Các chuyên gia giáo dục khuyến nghị Quy chế 18 mới, nếu cần thì điều chỉnh cho phù hợp
Ảnh TS. Lê Viết Khuyến PCT Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN (phải), GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội (trái)
Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (gọi tắt là Quy chế 2021) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa mới ban hành đã gây tranh luận gay gắt về tiêu chuẩn đầu ra về chuyên môn và ngoại ngữ, tính hội nhập quốc tế.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH,CĐ VN cho rằng, trong các trình độ đào tạo của bậc giáo dục đại học (cao đẳng, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) thì tiến sĩ là trình độ cao nhất trong thang trình độ quốc gia Việt Nam, bậc 8/8.
Trong Luật Giáo dục đại học cũng như các văn bản dưới luật đều quy định đào tạo tiến sĩ chỉ có 1 loại đó là theo hướng nghiên cứu còn các bậc học thấp hơn thì có cả hướng nghiên cứu và ứng dụng. Vì vậy, Bộ Giáo dục đào tạo nên lắng nghe ý kiến từ các học giả, nhà khoa học và các cơ sở giáo dục đại học để phân tích, tiếp thu, nếu cần thì cần điều chỉnh cho phù hợp.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên quy định chuẩn chung, các trường đại học khác có thể quy định cao hơn, vì hiện nay tự chủ đại học và Quy chế mới như vậy là phù hợp.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng Quy chế 2021 vừa ban hành có những điểm tiên quyết về chuẩn chất lượng và ngoại ngữ như Quy chế 2017 đã bị hạ thấp. Cụ thể, Quy chế mới bỏ hoàn toàn yêu cầu yêu cầu về công bố quốc tế với nghiên cứu sinh, cũng như thầy hướng dẫn và thành viên hội đồng. Chuẩn đầu ra của Quy chế cũ 2017 cũng chưa phải là cao so với khu vực, chỉ yêu cầu phải có tối thiểu 1 bài trên tạp chí ISI, hoặc 2 bài trên tạp chí quốc tế có phản biện (chưa yêu cầu phải ISI/Scopus), hoặc 2 bài đăng Kỷ yếu hội thảo quốc tế, viết bằng tiếng nước ngoài có phản biện. Chuẩn đầu ra của Quy chế mới lạc hậu, quay trở về như Quy chế tiến sĩ cách đây hơn 20 năm về trước.
Thứ hai là, là yêu cầu về ngoại ngữ, theo quyết định khung trình độ quốc gia do Thủ tướng ban hành, Tiến sĩ phải có trình ngoại ngữ tương đương bậc 4/6 (B2), Quy chế mới quy định điểm TOEFL iBT 46 điểm là quá thấp (B2 phải tối thiểu 72 điểm). Quy chế 2017 cũng yêu cầu nếu nghiên cứu sinh có ngoại ngữ khác đã đạt chuẩn B2, thì vẫn phải giao tiếp được bằng tiếng Anh, Quy chế 2021 bỏ hẳn đi.Giáo sư nguyễn Đình Đức băn khoăn, nếu quy chế mới quy định chuẩn đầu ra thấp như thế, sau 5 hay 10 năm tới, khi lứa tiến sĩ này tốt nghiệp, liệu chất lượng phó giáo sư, giáo sư của chúng ta sẽ như thế nào? Điều này có thể gây ra hệ lụy cho chất lượng đào tạo đại học và sau đại học của Việt Nam. Quy chế 2017 đang thực hiện, chưa hết một khóa đào tạo, cũng chưa có tổng kết đánh giá.
Ngày nay, công bố trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín vẫn là tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực và trình độ nghiên cứu của nhà khoa học. Không có công bố quốc tế, các trường đại học sẽ không có nội hàm để tham gia xếp hạng đại học và hội nhập. Mà thực tiễn trên thế giới cho thấy nghiên cứu sinh chính là lực lượng quan trọng thực hiện các ý tưởng của các giáo sư hướng dẫn và qua đó thúc đẩy công bố quốc tế của các trường.
Vì vậy, yêu cầu ngoài công bố trên các tạp chí trong nước, nghiên cứu sinh, giáo sư, phó giáo sư nhất định phải có công bố quốc tế. Công bố quốc tế trên các tạp chí ISI/scopus có uy tín vừa xem như một điều kiện cần, một công cụ quan trọng đánh giá khách quan chất lượng luận án tiến sĩ, nâng cao chất lượng đội ngũ, còn có ý nghĩa góp phần quan trọng thúc đẩy sự hội nhập quốc tế của khoa học và giáo dục đào tạo của Việt Nam.
Do đó, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng, Bộ Giáo dục đào tạo nên cân nhắc và tiếp thu ý kiến tâm huyết và trách nhiệm của các nhà khoa học, sửa đổi Quy chế vừa ban hành cho phù hợp hơn.