Ngày đầu xuân, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng có đôi điều gửi gắm ngành giáo dục

Ngày 02/02/2022

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam

GDVN- Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng kỳ vọng nước ta sớm có một nền giáo dục chất lượng và hiệu quả cao, hơn hẳn so với hiện nay.

Nhân dịp Tết Nguyên đán, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để lắng nghe dự kiến của Hiệp hội cũng như kỳ vọng của ông về giáo dục trong năm Nhâm Dần 2022.


Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2021 và yêu cầu mới của năm học 2021 – 2022, xin ông cho biết kế hoạch về hoạt động tư vấn, đóng góp ý kiến của Hiệp hội trong năm 2022 sẽ có những nội dung nào?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tháng 12/2021, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 2, nhiệm kỳ II đã thông qua Chương trình hoạt động của Hiệp hội trong năm 2022.

Đối với nội dung tư vấn, Hiệp hội sẽ tiếp tục đề xuất một số giải pháp đổi mới giáo dục đào tạo với các cơ quan lãnh đạo và quản lý nhà nước có liên quan, trên cơ sở trao đổi, thảo luận tại các hội thảo, tọa đàm.

Thứ nhất, Hiệp hội tiếp tục tổ chức các tọa đàm trao đổi, chuẩn bị ý kiến đóng góp cho dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục đại học. Trong đó có các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và giải pháp để thực hiện chiến lược, tự chủ đại học, đổi mới quản lý giáo dục đại học.

Cụ thể có một số nội dung: Xóa bỏ cơ chế và cơ quan chủ quản trong tự chủ đại học; Hội đồng trường có quyền lực thực sự;Nhìn nhận toàn diện về kết quả thực hiện thí điểm về tự chủ đại học; Rà soát, tổng hợp các vướng mắc, hạn chế của hành lang pháp lý hiện tại, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung; Đề nghị soạn thảo và ban hành Nghị định riêng đối với các trường đại học đã thực hiện tự chủ; Đề nghị Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn vai trò của của Đảng bộ, chi bộ trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức cán bộ tại các trường tự chủ.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu đề xuất thực hiện thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo; kiến nghị đưa khối cao đẳng trở lại với bậc giáo dục đại học.

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu để đóng góp ý kiến vào việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở sư phạm đào tạo giáo viên các bậc học.

Thứ tư, nghiên cứu đề xuất và kiến nghị việc định hướng và giải pháp cụ thể để củng cố duy trì phát triển cho một số trường đại học đang gặp khó khăn và một số trường cao đẳng sư phạm thuộc địa phương quản lý.

Thứ năm, tham gia nghiên cứu Đề án thành lập trường đại học không vì lợi nhuận ở cả 3 miền và nghiên cứu đề xuất chủ trương chuyển đổi một số trường công lập đang gặp khó khăn về tuyển sinh sang trường hoạt động không vì lợi nhuận.

Những năm tới là giai đoạn bản lề, có ý nghĩa quyết định và kỳ vọng trả lời cho câu hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao của nước ta liệu có đủ sức để vươn lên, nắm bắt được cơ hội đưa Việt Nam trở thành con rồng, con hổ trong khu vực và thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào thành công của giáo dục đại học. Theo ông, hệ thống giáo dục đại học phải chuyển biến như thế nào để đáp ứng yêu cầu vừa nêu?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Cần phấn đấu tăng thêm tỷ lệ lao động có trình độ đại học trong tổng số lao động xã hội. Nước ta hiện nay tỉ lệ này mới khoảng 12-15%, trong khi ở các nước phát triển đạt khoảng 35%. Đây là tiêu chí đầu tiên của một nước công nghiệp phát triển. Nước ta không thể nào trở thành một nước công nghiệp phát triển nếu tỷ lệ lao động như hiện nay.

Trong vòng 25 năm tới ít ra tỉ lệ này cũng cần được nâng lên gấp đôi, sau đó sẽ tiếp tục hơn nữa. Muốn vậy, quy mô phát triển của giáo dục đại học sẽ tăng gấp bội so với hiện nay.

