Chiến lược phát triển Giáo dục Việt Nam nhìn từ góc độ các tương lai của giáo dục – TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến

Ngày 01/03/2022

TSKH.Phạm Đỗ Nhật Tiến

1. Mở đầu

Giáo dục Việt Nam sẽ như thế nào đến năm 2030? Đó là một câu hỏi khó mà các nhà soạn thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2021-2030 phải trả lời.

Trong khuôn khổ của Đề tài KH&CN cấp Nhà nước mang tên “Nghiên cứu xây dựng khung chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo Việt Nam giai đoạn 2021-2030” do GS.TS. Lê Anh Vinh làm chủ nhiệm, nhóm nghiên cứu đã tìm cách trả lời câu hỏi trên thông qua việc phân tích các tác động của phát triển kinh tế-xã hội đến giáo dục. Tuy nhiên việc dự báo xu hướng phát triển giáo dục 2021-2030 chỉ dứng lại ở một số dự báo quen thuộc về tỷ lệ nhập học, tỷ lệ tốt nghiệp, số học sinh/lớp, số giáo viên lp, số học sinh/giáo viên v.v…, chủ yếu theo phương pháp ngoại suy. Một hình ảnh ít nhiều tường minh về GDVN 2030 mà chúng ta mong muốn vẫn chưa được đề xuất, ngoại trừ một phát biểu chung chung về tầm nhìn như sau: “Xây dựng nền GDVN hiện đại, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc. GDVN đạt trình độ tiên tiến của khu vực vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045” (Lê Anh Vinh, 2021).

Dĩ nhiên, trong bối cảnh của một thế giới biến động nhanh chóng và khó lường như hiện nay thì dự báo về tương lai của giáo dục là điều không thể. Nhưng có một điều chắc chắn là giáo dục ngày mai không còn là sự kéo dài của giáo dục ngày hôm nay. Tương lai của giáo dục là bất định, không ai có thể đoán định được trước tương lai mà chỉ có thể nói về những khả năng có thể xẩy ra. Vấn đề đặt ra đối với nhà hoạch định chính sách là trước những khả năng đó, cần có sự lựa chọn khôn ngoan và phù hợp bởi lẽ những quyết định và hành động ngày hôm nay của chúng ta sẽ góp phần định hình giáo dục của ngày mai.

Vì thế, trong bài viết này, những khả năng có thể xẩy ra về tương lai của giáo dục được trao đổi từ những góc nhìn khác nhau hiện nay trên tế giới. Trên cơ sở đó đề xuất một tầm nhìn về GDVN đến 2030 và 2045.

2. Các mô hình giáo dục đến 2030.

Năm 2015 được đánh dấu là năm mở đầu cho bước chuyển của thế giới từ việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ sang các mục tiêu phát triển bền vững SDG. Từ đó đến nay, trong vòng 7 năm, thế giới đã chứng kiến nhiều đổi thay mang tính phá hủy và vì thế tầm nhìn về giáo dục 2030 cũng có sự vận động liên tục. Chí ít đã hình thành một số mô hình về giáo dục 2030 như sau:

2.1 Giáo dục 2030 vì sự phát triển bền vững

Trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2015, thì mục tiêu SDG4 về phát triển giáo dục là: “Bảo đảm giáo dục có chất lượng, bình đẳng và bao trùm, tăng cường các cơ hội học tập suốt đời (HTSĐ) cho mọi người”. Việc thực hiện mục tiêu này xuyên suốt 17 mục tiêu SDGs và là nhân tố quan trọng bảo đảm sự thành công của Chương trình nghị sự 2030. Chính vì lẽ đó mà giáo dục cũng đã có một chương trình nghị sự mới của riêng mình, gọi là Giáo dục 2030, được thông qua bởi Tuyên bố Incheon ngày 21/5/2015 tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới (World Education Forum, 2015).

Giáo dục 2030 xác lập một tầm nhìn mới về giáo dục, theo đó giáo dục là chìa khóa trong việc thay đổi cuộc sống của cá nhân, cộng đồng và xã hội; là động lực chính của phát triển cũng như của việc thực thi các SDGs khác. Từ đó, thay vì những giới hạn của chương trình Giáo duc cho mọi người trước đây, Giáo dục 2030 là một nghị trình mới về giáo dục mang tính tổng thể, hướng tới mọi cấp học và trình độ đào tạo, mọi phương thức giáo dục, trên mọi chiều đo (tiếp cận, công bằng và hòa nhập, bình đẳng giới, chất lượng), tập trung vào các kết quả học tập đầu ra trong một tiếp cận về HTSĐ.

