Kết nối thư viện số: Những bước đi đầu tiên

Ngày 04/11/2021

Thư viện của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: afamily.com

Tuy Trung tâm Tri thức số, nơi kết nối sáu thư viện số của các trường đại học, được coi là dấu mốc quan trọng đối với ngành thư viện Việt Nam nhưng để hệ thống này có thể thực sự là một nguồn dữ liệu giáo dục hữu ích, các trường cần gắn kết “liên thông” với “mở”.

Giải quyết vấn đề dữ liệu phân tán
Vào đầu tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên một hệ thống kết nối các thư viện số đại học trong nước đã được ra mắt. Đây là kết quả sau bốn năm nghiên cứu về công nghệ tìm kiếm và tích hợp dữ liệu của Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, Liên chi hội các Thư viện Đại học khu vực phía Bắc (NALA) và Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L.
Bước đầu, Trung tâm Tri thức số gồm có sáu đơn vị thành viên là: Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-LIC), Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia TP.HCM, Thư viện Tạ Quang Bửu của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Thư viện trường Đại học Thủy lợi, Thư viện trường Đại học Lâm nghiệp và Trung tâm Thông tin Thư viện trường Đại học Phenikaa.
Giao diện trang chủ Trung tâm Tri thức số.
Với trung tâm này, thay vì phải truy cập vào từng website khác nhau, giờ đây chỉ cần một lệnh tìm kiếm, người dùng có thể truy xuất dữ liệu của toàn bộ các thư viện thành viên. Quan trọng hơn, người tìm kiếm sẽ dễ dàng có được bức tranh toàn cảnh về chủ đề và lĩnh vực theo nhu cầu, đồng thời tìm kiếm nhanh chóng và chính xác siêu dữ liệu và toàn văn từ các kho tri thức số như: luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu, sách, giáo trình thuộc mọi lĩnh vực khoa học… tùy theo chính sách và mức độ chia sẻ của từng thư viện tham gia.
“Những lợi ích của việc kết nối thư viện sẽ vô cùng lớn. Nó không chỉ giúp cho việc khai thác tri thức thuận tiện hơn, đảm bảo cho việc tự học, tự nghiên cứu cho người dùng; mà còn giúp tiết kiệm chi phí bổ sung tài liệu; quảng bá kết quả đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học; hạn chế đạo văn, tăng cường đạo đức khoa học cũng như hỗ trợ cho công tác xếp hạng đại học, thư viện”, TS. Nguyễn Hoàng Sơn – Giám đốc Trung tâm Thông tin – Thư viện ĐH Quốc gia Hà Nội – một trong các đơn vị chịu trách nhiệm vận hành Trung tâm Tri thức số, cho biết.
Song muốn tham gia vào hệ thống, các thư viện phải đáp ứng tiêu chuẩn kết nối mở, trong khi hiện tại ở Việt Nam, cách “mạnh ai người nấy làm” và làm theo tiêu chuẩn “đóng” vẫn phổ biến ở các thư viện trong nước, chuyên gia Lê Trung Nghĩa (Ban Tư vấn Phát triển giáo dục mở, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho hay. “Nếu các phần mềm, công cụ quản lý tài nguyên của các thư viện không tuân thủ theo một chuẩn kết nối thì mỗi nơi sẽ như một ‘pháo đài’, không thể làm được gì cả”, ông nói thêm.
Bởi vậy, sau khi cân nhắc tình hình thực tế tại các thư viện trong nước, đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho trung tâm đã quyết định chọn phần mềm tìm kiếm tập trung mã nguồn mở Vufind và giao thức OAI-PMH – một tiêu chuẩn toàn cầu trong việc thu thập dữ liệu thông tin – để kết nối các thư viện. “Khá nhiều thư viện trong nước đã sử dụng phần mềm đáp ứng tiêu chuẩn này, ví dụ như các thư viện đang sử dụng phần mềm DSpace như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội. Vì vậy, sử dụng chuẩn OAI-PMH là nhanh nhất với thực trạng các thư viện tại Việt Nam”, ông Hoàng Dũng – Tổng giám đốc D&L Corp – đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho Trung tâm Tri thức số – cho biết.
Cái hay của việc sử dụng giao thức OAI-PMH nằm ở chỗ, giao thức này có tính tổng quát và độ linh hoạt cao cho phép thu thập các bộ dữ liệu theo nhiều kiểu mẫu với metadata mô tả khác nhau. Khi click vào kết quả tìm kiếm trên website của trung tâm, hệ thống kết nối sẽ điều hướng bạn đọc sang trang thư viện số của trường đại học đang sở hữu tài liệu đó để khai thác theo đúng chính sách phân quyền mà thư viện đó đã thiết lập. “Do Trung tâm tri thức số chỉ thu thập metadata chứ không thu thập tệp tin số, vậy nên thư viện số của các trường đại học trong hệ thống vẫn có toàn quyền quản trị với tệp tin của mình. Với mô hình và nguyên tắc hoạt động như vậy, hệ thống liên kết này không làm ảnh hưởng đến các thư viện”, ông Dũng cho biết.
Với giao thức này, việc kết nối nhiều thư viện hơn nữa trong tương lai sẽ không gặp khó khăn về mặt công nghệ. Đây cũng chính là mục tiêu mà những người đứng sau vận hành trung tâm này hướng đến. “Trong tương lai, chúng tôi mong muốn sẽ mở rộng mạng lưới và không chỉ liên kết với tất cả các thư viện số đại học trên cả nước mà còn cả thư viện số quốc gia, thư viện số công cộng và thư viện số chuyên ngành trong nước và toàn cầu”, TS. Hoàng Sơn chia sẻ.