Đừng lấy cớ “thừa thầy thiếu thợ” để hạn chế giáo dục đại học. Tất nhiên là cần tính toán cơ cấu ngành trong đào tạo để không bị vừa thừa vừa thiếu. Đừng nghĩ đây chỉ là nói về số lượng. Không phải thế đâu, vì tỷ lệ đại học trong cơ cấu lao động xã hội còn thể hiện chất lượng quan trọng của nguồn nhân lực đấy. Như thế là vừa phải mở rộng hơn quy mô đào tạo của các trường, vừa phải có thêm không ít các trường đại học nữa. Vấn đề đáng lưu ý là kiểm soát chất lượng đầu ra, chứ đừng nghĩ nhiều trường thì đồng nghĩa với chất lượng kém.

Hai là, khi tăng quy mô đào tạo đại học thì ngân sách nhà nước không đủ sức? Hoàn toàn đúng như thế. Chưa tăng quy mô, mới chỉ như hiện nay, mà đã rất khó khăn rồi. Tỷ lệ đầu tư cho giáo dục đại học so với GDP ở Việt Nam hiện nay chỉ bằng 1/2 đến 1/7 so với các nước, đầu tư cho một sinh viên chỉ bằng ½ đến 1/5 các nước. Rất khó có chất lượng cao với giá rẻ. Vậy mà tăng gấp bội số lượng sinh viên thì ngân sách nhà nước làm sao chịu nổi?

Cho nên tất yếu phải đẩy mạnh tiếp tục xã hội hóa để cho nhân dân đầu tư là chính và thu hút các nguồn đầu tư quốc tế nữa. Và đó cũng là xu hướng phù hợp còn ngân sách nhà nước chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định. Tiềm lực chung của cả xã hội sẽ lớn hơn nhiều so với tiềm lực của nhà nước. Cơ cấu các loại trường nên điều chỉnh phù hợp với tình hình đó. Số trường công lập do nhà nước trực tiếp đầu tư chỉ có thể (và nên như vậy) chiếm một tỷ lệ ít, còn các loại trường ngoài công lập chiếm tỷ lệ nhiều hơn.

Tại nhiều nước phát triển, tỷ lệ ngoài công lập chiếm khoảng 70% số sinh viên hoặc hơn thế nữa, còn công lập chỉ có 30%. Nước ta hiện nay ngoài công lập là 18%, còn công lập đến 82%. Tăng mạnh số trường và số sinh viên ngoài công lập là một tất yếu khách quan không thể khác.

Các trường mới thành lập nói chung nên là trường ngoài công lập, còn không lập thêm trường mới công lập nữa. Đồng thời các trường công lập đã có nếu khó khăn quá, không phát huy được hiệu quả thì cũng không nên giải thể (vì trước sau cũng cần phải có thêm trường), nói chung cũng không sáp nhập (vì đó không phải là lối ra), mà nên chuyển sang trường ngoài công lập không vì lợi nhuận bằng cách cho thực hiện hợp tác công tư trong hoạt động và phát triển trường.

Ba là, trong loại trường ngoài công lập nên ưu tiên khuyến khích nhất đối với loại trường không vì lợi nhuận. Đây sẽ là loại hình rất triển vọng đối với tương lai của giáo dục đại học ở Việt Nam. Hiện nay tại Anh, Mỹ loại trường này phát triển mạnh và tốt. Trong tốp 100 trường đứng đầu thế giới (theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế) thì đa số là loại trường không vì lợi nhuận, nhất là các trường của Mỹ. Ở Mỹ, trong số 20 trường đứng đầu nước Mỹ thì có đến 19 trường là không vì lợi nhuận, chỉ có một trường là công lập được xếp thứ 20 và không có trường nào là trường tư thục (có lợi nhuận).

Các trường đại học nổi tiếng bậc nhất thế giới như Harvard, MIT, Stanford…là các trường không vì lợi nhuận. Thực tế đó đã chứng minh loại hình trường không vì lợi nhuận có mặt mạnh và hiệu quả nhất. So với các trường công lập thì trường không vì lợi nhuận có lợi thế về cơ chế tự chủ. So với các trường tư thục (có lợi nhuận) thì trường không vì lợi nhuận có lợi thế hơn về mục đích mục tiêu hoạt động. Trường không vì lợi nhuận tập trung cho một mục tiêu là chất lượng đào tạo và phát triển nhà trường, không bị chi phối bởi sức ép của việc phân chia lợi nhuận cho các cổ đông.

