Nhà kỹ thuật có tư duy kinh doanh mới là mô hình kết hợp tối ưu – PGS TS Nguyễn Thường Lạng
PGS. TS Nguyễn Thường Lạng – giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
VietTimes – Thương trường với giới trẻ là những thách thức cùng cơ hội. PGS TS Nguyễn Thường Lạng – giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – đã có những tâm sự về vấn đề này với VietTimes.
PV: Kinh doanh về cơ bản là một công việc không dễ và không phải ai cũng làm được. Liệu rằng các chủ doanh nghiệp hay kể cả những người làm thuê ở vị trí kinh doanh có cần yếu tố năng khiếu hay không?
PGS TS Nguyễn Thường Lạng: Tố chất hay năng khiếu đều rất cần thiết, kể cả trong kinh doanh. Nếu sinh viên chịu khó rèn luyện và có nghị lực, khát vọng thì vẫn có thể đạt mục tiêu. Như Bác Hồ từng nói “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” và điều đó luôn đúng, nhất là trong kinh doanh.
Khát vọng thành doanh gia hay các ông chủ là khát vọng cao đẹp nếu được các bạn sinh viên tự hình thành và phấn đấu sẽ quyết định sự thành công. Môi trường hỗ trợ sẽ thúc đẩy cho khát vọng nhanh hiện thực hoá.
PV: Vậy ông nghĩ gì về những sinh viên đã từng có “thành tích” trốn học để đi buôn?
PGS TS Nguyễn Thường Lạng: Không thiếu những trường hợp sinh viên từng trốn học để làm thêm nhiều ngành nghề, trong đó có cả kinh doanh. Đó là sự thể hiện tố chất kinh doanh và khả năng “lăn xả” hay dấn thân vào thương trường, biết coi trọng giá trị và nắm bắt cơ hội. Đây là sự lựa chọn quan trọng và sinh viên đã biết đánh đổi là sự dũng cảm trong thương trường. Sinh viên có thể quản lý thời gian phù hợp để giá trị thu được cao nhất. Bỏ học phần này nhưng học thêm phần khác và học từ môi trường thực tế là rất quan trọng.
Không chỉ có ngồi lớp mới học bài hiệu quả và không học theo thời khoá biểu là hoàn toàn không có cơ hội đề hiểu biết kiến thức phần đó. Mạng thông tin đang là chỗ dựa cho các phương thức học của thời đại mới: học mọi lúc, mọi nơi và mọi thứ. Tính năng động, sáng tạo, linh hoạt và chịu khó sẽ giúp các bạn sinh viên vượt mọi khó khăn trong học tập kiểu truyền thống.
PV: Có một thực tế với không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp của nước ngoài là họ thích tuyển dụng những nhà kỹ thuật cứng cựa có năng lực kinh doanh. Ông nghĩ gì về thực tế này?
PGS TS Nguyễn Thường Lạng: Tư duy kỹ thuật đòi hỏi tính tin cậy và chắc chắn của quyết định, tính mạch lạc của tư duy. Đó là cốt lõi của kiến thức. Còn tố chất kinh doanh là khả năng quy đổi kiến thức, nguồn lực thành giá trị tối đa và tối ưu.
PV: Hiện nay, chúng ta đang nói và kỳ vọng nhiều về khởi nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của khởi nghiệp thường là rất thấp. Theo ông, cần phải có những chính sách gì để giảm thiểu tỷ lệ thất bại với những người muốn khởi nghiệp?
PGS TS Nguyễn Thường Lạng: Hoạt động khỏi nghiệp thường rủi rõ rất lớn với tỷ lệ thất bại rất cao. Thanh niên nếu thiếu khát vọng, thiếu đam mê và thiếu tự tin đều không vượt qua được “thung lũng chết”.
Do đó, để khắc phục tình trạng này hệ sinh thái khởi nghiệp cần điều chỉnh theo hướng giảm rủi ro, tăng khả năng phân tán rủi ro và tăng độ can đảm, dấn thân và tự tin của thanh niên. Đội ngũ chuyên gia cần tích cực hỗ trợ và cần có động viên của gia đình, bạn bè, hỗ trợ xã hội, dẫn dắt của doanh nghiêp.
Công tác thông tin tuyên truyền cần hướng vào giới trẻ và bồi dưỡng khát vọng và ước mơ tự phát triển lúc còn học phổ thông là rất quan trọng. Phương thức tuyên truyền cần thực tế và thuận lợi hơn, hấp dẫn hơn. Cơ chế khuyến khích cần hiệu quả hơn và sự động viên nhiều phía cần được khai thác.
Cũng cần nói thêm là chúng ta đừng nên hiểu khởi nghiệp là “khởi sự doanh nghiệp” vì không phải ai cũng có đủ năng lực để trở thành “ông chủ”. Giới trẻ cần ý thức rõ ràng về vấn đề này và số đông cần làm thế nào để luôn ở trạng thái “sẵn sàng” trong những công việc ở mọi vị trí mà các nhà tuyển dụng đang có nhu cầu.
PV: Xin cám ơn ông!