Nhưng họ còn ấp ủ những tham vọng lớn hơn nữa. “Về lâu dài, hệ thống phải có nhiều dữ liệu hơn và phải có những dịch vụ kèm theo tốt hơn, không chỉ đơn thuần tìm kiếm và truy cập dữ liệu. Chúng tôi hy vọng có thể xây dựng được một hệ sinh thái, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, có hệ thống chatbot, gợi ý, tìm kiếm và sắp xếp kết quả phù hợp cho từng người. Để đến được bước này thì sẽ còn rất nhiều khó khăn, nhưng đó là những dịch vụ rất cần được đầu tư trong tương lai khi quản lý thư viện số”, TS. Hoàng Sơn cho biết.
Cần hướng đến tài nguyên giáo dục mở
Dù quy mô hiện tại của Trung tâm Thư viện số vẫn còn khá khiêm tốn, nhất là khi đặt cạnh các dự án “khủng” kết nối hàng ngàn thư viện, phòng trưng bày, viện bảo tàng với hàng chục triệu tài liệu số như dự án Open AIRE hay Europeana ở châu Âu, song theo đánh giá của chuyên gia Lê Trung Nghĩa, việc lần đầu tiên có một hệ thống liên kết các thư viện trong nước như vậy là “đã làm được một bước mà từ xưa đến nay chưa từng làm được”.
Từ góc độ của một người nghiên cứu về khoa học mở, ông cho rằng, hệ thống liên thông thư viện là tiền đề tốt để đi đến bước tiếp theo là tài nguyên giáo dục mở – một xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay. “Việc liên thông thư viện sẽ còn thu được nhiều giá trị hơn nữa nếu đi cùng với ‘mở’”, ông nói và nhấn mạnh đến lợi ích cho mọi bên tham gia: tài nguyên giáo dục mở sẽ đảm bảo mọi sinh viên có truy cập tức thì và không giới hạn tới nội dung khóa học; có thể lựa chọn đối tác công nghệ thay vì bị khóa trói vào một nền tảng hoặc hệ thống nhất định; có khả năng để sử dụng, sửa đổi, và tùy biến thích nghi các tư liệu đang có mà không cần có sự cho phép bản quyền (vì đã được các tác giả cho phép trước),… Đối với các cơ sở giáo dục, việc dạy học sẽ được cải thiện vì những người hướng dẫn có thể tùy biến thích nghi các tư liệu khóa học cho các mục đích học tập.
Vậy nhưng làm thế nào để có thể “mở”? “Thực ra nếu muốn đi theo con đường tài nguyên giáo dục mở thì khuyến nghị về tài nguyên giáo dục mở của UNESCO năm 2019 đã hướng dẫn chi tiết năm việc phải làm là: xây dựng năng lực của các bên tham gia đóng góp để tạo lập truy cập, sử dụng, tùy biến thích nghi và phân phối lại tài nguyên giáo dục mở; phát triển chính sách hỗ trợ; khuyến khích tài nguyên giáo dục mở chất lượng bao hàm toàn diện và công bằng; sáng tạo các mô hình bền vững cho tài nguyên giáo dục mở; và tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế”, ông Lê Trung Nghĩa cho biết, “chỉ cần bám chặt vào những hướng dẫn đó và điều chỉnh tùy theo điều kiện của mình”.
Thực tế, một số thư viện đại học đã ý thức được xu hướng mở và đang hướng đến mục tiêu này. Theo TS. Nguyễn Hoàng Sơn, thư viện của Đại học Quốc gia Hà Nội hiện đã mở gần như 100% kho tài liệu nội sinh của mình gồm luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu, để người dùng có thể truy cập miễn phí. Nhờ đẩy mạnh số hóa các tài liệu trong vòng 10 năm qua, kho tài liệu nội sinh của thư viện đã xếp hạng 54 trong tổng số 3803 kho tài nguyên số nội sinh toàn cầu theo đánh giá năm 2021 của Cybermetrics Labs. Đồng thời, việc chủ động mở kho tài nguyên phong phú cũng giúp tăng chỉ số trích dẫn cho các nhà nghiên cứu trong trường.
Những nỗ lực này mới chỉ là một phần của mở. “Tôi nghĩ câu chuyện tới đây là phải tiếp tục nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực bởi vì, hệ thống bây giờ mới được một chiều là thả dữ liệu vào cho người dùng đọc. Nhưng tài nguyên giáo dục mở lại không phải như thế – nó là thứ mà người sử dụng được quyền chỉnh sửa bản gốc, tương tác hai chiều”, chuyên gia Lê Trung Nghĩa nói. “Do đó việc quản lý cũng sẽ phải rất khác, chẳng hạn phải có DOI (digital object identifier – một số xác định đường dẫn link vĩnh cửu) cho các tài liệu số – thứ mà Việt Nam chưa có chỗ nào quản lý. Bởi vậy, câu chuyện này có lẽ còn là một chặng đường dài và phải vài năm nữa mới làm được đến như vậy”.
Và để việc liên thông và mở phát huy hiệu quả cao nhất, chuyên gia Lê Trung Nghĩa cũng nhấn mạnh, “điều tối cần thiết là phải tập trung vào làm rõ các quyền bản quyền và chuẩn hóa nội dung/dữ liệu sẽ được tập hợp trên nền tảng đó từ các cơ sở khác nhau. Các bước triển khai để xuất bản nội dung/dữ liệu lên nền tảng số, mở đó phải rõ ràng và tạo điều kiện thuận lợi để từng bên cung cấp nội dung có được lựa chọn như họ mong muốn nhưng vẫn tuân thủ việc chuẩn hóa đó. Ngoài ra, để nền tảng số mở đó phát huy tác dụng, nó cần phải được chính sách, đặc biệt là chính sách cấp phép mở, ở mức quốc gia tạo thuận lợi”.
Ban TT&SV