Đại học để tăng trưởng
Giáo dục sau đại học không kịp đổi mới có thể trở thành rào cản cho mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Sức ép tuyển dụng nhân sự công nghệ trong ngành tài chính sắp tới sẽ tăng cao”, ông Kevin Tùng Nguyễn, sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành JobHopin, nói với NCĐT tại sự kiện Finovate Product Day. Kể từ năm 2017 đến nay, số lượng công ty fintech (công nghệ tài chính) ở Việt Nam đã cán mốc hơn 150, tăng hơn 250% so với 5 năm trước. Điều này đang đẩy cao nhu cầu tuyển dụng nhân sự, nhất là nhân sự công nghệ trong thời gian tới.
LỜI CẢNH BÁO TỪ WORLD BANK
Thật ra không chỉ nhân sự ngành công nghệ, nhân lực tiếp thị, vận hành thương mại điện tử cũng đang trong tình trạng cảnh báo khi chỉ mới 30% nguồn lực được đào tạo chính quy (thống kê của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương). Xu hướng này có thể khiến kế hoạch 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước… được đào tạo kỹ năng thương mại điện tử theo Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 khó hoàn thành.
Nhìn rộng ra, Chính phủ Việt Nam hiện đặt mục tiêu chuyển đổi kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao, một nền kinh tế số. Theo đó, Việt Nam sẽ sử dụng nguồn lao động tri thức, công nghệ để làm động lực nâng cao năng suất và tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh dân số sẽ già hóa nhanh chóng trong 20 năm tới.
Nhưng vấn đề ở chỗ, theo báo cáo “Giáo dục để Tăng trưởng” của World Bank năm 2022, Việt Nam khó có thể thực hiện được các mục tiêu kể trên với cơ cấu lao động có trình độ chỉ chiếm phần nhỏ trong bức tranh lao động hiện nay. Cụ thể, năm 2019 tỉ lệ dân số có bằng cao đẳng, đại học chỉ chiếm 10,2% dân số. Gần 90% còn lại là nhóm tốt nghiệp trung học trở xuống.
Hệ quả này đến từ nhiều lý do. Một trong số đó là thành công nhờ thu hút FDI của Việt Nam vào các mặt hàng xuất khẩu đem lại giá trị gia tăng thấp trong 20 năm qua. Điều này giúp tạo việc làm cho hàng triệu lao động nhưng cũng gián tiếp làm mất động lực theo học nâng cao của nhóm này. Thứ đến là việc kiểm soát đầu vào từ chính sách tuyển dụng tân sinh viên. Quyết định số 37 ban hành năm 2013 và hiện vẫn còn hiệu lực điều chỉnh giảm đáng kể tổng chỉ tiêu tuyển sinh từ 4,5 triệu xuống còn 2,2 triệu do các trường đại học hoạt động chưa tốt, ảnh hưởng đến chất lượng.
Báo cáo của World Bank khuyến nghị rằng, nếu Việt Nam muốn đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao, sẽ phải có hơn 3,8 triệu sinh viên Việt Nam theo học đại học, gần gấp đôi số sinh viên Việt Nam vào năm 2019. Thông điệp của World Bank rất rõ ràng về việc lao động Việt Nam cần phải làm chủ những lĩnh vực có trình độ cao.
Trong khi đó, theo dự báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến năm 2045, ước tính sẽ có khoảng 10 triệu việc làm mới được tạo ra, chủ yếu trong các ngành dịch vụ hiện đại và một số lượng việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất.
Ông Andree Mangels, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, cũng đánh giá công nghệ không ngừng thay đổi đồng nghĩa với yêu cầu liên tục cập nhật kỹ năng số cho người lao động. “Doanh nghiệp cần linh hoạt áp dụng các chương trình nâng cao kỹ năng, cũng như xây dựng một chiến lược đào tạo có tầm nhìn dài hạn sao cho người lao động có thể đảm nhiệm tốt những công việc hiện tại và cả những vị trí sẽ xuất hiện trong tương lai”, ông Andree Mangels nói.
KHOẢN ĐẦU TƯ CUỘC ĐỜI
Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Tiếp thị Haravan, đơn vị cung cấp nền tảng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, cho biết, kể từ năm 2020, Công ty đã hợp tác với các trường đại học để cung cấp các khóa đào tạo thương mại điện tử. “Nhiều doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chúng tôi cho biết họ rất khó tuyển người phù hợp”, ông Tấn nói. Chính vì thế, mục tiêu của các khóa đào tạo là giúp học viên cọ xát được kiến thức thực tế trong quá trình học tập. Công ty kỳ vọng sẽ kết nối đào tạo với khoảng 30 trường đại học, cao đẳng vào năm 2030.