Mô hình giáo dục 2030 này chính là một tham chiếu cho việc xây dựng các chiến lược giáo dục. Chẳng hạn, trong Chiến lược hiện đại hóa giáo dục Trung Quốc đến 2035, các tham chiếu bao gồm: 1) Mô hình giáo dục 2030 vì sự phát triển bền vững; 2) Chiến lược quốc gia 2020-2035 về việc hiện đại hóa XHCN, hướng tới xây dựng một đất nước XHCN hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn hiến, hài hòa và tốt đẹp; 3) Các yêu cầu đổi mới và hoàn thiện giáo dục Trung Quốc. Xuất phát từ các tham chiếu này, Chiến lược hiện đại hóa giáo dục Trung Quốc hướng đến mục tiêu năm 2035 như sau: “Hình thành hệ thống giáo dục hiện đại, cung ứng giáo dục suốt đời cho mọi người, phổ cập giáo dục mầm non có chất lượng, hoàn thành giáo dục bắt buộc cân đối và chất lượng cao, hoàn thành phổ cập giáo dục trung học phổ thông, cải thiện đáng kể các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp, nâng cao rõ rệt tính cạnh tranh của giáo dục đại học, cung ứng giáo dục phù hợp cho trẻ em thiệt thòi, và hình thành một mô hình mới về quản lý giáo dục có sự tham gia của xã hội” (Yiming Zhu, 2019).

2.2 Giáo dục 2030 đáp ứng các yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4)

Trước các thách thức của CMCN4, OECD tiến hành từ năm 2015 Dự án “Tương lai của giáo dục và kỹ năng 2030”. Câu hỏi đặt ra là “Làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị cho học sinh để làm những công việc chưa được tạo ra, giải quyết những thách thức xã hội chưa thể lường trước và sử dụng các công nghệ chưa được phát minh? Làm thế nào chúng ta có thể trang bị cho họ để vươn lên trong một thế giới kết nối, nơi họ cần hiểu và đánh giá những quan điểm và tầm nhìn khác nhau, tương tác một cách trọng thị với người khác và hành động có trách nhiệm đối với sự bền vững và hạnh tồn của mọi người?” (OECD, 2018).

Để trả lời câu hỏi trên, hiện Dự án đang ở giai đoạn xây dựng cái gọi là “La bàn học tập 2030” (OECD Learning Compass 2030) với quan niệm “Giáo dục không còn là việc dạy người học một điều gì đó; điều quan trọng hơn là dạy họ phát triển một la bàn tin cậy cùng các công cụ điều hướng để tìm ra con đường riêng của họ trong một thế giới ngày càng phức tạp, đầy biến động và không chắc chắn” (OECD, 2019). La bàn này xác định các kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị mà người học cần để phát triển đầy đủ tiềm năng của mình và đóng góp vào sự hạnh tồn của cộng đồng và thế giới. Theo đó, trước hết người học phải là người làm chủ tiến trình học tập trên cơ sở xây dựng ba nền tảng cốt lõi để có thể phát triển đầy đủ tiềm năng của mình, trở thành thành viên lành mạnh và người đóng góp có trách nhiẹm cho xã hội. Ba nền tảng cốt lõi đó là: 1) nền tảng nhận thức, bao gồm việc sáng chữ và sáng tính toán, trên đó hình thành sáng số và sáng dữ liệu (digital literacy and data literacy); 2) nền tảng sức khỏe, bao gồm sức khỏe thể chất và tinh thần; 3) nền tảng xã hội và cảm xúc, bao gồm các giá trị.

