Bước chuyển mình của giáo dục đại học Việt Nam
Quy hoạch mạng lưới trường đại học cần tiến hành càng sớm càng tốt đối với hệ thống trường công để bảo đảm đầu tư có hiệu quả.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục đại học đã hội nhập theo chuẩn mực của quốc tế; đã có sự đột phá về chất lượng và có sự chuyển mình mạnh mẽ về chương trình đào tạo, cơ cấu nguồn nhân lực.
Trước thành công đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) để cùng nhìn lại thay đổi của giáo dục đại học Việt Nam, từ đó đề nghị hướng triển khai, thực hiện.
Được biết, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam từng có bản kiến nghị về tái cấu trúc hệ thống giáo dục cho các thập niên đầu thế kỷ XXI gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Xin ông chia sẻ, nếu muốn có được đội ngũ nhân lực chuẩn bị cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì chiến lược giáo dục của chúng ta cần đi theo nguyên tắc nào?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Theo tôi, chúng ta phải thực hiện một số bước theo nguyên tắc sau:
Thứ nhất, giáo dục đi trước một bước (mặc dù phải chấp nhận nguồn lực hạn hẹp) để tạo ra nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển (kể cả tạo điều kiện thuận lợi để gọi vốn đầu tư). Nhờ vậy ngân sách Nhà nước mới tăng, kéo theo tăng ngân sách cho giáo dục….
Với các bước đi như vậy nên không thể có một lời giải đúng đắn duy nhất mà chỉ có một loạt những lời giải tối ưu cho từng thời gian khác nhau đối với bài toán quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo của Việt Nam.
Thứ hai, hiện nay cũng như trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo không nên tập trung mọi nỗ lực nhằm thoả mãn tối đa các mục tiêu dân trí.
Do đó cần xem xét lại cơ chế phân bổ ngân sách giáo dục và nguồn lực huy động từ xã hội theo hướng ưu tiên đầu tư đồng thời vào 2 mục tiêu: Phổ cập giáo dục cơ bản (bao gồm giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở) và đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề (bao gồm các trình độ đào tạo sau đại học, đại học, cao đẳng thực hành và trung học nghề). Phải triển khai phân luồng triệt để học sinh từ sau bậc trung học cơ sở.
Thứ ba, trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp Nhà nước phải có cơ chế chính sách rõ ràng để định hướng cho sự phát triển hài hòa và ổn định của toàn hệ thống giáo dục đại học và chuyên nghiệp, thông qua phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp và hiệu quả của toàn hệ thống, đặc biệt đối với khu vực trường trực thuộc Trung ương (nhận ngân sách giáo dục Nhà nước), trên cả 2 phương diện: mạng lưới trường và quy trình đào tạo.
Thiết lập cơ chế mở, liên thông đào tạo, kiên quyết xoá bỏ tình trạng khép kín, cát cứ, tư tưởng cục bộ ở từng trường hoặc từng ngành, từng lĩnh vực trong hệ thống.
Thứ tư, trong lĩnh vực quản lý giáo dục đại học cần kiên quyết xóa bỏ ngay cơ chế “xin – cho”, thực hiện quyền tự chủ – tự chịu trách nhiệm xã hội thực sự của các cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở thiết lập cơ chế “hội đồng trường đích thực”, tiến tới xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản”.
Cần có chính sách lôi cuốn các tổ chức xã hội – nghề nghiệp tham gia giám sát các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện các chuẩn mực (trong đó có các chuẩn mực chất lượng) được Nhà nước quy định.
Thứ năm, thực hiện triệt để chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng. Đối với lĩnh vực giáo dục đại học, Nhà nước cần sớm làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, cơ chế chính sách phù hợp… như đã nêu tại Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI.
Đồng thời Nhà nước cần có chủ trương thực sự khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học không vì lợi nhuận, hoàn thiện quy chế trường đại học tư không vì lợi nhuận và các chế độ chính sách ưu đãi cụ thể cho các cơ sở giáo dục đại học loại này.
Ông có nhắc đến “bài toán quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo của Việt Nam”, vậy chúng ta nên quy hoạch mạng lưới các trường đại học theo hướng nào, thưa ông?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Đây không phải là lần đầu tiên Đảng và Nhà nước đưa ra chủ trương quy hoạch mạng lưới các trường đại học mà đầu những năm 90 của thế kỷ trước vấn đề này đã được đặt ra.
Cụ thể, theo chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngày 17/3/1992, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân đã có tờ trình Hội đồng Bộ trưởng về quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng trên quy mô toàn quốc. Lúc đó, các nhóm chuyên gia khác nhau của Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng được 4 phương án sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học và cao đẳng trên quy mô toàn quốc.
