Bài học “phản tỉnh” về trách nhiệm kỳ thi quốc gia cần diễn ra nghiêm túc.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dù có nhiều giải pháp kỹ thuật, nhưng yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Dù quy chế chưa bắt buộc, nhưng kinh nghiệm là khi lựa chọn cán bộ, các địa phương nên phối hợp với lực lượng công an để xác minh, lựa chọn được những cán bộ tốt nhất tham gia tổ chức kỳ thi. Trong quá trình tập huấn công tác tổ chức thi, thanh tra thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nâng cao yêu cầu, đòi hỏi mỗi cán bộ được lựa chọn tham gia kỳ thi phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục có thái độ kiên quyết, nghiêm minh trong xử lý tiêu cực.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường ĐH,CĐ VN
Lãnh đạo các địa phương cũng nên tập trung, tránh lơ là trong công tác tổ chức thi, cần nhìn vào hình ảnh người thầy tay còng, đầu cúi trước những phiên tòa xét xử làm bài học nhãn tiền chua xót.
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, để tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, vai trò của người đứng đầu các địa phương rất lớn bởi hiện nay khâu tổ chức kỳ thi đã phân cấp cho địa phương. “Nếu kỳ thi có vấn đề, tỉnh tổ chức thi, thì người đứng đầu tức là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm không chỉ là cảnh cáo, khiển trách mà thậm chí là xử lý hình sự. Biện pháp cứng rắn như vậy thì ắt sẽ nghiêm minh”.
Bài học phản tỉnh đã từng diễn ra trước đây trong bối cảnh vụ gian lận thi cử rúng động năm 2018 được xét xử và rất nhiều cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi đã vướng vòng lao lý. Đây là “sự phản tỉnh” để ngành giáo dục, các địa phương thể hiện trách nhiệm với học sinh cả nước, để kỳ thi có quy mô quốc gia nhất định phải diễn ra nghiêm túc. Ngành Giáo dục- Đào tạo luôn được xã hội kỳ vọng là nơi tốt đẹp nhất, để người dân tin tưởng gửi con đến học.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong sửa đổi các dự thảo luật về giáo dục, đổi mới hoạt động dạy và học, thi cử, đào tạo học sinh giỏi. Nhưng nếu để những vụ việc như trên tái diễn xảy ra còn tồn tại một bức tranh ảm đảm cho ngành giáo dục- đào tạo thì khiến xã hội mất niềm tin, ít nhiều ảnh hưởng đến tình cảm tôn kính đối với ngành làm nhiệm vụ cao quý “trồng người”.
Ban TT – SV