Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học: Áp lực và động lực để phát triển
“Cả nước hiện có 237 trường ĐH và khoảng 40 trường CĐ sư phạm (không tính các trường quân đội, an ninh). Tuy nhiên mới chỉ 164 trường được kiểm định và đạt chuẩn chất lượng (số liệu tính đến 30/11/2021 do Bộ GD&ĐT công bố). Trong đó, 149 trường kiểm định trong nước, 7 trường kiểm định quốc tế sẽ hết hạn kiểm định chu kỳ 1 tính đến hết năm 2025 và bước vào chu kỳ 2; chiếm tỷ lệ khoảng 65% các trường ĐH hiện nay; 25% trường CĐ sư phạm đã kiểm định.
Mục tiêu “35% số chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo chu kỳ kiểm định lần thứ nhất” cũng là một thách thức lớn khi mới chỉ có 509 chương trình đào tạo được kiểm định (tính đến 30/11/2021), chiếm tỷ lệ khá nhỏ so với tổng số chương trình đào tạo đang vận hành. Các mục tiêu giai đoạn 2022 – 2025 đạt được sẽ là đòn bẩy để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2026 – 2030” – ThS Nguyễn Vinh San nhận định.
Đây là cơ sở để hệ thống bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục phát triển lên một bước mới, giúp nâng tầm giáo dục ĐH Việt Nam.
Quyết tâm nâng tầm chất lượng
Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục ĐH, CĐ sư phạm giai đoạn 2022 – 2030” xác định mục tiêu chung là phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, CĐ sư phạm Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng Khung bảo đảm chất lượng ASEAN, góp phần quan trọng thúc đẩy tự chủ giáo dục ĐH, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH và CĐ sư phạm.
Mục tiêu này, theo PGS.TS Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, đủ khái quát, phù hợp với thực tiễn giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay; đồng thời phù hợp với đòi hỏi tất yếu của xu hướng phát triển giáo dục ĐH trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Trên cơ sở mục tiêu chung, Chương trình đã xác lập hệ thống mục tiêu chiến lược đảm bảo tính nhất quán, cụ thể và khả thi.
Mục tiêu cụ thể được xác định rõ ràng, liên kết, tương hỗ lẫn nhau, cùng hướng tới hoàn thành các mục tiêu tổng quát của từng giai đoạn, qua đó hoàn thành mục tiêu chung của Chương trình. PGS Nguyễn Quang Huy cũng nhận định: 5 nhiệm vụ lớn và 17 giải pháp của Chương trình đủ bao quát, phù hợp để bảo đảm đạt được các mục tiêu đề ra; đạt hiệu quả lâu dài, liên tục và kế thừa, toàn diện, rõ ràng, nhất quán và khả thi.
ThS Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cũng cho rằng: Các mục tiêu được đưa ra trong Quyết định 78 đáng hoan nghênh, thể hiện quyết tâm nâng tầm chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam của các cấp lãnh đạo với giải pháp cụ thể, phù hợp. Các mục tiêu đề ra đều cao so với thực tiễn công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục của nước ta hiện nay.
Triển khai đồng bộ, quyết liệt
Theo ThS Nguyễn Vinh San, để đạt được các mục tiêu của giai đoạn 2022 – 2025 cần triển khai đồng bộ, quyết liệt tất cả giải pháp. Bên cạnh đó cần xây dựng hệ thống chế tài đủ mạnh kèm theo đối với cơ sở giáo dục không thực hiện đầy đủ hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định như: Dừng tuyển sinh, cấm mở ngành, sáp nhập/giải thể cơ sở giáo dục yếu…
“Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng là cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên của cả nước kiểm định và đạt chuẩn
định chu kỳ 2. Nhà trường đang đẩy mạnh hoạt động kiểm định chương trình đào tạo với 7 chương trình đào tạo đã hoàn thành kiểm định (6 trong nước và 1 quốc tế); dự kiến kiểm định thêm 7 chương trình đào tạo trong năm 2022 (4 trong nước, 3 quốc tế).