Không chỉ Haravan, nhiều đơn vị công nghệ khác cũng đánh tiếng hợp tác với các trường đại học để đào tạo nhân lực. Thậm chí, nhu cầu này đã được khởi xướng từ hàng chục năm qua bởi nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng tình trạng thiếu nhân lực vẫn diễn ra, thậm chí ngày càng trầm trọng hơn. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đang giải quyết vấn đề từ ngọn, tức là đào tạo nhân sự ở các trường đại học. Trong khi lực lượng tham gia đại học, cao đẳng, tức phần gốc của vấn đề ngày càng mai một đi thì không có giải pháp nào kích cầu.
Cụ thể, báo cáo “Giáo dục để Tăng trưởng” của World Bank năm 2022 đang cho thấy số lượng sinh viên theo học cao đẳng, đại học có dấu hiệu chững lại từ năm 2019 vì nhiều gia đình đang phân vân với việc có nên cho con học lên nữa hay không. Học phí và tổng chi phí bình quân để theo học đại học đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010-2020. Lấy ví dụ, chỉ tính chi phí đi lại và ăn ở cho việc học đại học trong 1 năm đã tăng từ mức 143 USD (khoảng 3,5 triệu đồng) trong năm 2010 lên bình quân 559 USD (gần 14 triệu đồng) trong năm 2018.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê năm 2021, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực thành thị là 5,4 triệu đồng/tháng, còn nông thôn là xấp xỉ 3,5 triệu đồng/tháng. Đầu ra đại học, cao đẳng luôn là điều các gia đình quan tâm nhưng nguyện vọng này không dễ đáp ứng. Ông Nguyễn Việt Dũng, sáng lập GlobalNest, cho biết việc tìm đầu ra đã có nhiều trường tập trung giải quyết nhưng chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu việc làm như Đại học Phú Xuân (Huế) hứa hẹn sẽ giới thiệu sinh viên tốt nghiệp cho một số ngành như khách sạn…
Một số thì giới thiệu luôn vào hệ sinh thái của tập đoàn như Nova College mở ngành quản lý sân golf và môi giới bất động sản. Mô hình đảm bảo đầu ra nổi tiếng nhất hiện nay là FPT vì có hệ sinh thái công nghệ thông tin nhưng sự bảo đảm không cao (lương khởi điểm từ 6-10 triệu đồng tùy vị trí).
Nhìn chung, việc đảm bảo đầu ra rất khó vì phụ thuộc rất lớn vào bản thân trường phải có đủ năng lực và hệ sinh thái. Ngay cả các trường có tiếng như Đại học Bách Khoa Hà Nội hay Đại học Bách Khoa TP.HCM chỉ cam kết ở mức độ cao chứ không đảm bảo 100%. Chi phí đầu tư ngày càng cao trong bối cảnh thu nhập không thể theo kịp, suất sinh lời của giáo dục sau phổ thông lại có xu hướng giảm trong giai đoạn 2010-2020. Có con theo học sau phổ thông đồng nghĩa với việc gia đình đó không chỉ mất đi vài năm thu nhập người đó tạo ra mà còn tăng thêm chi phí đầu tư cho giáo dục. Số người đi học càng nhiều, gánh nặng gia đình càng lớn.
Đã vậy, Việt Nam hiện có rất ít học bổng và các chương trình vốn vay dành cho giáo dục đại học. Cho đến nay, Chương trình vốn vay sinh viên của Ngân hàng Chính sách Xã hội là hình thức duy nhất để hỗ trợ sinh viên. Tuy nhiên, với mức phân bổ 1,6% tổng chi cho giáo dục đại học từ Chính phủ là quá ít. “Đầu tư đại học luôn là vấn đề các gia đình cân nhắc. Khi kinh tế thuận lợi thì người ta vẫn cố gắng theo. Nhưng khi bây giờ mọi thứ khó khăn hơn, người ta phải đưa ra những lựa chọn cụ thể”, ông Dũng nói.
ĐẠI HỌC CẦN TIỀN
Trong khi người học đang giảm dần vì thiếu tự tin vào suất đầu tư sau phổ thông thì phía cung, tức các trường đại học, cao đẳng lại không thể đa dạng nguồn thu để có thể tạo ra những chương trình thu hút sinh viên. Theo ông Dũng của GlobalNest, trên thế giới, các trường đại học có 3 dạng nguồn thu. Đầu tiên là ngân sách cho nghiên cứu, các trường đại học ở Mỹ (thường nghiên cứu những ngành có yếu tố thương mại và quốc phòng) và Anh (tập trung các ngành tài chính, kỹ thuật) có nguồn thu rất lớn từ việc này. Đại học càng danh giá hay càng hiệu quả về nghiên cứu thì mức ngân sách nhận được càng cao và càng có cơ hội thu hút các nhân tài hơn.