Mô hình Tương lai của giáo dục và kỹ năng 2030 nói trên bổ sung cho mô hình giáo dục 2030 vì sự phát triển bền vững và cũng là tham chiếu quan trọng cho việc xây dựng chiến lược giáo dục. Chẳng hạn, trong Kế hoạch cơ bản lần thứ ba về thúc đẩy giáo dục của Nhật Bản (2018-2022), khi đề cập đến giáo dục 2030, các tham chiếu là: 1) Mô hình xã hội Nhật 2030 (xã hội 5.0); 2) Kết quả thực hiện Kế hoạch cơ bản lần thứ hai về thúc đẩy giáo dục; 3) Các mô hình giáo dục 2030 của các tổ chức quốc tế, bao gồm UNESCO và OECD. Từ đó giáo dục 2030 mà Nhật Bản hướng tới là một hệ thống giáo dục toàn diện khơi dạy những ước mơ và khát vọng; nuôi dưỡng những năng lực cần thiết để hiện thực hóa các khả năng; thúc đẩy những năng lựcđa dạng để dẫn dắt xã hội phát triển bền vững; xây dựng môi trường phát triển nơi mọi người có thể học hỏi và đóng những vai trò tích cực trong suốt cuộc đời; phát triển các mạng lưới học tập an toàn để mọi người đều có thể trở thành lãnh đạo của xã hội (MEXT, 2018).

2.3 Giáo dục 2030 hậu covid

Từ thành công của các hệ thống giáo dục toàn cầu trong việc ứng phó với đại dịch, đã hình thành ba nhận thức mới quan trọng như sau: 1) Giáo dục không nhất thiết phải đóng khung trong bốn bức tường nhà trường mà có thể thực hiện ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào miễn là có tư duy cùng những quan hệ phù hợp; 2) Các hệ thống giáo dục không đến nỗi quá nặng nề để chuyển đổi mà có thể thay đổi rất nhanh miễn là có sự đồng thuận của các chủ thể giáo dục; 3) Chỉ có các hệ thống giáo dục kiên cường, sẵn sàng ứng phó với khủng hoảng mới có thể hoàn thành sứ mệnh của mình trong việc đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và nhu cầu nhân lực của sự phát triển kinh tế-xã hội.

Vì thế, bước sang giai đoạn hậu covid, chỉ đưa giáo dục trở lại hiện trạng bình thường cũ, vốn đã không đáp ứng được nhu cầu của tất cả người học, không phải là một lựa chọn. Do đó, các nhà hoạch định chính sách phải hỗ trợ tất cả các chủ thể trong hệ thống giáo dục trong việc duy trì xung lực của hành động khẩn cấp tập thể để tiến tới trạng thái bình thường tốt hơn” (OECD, 2020).

Muốn vậy, ngoài việc đối diện với thách thức quan trọng về khả năng ứng đáp của giáo dục trước những yêu cầu phức tạp của người học trong giai đoạn hậu công nghiệp gắn liền với CMCN4, các hệ thống giáo dục ngày nay còn đối diện môt thách thức mới. Đó là thách thức bức thiết về khả năng tự cường của hệ thống giáo dục không phải chỉ để vượt qua khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây nên mà còn nhiều khủng hoảng nữa có thể xẩy ra trong tương lai.

Trên cơ sở các nghiên cứu về chính sách giáo dục suốt một thập kỷ qua cùng với những sáng kiến ứng phó và tự cường của các hệ thống giáo dục trong đại dịch Covid-19, các nhà nghiên cứu thuộc khối OECD chỉ ra rằng các hệ thống giáo dục hậu covid, hướng đến 2030 và sau này, phải là các hệ thống giáo dục trong điều kiện bình thường tốt hơn với hai đặc trưng cơ bản, một là ứng đáp với các đòi hỏi của CMCN4, hai là kiên cường trước các thách thức của mọi khủng hoảng.

Như thế, chỉ trong vòng 7 năm, kể từ năm 2015, sự bổ sung liên tục về yêu cầu đối với giáo dục 2030 cho thấy một điều là sự vận động của giáo dục ngày nay đã khác trước rất nhiều. Không còn nữa hình ảnh về một hệ thống giáo dục nặng nề, bảo thủ, vận động chậm chạp trong một môi trường kinh tế-xã hội ít nhiều ổn định. Thay vào đó, giờ đây, là một hệ thống giáo dục linh hoạt, năng động, có khả năng ứng phó nhanh trong một  môi trường kinh tế-xã hội biến động và bất định.