Trường có 4 chuyên gia đã được cấp thẻ kiểm định viên, hơn 20 người có chứng chỉ kiểm định viên. Trường cũng xây dựng mạng lưới đảm bảo chất lượng bên trong từ cấp trường xuống khoa. Với kết quả hiện có và xu hướng phát triển được đề ra trong tầm nhìn, sứ mạng, nhà trường sẽ đóng góp lớn với việc hoàn thành các mục tiêu như Quyết định đề ra” – ThS Nguyễn Vinh San khẳng định.
Chia sẻ giải pháp để góp phần hoàn thành các mục tiêu trong Quyết định 78 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, PGS.TS Nguyễn Quang Huy thông tin: “Nhà trường đã sớm xây dựng và ban hành Chiến lược đảm bảo chất lượng giáo dục giai đoạn 2019 – 2023. Chiến lược là cơ sở định hướng cho các hoạt động đảm bảo chất lượng của trường trong giai đoạn này và hướng tới “Năm 2030, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 là tổ chức có văn hóa chất lượng sáng tạo, chất lượng giáo dục đạt chuẩn AUN-QA, tiệm cận với chuẩn quốc tế”.
Các mục tiêu của nhà trường trong Chiến lược, theo PGS Nguyễn Quang Huy, hoàn toàn tương thích với hệ thống mục tiêu của Chương trình “Phát triển hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục ĐH và CĐ sư phạm giai đoạn 2022 – 2030”. Vì vậy, để góp phần đạt được mục tiêu Chương trình, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt 9 giải pháp chiến lược được lựa chọn trong Chiến lược đảm bảo chất lượng giáo dục của trường.
Đó là: Phát triển đội ngũ đảm bảo chất lượng; Nâng cao nhận thức của đội ngũ viên chức và người học; Tăng cường hợp tác trong đảm bảo chất lượng; Cải tiến liên tục chất lượng giáo dục; Hoàn thiện quy định, hướng dẫn về công tác đảm bảo chất lượng; Phát triển mạng lưới đảm bảo chất lượng bên trong; Cải thiện năng lực phối hợp giữa các bộ phận; Tận dụng hiệu quả và tối đa các nguồn lực; Nỗ lực đáp ứng nhu cầu các bên liên quan.
Với Trường ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên, thông tin từ Phó Hiệu trưởng Bùi Đức Nguyên, tập thể lãnh đạo nhà trường luôn xác định rõ bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để phát triển nhà trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập. Trong giai đoạn 2019 – 2021, trường đã hoàn thành kiểm định 50% số chương trình đào tạo cử nhân sư phạm và đã có 2 chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định theo theo tiêu chuẩn
AUN-QA. Trong năm 2022, nhà trường tiếp tục hoàn thành kiểm định 100% chương trình đào tạo cử nhân sư phạm, kiểm định chất lượng trường chu kỳ 2 và từng bước hoàn thành kiểm định các chương trình đào tạo trình độ sau ĐH theo kế hoạch. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng ủy, Hội đồng nhà trường đều xây dựng Đề án, kế hoạch hành động chỉ đạo trường thành lập hội đồng bảo đảm chất lượng giáo dục; xây dựng kế hoạch tự đánh giá và thực hiện liên tục việc cải tiến chất lượng, để chất lượng các hoạt động của trường và chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kiểm định.
“Thời gian tới, nhà trường xây dựng, ban hành Kế hoạch chiến lược phát triển trường giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn 2045; trong đó các mục tiêu của Chương trình “Phát triển hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục ĐH và CĐ sư phạm giai đoạn 2022 – 2030” sẽ là phương hướng quan trọng để trường xác định nội dung chiến lược về đảm bảo chất lượng cho giai đoạn tới” – PGS Nguyễn Quang Huy chia sẻ.