Nguồn thu thứ 2 đến từ việc phối hợp nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Ở Việt Nam, một số trường đã và đang đi theo con đường này như Nông lâm, Y, Kinh tế hoặc Bách Khoa nhưng vẫn cần thời gian để cải thiện năng lực.
Cuối cùng là nguồn thu đến từ học phí và thương hiệu. Ví dụ như Harvard vừa qua đã tổ chức học trực tiếp, có nghiên cứu được xuất bản trên Harvard Business Review… Ở Việt Nam chỉ mới có nguồn thu từ chính khóa chứ chưa có nhiều đến từ các sản phẩm phái sinh như xuất bản nội dung, tài liệu hay các khóa học ngắn hạn (đào tạo cấp chứng chỉ). “Từng có thời gian rộ lên trào lưu học văn bằng hai tại chức đến từ các nhân viên làm việc liên quan đến Nhà nước muốn có bằng cấp chính khóa. Tuy vậy, các khóa này có chất lượng đào tạo và đầu vào học viên khó kiểm soát”, ông Dũng nói.
ổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học giảm đáng kể từ 4,5 triệu xuống còn 2,2 triệu.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học giảm đáng kể từ 4,5 triệu xuống còn 2,2 triệu. Ảnh: RMIT.
Nguồn vốn cấp cho các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam chủ yếu đến từ ngân sách. Từ năm 2004-2019, nguồn lực của Chính phủ phân bổ cho ngành giáo dục bình quân bằng 5% GDP và 15-18% tổng chi tiêu. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực giáo dục sau phổ thông (giáo dục đại học gồm các trường đại học, sư phạm và giáo dục sau trung học ngoài đại học gồm các cơ sở giáo dục nhà nước) được nhận tỉ lệ phân bổ nguồn vốn của Nhà nước rất thấp.
Trong năm 2019, tỉ lệ chi tiêu cho giáo dục sau phổ thông chỉ ở mức 0,6% GDP. So với các quốc gia khác là rất thấp như Hàn Quốc chi tiêu công ở mức 0,9% với số GDP lớn hơn nhiều cho giáo dục sau phổ thông, còn Malaysia là 0,82% GDP. Việc không thể đa dạng nguồn thu gây cản trở quá trình mở rộng và cải thiện chất lượng giáo dục sau phổ thông cũng như phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Dù rằng thời gian qua số lượng trường đại học tư nhân mở ra rất nhiều nhưng việc cải thiện chất lượng đào tạo chưa phản ánh rõ nét, yếu tố rõ ràng nhất có thể thấy được là làm tăng thêm chi phí đầu tư giáo dục.
Các chương trình, hợp tác quốc tế chỉ giới hạn chủ yếu trong “vay mượn” chương trình học. Theo World Bank, thước đo dễ dàng nhất để phản ánh việc đào tạo giáo dục đại học của một quốc gia hiệu quả là bảng xếp hạng các trường đại học trên bản đồ thế giới. Theo 3 thứ hạng toàn cầu về các trường đại học, Việt Nam hiện có mặt trong nhóm 1.000 trường đại học nhưng nằm ở nhóm cuối bảng.
Lấy ví dụ, năm 2021, bảng xếp hạng đại học thế giới của Quacquarelli Symonds có cả Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội trong nhóm 801- 1.000. Trong bảng xếp hạng của các trường đại học thế giới Academic Ranking of World Universities (ARWU) (còn được biết đến với tên Bảng xếp hạng Thượng Hải) năm 2020, Đại học Tôn Đức Thắng được đưa vào danh sách nhóm 701-800.
Thứ đến là chỉ tiêu về chuyển giao công nghệ thể hiện sự đóng góp của các trường đại học Việt Nam cho hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Chỉ số này của Việt Nam đặc biệt thấp, ở mức 2 bằng sáng chế trên một triệu dân vào năm 2020, thấp hơn so với Thái Lan (8), Trung Quốc (344).
CÂN BẰNG CUNG – CẦU
Giáo dục đại học ngày nay trở thành yếu tố cạnh tranh cốt lõi của mỗi quốc gia, không những cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vì vậy, mọi đổi mới trong lĩnh vực này đều phải hướng đến mục tiêu không chỉ mở rộng quy mô mà còn tập trung nâng cao chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế.
Để cân đối bài toán cung cầu trong giáo dục, Hàn Quốc có thể là bài học mà Việt Nam tham khảo khi có đến 70% người dân ở độ tuổi lao động chính từ 24-35 tuổi đã hoàn thành chương trình giáo dục bậc cao (có thể là bằng đại học hoặc cao hơn trong trường đại học, đã hoàn thành chương trình bách khoa ngắn hạn, hoặc tương đương).