Ở Việt Nam nói chung là chưa có trường không vì lợi nhuận, trừ trường Đại học Fulbright Việt Nam mới thành lập ít năm nay theo sự thỏa thuận hợp tác giữa nguyên thủ hai nước Việt – Mỹ đang phát triển tốt.

Cũng có ý kiến cho rằng, trường không vì lợi nhuận do không chia lợi nhuận cho người góp vốn, (mà lợi nhuận nếu có thì để hết 100% cho phát triển trường), nên không huy động được tiền đầu tư như trường tư thục có lợi nhuận, dẫn đến hạn chế đầu tư vào giáo dục. Ý kiến đó cũng có một phần đúng với thực tế của Việt Nam cho đến hôm nay.

Nhưng mặt khác cũng phải thấy rằng tương lai sẽ khác. Trong xã hội và kể cả các quỹ đầu tư quốc tế có những nguồn vốn dành cho giáo dục chỉ đầu tư vào loại trường ngoài công lập không vì lợi nhuận. Nhà đầu tư không muốn đầu tư vào trường công vì có cảm giác giống như đi nộp thêm thuế cho nhà nước, cũng không muốn đầu tư vào trường tư để người khác chia nhau lợi nhuận. Còn ai muốn đầu tư có lợi nhuận thì cứ tiếp tục đầu tư vào trường tư thục có chia lợi nhuận chứ có ai ngăn cản hạn chế gì đâu.

Lâu nay có nhiều ý kiến nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi nên xử lý thế nào về mối quan hệ giữa giáo dục và thị trường trong định hướng xã hội chủ nghĩa? Thảo luận mãi và cuối cùng nêu ra một ý khả dĩ hơn rằng, sử dụng cơ chế thị trường để thúc đẩy phát triển dịch vụ giáo dục nhưng không thị trường hóa giáo dục. Nói lý thuyết thì nghe cũng được, tạm thời đồng ý như vậy, nhưng vẫn rất trừu tượng. Nay nghiên cứu kỹ mô hình trường không vì lợi nhuận của các nước, tôi thấy mô hình cụ thể này đã giúp ta có một câu trả lời tốt cho câu hỏi đó. Bản chất của mô hình không vì lợi nhuận rất phù hợp với tính chất xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, cần phát triển cho được một số trường có chất lượng cao đẳng cấp quốc tế (tốp 100-200 của thế giới). Việc này sẽ thúc đẩy nâng cao chất lượng đại học và xây dựng thương hiệu quốc gia. Lãnh đạo Chính phủ của nước ta nhiều nhiệm kỳ đã quan tâm theo đuổi mục tiêu này, đã đầu tư khá nhiều tiền vào các trường Việt Đức, Việt Pháp, Việt Nhật và một số trường khác, đó là chưa kể các đầu tư thường xuyên vào các đại học quốc gia và đại học vùng, nhưng đến nay vẫn chưa thành công, chưa có trường nào lọt được vào tốp cao của thế giới.

Trong khi Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân nhờ cơ chế tự chủ, dám và biết đổi mới, mà phát triển lên, lọt vào tốp 400-500 của thế giới mặc dù nhà nước không phải đầu tư nhiều. Tất nhiên 2 trường này vẫn phải cố gắng liên tục, phát huy dân chủ nội bộ, khiêm tốn cầu thị lắng nghe dư luận của báo chí và xã hội, tự kiểm tra chấn chỉnh các sai sót, củng cố và nâng cao thêm nhiều nữa (chú ý đánh giá thực chất về sự tiến bộ trong hợp tác nghiên cứu khoa học đến đâu).

Qua thực tế cho thấy, hoàn toàn không phải cứ đầu tư nhiều tiền vào thì có đại học đẳng cấp cao, mà quan trọng có tính quyết định chính là cơ chế tự chủ, năng lực quản trị và tầm tư duy của lãnh đạo chủ chốt nhà trường. Nhà nước giúp chủ yếu bằng cách tạo cơ chế và môi trường, hỗ trợ kỹ thuật về chất xám, kinh nghiệm và đào tạo cán bộ quản trị.

