Hướng đến triển khai mô hình ‘Giáo dục đại học số’
Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh tư liệu: TTXVN
Ngày 28/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Mục tiêu của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số; phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Triển khai mô hình “Giáo dục đại học số”
Mục tiêu đến năm 2030 đạt 90% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; thành thạo cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu; hoàn thiện và mở rộng triển khai mô hình “Giáo dục đại học số” tới tối thiểu 50% các trường đại học công lập trong toàn quốc.
Đào tạo được 20.000 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về chuyển đổi số. 80% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.
Ba nhóm nhiệm vụ
Để đạt được mục tiêu trên, Đề án triển khai thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ gồm: Nhóm các nhiệm vụ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; nhóm các nhiệm vụ về phổ cập kỹ năng chuyển đổi số; nhóm các nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số.
Trong đó, Đề án sẽ triển khai xây dựng Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) về kỹ năng số cho phép người dân truy cập miễn phí để tự học các kỹ năng số; tổ chức các chương trình đào tạo, đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan từ Trung ương đến cấp xã, trong tổ chức, doanh nghiệp nhà nước và cơ quan thông tấn, báo chí.
Đề án hướng đến phát triển kỹ năng số cho người dân thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ số, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại; khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập, nghiên cứu mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm và công nhận chứng chỉ đào tạo trực tuyến. Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, công nghệ số cho đội ngũ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác tham mưu chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước đến cấp xã, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Triển khai Chương trình STEM/STEAM trong giáo dục phổ thông
Đề án lựa chọn tối thiểu 1.000 cán bộ từ các cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương và một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, công nghệ số, kỹ năng tổng hợp, phân tích dữ liệu số để hỗ trợ ra quyết định phù hợp theo chuyên môn, ngành nghề, lĩnh vực. Hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở liên kết 1.000 chuyên gia chuyển đổi số với các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước làm việc trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ số để gắn kết sức mạnh tri thức, thúc đẩy chuyển đổi số.
Bên cạnh đó là xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thí điểm mô hình “Giáo dục đại học số” tại một số trường đại học phù hợp; xây dựng, ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học. Tổ chức đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên chuyên ngành công nghệ số như công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, tài chính số, kinh doanh số, truyền thông số,…
Đề án hướng đến xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình STEM/STEAM trong giáo dục phổ thông với lộ trình triển khai cụ thể. Trong đó, ưu tiên triển khai thí điểm ở các thành phố trực thuộc Trung ương và một số địa phương trước khi nhân rộng quy mô toàn quốc…