Để mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục bậc cao, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành hệ thống chỉ tiêu tốt nghiệp của các trường đại học nhằm tiếp nhận thêm sinh viên và chỉ cho phép những người đủ điều kiện mới được tốt nghiệp. Chính phủ đã mở rộng cơ hội nhập học tại các trường đại học, đồng thời hỗ trợ cho các trường đại học về cơ sở vật chất.
Chi đầu tư cho giáo dục đại học tại Việt Nam vẫn ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực. Ảnh: Quý Hoà
Chi đầu tư cho giáo dục đại học tại Việt Nam vẫn ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực. Ảnh: RMIT.
Chính sách này đã tạo ra nguồn nhân lực chất lượng và dồi dào làm đầu vào cho các chính sách giáo dục bậc cao bắt đầu từ năm 1997 đến nay. Những doanh nghiệp ở các ngành công nghiệp trọng điểm sau khi thừa hưởng nguồn nhân lực chất lượng cao cũng bắt đầu phát huy vai trò trong giai đoạn này bằng cách tiếp sức cho các chương trình nghiên cứu cấp quốc gia.
Việt Nam đang ở giai đoạn 3, tức là dựa vào tri thức để tạo ra các đột phá và nâng cấp công nghệ cho những thập kỷ tới. Theo World Bank, đầu tiên Việt Nam cần có một cơ quan quản lý tập trung và thống nhất toàn bộ hệ thống nghiên cứu và giáo dục đại học. Việc quản lý giáo dục đại học và dạy nghề, kỹ thuật thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhưng sự phối hợp ở cấp bộ và sự kết nối với các trường vẫn còn ít.
Thứ đến, đầu tư tư nhân vào giáo dục đại học vẫn cần thiết. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ tháng 7/2019 chưa nêu rõ cách thành lập cơ sở giáo dục tư nhân và nhiều bất hợp lý trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp liên quan đến việc bảo vệ nhà đầu tư. Thủ tục xin giấy phép thành lập và hoạt động của cơ sở giáo dục tư nhân còn rườm rà.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết chi đầu tư cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng đang ở mức thấp, vô hình trung tạo ra sự bất bình đẳng và thiếu minh bạch trong môi trường đầu tư, phát triển, xã hội hóa giáo dục bậc cao. Điều này dẫn đến thiếu động lực và khả năng mở rộng thu hút đầu tư tư nhân lẫn đầu tư nước ngoài cho giáo dục, nhất là giáo dục bậc cao.
Về phần mình, ông Dũng của GlobalNest cho rằng các trường tư lẫn công lập phải chú ý các yếu tố sau đây để thu hút người học. Đầu tiên là vị trí và cơ sở vật chất, việc di chuyển quá xa hoặc cơ sở vật chất tệ là bất lợi trong việc thu hút sinh viên lẫn giáo viên, chuyên gia giáo dục. Các trường nên cân nhắc việc mở nhiều cơ sở nhỏ bên trong nội thành vì trải nghiệm của “thời sinh viên” không chỉ đến từ giảng đường.
Thứ 2 là chất lượng giảng dạy nên nghiêng về thực làm nhiều hơn bằng cách thuê các chuyên gia tham gia giảng dạy. Thứ 3 là tăng khả năng liên kết giữa trường và các đối tác doanh nghiệp, nhà tuyển dụng như Bách Khoa Hà Nội và RMIT đang làm rất tốt để tăng thêm cơ hội cho sinh viên tìm được việc làm sau tốt nghiệp. Và cuối cùng là phát triển thêm việc học song bằng hoặc học liên thông nước ngoài, du học tại chỗ và chú trọng việc gắn kết các cựu sinh viên thành danh với hình ảnh của trường. “Việc học bây giờ đối với người học không còn là việc mua nội dung và bằng cấp mà còn là mua dịch vụ và trải nghiệm”, ông Dũng nói.
Nhìn chung, Việt Nam cần có các chính sách đột phá trong đầu tư giáo dục sau phổ thông trong thời gian tới vì nếu không, báo cáo của World Bank chỉ ra rằng trong 2 thập kỷ tới, tỉ lệ lực lượng lao động có trình độ cao đẳng, đại học là dưới 15%. Hay nói cách khác, các vấn đề do thiếu hụt nhân lực hôm nay vẫn sẽ hiện diện vào năm 2050 và mục tiêu đi xây dựng đội ngũ tri thức tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế sẽ khó thực hiện được.
“Để duy trì tăng trưởng kinh tế, Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng ít nhất 2-3% mỗi năm, phản ánh hiệu suất lao động cao. Việc này có thể được thực hiện bằng cách đầu tư vào giáo dục, một phần quan trọng của đầu tư và cải cách tổng thể, cũng là sự cần thiết cho sự phát triển lâu dài”, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam, nhận định.