Có thể gộp các phương án thành 2 nhóm: Nhóm 1 (bao gồm các phương án 1, 2, 3) được thiết kế theo nguyên tắc sáp nhập các trường đại học và cao đẳng có ngành nghề đào tạo gần giống nhau và nằm trên cùng một địa bàn để hình thành những cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành lớn hơn.
Nếu thực hiện quy hoạch trường theo phương án này, chúng ta sẽ có một hệ thống các trường gần giống với hệ thống trường đã có trong những năm 60, khi chưa xảy ra chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, tức là hệ thống trường được thiết kế cho nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Nhóm 2 (phương án 4) được thiết kế theo quan điểm hoàn toàn mới xuất phát từ: Thực tế chỉ đạo triển khai quy trình đào tạo mới ở các trường đại học; Kết quả sơ bộ của giai đoạn 1 đề án nghiên cứu tổng thể giáo dục (VIE-89/022); Kinh nghiệm giáo dục đại học của các nước phát triển và các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mạng lưới đại học và cao đẳng được sắp xếp lại theo phương án này nhằm đạt những mục tiêu sau: Một là, bảo đảm tính hợp lý về đầu mối và quy mô của cơ sở đào tạo để tăng hiệu quả của các nguồn đầu tư, hiệu quả sử dụng cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu, cơ sở vật chất và rút bớt biên chế đội ngũ cán bộ nhân viên hành chính sự nghiệp.
Hai là, bảo đảm thuận lợi cho việc hình thành một hệ thống giáo dục đa dạng, đa cấp đáp ứng yêu cầu nhân lực toàn diện cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ba là, mạng lưới và hệ thống pháp quy kèm theo sẽ tạo được mối quan hệ hữu cơ giữa các cơ sở đào tạo với nhau nhằm phá vỡ thế khép kín ở từng trường, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo, tạo điều kiện để sử dụng chung có hiệu suất cao đội ngũ cán bộ giảng dạy giỏi và thiết bị tốt.
Mạng lưới mới cũng sẽ giúp để thực hiện tốt việc quản lý hệ thống (vừa đảm bảo hiệu lực của quản lý nhà nước vừa phát huy được tính năng động của cơ sở).
Bốn là, tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường gắn liền với xã hội, bám sát các địa bàn phục vụ, gắn bó với các cộng đồng dân cư và trên cơ sở đó, huy động được sự tham gia đóng góp của toàn xã hội cho ngành.
Năm là, tạo thuận lợi cho việc trao đổi hợp tác quốc tế nhờ có những trường đại học lớn tương xứng về quy mô và chất lượng đào tạo so với các trường đại học của các nước trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung.
Sau khi xem xét kỹ những điểm mạnh và yếu của từng phương án, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức lựa chọn phương án 4 để trình Hội đồng Bộ trưởng và đã được chấp nhận.
Sau gần 30 năm, theo ông phương án 4 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ đến nay có thể áp dụng được không?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Tất nhiên là có chứ, chúng ta cần phải sáp nhập các trường thành các đại học đa lĩnh vực như mô hình phổ biến của thế giới, thành lập mới các trường đại học công nghệ, trường đại học và cao đẳng địa phương/cộng đồng.
Cùng với đó là xây dựng lại hệ thống chương trình đào tạo hợp lý, trong đó cấp đại học phải được đào tạo theo diện rộng, chú trọng thích đáng đến phần giáo dục đại cương giúp hình thành nhân cách toàn diện cho người học. Như vậy, sau khi sáp nhập thành các đại học, cần bố trí hợp lý các trường đại học thành viên.
Trong đại học còn có cả các viện nghiên cứu. Ngoài các đại học, đối với một số ngành đào tạo có tính đặc thù cao hoặc gắn bó chặt chẽ với sự đổi mới công nghệ thường xuyên vẫn có thể tồn tại một số trường đại học, học viện đơn ngành hoặc theo nhóm ngành hẹp do các bộ ngành tương ứng quản lý trực tiếp.
Ông có đưa ra khái niệm “đại học” (University). Theo ông, loại hình trường đa lĩnh vực này đã phát triển ra sao ở nước ta trong thời gian qua?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Trước tiên tôi phải khẳng định, đại học không phải là một cơ quan quản lý trung gian mà thực chất là một đơn vị đào tạo thật sự quan trọng, được lập ra trên cơ sở hợp nhất hàng loạt trường đại học và viện nghiên cứu khoa học để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống, bảo đảm hiệu suất đào tạo cao, thích ứng với một xã hội có nền kinh tế thị trường.
Nhưng 5 đại học đa lĩnh vực (bao gồm 2 Đại học Quốc gia và 3 Đại học vùng) của ta hiện nay chưa thể hiện được sức mạnh tổng hợp của mình như những đại học đa lĩnh vực đích thực, chúng chỉ là những liên hiệp lỏng lẻo của các trường đại học chuyên ngành.