Để nghiên cứu về giáo dục trước yêu cầu nêu trên, UNESCO đã tiến hành một chương trình nghiên cứu kéo dài hai năm nay về các tương lai của giáo dục để đi tới nhận định rằng cần một khế ước xã hội mới về giáo dục (UNESCO, 2021).

3. Khế ước xã hội mới về giáo dục

Trong những thập kỷ cuối của thế kỷ 20, trước những bước chuyển quan trọng về kinh tế-xâ hội, UNESCO đã công bố lần lượt hai báo cáo toàn cầu về đổi mới giáo dục. Báo cáo đầu tiên, năm 1972, là báo cáo Faure với tên gọi “Học để làm người: Thế giới giáo dục hôm nay và ngày mai”. Báo cáo thứ hai, năm 1996, là báo cáo Delors với tên gọi “Giáo dục: Một kho báu tiềm ẩn”.

Giờ đây, trước những thay đổi căn bản về kinh tế-xã hội, UNESCO công bố báo cáo toàn cầu thứ ba là báo cáo Sahle-Work với tên gọi “Cùng hình dung lại các tương lai: Một khế ước xã hội mới về giáo dục” (UNESCO, 2021).

Vấn đề đặt ra là giáo dục đóng vai trò gì và sẽ như thế nào trong việc định hình thế giới chung và tương laicùng chia sẻ của chúng ta khi chúng ta hướng đến những năm 2050 và sau này.

Báo cáo nhận định, mặc dù có những tiến bộ vượt bậc về kinh tế-xã hội trong thế kỷ qua, nhưng thế giới ngày nay đang ở khúc ngoặt của sự phát triển, đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng đan xen. Những dấu hiệu nổi bật là sự gia tăng bất bình đẳng kinh tế-xã hội, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, khai thác tài nguyên vô tội vạ, suy thoái dân chủ, vòng xoáy bạo lực, cùng những tiến bộ công nghệ mang tính phá hủy. Đó là hệ quả của hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội do chính con người tạo ra,  trong đó cái ngắn hạn lấn át cái dài hạn, và lợi ích của số ít được phép đè lên lợi ích của số đông. Riêng về giáo dục, nhìn từ góc độ sứ mệnh của nó, thì giáo dục đã không thành công trong việc góp phần định hình một thế giới hòa bình, công bằng và bền vững; cũng như trong việc tạo dựng một hành tinh lành mạnh cùng những tiến bộ khoa học và công nghệ được cùng chia sẻ để đem lại lợi ích chung cho mọi người.

Khi chúng ta tiến tới cột mốc giữa thế kỷ, năm 2050 và sau này, câu trả lời về tương lai của giáo dục phụ thuộc đáng kể vào những gì chúng ta mong đợi thế giớingày mai. Dĩ nhiên, không thể đoán định được tương lai, nhưng rõ ràng là thế giới đang đứng trước một lựa chọn sinh tử: tiếp tục con đường phát triển không bền vững như hiện nay hay chọn hẳn một con đường khác. Có nhiều kịch bản khả dĩ, nhưng dù theo kịch bản nào thì cũng cần tính đến các thay đổi mang tính đột pháđang diễn ra trong bốn lĩnh vực sau đây: 1) Về môi trường, trái đất đang lâm nguy vì sản xuất, tiêu dùng và lãng phí hiện đã vượt xa những ranh giới an toàn của hành tinh; chúng ta cần thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu và ngăn chặn biến đổi khí hậu; điều đó đòi hỏi giáo dục phải phù hợp với ba mục tiêu này; 2) Về công nghệ, các tiến bộ công nghệ và chuyển đổi số đang vừa gắn kết chúng ta vừa chia rẽ chúng ta; vì thế giáo dục cần góp phần tạo nên một môi trường số linh hoạt hơn, bớt phụ thuộc vào các hạ tầng dựa trên mô hình kinh doanh đi liền với các quy định độc đoán hiện đang kìm hãm sự phát triển tích cực và lợi ích chung tiềm năng có thể được tạo ra từ số; 3) Về chính trị, sự tụt hậu của nền dân chủ, sự chia rẽ và phân cực có chiều hướng gia tăng của thế giới đòi hỏi giáo dục phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong việc khuyến khich và bảo đảm quyền công dân, các không gian tranh luận, các quy trình tham dự, các quan hệ hợp tác, các tương lai cùng chia sẻ; 4) Về việc làm, chúng ta sẽ đối diện một tương lai việc làm bất định, thậm chí đối diện một kịch bản chưa từng có là thế giới sẽ cạn kiệt việc làm trong nền kinh tế chính quy vì sự đột phá của tiến bộ công nghệ; vì thế, thay vì chỉ lo tập trung vào kỹ năng và việc làm, giáo dục cần hướng đến cung cấp năng lực để người học tạo ra phúc lợi kinh tế-xã hội lâu dài cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Những thay đổi mang tính đột phá nêu trên đòi hỏi cấp bách việc xây dựng một khế ước xã hội mới về giáo dục.

