Lo ngại Quy trình & chất lượng tiến sĩ 5 năm tới – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội
Là người dày dặn kinh nghiệm nghiên cứu và sở hữu nhiều công bố quốc tế, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, quy chế mới nhiều điểm tiến bộ, quy định chi tiết hơn một số điểm so với quy chế cũ 2017. Tuy nhiên, điểm mấu chốt nhất là chuẩn đầu ra về chuyên môn và ngoại ngữ, tính hội nhập quốc tế lại thấp hơn, thụt lùi so với quy chế 2017.
Thứ nhất, quy chế mới bỏ hoàn toàn yêu cầu về công bố quốc tế với nghiên cứu sinh, cũng như thầy hướng dẫn và thành viên hội đồng. Trong khi đó, chuẩn đầu ra của quy chế cũ năm 2017 cũng chưa phải là cao so với khu vực, yêu cầu phải có tối thiểu 1 bài trên tạp chí ISI, hoặc 2 bài trên tạp chí quốc tế có phản biện (chưa yêu cầu phải ISI/Scopus), hoặc 2 bài đăng kỷ yếu hội thảo quốc tế, viết bằng tiếng nước ngoài có phản biện. Chuẩn đầu ra của quy chế mới hiện nay lạc hậu, quay trở về như quy chế tiến sĩ cách đây hơn 20 năm về trước.
Thứ hai là yêu cầu về ngoại ngữ. Theo quyết định khung trình độ quốc gia do Thủ tướng ban hành, tiến sĩ phải đạt trình ngoại ngữ tương đương bậc 4/6 (B2), trong khi quy chế mới quy định điểm TOEFL iBT 46 điểm là quá thấp ( B2 phải tối thiểu 72 điểm). Quy chế 2017 cũng yêu cầu nếu nghiên cứu sinh có ngoại ngữ khác phải đạt chuẩn B2, thì vẫn phải giao tiếp được bằng tiếng Anh. Quy chế mới đã bỏ đi quy định trên.
Về ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT nên quy định chuẩn chung, các trường có thể quy định cao hơn, vì hiện nay tự chủ đại học và quy chế mới như vậy là phù hợp, theo GS Đức, lập luận đó tưởng hợp lý nhưng thực ra là sự ngây thơ của những người chưa có kinh nghiệm quản lý đào tạo sau đại học.
Một thực tế Việt Nam hiện nay là tiến sĩ tốt nghiệp trường top đầu hay top sau đều được xem là tiến sĩ như nhau, chưa phân biệt lớn.
Nếu hạ chuẩn sẽ dẫn đến hiện tượng ngại chỗ khó, làm chỗ dễ. Các trường hàng đầu tiêu chí càng cao thì càng khó tuyển nghiên cứu sinh, trong khi những trường giữ mức chuẩn đầu ra theo quy chế mới (dễ và thấp hơn) sẽ thu hút đào tạo nghiên cứu sinh ào ạt. Điều này ắt sẽ dẫn đến hiện tượng những “lò ấp tiến sĩ “ chất lượng thấp, như tình trạng trước năm 2017.
Nếu quy chế mới quy định chuẩn đầu ra thấp, sau 5 hay 10 năm tới, khi lứa tiến sĩ này tốt nghiệp, liệu chất lượng phó giáo sư, giáo sư của chúng ta sẽ thế nào? Điều này có thể gây ra hệ lụy cho chất lượng đào tạo đại học và sau đại học của Việt Nam.
Trước đây, chúng ta phải tốn biết bao giấy bút, tọa đàm, tranh luận và cuối cùng với sự quyết liệt, quyết tâm, đồng thuận cao mới ban hành được quy chế tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ 2017 – là quy chế đào tạo tiến sĩ nhiều tiến bộ về chất lượng và hội nhập (thông qua yêu cầu công bố quốc tế và ngoại ngữ).
Những nghiên cứu của chúng tôi và một số nhà khoa học khác cho thấy, quy chế tiến sĩ năm 2017 đã khuyến khích hình thành xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và công bố quốc tế trong các trường đại học. Từ một nước gần như đội sổ về công bố quốc tế trong khu vực. Năm 2020, Việt Nam vươn lên đứng thứ 49 trên thế giới và đứng thứ 3 ở ASEAN về công bố quốc tế. Cũng nhờ đó, chúng ta mới có hai dại học quốc gia và một số trường đại học khác lọt thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng QS, THE,… Đây là những thành quả và tín hiệu rất đáng mừng.
Theo GS Đức, ngày nay, công bố trên các tạp chí quốc tế ISI uy tín vẫn là tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực và trình độ nghiên cứu của nhà khoa học. Không công bố quốc tế, các trường đại học sẽ không có nội hàm để tham gia xếp hạng đại học và hội nhập.
Trên thế giới, nghiên cứu sinh là lực lượng quan trọng thực hiện các ý tưởng của các giáo sư hướng dẫn và qua đó thúc đẩy công bố quốc tế của các trường. Vì vậy, yêu cầu ngoài công bố trên các tạp chí trong nước thì nghiên cứu sinh, GS, PGS nhất định phải công bố quốc tế. Công bố quốc tế trên các tạp chí ISI/scopus uy tín vừa xem như điều kiện cần, công cụ quan trọng đánh giá khách quan chất lượng luận án tiến sĩ, nâng cao chất lượng đội ngũ. Mặt khác, cũng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự hội nhập quốc tế của khoa học và giáo dục đào tạo của Việt Nam.
“Bộ GD&ĐT nên cân nhắc và tiếp thu ý kiến tâm huyết và trách nhiệm của các nhà khoa học, sửa đổi Quy chế vừa ban hành phù hợp hơn. Quy chế mới nếu không cao hơn, thì cũng nên giữ nguyên chuẩn đầu ra về chất lượng và điều chỉnh những khiếm khuyết cho hoàn thiện hơn.
Nếu bỏ đi chính sách yêu cầu về công bố quốc tế, hạ chuẩn đầu ra của nghiên cứu sinh trong toàn ngành là chúng ta đang đi thụt lùi và ngành giáo dục khó có thể thực hiện được Nghị quyết của Đảng theo hướng thúc đẩy giáo dục đại học Việt Nam tiên tiến, hiện đại, hội nhập trong thời gian tới”, GS Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.