Muốn các đại học đa lĩnh vực thực sự trở thành những “quả đấm thép” của giáo dục đại học Việt Nam thì Nhà nước cần quy định cụ thể các tiêu chí của loại hình đại học và nếu trường nào đạt được các tiêu chí đó thì đương nhiên được mang danh hiệu “đại học”.
Ngoài ra, nhà nước hiện đang chủ trương khuyến khích tự chủ đại học. Theo thông lệ chung của thế giới thì các đại học đa lĩnh vực phải là những cơ sở giáo dục đại học được trao quyền tự chủ sớm nhất.
Đồng thời, việc trao quyền tự chủ cho các đại học đa lĩnh vực nói riêng và các trường đại học nói chúng phải đi cùng với việc xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản”.
Một khi bỏ được cơ chế “bộ chủ quản” và trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các đại học đa lĩnh vực thì các trường thành viên sẽ xóa được ấn tượng về “hai cấp bộ chủ quản” gây khó cho hoạt động của họ. Nhà nước cần sớm phê chuẩn quy chế về tổ chức và hoạt động riêng cho từng đại học đa lĩnh vực.
Trong các quy chế này cần thể hiện rõ ràng quyền tự chủ toàn diện của đại học đa lĩnh vực, cần khẳng định tính toàn vẹn, thống nhất của đại học đa lĩnh vực trên mọi mặt. Đặc biệt là trong hoạt động đào tạo.
Và vấn đề quản lý trong mô hình tổ chức đào tạo của một đại học đa lĩnh vực cần được nhà nước quy định cụ thể và tùy thuộc vào các điều kiện như: chế độ phân cấp tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo, thực hiện đào tạo đại học theo diện rộng hay diện hẹp…
Từng là Vụ phó Vụ Giáo dục đại học từ năm 1988 đến 2007 rồi chuyển sang làm việc ở Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, theo ông, khi thực hiện Đề án “Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm” cần lưu ý điều gì?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên là hình ảnh thu hẹp của mạng lưới các trường đại học, cao đẳng do đó việc quy hoạch hệ thống trường sư phạm trong giai đoạn hiện nay là cấp bách, nhưng theo hướng tập trung chỉ vào một vài đại học sư phạm trọng điểm là không nên.
Hiện nay, nhu cầu giáo viên ở mỗi địa phương là khác nhau, có tỉnh thừa nhưng cũng có tỉnh thiếu. Vì vậy, phương án tập trung cho 8 -10 trường sư phạm trọng điểm chỉ mang tính chất cục bộ.
Xét về lịch sử của hệ thống sư phạm Việt Nam cho thấy, lâu nay, các đại học sư phạm đào tạo chủ yếu là giáo viên cấp trung học phổ thông, còn giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở lại chủ yếu do các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương đào tạo vì yêu cầu về trình độ chuẩn của giáo viên nhóm này chỉ ở mức cao đẳng và trung cấp.
Trong khi các trường cao đẳng sư phạm có bề dày kinh nghiệm đào tạo giáo viên các bậc học này hơn hẳn trường đại học.
Vậy tại sao lại bỏ qua nhóm trường này? Số phận, bề dày kinh nghiệm 50-60 năm đào tạo của các trường này sẽ ra sao?
Hơn nữa, các trường cao đẳng sư phạm vốn dĩ đã và đang đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của địa phương do đó nếu để xảy ra tình trạng thừa – thiếu giáo viên thì địa phương phải chịu trách nhiệm, còn nhà nước chỉ nên đưa ra chuẩn về chất lượng chứ không nên can thiệp vào chỉ tiêu của từng trường.
Chỉ khi nào chất lượng đào tạo của trường kém thì nhà nước mới cần hỗ trợ hoặc có chế tài cụ thể. Nếu muốn nâng cấp trình độ giáo viên ở các bậc học dưới trung học phổ thông, cần nâng cấp trường cao đẳng lên thành đại học sư phạm.
Chuyện này dễ dàng hơn nhiều so với việc giải tán các trường cao đẳng và là việc nên làm để phát triển giáo dục. Ví dụ ở Phần Lan, giáo viên tiểu học cần đạt tối thiểu trình độ thạc sĩ. Và tôi không ủng hộ đề nghị đưa cao đẳng sư phạm trở thành cơ sở thực hành, bồi dưỡng giáo viên. Bởi bồi dưỡng giáo viên là nhiệm vụ của trường đại học.
Hơn nữa, các đại học trọng điểm cần tập trung đào tạo trình độ sau đại học như thạc sĩ, tiến sĩ vì trường cao đẳng không thể làm được.
Để làm điều đó, thay vì để đại học sư phạm tập trung đào tạo cử nhân sư phạm, cần giảm chỉ tiêu đại học và tăng chỉ tiêu đào tạo sau đại học của chúng.