Khế ước xã hội cũ về giáo dục chủ yếu tập trung vào việc xây dựng tinh thần công dân quốc gia cùng nỗ lực phát triển kinh tế với tầm nhìn ngắn hạn. Vì thế các hệ thống giáo dục thường tái lập và duy trì chính các nhân tố đe dọa tương lai chung, khiến tiềm năng của giáo dục trong việc tạo nên sự thay đổi bị hạn chế.

Khế ước xã hội mới về giáo dục cần khắc phục các hạn chế trong khế ước xã hội cũ thông qua việc thiết lập tầm nhìn chung mới cùng các nguyên tắc và cam kết mới để giáo dục góp phần mở ra các con đường mới hướng tới các tương lai mong muốn.

Trước hết về mục tiêu, giáo dục phải hướng tới một mục tiêu mới là làm cho mọi người đoàn kết bên nhau, có kiến thức và tinh thần ng tạo, chung sức vì các tương lai hòa bình và bền vững cho tất cả mọi người trên cơ sở sự công bằng về kinh tế, xã hội và môi trường.

Tiếp nữa là hai nguyên tắc nền tảng mới. Thứ nhất, nguyên tắc trước đây với quy định giáo dục là một trong những quyền cơ bản của con người cần được mở rộng thành nguyên tắc giáo dục có chất lượng suốt đời là một trong những quyền cơ bản của con người. Hai là, đặc trưng công của giáo dục phải vượt khỏi quan niệm rằng giáo dục được cung ứng, cấp tài chính và quản lý bởi các cơ quan công quyền; ngày nay giáo dục phải được xây dựng và phát triển trên nguyên tắc đó là sự nghiệp toàn xã hội và là một lợi ích chung, theo nghĩa giáo dục là lĩnh vực được quản trị chung và là hoạt động tập thể trong việc đồng sáng tạo và đồng sử dụng kho tàng tri thức nhân loại vì lợi ích của mọi người.

Một số đề xuất ban đầu về đổi mới giáo dục là như sau: 1) Hoạt động sư phạm phải được tổ chức dựa trên các nguyên tắc hợp tác, cộng tác và đoàn kết; 2) Chương trình giáo dục cần nhấn mạnh việc học tập về sinh thái, liên văn hóa và liên ngành; hỗ trợ người học tiếp cận và sản sinh tri thức đồng thời phát triển năng lực phê phán và ứng dụng tri thức; 3) Việc giảng dạy cần được chuyên nghiệp hóa hơn trong nỗ lực hợp tác, nơi nhà giáo được ghi nhận là nhà sản xuất tri thức và nhân vật chủ chốt trong hành trình chuyển đổi giáo dục và xã hội; 4) Nhà trường phải là những địa điểm giáo dục được bảo vệ vì sự hòa nhập, tính công bằng và sự hạnh tồn của cá nhân và tập thể mà nhà trường theo đuổi; nhà trường cũng phải được hình dung lại để thúc đẩy sự chuyển đổi của thế giới hướng tới những tương lai bình đẳng hơn, công bằng hơn và bền vững hơn; 5) Chúng ta cần tận hưởng và mở rộng các cơ hội giáo dục diễn ra trong suốt cuộc đời và trong các không gian văn hóa và xã hội khác nhau.

