Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng góp ý về nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đổi mới GDĐT
GDVN -Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, cần khắc phục sớm tình trạng cắt khúc, phân mảnh trong việc quản lý hệ thống giáo dục quốc dân.
Vừa qua, Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo đã có phiên họp bàn về định hướng giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91 – KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam là thành viên của Uỷ ban, tuy nhiên do gặp vấn đề sức khỏe nên xin phép không thể tham dự trực tiếp cuộc họp. Vì vậy, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng đã gửi một số góp ý về nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đổi mới giáo dục – đào tạo về Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Ủy viên Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo. Ảnh: Doãn Nhàn
Để rộng đường dư luận, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trích dẫn những nội dung cơ bản trong góp ý của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.
Một, chống thương mại hóa giáo dục, lợi ích nhóm và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo: Giáo dục và kinh tế đều rất quan trọng nhưng khác nhau cơ bản về mục đích, mục tiêu, phương thức đầu tư, cách quản lý và hoạt động. Cơ chế thị trường có 2 mặt tích cực và tiêu cực đối với giáo dục.
Để chống thương mại hóa giáo dục, trước tiên phải quan tâm thường xuyên đến chất lượng, bảo đảm thực hiện tốt khoa học về đánh giá, đo lường, kiểm định, chống bệnh thành tích, hạ chuẩn và chạy theo số số lượng một cách bất chấp. Chất lượng cũng là yêu cầu trung tâm và xuyên suốt của Nghị quyết 29-NQ/TW. Tiếp theo là khuyến khích mạnh các yếu tố không vì lợi nhuận trong hoạt động giáo dục và điều tiết một phần lợi nhuận phân chia để tăng quỹ tích lũy không chia là cơ sở vật chất cho sự tồn tại và phát triển lâu bền của giáo dục. Tiếp nữa là các thể chế, cơ chế, chính sách khuyến khích những hoạt động lành mạnh và ngăn cản, triệt tiêu các loại hoạt động lợi ích nhóm trong giáo dục.
Hai, về quản lý hệ thống giáo dục quốc dân và tiếp tục xã hội hóa giáo dục: Cần khắc phục sớm tình trạng cắt khúc, phân mảnh trong việc quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, mà trước nhất là đối với giáo dục đại học (từ cao đẳng trở lên), thống nhất đầu mối cấp bộ về quản lý nhà nước, để từ đó tổ chức hệ thống giáo dục liên thông giữa các cấp, các ngành một cách hiệu quả. Giáo dục thực hiện một quá trình đào tạo nối tiếp giữa các cấp và liên thông giữa nhiều lĩnh vực. Bộ Giáo dục Đào tạo cần được giao nhiệm vụ thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với cả hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến tiến sĩ (chỉ trừ các trường Quân đội, Công an do tính đặc thù của nghề nghiệp).
Nước ta hiện nay tỷ lệ sinh viên công lập vẫn chiếm đa số rất cao (80%), trong khi nhiều nước tiên tiến thì tỷ lệ này lật ngược lại, đa số ở họ là sinh viên ngoài công lập; trong khi khả năng tài chính của ngân sách nhà nước ta dù có khá hơn trước nhưng vẫn là có hạn, nên phải dàn trải với suất đầu tư thấp (chỉ bằng 1/2 – 1/7 so với nhiều nước nếu tính theo tỷ lệ trong GDP hoặc trên 1 sinh viên). Điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng và cả số lượng (chỉ mới đạt khoảng 50% tỷ lệ lao động đại học và cao đẳng/ tổng số lao động xã hội của một nước công nghiệp hoá). Cần tìm cách tăng thêm đầu tư cho đại học và mặt khác phải tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, kể cả cổ phần hóa bớt một số trường công (hình thức hợp tác công tư đã nói từ lâu nhưng khó làm nên chẳng thấy ai tham gia).
Ba, về mô hình trường trung học phổ thông và đại học: Trung học phổ thông nên có phân luồng theo hai hướng là trung học phổ thông như lâu nay và thêm trung học phổ thông nghề nghiệp. Mô hình đa ngành ở các đại học cần được khuyến khích và hoàn thiện nhằm vừa phát huy năng động sáng tạo của từng trường thành viên, lại vừa phát huy được sức mạnh tổng hợp chung (do phân công và phối hợp) của các trường trong đại học; là cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học có chất lượng, không làm nhiệm vụ quản lý nhà nước vĩ mô như các bộ nhỏ. Trường đại học nào cũng được đào tạo cao đẳng nếu cần mà không phải đi xin phép. Các đại học tư thục phân chia lợi nhuận hằng năm cho cổ đông cần trích một tỷ lệ nhất định cho quỹ tích lũy không chia thuộc sở hữu chung của cộng đồng trường. Thúc đẩy tích cực cho việc hình thành các trường đại học không vì lợi nhuận – đây là mô hình có nhiều tương lai và ý nghĩa chiến lược của giáo dục đại học, vừa để nâng chất lượng vừa để chống thương mại hóa giáo dục.