Năm là, tự chủ đại học là một giải pháp lớn, rất quan trọng, có ý nghĩa đột phá để đại học Việt Nam trưởng thành. Chưa có tự chủ chưa phải là đại học đủ trưởng thành. Thế giới đã thực hiện điều này từ rất lâu.

Nước ta đã có chủ trương của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, đã có các nghị quyết, luật và các văn bản pháp lý dưới luật. Đó là một bước tiến đáng kể về tư duy quản trị so với những thập niên trước đây. Nhưng rất tiếc là đến nay việc thực hiện tự chủ vẫn rất gian khó, chỉ mới một số trường được thực hiện thí điểm tự chủ, chưa được tổng kết một cách nghiêm túc, cách làm thì nửa vời, vừa tự chủ vừa không được tự chủ, vừa nói cơ chế tự chủ vừa thực hiện cơ chế chủ quản, trong khi hai loại cơ chế đó rất khác nhau.

Bản chất cơ chế chủ quản có nguồn gốc từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung mà nước ta đã bắt đầu từ bỏ hơn ba mươi năm trước, nay đã lạc hậu và cản trở, nhưng trong giáo dục đại học mãi vẫn chưa bỏ được, nó có nguyên nhân từ nhận thức và từ lợi ích cục bộ nữa. Sở dĩ việc này khó là vì nó liên quan đến phân chia quyền lực, ai cũng muốn nắm quyền và giữ cửa.

Nếu không kiên quyết thực hiện tự chủ thì một chủ trương đúng và tốt sẽ bị phá sản và quản trị đại học vẫn lúng túng không có đường ra, không giải quyết được vấn đề chất lượng và động lực phát triển.

Sáu là, loài người đang tiến nhanh vào nền văn minh mới của kỷ nguyên thông tin và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin, kết nối và số hóa; Dữ liệu mở, Giáo dục mở, Tài nguyên Giáo dục mở và Khoa học mở là một xu thế tất yếu và có lợi, giúp cho các cơ sở giáo dục đào tạo, giảng viên và sinh viên có thể sử dụng nguồn tài nguyên thông tin của thế giới để thực hiện quá trình đào tạo và tự đào tạo. Giáo dục đại học Việt Nam cần tranh thủ cơ hội này để phát triển.

Thông tin là nguồn tài nguyên vô tận, không cạn kiệt và liên tục bổ sung. Đó là nguồn tài nguyên lớn nhất và giá trị nhất đối với sự phát triển của con người và đất nước. Nhà nước cần tạo điều kiện về hạ tầng, cấp phép mở và nâng cao trình độ quản lý vĩ mô để thúc đẩy phát triển lành mạnh và bền vững. Cùng với xu thế đó, việc hợp tác đào tạo với các trường chất lượng cao của nước ngoài cũng là một giải pháp tốt.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu giáo dục phải “học thật, thi thật, nhân tài thật.” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã khẳng định ngành giáo dục và đào tạo sẽ có giải pháp cụ thể cho vấn đề này. Vậy, theo ông, ngành giáo dục cần rốt ráo hơn như thế nào để các giải pháp nhanh chóng được triển khai?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Trong đó quan trọng nhất là học thật. Trước tiên đó cũng là tính trung thực-cái quan trọng nhất của nhân cách. Có trung thực sẽ có tự trọng. Có tự trọng thì sẽ không giả dối và biết tự xấu hổ. Động cơ học tập sẽ đúng đắn. Hạn chế bệnh hình thức, bệnh thành tích và tính cơ hội. Để thực hiện yêu cầu đó ngành giáo dục phải tích cực chuẩn bị về nhận thức và cơ chế quản lý để thực hiện học thật.

Năm mới đã đến, qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông có nhắn nhủ gì tới lãnh đạo ngành giáo dục, thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tôi xin chúc các anh, chị lãnh đạo ngành giáo dục có nhiều sức khỏe, an lành và thành công trong tích cực đổi mới để nước ta sớm có một nền giáo dục chất lượng và hiệu quả cao, hơn hẳn so với hiện nay.

Trân trọng cảm ơn và chúc sức khỏe Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng!

Thùy Linh
Ban TT&SV