Đó là các ý tưởng và đề xuất cơ bản trong Khế ước xã hội mới về giáo dục. Các ý tưởng và đề xuất này “cần được chuyển thành các chương trình, nguồn lực và hoạt động theo nhiều cách khác nhau trong các bối cảnh khác nhau. Sự chuyển đổi như vậy sẽ là kết quả của các quá trình đồng xây dựng và trò chuyện với những người khác mà sự tham gia của họ là cần thiết để chuyển những ý tưởng này thành kế hoạch và hành động. Việc xác định và thực hiện đổi mới giáo dục là tuỳ thuộc vào các cấp lãnh đạo chính quyền, các nhà quản lý giáo dục, cùng với giáo viên và học sinh, gia đình, cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự” (UNESCO, 2021: 15).

4. Thử hình dung giáo dục Việt Nam 2030 và tầm nhìn 2045

4.1 Giáo dục Việt Nam 2030

Để tr lời câu hỏi giáo dục Việt Nam 2030 sẽ như thế nào cần dựa vào các tham chiếu sau:

Trước hết là Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030. Theo đó, đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, với tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 – 40%. Muốn vậy, phải “đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức có phẩm chất tốt, chuyên nghiệp, tận tụy, phục vụ nhân dân. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”.

Tiếp nữa là các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục. Quán triệt và kế thừa các quan điểm chỉ đạo trong NQ29 đóng vai trò đặc biệt quan trọng bởi lẽ NQ29 chính là cương lĩnh định hướng cho sự vận động của giáo dục Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, phù hợp với các khuyến nghị của Diễn đàn kinh tế thê giới về giáo dục sẵn sàng cho tương lai (World Economic Forum, 2015, 2017). Cùng với đó là QĐ 622 ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó ngành giáo dục có trách nhiệm hoàn thành mục tiêu 4, với 8 mục tiêu cụ thể, nhằm đảm bảo đến năm 2030 hình thành nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện, thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người. Một văn bản quan trọng nữa là QĐ 749 ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó giáo dục là một lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, hướng tới đổi mới cách dạy và học trong nhà trường trên nền tảng công nghệ số, đào tạo cá thể hóa.

Cuối cùng là các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về giáo dục 2030 như đã trình bày ở trên. Đó là hình ảnh về một hệ sinh thái giáo dục, một mặt hướng đến mục tiêu phát triển bền vững theo Nghị trình giáo dục 2030, mặt khác có sự chuyển đổi về phương thức tổ chức và hoạt động theo hướng giáo dục mở, giáo dục số.

Trên cơ sở các tham chiếu trên, với lưu ý rằng đại dịch covid-19 một mặt đang đe dọa đến các thành tựu của giáo dục, mặt khác đang tạo cú hích cho chuyển đổi số, có thể phát biểu về giáo dục Việt Nam 2030 như sau: Hình thành hệ thống giáo dục số, mở, linh hoạt và liên thông, thúc đẩy giáo dục suốt đời có chất lượng cho mọi người, góp phần thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược trong phát triển nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

4.2 Tầm nhìn giáo dục Việt Nam đến 2045

Các tham chiếu cho vấn đề này là như sau:

Trước hết là tầm nhìn của Việt Nam đến 2045. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định đến năm 2045nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng XHCN.

