Thúc đẩy chuyển đổi số trở thành động lực phát triển bền vững ngành công nghiệp mỏ
(TN&MT) – Chiều 4/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Mỏ – Địa chất phối hợp với Tập đoàn Informa Market tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong ngành Khai khoáng: Từ lý thuyết đến ứng dụng thực tiễn”. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế lần thứ 5 về Công nghiệp khai thác, khôi phục tài nguyên khoáng sản và xây dựng tại Việt Nam.
GS.TS. Bùi Xuân Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ – Địa chất cho biết, công nghiệp mỏ bao gồm khai thác, chế biến khoáng sản là ngành công nghiệp quan trọng, sản xuất ra nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác, có vai trò lớn trong phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Phát triển công nghiệp mỏ là tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo mục tiêu của Đảng và Chính phủ Việt Nam đã đề ra trong những năm tới.
Trong bối cảnh đó, sự phát triển của ngành công nghiệp mỏ không tách rời khỏi sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó việc chuyển đổi số là một khâu quan trọng, quyết định sự thành công của cuộc cách mạng trên. Do đó, hội thảo này nhằm mục đích thảo luận những thuận lợi và thách thức của ngành Công nghiệp mỏ khi bước vào quá trình chuyển đối số; đồng thời chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm để tư duy và hành động quyết định đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi số trở thành động lực phát triển, góp phần phát triển nhanh và bền vững ngành Công nghiệp mỏ tại Việt Nam.
Trao đổi về đẩy mạnh ứng dụng mô phỏng số cho dự báo các dạng tai biến địa kỹ thuật trong khai thác mỏ hầm lò Việt Nam, TS. Lê Tiến Dũng, Trường Đại học Mỏ – Địa chất cho biết, hiện việc dự báo dùng phương pháp thực nghiệm, lý thuyết, mô phỏng số… bị hạn chế tới một số điều kiện cụ thể. Mô phỏng số chủ yếu được áp dụng trong học thuật hơn là thực tế sản xuất như nghiên cứu sụt lở gương than, sụt lún bề mặt địa hình, bục nước.
Theo ông, nguyên nhân là do quy trình thiết kế chưa bắt buộc tính tới các biểu hiện địa cơ học và các yếu tố địa kỹ thuật không chắc chắn vốn luôn xuất hiện trong môi trường đất đá; điều kiện địa chất mỏ phức tạp nên các lời giải thiết kế cục bộ xác định được cho là linh hoạt và phù hợp trong điều kiện mỏ đang sản xuất; chi phí thuê mua dịch vụ thiết kế, phần mềm thiết kế còn cao, chưa đồng bộ và thiếu nhân lực vận hành.
TS. Lê Tiến Dũng đề xuất giải pháp đẩy mạnh ứng dụng mô phỏng số cho dự báo các dạng tai biến địa kỹ thuật trong khai thác mỏ hầm lò Việt Nam như: Tư vấn các nhà làm chính sách khoáng sản Việt Nam một quy trình thiết kế chặt chẽ về mặt địa kỹ thuật; trao đổi và đào tạo cách tiếp cận thiết kế mô phỏng hiện đại cho các đơn vị hoạt động khoáng sản; thiết kế các mỏ lớn và hiện đại theo hướng ứng dụng mô phỏng số hiện đại; giảm thiểu chi phí thuê mua dịch vụ thiết kế, phần mềm và đào tạo nhân lực…
Bàn về vấn đề số hóa và những tiến bộ trong lập kế hoạch khai thác mỏ, ông Shane Dolmaschenz, Quản lý Công ty Deswil, Australia cho biết, việc lập và triển khai kế hoạch quản lý chất thải mỏ góp phần giúp doanh nghiệp khai thác mỏ có thể đạt được các mục tiêu: không gây tác động xấu tới nguồn nước, đất, không khí, hệ sinh thái động – thực vật, không gây ra tiếng ồn, mùi; không làm ảnh hưởng tới cảnh quan hình thái khu vực và đặc biệt không gây hại tới sức khỏe người lao động và cộng đồng dân cư xung quanh; đảm bảo tuân thủ đầy đủ các biện pháp kỹ thuật và biện pháp quản lý cần thiết theo quy định pháp luật. Nội dung của kế hoạch quản lý chất thải mỏ có thể thay đổi theo các quy định pháp luật hiện hành.
Do vậy, cán bộ quản lý môi trường trong doanh nghiệp khai thác mỏ cần liên tục cập nhật và hoàn thiện kế hoạch quản lý chất thải của doanh nghiệp mình. Số hóa dữ liệu mỏ là điều kiện tiên quyết trong phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác mỏ. Trong đó, số hóa dữ liệu mỏ là sử dụng kỹ thuật số để lưu trữ dữ liệu khai thác bằng cơ sở dữ liệu 3 chiều; xây dựng quy trình làm việc để người phê duyệt đưa những dữ liệu dùng vào cơ sở dữ liệu; dựa trên internet tùy chọn điện thoại và máy tính bảng.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận một số nội dung về nghiên cứu ảnh hưởng của bãi thải bề mặt mỏ đến ứng xử cơ học của các đường lò phía dưới tại vùng than Quảng Ninh bằng mô hình số; tối ưu hóa các lựa chọn bởi mô phỏng trên máy tính; mô phỏng hệ khe nứt trong khối đá phục vụ khai thác mỏ lộ thiên ở Việt Nam.
Theo báo tainguyenmoitruong