Hiệp hội thành lập Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã thành lập Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam (ảnh chụp màn hình website)
Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam trực thuộc Hiệp hội được thành lập nhằm thúc đẩy ứng dụng các mô hình tiên tiến trong hệ thống giáo dục đại học.
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã thành lập Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lâm Quang Thiệp là Viện trưởng
Một số thông tin về Viện, sứ mạng của Viện trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam
Giáo sư Lâm Quang Thiệp: Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam được thành lập nhằm thúc đẩy ứng dụng các mô hình tiên tiến trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam để phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước thông qua các hoạt động:
Liên tục cập nhật tri thức về sự phát triển của giáo dục đại học thế giới, nghiên cứu khả năng ứng dụng phù hợp với giáo dục đại học Việt Nam;
Phổ biến và ứng dụng rộng rãi tâm trắc học để xây dựng các kỳ thi tiêu chuẩn hóa và đánh giá các khía cạnh năng lực người học nhằm kết nối hoạt động giáo dục với thị trường lao động;
Thúc đẩy hợp tác, giao lưu quốc tế, trao đổi nhân lực nhằm tối ưu năng lực và lợi ích người học;
Phối hợp phát triển tài nguyên giáo dục mở, chuyển giao công nghệ và tổ chức các dịch vụ hỗ trợ giúp đẩy nhanh tốc độ cải thiện chất lượng giáo dục.
Hiện nay Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam đang có những bộ phận nào, thưa ông?
Giáo sư Lâm Quang Thiệp: Để triển khai chuyên sâu các định hướng nói trên, hiện nay Viện xây dựng 3 Trung tâm chuyên trách: Trung tâm quản trị và quản lý trong giáo dục đại học (Governance and management in Higher Education Center – GOVMAN); Trung tâm Tâm trắc học ứng dụng (Applied Psychometrics Center – APSVN) và Trung tâm Hợp tác quốc tế và Tư vấn Du học INCOMAS (International cooperation and Consultancy for Study abroad INCOMAS Center).
Với lực lượng hiện tại của Viện, xin ông cho biết Viện nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam có những sở trường gì?
Giáo sư Lâm Quang Thiệp: Nghiên cứu giáo dục đại học bao trùm phạm vi rất rộng, chúng tôi mong muốn thu hút được trí tuệ của cộng đồng rộng lớn các giáo chức, các nhà quản lý từ các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài Hiệp hội triển khai hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, bằng các hoạt động trong nhiều năm qua, Viện chúng tôi cũng có tích lũy được nhiều hiểu biết trong một số vấn đề về quản trị và quản lý giáo dục đại học, về lĩnh vực đo lường và đánh giá trong giáo dục (tâm trắc học ứng dụng) và về tài nguyên học liệu mở.
Đặc biệt, trong lĩnh vực đo lường và đánh giá trong giáo dục, Viện chúng tôi sẵn sàng cung cấp các phần mềm giúp xây dựng các ngân hàng các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, các phần mềm cho phép đánh giá các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận bằng các các lý thuyết và công nghệ đánh giá hiện đại, cũng như phần mềm cho phép chấm thi trắc nghiệm và tự luận.
Các phần mềm nói trên đã được nhiều trường đại học, cao đẳng và phổ thông nước ta sử dụng rất hiệu quả. Kèm theo việc cung cấp các phần mềm, Viện chúng tôi còn tổ chức các khóa bồi dưỡng hỗ trợ xây dựng kỹ năng thành thạo trong việc viết câu hỏi trắc nghiệm và tự luận có chất lượng cao cho các trường đại học và cao đẳng. Trong lĩnh vực tài nguyên giáo dục mở, chúng tôi cũng có tổ chức các khóa tập huấn giúp sử dụng kho tài nguyên này trong việc giảng dạy và nghiên cứu trong giáo dục đại học.
Nhân dịp thành lập Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam, Giáo sư muốn nhắn nhủ gì với cộng đồng giáo dục đại học ở các trường đại học và cao đẳng nước ta?
Giáo sư Lâm Quang Thiệp: Như tôi đã nói, nghiên cứu giáo dục đại học bao trùm một phạm vi rất rộng các vấn đề, chỉ có sự cộng tác rộng rãi của các đồng nghiệp trong các trường đại học và cao đẳng thì mới mong đạt được thành công. Chúng tôi rất mong có sự cộng tác, đóng góp, trao đổi ý kiến của các đồng nghiệp ở các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng trong và ngoài Hiệp hội.
Các trao đổi ý kiến có thể thông qua các công cụ và phương tiện liên lạc của Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam. Điện thoại: 0934576688; Email: ihevn.edu@gmail.com; website: http://ihevn.edu.vn/.