Tiếp nữa là các dự báo về thế giới vào những năm 2050. Về kinh tế, Báo cáo thế giới 2050 dự báo nền kinh tế thế giới có thể tăng hơn gấp đôi về quy mô vào năm 2050, vượt xa tốc độ tăng dân số, do tiếp tục cải tiến năng suất dựa trên công nghệ; bẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới lần lượt sẽ là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Braxin, Nga, Mexico; Vương quốc Anh có thể tụt xuống vị trí thứ 10 vào năm 2050, Pháp ra khỏi top 10 và Ý ra khỏi top 20 khi họ bị các nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh hơn như Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam lần lượt vượt qua; nhưng các nền kinh tế mới nổi cần phải tăng cường đáng kể thể chế và cơ sở hạ tầng của mình nếu họ muốn phát huy tiềm năng tăng trưởng dài hạn (PwC, 2017). Về xã hội, một số nghiên cứu đã dự báo về việc hình thành xã hội 5.0(Atsushi Deguchi và cộng sự, 2020) là xã hội trong đó cách mạng công nghệ chuyển trong tâm từ tiến bộ công nghệ cùng thiết bị, máy móc sang vai trò của con người với đổi mới, sang tạo; đó là xã hội mở đường cho việc chuyển từ CMCN4 sang CMCN5, đặc trưng bởi mối quan hệ việc làm cân bằng giữa con người với những thiết bị công ngh ngày càng thông minh; đó là nơi mà chủ nghĩa nhân văn, sự hòa nhập, tính sáng tạo, y tế, giáo dục và các quyền con người sẽ được bảo đảm và phát triển cùng với lợi nhuận và tiến bộ kỹ thuật số(Kiky Sondh, 2021; Richter, 2020). Về phát triển bền vững, Viện Quốc tế về Phân tích Hệ thống Ứng dụng đã và đang triển khai Sáng kiến Thế giới vào năm 2050, qua đó nhận định thế giới đang ở ngã ba đường khi mà các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030khó mà đạt được, còn đại dịch Covid-19 lại đang là mối đe dọa khủng khiếp tới nhân loại; việc quay trở lại trạng thái bình thường cũ là không mong muốn và thế giới 2050 phải hướng đến một tương lai bền vững, kiên cường và công bằng với tất cả mọi người trên cơ sở thực hiện sáu chuyển đổi căn bản sau đây: i) Năng lực, nhân khẩu học và sức khỏe con người; ii) Tiêu dùng và sản xuất; iii) Khử cacbon và năng lượng, iv) Thực phẩm, sinh quyển và nước; v) Thành phố thông minh; và vi) Cách mạng kỹ thuật số; theo đó cần có những tiến bộ đáng kể về năng lực con người thông qua những cải tiến hơn nữa về chăm sóc sức khỏe và giáo dục với tư cách là công cụ cho phép mọi người sống một cuộc sống tự quyết, có việc làm và thu nhập tốt, thực hiện giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu,đối phó với các vấn đề môi trường, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu chấm dứt nghèo đói dưới mọi hình thức và giảm bất bình đẳng toàn cầu. (TWI2050 – The World in 2050, 2022).

Cuối cùng là các dự báo về giáo dục 2050. Hiện nay, UNESCO đang dẫn đầu với việc triển khai từ năm 2019 Sáng kiến các Tương lai của Giáo dục. Bản công bố Khế ước xã hội mới về giáo dục nói ở trên là một kết quả quan trọng của sang kiến này. Bên cạnh đó là Báo cáo Suy nghĩ cao hơn và xa hơn: Viễn cảnh vềcác tương lai của giáo dục đại học đến năm 2050” (UNESCO IESALC, 2021). Vấn đề đặt ra ở đây là trả lời hai câu hỏi: 1) Bạn muốn GDĐH 2050 như thế nào? 2) Làm thế nào để GDĐH có thể đóng góp cho những tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người vào năm 2050? Việc trả lời hai câu hỏi được thực hiện theo tiếp cận tham dự, lấy ý kiến chuyên gia và tổ chức hội thảo.Vì thế báo cáo đã đưa ra nhiều ý tưởng, khả năng và đề xuất cho các tương lai của GDĐH; tập trung vào việc định hình các mục đích, chức năng, phương thức của GDĐH trong tương lai; từ đó gửi đi thông điệp cơ bản sau đây: GDĐH 2050 phải: 1) Chịu trách nhiệm tích cực đối với nhân loại chung của chúng ta; 2) Thúc đẩy sự hạnh tồn và sự bền vững; 3) Phát huy sức mạnh từ sự đa dạng của các nền văn hóa và nhận thức; 4) Giữ vững và tạo ra sự kết nối với nhau ở nhiều cấp độ.

Như thế, để hướng tới một tương lai mong muốn về thế giới bền vững, bình đẳng, công bằng, đem lại sự hạnh tồn cho mọi người vào năm 2050, các hệ thống giáo dục phải được thiết kế lại theo Khế ước xã hội mới về giáo dục để trở thành các hệ thống xanh, số và kiên cường, trong đó giáo dục suốt đời có chất lượng cho tất cả mọi người là một quyền cơ bản của con người.

Trên cơ sở những tham chiếu trên, đặc biệt chú ý đến tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với nước ta, cùng với giả định rằng giáo dục Việt Nam2030 đã đạt được mục đích là hình thành hệ thống giáo dục số, mở, linh hoạt và liên thông thì có thể phát biểu về tầm nhìn GDVN 2045 như sau: Đến năm 2045, xã hội Việt Nam thực sự là xã hội học tập, trong đó hệ thống giáo dục quốc dân đóng vai trò nòng cốt trongmột hệ sinh thái giáo dục kiên cường, xanh, số và mở, đáp ứng nhu cầu HTSĐ có chất lượng cho mọi người, góp phần tích cực vào việc đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, định hướng XHCN.