Cần khắc phục sớm tình trạng cắt khúc, phân mảnh trong việc quản lý hệ thống giáo dục quốc dân. Ảnh minh hoạ: Ngân Chi
Bốn, đặc biệt quan tâm loại hình giáo dục không vì lợi nhuận và phát triển một số trường đại học đẳng cấp quốc tế: Hầu hết các trường đại học hàng đầu thế giới là trường không vì lợi nhuận, loại hình đó có ưu thế nổi trội để nâng cao chất lượng so với trường tư thục và kể cả công lập. Một số nhà nghiên cứu giáo dục còn cho rằng, trong điều kiện kinh tế thị trường, loại hình trường đại học không vì lợi nhuận đối với giáo dục còn có chức năng như “bảo hiểm y tế” đối với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, mãi đến nay, ta vẫn chưa ra một hướng dẫn nào về việc thành lập và hoạt động của loại hình này.
Do đó, đề nghị cấp có thẩm quyền mở cơ chế cho chuyển bớt một số trường công lập đang khó khăn sang loại hình không vì lợi nhuận với nguyên tắc bảo toàn vốn của nhà nước đã đầu tư.
Và cần thay đổi cách làm, phương thức đầu tư để sớm có một số trường vào tốp cao của thế giới, đặc biệt chú ý là loại trường đào tạo và nghiên cứu về công nghệ cao. Việc đó sẽ thúc đẩy chất lượng chung và cũng tạo thương hiệu quốc gia. Kể cả (một phần) có thể gắn mô hình trường không vì lợi nhuận với việc thúc đẩy phát triển trường đại học đẳng cấp cao.
Năm, về tự chủ đại học: Đây là giải pháp đột phá để giáo dục đại học trưởng thành. Nó là thuộc tính của đại học. Chúng ta cần tiếp tục thực hiện chủ trương này cho có kết quả thực tế rõ ràng.
Ảnh minh hoạ: Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội
Sáu, một số vấn đề khác về thể chế, cơ chế và chính sách: Thể chế và con người là hai lĩnh vực quan trọng nhất của mọi sự phát triển. Thể chế cũng là cơ chế, một bộ phận của cơ chế mà liên quan trực tiếp đến quyền lực nhà nước. Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng gọi chung là cơ chế (có bao gồm thể chế trong đó).
Trước tiên, quan trọng nhất là cơ chế thúc đẩy sự phát triển của con người. Con người phát triển về năng lực sẽ làm nên mọi sự thay đổi và phát triển. Cách dạy không áp đặt và cách học không thụ động, khuyến khích độc lập tư duy, không bắt các em học thuộc và nói theo, viết theo sách, theo thầy sẽ giúp các em học sinh nhanh chóng trưởng thành. Tự chủ đại học sẽ giúp cho các nhà quản trị nhanh trưởng thành. Tốt hơn là dạy phương pháp chứ không phải dạy kiến thức cụ thể, trong đó có phương pháp tự học, tự tìm kiến thức. Tốt nhất là quản lý nhà nước chỉ lo làm luật và kiểm tra thi hành pháp luật, chứ không can thiệp vào công việc sự nghiệp của nhà trường. Giảm tối đa các cửa mà cấp dưới phải chạy đến để xin phép. Làm như vậy thì cán bộ quản lý ít thụ động mà trở nên năng động và dám chịu trách nhiệm trực tiếp…
Tiếp theo là cơ chế bảo đảm chất lượng và hiệu quả công việc như kiểm định chất lượng, minh bạch thông tin và giải trình, khoa học về đo lường kết quả giáo dục, xếp hạng trường học, kiểm tra thực tế tình hình và công việc, cơ chế quản lý tài chính, cơ chế tuyển chọn con người, kể cả tuyển sinh đại học (chọn đúng mà không rườm rà tốn kém, thu nhiều lần tiền phí của sinh viên)…
Cuối cùng, cơ chế tạo thêm nguồn lực cho giáo dục, từ chính sách thuế tiến bộ, tạo điều kiện cho giáo dục có thêm nguồn tài chính để làm ra sản phẩm con người (chứ không phải mục đích để tăng thu và chia lợi nhuận); từ chính sách tín dụng ưu đãi; từ việc giải quyết mặt bằng cho nhà đầu tư làm giáo dục. Những loại đầu tư này đều là đầu tư phát triển, chuẩn bị nguồn nhân lực trong nước cho các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là đối với công nghệ cao của các dự án đột phá, mở đường, tạo động lực.