Các đại học tăng chia sẻ, bởi cơ chế “khó”; Hội đồng trường cần năng lực để tự chủ thực chất

Ngày 17/06/2021
  • Giáo Sư Hoàng Văn Cường Đại biểu Quốc hội khoá XV. Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Luật pháp quy định rõ Hội đồng trường là cơ quan đại diện của chủ sở hữu, nghĩa là Hội đồng trường gần như thay thế vai trò của cơ quan chủ quản trước đây.

Tuy nhiên vấn đề hiện nay là chúng ta đang mắc kẹt chưa có một cơ chế để phân định rõ ràng về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản (cơ quan quản lý trực tiếp) và các cơ quản lý nhà nước chuyên ngành với Hội đồng trường. Sự mập mờ giữa quyền của bộ chủ quản với quyền của Hội đồng trường dẫn đến việc cơ quan chủ quản vẫn đang can thiệp trực tiếp, can thiệp sâu vào những việc mà đáng ra Hội đồng trường phải được quyền quyết định.

Những phân định không rõ ràng về cơ chế này dẫn đến “sói mòn” năng lực Hội đồng trường đứng trước yêu cầu tự chủ thực chất, mô hình Hội đồng trường trong tình thế mới mẻ.

Trong bối cảnh khó khăn về cơ chế, mô hình Hội đồng trường còn mới mẻ, để tăng năng lực của Hội đồng trường thì cần tăng cường chia sẻ giữa các trường đại học. Các trường cần trao đổi, học tập, chia sẻ với nhau để hoạt động của Hội đồng trường đi vào thực chất và cơ sở giáo dục đại học được tự chủ thực sự.

Rất cần Nâng cao năng lực của chính Hội đồng trường.

Theo Giáo sư Hoàng Văn Cường Đại biểu Quốc hội khoá XV Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: bên cạnh vấn đề khung pháp lý chưa rõ ràng thì năng lực của Hội đồng trường, của thành viên trong Hội đồng trường vẫn còn hạn chế. Đây cũng là lý do khiến thực tiễn hoạt động của Hội đồng trường còn nhiều khó khăn.

Hội đồng trường là một mô hình mới, trong khi cơ chế chưa rõ ràng thì mô hình này lại chưa có khuôn mẫu, lãnh đạo và thành viên trong Hội đồng trường đều chưa có kinh nghiệm. Người trong Hội đồng trường chưa có kinh nghiệm điều hành trường, chưa qua vị trí nào trong Ban giám hiệu thì làm việc vô cùng khó khăn.

Đó là chưa kể, bộ máy tổ chức trong Hội đồng trường cũng chưa đủ các bộ phận chuyên môn để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình.

Hội đồng trường quyết định các vấn đề liên quan đến tài chính ngân sách thì ít nhất bộ máy này phải đủ năng lực để nắm được, giám sát được hoạt động tài chính; vấn đề kiểm toán, kiểm tra hoạt động tài chính thế nào đòi hỏi phải có bộ máy làm được nhiệm vụ đó. Nhưng thực tế, đa số Hội đồng trường hiện nay vẫn chưa có khả năng này.

Giáo sư Hoàng Văn Cường nhận định, muốn có một bộ máy Hội đồng trường đủ năng lực và hoạt động hiệu quả thì Chủ tịch Hội đồng trường – người nắm vai trò lãnh đạo phải có kinh nghiệm quản lý, điều hành trường và nên là những người từng kinh qua vị trí Ban giám hiệu.

Nếu thiếu kinh nghiệm quản lý thì người đứng đầu Hội đồng trường sẽ rất khó khăn để điều hành một bộ máy, một mô hình mới như vậy. Hơn nữa đây lại là cơ quan quan trọng, có nhiệm vụ định hướng, thực hiện triển khai mọi hoạt động của trường.

Kinh nghiệm quản lý khác với độ tuổi

không nên quy định, giới hạn độ tuổi của Chủ tịch Hội đồng trường và các thành viên. Có thể là từ Hiệu trưởng sang vị trí Chủ tịch Hội đồng trường, tiêu chí về kinh nghiệm quản lý là quan trọng nhất chứ không phải độ tuổi.

Một điều không kém phần quan trọng là phải có bộ máy độc lập của Hội đồng trường.

Bộ máy độc lập của Hội đồng trường phải có ít nhất hai ban là Ban Tài chính và Ban chiến lược phát triển.

Hội đồng trường muốn thẩm định vấn đề tài chính mà lại sử dụng Phòng Tài chính thì không còn độc lập, minh bạch, rõ ràng. Ban Tài chính của Hội đồng trường quản trị tất cả những vấn đề liên quan đến tài chính, tài sản, vật chất. Phải đảm bảo giám sát được việc thực thi ở Ban giám hiệu.

Tương tự, Ban chiến lược phát triển cũng có nhiệm vụ xem xét, giám sát toàn bộ hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của nhà trường.
(Tóm lược ý chính về Hội đồng trường bằng góc nhìn của một chuyên gia xây dựng pháp luật và kinh nghiệm lãnh đạo quản lý một trường đại học lớn. Trả lời Báo giáo dục.net)

Ban TT – SV