5. Kết luận

Trả lời câu hỏi về các tương lai của giáo dục là một bài toán khó, thường có nhiều đáp án do cách tiếp cận khác nhau và đánh giá khác nhau về các yếu tố tác động lên quỹ đạo chuyển động của giáo dục. Xác định một tương lai mong muốn của giáo dục lại càng khó bởi không phải chỉ cần một sự phân tích thấu đáo về các kịch bản khả dĩ mà còn cần sự trao đổi và tranh luận rộng rãi để đi tới đồng thuận.

Dù vậy, việc xác định một tương lai mong muốn của giáo dục là điều không thể thoái thác trong xây dựng chiến lược phát triển giáo dục. Mục đích của bài viết này chính là muốn thử nhận dạng GDVN trong 10, thậm chí 25 năm tới, trên cơ sở vận dụng một số tham chiếu cần thiết thường được sử dụng trong việc làm này.

Dĩ nhiên, những đề xuất trong bài viết này còn thiếu độ tin cậy cần thiết bởi lẽ mới chỉ chủ yếu dựa trên suy luận ít nhiều mang tính cá nhân. Vì thế, bài viết này chỉ giới hạn ở một mong muốn là khơi gợi được, thúc đẩy được sự quan tâm của các nhà khoa học đến việc trao đổi, tranh luận, làm rõ tầm nhìn về GDVN tại thời điểm của hai cột mốc quan trọng là năm 2030 và 2045khi mà tầm nhìn về sự phát triển của đất nước vào hai thời điểm này đã được chỉ ra trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2021-2030.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Atsushi Deguchi và cộng sự. 2020. What Is Society 5.0?Springer Link

Kiky Sondh. 2021. In the 5th Industrial Revolution, creativity must meet technology. http://blog.oxfordeconomics.com/world-post-covid/in-the-5th-industrial-revolution-creativity-must-meet-technology

Lê Anh Vinh. 2021. Nghiên cứu xây dựng khung chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Báo cáo tổng kết tại nghiệm thu cơ sở ngày 28/12/2021.

MEXT. 2018. The Third Basic Plan for the Promotion of Education. https://www.mext.go.jp/en/policy/education/lawandplan/title01/detail01/1373799.html

Nerdy Mates. 2020. Glimpse at How Education Will Possibly Look Like in 2050. https://nerdymates.com/blog/education-future

OECD. 2018. OECD Future of Education and Skills 2030. The future we want. OECD Publishing.

OECD. 2019. OECD Future of Education and Skills 2030. OECD Learning Compass 2030. OECD Publishing.

PwC. 2017. The World in 2050. The Long View: How will the global economic order change by 2050?https://www.pwc.com/gx/en/research-insights/economy/the-world-in-2050.html#downloads

Richter, F. J. 2020. Once Again Humans Become Central in the Fifth Industrial Revolution. https://horasis.org/once-again-humans-become-central-in-the-fifth-industrial-revolution/

TWI2050 – The World in 2050. 2022. Innovations for Sustainability. Pathways to an efficient and post-pandemic future. Report prepared by The World in 2050 initiative. International Institute for Applied Systems Analysis (IIASA), Laxenburg, Austria. www.twi2050.org

UNESCO. 2021. Reimagining our futures together. A new social contract for education. Paris: UNESCO

UNESCO IESALC. 2021. Thinking Higher and Beyond: Perspectives on the Futures of Higher Education to 2050. Paris: UNESCO

Yiming Zhu. 2019. New National Initiatives of Modernizing Education in China. ECNU Review of Education 2019, Vol. 2(3) 353–362

World Economic Forum. 2015. New vision for education. Unlocking the potential of technology. Cologny/Geneva: World Economic Forum

World Economic Forum. 2017.  White paper. Realizing human potential in the 4th Industrial Revolution. Cologny/Geneva: World Economic Forum

World Education Forum. 2015. Incheon Declaration. Education 2030: Towards inclusive and equitable quality education and lifelong learning for all

Ban TT&SV