World Bank đưa ra 4 khuyến nghị để Việt Nam cải thiện chất lượng giáo dục ĐH
GDVN-Các chuyên gia Ngân hàng thế giới khuyến nghị Chính phủ cần sắp xếp lại cơ cấu quản trị lĩnh vực giáo dục đại học.
Tại Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) vào tháng 8/2022, các chuyên gia cho rằng hệ thống giáo dục đại học hiện nay của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Chỉ 10,2% dân số ở độ tuổi từ 25 trở lên có bằng cử nhân hoặc tương đương
Cụ thể, báo cáo đã chỉ ra rằng số năm đi học bình quân của Việt Nam là 10,2 năm, chỉ đứng sau Singapore trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Tuy nhiên, thống kê trong năm 2019, ở nước ta chỉ có 10,2% dân số ở độ tuổi từ 25 trở lên có bằng cử nhân hoặc tương đương.
Tỷ lệ nhập học giáo dục sau phổ thông của Việt Nam chỉ đạt 28,6% (năm 2019), thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc (trên 98%), Trung Quốc (trên 53%) và Ma-lay-xia (43%), đồng thời thấp hơn rõ rệt so với tỷ lệ nhập học bình quân 55,1% của các quốc gia thu nhập trung bình cao.
Điều này cho thấy trong số khoảng 6,9 triệu người thuộc độ tuổi đi học các chương trình sau phổ thông, chỉ có hơn 2 triệu người nhập học.
Đáng chú ý, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp gộp (GGR) tại Việt Nam chỉ đạt 19% (năm 2019) – tương đương khoảng 263.000 sinh viên tốt nghiệp đại học vào năm 2019 (xét trong giai đoạn 2016-2019).
Được biết, GGR ở cấp sau phổ thông là số sinh viên tốt nghiệp chương trình cấp bằng thứ nhất (Chuẩn phân loại bậc giáo dục quốc tế (ISCED) cho cấp 6 và 7) của một năm cụ thể, được biểu diễn bằng tỷ lệ phần trăm dân số ở độ tuổi tốt nghiệp theo lý thuyết của các chương trình bằng cấp thứ nhất phổ biến nhất.
Đầu ra nghiên cứu của Việt Nam cũng thấp hơn so với mức bình quân của các quốc gia Đông Á. Trong năm 2019, đầu ra nghiên cứu của Việt Nam tương đương với Philippines và Indonesia, nhưng thấp hơn nhiều với các quốc gia đi trước như Malaysia và Trung Quốc.
Báo cáo cũng chỉ ra khoảng cách về khả năng tiếp cận giáo dục sau phổ thông phân theo các nhóm đối tượng (nhóm thu nhập, tình trạng dân tộc thiểu số, chất lượng và số lượng học sinh tốt nghiệp bậc trung học phổ thông) có sự cách biệt đáng kể.
Một dân số được chia thành 5 nhóm bằng nhau, mỗi nhóm chứa 20% số dân – mỗi nhóm được gọi là ngũ phân vị.
Cụ thể, tính đến năm 2020, chỉ có 7,3% học sinh từ các hộ gia đình thuộc nhóm ngũ phân vị có thu nhập thấp nhất được tiếp cận giáo dục đại học, so với tỷ lệ 49,8% học sinh từ các hộ gia đình thuộc nhóm ngũ phân vị có thu nhập cao nhất.
Thanh thiếu niên các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ tiếp cận giáo dục sau phổ thông thấp hơn nhiều so với các em ở các nhóm dân tộc đa số. Mặc dù tỷ lệ tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện phần nào từ năm 2006 đến năm 2020, nhưng mức độ cải thiện còn thấp.
Cụ thể, thanh thiếu niên đồng bào các dân tộc thiểu số có tỷ lệ tiếp cận giáo dục giáo dục đại học bằng 6%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 35,4% của các bạn thuộc nhóm dân tộc đa số.
Tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông và tỷ lệ trúng tuyển không bằng nhau cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ tiếp cận giáo dục đại học.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khẳng định một số thành tựu quan trọng mà giáo dục Việt Nam về cung cấp giáo dục phổ thông có chất lượng cho người dân.
Cụ thể, trong 25 năm qua, Việt Nam đã mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và nâng cao tỷ lệ nhập học giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục sau phổ thông. Trẻ em ở Việt Nam ngày nay có nhiều cơ hội tốt nghiệp giáo dục tiểu học với khả năng đọc hiểu và làm toán thành thạo.
Các chuyên gia nhận định thành công đó của Việt Nam có được là nhờ chính phủ chi tiêu khá cao cho giáo dục, tập trung vào yếu tố công bằng, thu hút và hỗ trợ giáo viên có trình độ, đầu tư vào giáo dục tiền tiểu học, áp dụng chiến lược các hình thức đánh giá, song song với những đổi mới qua các quyết định dựa trên bằng chứng.
Cần sắp xếp lại cơ cấu quản trị lĩnh vực giáo dục đại học
Báo cáo đã đưa ra 4 khuyến nghị quan trọng các cấp có thẩm quyền cần xử lý để cải thiện chất lượng giáo dục đại học.
Theo các chuyên gia của World Bank, đầu tiên, Việt Nam cần nâng cao khả năng tiếp cận và công bằng. Theo đó, bước đầu tiên là đặt ra các chỉ tiêu định lượng về tuyển sinh cho các năm 2025, 2030 và các năm tiếp theo thông qua một hệ thống dễ hiểu và có sự phối hợp tốt kèm theo kế hoạch triển khai được đảm bảo tài chính đầy đủ.
Cách thức mở rộng như vậy cần đảm bảo đáp ứng được các tiêu chí: Đảm bảo sự đa dạng giữa các trường; Đảm bảo sự đa dạng về phương thức đào tạo; Tăng cường nguồn tuyển sinh từ bậc giáo dục trung học; Đảm bảo nguồn cung cấp hỗ trợ tài chính cho sinh viên.
Thứ hai, các chuyên gia khuyến nghị cần cải thiện chất lượng và sự phù hợp. Để cải thiện chất lượng, trọng tâm cần đặt vào đổi mới phương pháp dạy và học, quản lý tốt đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy tài năng, đầu tư cho cơ sở hạ tầng giáo dục và công nghệ thông tin và truyền thông. Để cải thiện sự phù hợp của các chương trình giáo dục đại học, nhu cầu đặt ra nữa là cần xây dựng liên kết chặt chẽ hơn giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp.
Thứ ba, cải thiện về đảm bảo tài chính cho lĩnh vực giáo dục đại học. Giáo dục đại học cần chuyển sang hướng đảm bảo tài chính bền vững thông qua phân bổ tốt hơn nguồn vốn của Nhà nước và sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn của khu vực tư nhân.
“Chiến lược phát triển các cơ sở giáo dục sau phổ thông của tư nhân đồng thời nâng cao vai trò của các cơ sở giáo dục chất lượng cao ngoài đại học là cách để loại bỏ một phần gánh nặng chi phí cho công quỹ”, các chuyên gia nhấn mạnh.
Thứ tư, nâng cao năng lực quản trị lĩnh vực giáo dục đại học: Các chuyên gia Ngân hàng thế giới khuyến nghị Chính phủ cần sắp xếp lại cơ cấu quản trị lĩnh vực giáo dục đại học nhằm tạo điều kiện phát triển và cải thiện chất lượng.
Doãn Nhàn