết quả của mối tình oan nghiệt này, là tác phẩm tưởng chừng khép lại câu chuyện ấy, song cũng mở ra những tranh cãi vô tận cho đến ngày nay.
Trong vô số các công trình kinh điển bàn về Antigone, Yêu sách của Antigone của Judith Butler là một dấu mốc xuất sắc. Theo nhận xét của John Evan Seery, cuốn sách là “một trong những tác phẩm quan trọng nhất của giới học thuật trong 50 năm qua”, không những vậy, “một cách đọc như thế về một văn bản cổ điển chỉ khoảng 2.500 năm mới xuất hiện một lần” (3).
Trong một đánh giá khác, Judith Roof còn hình dung cuốn sách như một màn kịch mô phỏng Sophocles, trong đó sân khấu là giảng đường đại học, Judith Butler vừa đóng vai Antagone, người muốn giành lại công lý cho Antigone, có sự hậu thuẫn của các lý thuyết gia như Michel Foucault, nhà nữ quyền luận như Juliet Mitchell để chống lại các đại diện của chế độ phụ quyền như G. W. F. Hegel và Jacques Lacan; vừa đóng vai nhà tiên tri Teiresias dự báo về một tương lai sắp đến dành cho những người lệch chuẩn (queer) (4). Mặc dù vẫn còn nhiều luận điểm cần tiếp tục được tranh luận và bàn thêm, nhưng không thể phủ nhận cảm hứng triết luận và ảnh hưởng mạnh mẽ mà cuốn sách đem đến cho cộng đồng học giả chuyên biệt cũng như độc giả phổ thông quan tâm đến lý thuyết nữ quyền, lý thuyết lệch chuẩn cũng như các vấn đề của triết học chính trị.
Điểm đáng lưu ý ở đây là, bối cảnh để Judith Butler bước vào “đấu trường tranh cãi” về Antigone là bối cảnh của nữ quyền luận và nghiên cứu giới. Ở đó, Antigone thường được cho là hình ảnh của nữ giới, đại diện cho gia đình và thân tộc. Song Butler đã chất vấn tất cả những điều này. Thứ nhất, ngay từ trong tính đại diện của Antigone – nàng là một nhân vật hư cấu – vì thế, không thể dễ dàng được đem ra làm hình mẫu mà không rơi vào phi thực tế. Thứ hai, Antigone khó lòng là đại diện tiêu biểu cho nữ quyền, vì chính nàng cũng dính líu vào quyền lực mà nữ quyền đang chống lại. Bản thân Antigone không phải hình mẫu phụ nữ thuần túy: nàng không hành động, nói năng như nữ giới, không lấy chồng và sinh con. Antigone cũng khó lòng đại diện cho thân tộc, vì những rắc rối, lệch chuẩn của thân tộc mà nàng gắn vào: nàng là đứa con sinh ra trong một gia đình loạn luân – Oedipus giết cha (Laius), lấy mẹ (Jocasta) và sinh ra Polyneices, Eteocles, Antigone, Ismene; nàng chỉ yêu và chết vì người anh trai Polyneices chứ không phải vì bất cứ một người thân nào khác.
Như vậy, theo Butler, các cách đọc Antigone từ góc độ tính đại diện cần phải bị chất vấn, và cần có một cái nhìn khác về Antigone. Nàng không hoàn toàn thuộc về nữ giới, không hoàn toàn đại diện cho thân tộc theo nghĩa lý tưởng, vậy nàng thuộc về đâu? Butler cho rằng Antigone thuộc về lĩnh vực của sự hàm hồ (ambiguity), ta sẽ không thể hiểu rõ nhân vật nếu bỏ qua tính hàm hồ này, và chính điều đó làm nên sức sống của Antigone. Cuốn sách chính là nỗ lực của Butler để chứng minh Antigone là một nhân vật có khả năng mở ra những khả thể, khiến chúng ta buộc phải suy nghĩ lại và phần nào mở rộng ranh giới của những quy chuẩn tưởng chừng tự nhiên và bất di bất dịch, trong lịch sử cũng như trong đời sống. Ta còn thấy ở đây các khái niệm làm nên xương sống cho cả sự nghiệp của Butler cho đến hiện nay: khái niệm về chủ thể ham muốn (subject of desire), tính biểu hành (performativity), và tính bấp bênh (precarity) của đời sống con người trên thế gian.
Tóm lại, thông qua Yêu sách của Antigone, độc giả có cơ hội chiêm ngưỡng một cách đọc cực kỳ thông minh và trí tuệ của một trong những học giả sáng giá của thời đại chúng ta về vở kịch kinh điển Antigone. Hơn nữa, với những ai quan tâm đến nghiên cứu giới, nữ quyền và lý thuyết chính trị, Yêu sách của Antigone cũng là một dẫn chiếu cần thiết để có thêm hiểu biết về những lĩnh vực tranh luận đang sôi nổi và nhiều đột phá nhất này của giới học thuật phương Tây đương đại.
1 Judith Butler, “Performative Acts and Gender Constitution: An Essay in Phenomenology and Feminist Theory”, Theatre Journal, (Volume 40, Number 4), (December, 1988).
2 Jacques Lacan, The Ethics of Psychoanalysis 1959-1960 (Book VII: The Seminar of Jacques Lacan), (Edited by Jacques-Alain Miller; and Translated with notes by Dennis Porter), Routledge, 1992.
3 John Evan Seery, “Acclaim for Antigone’s Claim Reclaimed (or, Steiner, contra Butler)”, Theory and Event, (Volume 9, Issue 1), 2006.
4 Judith Roof, “Antagone: A Play in Three Acts”, The New Centennial Review, (Volume 2, Issue 1), Spring 2002.
Ban TT&SV